Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2007

Áp dụng Nghị định thư Kyoto: "Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết"

11/12/2007_ Thái độ miễn cưỡng của Hoa kỳ và Trung quốc trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn là cản lực chủ yếu trên con đường thực hiện Nghị định thư Kyoto.

Tại Hội nghị Bali, Indonesia, một bước tiến đáng chú ý vừa được ghi nhận khuya hôm 10/12/2007 trong nỗ lực của toàn thế giới nhằm khắc phục hậu quả của đà hâm nóng khí quyển. Đó là đồng thuận trong việc quản lý Quỹ Thích Nghi, dùng tiền do các nước giầu đóng góp để chi cho các chương trình giúp các nước nghèo giảm bớt tác hại của thiên tai bắt nguồn từ các biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bước tiến đạt được vào đúng lúc Nghị định thư Kyoto tròn 10 tuổi đã không che giấu được các khó khăn chồng chất trong việc thực hiện Công ước từng được xem là công cụ duy nhất khả dĩ ngăn chặn được thảm hoạ đối với hành tinh. Nguồn gốc dẫn đến các khó khăn này chính là thái độ miễn cưỡng của khá nhiều nước thuộc diện gây ô nhiễm nặng nề nhất, nhưng lại không chịu hy sinh lợi ích kinh tế của mình để tham gia vào cố gắng chung.

Thật vậy, Nghị định thư ký kết ngày 11/12/1997 tại thành phố Kyoto, Nhật Bản, đã công nhận nguyên nhân làm cho khí hậu trái đất gia tăng chính là khối lượng khí gây hiệu ứng nhà kính to lớn, đặc biệt là khí CO2 mà các hoạt động sản xuất của con người thải ra. Đứng đầu danh sách các quốc gia thải nhiều khí CO2 nhất là Hoa Kỳ, theo sau là Trung Quốc cùng với nhiều nước công nghiệp phát triển hay đang phát triển khác.

Nghị định thư Kyoto đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho 37 nước phát triển là phải bớt việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính, sao cho đến năm 2012 là phải giảm được 8 % so với mức của năm 1990.

Thế nhưng, Hoa Kỳ, nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới với 21,44 % lượng khí thải ra, đã bác bỏ nghị định thư Kyoto, trong lúc Trung Quốc, đứng thứ hai, với 18,8 %, thì được miễn, nhờ được coi là một nước đang phát triển.

Vấn đề là cả hai quốc gia này đều dậm chân tại chỗ, viện cớ rằng nước kia không nỗ lực, trong khi họ là tác nhân chủ chốt của việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Hoa Kỳ thì từ chối mọi chỉ tiêu cắt giảm và biện minh rằng việc này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh các nước đang vươn lên như Trung Quốc, Ấn Độ… lại được miễn trừ áp dụng các chỉ tiêu.

Về phần mình, Trung Quốc cũng không thiết tha trong việc quàng vào mình những chỉ tiêu giảm bớt việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính, với lý do là chính các nước công nghiệp phát triển có trách nhiệm phải giảm việc thải khí vì họ là thủ phạm làm cho khí hậu trái đất bị hâm nóng.

Thái độ của cả hai nước trên đã thúc đẩy nhiều nước khác noi theo, khiến cho chỉ tiêu do Nghị định thư Kyoto đề ra khó được hoàn thành, cho dù chỉ tiêu 8 % rất khiêm tốn.

Sau các lời báo động liên tiếp của giới khoa học về thảm họa đối với hành tinh nếu không nhanh chóng đối phó với sự biến đổi khí hậu, lần này tại Bali, Liên Hiệp Quốc hy vọng là cộng đồng quốc tế không những cam kết tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu giảm thải khí quy định trong Nghị định thư Kyoto, mà lại còn nâng cao các chỉ tiêu này cho giai đoạn sau năm 2012. Những diễn biến trong mấy ngày qua tại Bali đang khiến giới phân tích bi quan. Cho đến ngày 10/12/2007, với hậu thuẫn của Canada và Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn tuyên bố từ chối các chỉ tiêu cụ thể mang tính ràng buộc. Còn Trung Quốc thì tiếp tục nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia công nghiệp.

« Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết ». Trong lúc hai nước gây ô nhiễm hàng đầu giằng co với nhau thì các nước nghèo trên thế giới vẫn đang phải tiếp tục gánh chịu hậu quả của những việc không phải do họ làm ra. Báo cáo của tổ chức Germanwatch công bố ngày 11/12/2007 ghi nhận : Trong năm 2006, 80% nạn nhân của các thảm họa khí hậu là ngưòi dân tại các nước nghèo trên thế giới.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : http://www.greenpeace.org )

Không có nhận xét nào: