Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2007

KOSOVO : Nhiều khả năng tự tuyên bố độc lập vào đầu 2008

12/12/2007_ Vòng đàm phán về tưong lai Kosovo kết thúc ngày 10 tháng 12 vừa qua không mang lại kết quả nào. Người Albani Kosovo vẫn đòi độc lập, trong khi phía Serbia chỉ đồng ý trao quyền tự trị rộng rãi cho một lãnh thổ mà theo họ phải thuộc chủ quyền của Beograd.

Trong tình thế này, việc Kosovo tự tuyên bố độc lập là điều gần như chắc chắn mai đây. Hiện nay Hoa Kỳ và Liên Hiệp châu Âu đã thuyết phục người Kosovo gốc Albani kiên nhẫn thêm vài tháng. Washington và Bruxelles đang chuẩn bị sẵn sàng công nhận nền độc lập của Kosovo vào mùa xuân 2008.

Nguyên nhân việc các nước Tây phương yêu cầu Kosovo tự kềm chế cho đến cuối tháng 2 năm sau, đó là Serbia sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào thời điểm đó. Việc tuyên bố độc lập cho Kosovo nếu chẳng may diễn ra trước cuộc bỏ phiếu này chỉ gây thêm căng thẳng trong công luận Serbia và có thể tạo lợi thế cho phe quá khích lên nắm chính quyền.

Từ đây tới đó, chỉ còn khoảng 3 tháng, một quãng thời gian ngắn ngủi mà Liên Hiệp châu Âu mong mỏi sẽ tận dụng để tìm được đồng thuận trong nội bộ 27 thành viên của khối này mà với cả Nga và đồng minh của họ là Serbia.

Xin nhắc lại là Kosovo nằm dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc kể từ 1999 cho tới nay. Người gốc Albani chiếm 90% trong tổng số hai triệu dân Kosovo. Còn cộng đồng người Serbia tại Kosovo chỉ còn vỏn vẹn 5% dân số sau khi hai trăm ngàn người Serbia đã buộc phải di tản khỏi lãnh thổ này trong thời kỳ hậu chiến.

Triển vọng Kosovo tuyên bố độc lập mà không nhận được sự đồng ý của nhà nước Serbia đang đặt nhiều nước thành viên của Liên Hiệp châu Âu trong một tình thế nan giải. Trong khối 27 quốc gia nói trên, có ít nhất 5 nước đang tỏ ra rất thận trọng, chưa tán thành giải pháp này. Síp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Rumani và Slovakia ngần ngại trong việc đơn phương công nhận quy chế mới của Kosovo, vì theo họ nền độc lập của Kosovo sẽ tác động dây chuyền và tạo ra một tiền lệ cho các dân tộc thiểu số ở châu Âu đòi ly khai.

Đối với các nước này, sự thiếu vắng một giải pháp thương lượng cho Kosovo mang nguy cơ tiềm tàng là đe dọa sự ổn dịnh cho toàn khu vực, tạo điều kiện cho nhiều sắc tộc đòi tách ra và thêm nhiều lãnh thổ bị chia cắt. Đây cũng chính là luận điểm của Maxcơva. Trong thực tế, rủi ro này là điều có thật, chẳng những đối với Bosnia-Herzégovina, mà ngay cả đối với hồ sơ người Basque của Tây Ban Nha. Chưa kể đến các điểm nóng khác như vùng Transnistrie tại Moldova, hay Tchetchnia của Nga, đó là các lãnh thổ có thể trong tương lai đặt cộng đồng quốc tế trước đòi hỏi phải công nhận quy chế độc lập cho mình.

Riêng đối với Serbia, nước đòi chủ quyền trên Kosovo, quy chế độc lập của lãnh thổ này là đìều không thể chấp nhận. Để xoa dịu Beograd, khối NATO đã cung cấp thỏa thuận thành lập đối tác, còn Liên Hiệp châu Âu chiêu dụ sẽ đẩy mạnh tiến trình thâu nạp Béograd làm thành viên, nếu để cho Kosovo giành độc lập. Tuy nhiên Beograd và Maxcơva cương quyết không thỏa hiệp.

Bởi vậy, điều cần thiết từ nay đến tháng 2 năm 2008 là tìm thời gian để giải tỏa bế tắc trên một hồ sơ mà giờ đây mọi người điều biết là không có một giải pháp toàn hảo.
Bảo Thạch
(Ảnh : www.fao.org )

Không có nhận xét nào: