Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2007

Việt Nam: Các nhà tài trợ kêu gọi cải thiện nhân quyền

06/12/2007_ Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ ngày hôm nay tại Hà Nội, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam , ông Ajay Chhibber đã ca ngợi những thành quả của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói và cho đây là là một tấm gương cho nhiều nước đang phát triển .

Nhưng ông Chhibber nhấn mạnh rằng nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010, Việt Nam không chỉ cần cải tổ thương mại mà còn phải cải tổ các thể chế khác. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới nhắc lại rằng trong khu vực châu Á, nhiều nước dẫm chân tại chỗ khi đã là các quốc gia có thu nhập trung bình, lý do là vì thể chế của họ quá yếu kém, kể cả khi kinh tế phát triển. Theo lời ông Chhibber, Việt Nam phải bảo đảm đáp ứng được những nhu cầu về cơ sở hạ tầng, nhưng cũng phải đầu tư phát triển cái mà ông gọi là ''cơ sở hạ tầng mềm'', tức là phải xây dựng những định chế vững chắc, với những cơ chế rõ ràng về trách nhiệm và minh bạch. Quản lý tốt và chống tham nhũng phải là nhiệm vụ hàng đầu; chế độ pháp trị và một xã hội dân sự năng động là những yếu tố quan trọng để thực hiện tiến trình này.

Trong buổi khai mạc hôm nay, nhiều nhà tài trợ khác cũng nhấn mạnh rằng, thành công kinh tế của Việt Nam có bền vững hay không là tùy thuộc vào việc củng cố chế độ pháp trị và bảo đảm các quyền tự do dân sự. Đối với phái đoàn Mỹ, ''thành quả kinh tế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi những hạn chế về các quyền tự do của công dân''. Theo họ, '' thái độ khoan dung hơn đối với những bất đồng chính kiến là yếu tố quan trọng để phát huy tối đa tiềm năng của Việt Nam''. Phái đoàn Hoa Kỳ cho rằng, bảo vệ đầy đủ nhân quyền và phát triển một xã hội dân sự sẽ mang lại những mối lợi cho Việt Nam nhờ việc toàn bộ các công dân tham gia vào đời sống kinh tế và chính trị của đất nước .

Tuy ca ngợi những thành quả cải tổ kinh tế của Việt Nam, nhưng một nhóm gồm 10 nước châu Âu cùng với Úc, New Zealand và Canada, nhân dịp này đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động chính trị bất bạo động, vì những người này chỉ hành xử các quyền tự do chính trị và dân sự của họ. Nhóm các quốc gia nói trên cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một Quốc hội có thực quyền, một ngành tư pháp vững mạnh, độc lập và một nền báo chí tự do, để bảo đảm không một ai đứng bên trên pháp luật và không bị giám sát.

Theo nhận định của hãng tin AFP, những lời kêu gọi của các nhà tài trợ được đưa ra trong bối cảnh mà nền kinh tế Việt Nam mở cửa ngày càng nhiều, nhưng nạn quan liêu tham nhũng ngày càng trầm trọng và Hà Nội vẫn chưa chấp nhận mở cửa chính trị. Đảng Cộng sản vẫn nắm độc quyền lãnh đạo, báo chí bị kiểm duyệt, nhiều nhà đối lập còn bị bắt giam trong năm nay.

Ngày 17 tháng 11 vừa qua, sáu nhà hoạt động dân chủ, trong đó có hai công dân Mỹ gốc Việt và một nhà báo Pháp gốc Việt đã bị bắt ở Sài Gòn và đang bị điều tra với tội danh khủng bố chỉ vì họ phân phát các truyền đơn và tài liệu cổ võ cho dân chủ của Đảng Việt Tân, mà Việt Nam xem là một tổ chức khủng bố. Vào tuần trước, hai luật sư và cũng là nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, tuy được giảm án mỗi người một năm tù, nhưng vẫn bị quy tội tuyên truyền chống Nhà nước, chiếu theo điều 88 Luật Hình sự, mặc dù các luật sư bào chữa đã chứng minh rằng điều 88 này là trái với quyền tự do ngôn luận đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Thanh Phương

(Ảnh: dvdvn.org)

Không có nhận xét nào: