Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2007

Châu Á : Nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu

05/12/2007_ Từ đây đến năm 2070, ít nhất 150 triệu người sống tại các thành phố ven biển, chủ yếu ở châu Á, sẽ bị ngập lụt do mực nước biển dâng cao và do bão tố. Đó là báo động của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gọi tắt theo tiếng Pháp là OCDE, trong một công trình nghiên cứu vừa được công bố hôm qua.

Công trình nghiên cứu này dưạ trên giả thuyết của Nhóm Chuyên gia Liên chính phủ về Khí hậu, đó là đến năm 2070, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 50 cm. Nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao đó là do băng ở vùng Groenland và Nam cực tan nhanh, dưới tác động của hiện tượng khí hậu trái đất nóng lên. Điều đáng nói, theo các tác giả công trình nghiên cứu , đó là những thành phố đông dân nhất và bị đe doạ nhiều nhất bởi hiện tượng mực nước biển dâng cao, lại chính là những thành phố bị bão tố nhiều nhất.

Theo công trình nghiên cứu của OCDE, trong số 10 thành phố bị đe doạ nhiều nhất, có đến 9 thành phố là ở châu Á, đứng đầu là Calcutta và Bombay của Ấn Độ, kế đến là Dacca của Bangladesh, Quảng Đông, Trung Quốc, Sài Gòn, Thượng Hải, Bangkok và Rangun . Trong 10 thành phố này , chỉ có Miami ở bang Florida Hoa Kỳ, được xếp thứ 9. Nếu mở rộng danh sách lên 20 thành phố thì tính ra có đến 15 thành phố là nằm ở châu Á.

Riêng về Việt Nam, các chuyên gia sẽ không loại trừ khả năng là từ đây đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 1 mét, khiến nạn ngập lụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thêm trầm trọng. Theo bản báo cáo về phát triển con người 2007/2008 của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2 độ, thì 22 triệu người ở Việt Nam sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị phá hủy khi mực nước biển tiếp tục dâng cao.

Theo tính toán của của OCDE, mức thiệt hại tài chính do ngập lụt ở các thành phố nói trên có thể lên đến một con số khổng lồ là 25 ngàn tỷ đôla. Theo các tác giả công trình nghiên cứu, những thành phố lớn, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, cần phải cấp tốc đưa yếu tố biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển đô thị và quản lý rủi ro. Họ cũng nhấn mạnh đến những biện pháp bảo vệ mà các nước đang phát triển cần phải thi hành, theo gương những thành phố như Luân Đôn, Tokyo hay Amsterdam, mà hiện được bảo vệ rất tốt.

Nhưng nếu như những thành phố nói trên còn có cơ hội để tránh thảm họa ngập lụt, thì nhiều đảo nhỏ ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang bị nước biển nhấn chìm. Điển hình là trường hợp của quần đảo Carteret, nằm ở Papua New Guinea. Trên quần đảo này, đã có một đảo bị cắt làm đôi do mực nước biển dâng cao, khiến người dân ở đây phải tản cư sang vùng lãnh thổ chính của Papua New Guinean, trở thành những người mà kể từ nay được gọi là ''tỵ nạn khí hậu''. Cho dù các quốc gia họp hội nghị ở Bali về biến đổi khí hậu có đạt được một thỏa thuận mới về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính thì đã quá trễ rồi, những hòn đảo nói trên sớm muộn gì cũng sẽ bị xóa tên trên bản đồ. Người dân ở các đảo nhỏ vùng Thái Bình Dương bây giờ chỉ mong các đại biểu có mặt ở Bali có hành động để tránh bùng nổ số người ''tỵ nạn khí hậu '' .
Thanh Phương
(Ảnh : www.meteo-world.com)

Không có nhận xét nào: