Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2007

HỐ SƠ NGƯỜI NHẬT BỊ BẮT CÓC: Tokyo dịu giọng với Bình Nhưỡng

18/12/2007_ Trong thập niên 70 và 80, một số người Nhật Bản đã bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc để buộc họ dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật cho các gián điệp của chế độ Bình Nhưỡng. Cho tới gần đây, vào năm 2002 nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản thời ấy là Koizumi, Bắc Triều Tiên mới thừa nhận đã bắt giữ tổng cộng 13 công dân Nhật và sau đó đã thả ra năm người cùng với gia đình, để họ hồi hương. Theo Bình Nhưỡng, những người còn lại đã chết, nhưng Nhật Bản thì khẳng định là có đến 17 công dân của họ bị gián điệp của Bình Nhưỡng bắt cóc và vẫn tin rằng còn một số người bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên.

Vấn đề này cho đến nay vẫn cản trở việc bình thường hóa bang giao Tokyo - Bình Nhưỡng và bây giờ có nguy cơ gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ, vào lúc mà tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có vẻ như đang tiến triển rất thuận lợi. Điều làm cho Nhật Bản lo ngại nhất hiện nay là Hoa Kỳ sẽ rút tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Nếu vậy, Bình Nhưỡng sẽ nhận được tài trợ của các định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới. Vào đầu tháng 12, một uỷ ban của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ giữ tên của Bắc Triều Tiên trong danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Uỷ ban này cảnh báo báo rằng việc rút tên Bình Nhưỡng đi sẽ gây tổn hại quan hệ Mỹ-Nhật.

Thế nhưng, nhận thấy rằng tình hình trong khu vực đã thay đổi, nhất là vì Bình nhưỡng đã có thái độ mềm dẻo hơn trên vấn đề hạt nhân, cho nên Nhật Bản bây giờ bắt đầu dịu giọng hơn đối với Bắc Triều Tiên vì sợ sẽ bị cô lập. Hơn nữa, cùng với năm tháng, sự quan tâm của công luận Nhật Bản đối với vấn đề những người bị bắt cóc cũng dần dần giảm đi. Theo lời giáo Masao Okonogi, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc trường đại học Keio, đối với nhiều người, vụ này đã kéo dài quá lâu mà chẳng giải quyết được gì. Đa số dân Nhật nay cũng không còn cảm thấy bị Bắc Triều Tiên đe doạ nữa. Về phần bà Kyoko Nakayama, cố vấn đặc biệt của thủ tướng Fukuda về vấn đề những người mất tích, thì cho rằng nếu Hoa Kỳ rút tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố thì đây cũng có thể là một cơ hội để Tokyo cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Nhật Bản, Masahiko Komura gần đây cũng tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ hưởng lợi từ một hiệp định hòa bình với Nhật Bản, vì lúc đó Tokyo sẽ bồi thường cho thời kỳ Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ. Nói chung, các nhà quan sát nhận thấy là thái độ của thủ tướng Fukuda hoà dịu hơn so với người tiền nhiệm Shinzo Abe, vốn có xu hướng rất bảo thủ. Trước đây, chính phủ của ông Abe đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên và vẫn từ chối đóng góp viện trợ cho thỏa thuận về hạt nhân trong khuôn khổ đàm phán sáu bên. Còn bây giờ, thủ tướng Fukuda muốn đưa Nhật Bản trở lại tham gia thật sự vào đàm phán sáu bên.

Theo nhận định của giáo sư Okogoni, lập trường của thủ tướng Fukuda hiện nay là nếu Nhật Bản không giành ưu tiên cho việc bình thường hoá bang giao với Bắc Triều Tiên thì vấn đề những người bị bắt cóc sẽ không bao giờ được giải quyết.
Thanh Phương
(Ảnh : www.reachdc.net: Kim Jong Il và Junichiro Koizumi trong chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên của thủ tướng Nhật Bản, năm 2002)

Không có nhận xét nào: