Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

RENAUDOT 2007 : Nỗi buồn trường học - Chagrin d'Ecole

07/12/2007_Thanh Hà giới thiệu tác phẩm « Chagrin d’Ecole » - Nỗi buồn trường học - của Daniel Pennac, nhà xuất bản Gallimard, giải thưởng văn học Renaudot của Pháp 2007

Giải Renaudot, một trong những giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp năm nay đã về tay Daniel Pennac với tác phẩm Chagrin d'Ecole, Nỗi buồn trường học. Chagrin d'Ecole kể lại câu chuyện của một cậu học trò dốt, của một ông vua zéro trong môn chính tả, hóa thân thành một trong những cây bút vững chắc nhất của làng văn học Pháp trong 20 năm trở lại đây. Cậu bé 14 tuổi, Daniel Pennacchioni, tên thật của tác giả, đã một lần viết thư van xin mẹ cho thôi học để đi lính, đâu có thể ngờ chưa đầy 10 năm sau, chính anh lại đứng trên bục giảng. Daniel Pennacchioni khi đó đã chọn cái nghề gõ đầu trẻ đâu đó như để đền đáp lại ân tình của bốn thầy cô giáo đã giúp cái thằng học trò luôn đội sổ nên người.

Ngoài sáu 60 tuổi đầu, nay là một ông giáo đã nghỉ hưu, Daniel Pennac mới gom nhặt lại trong ký ức những hình ảnh của những ngày còn cắp sách đến trường : Đó là hình ảnh của một cậu bé ham chơi, vui vẻ với mọi người, biết vâng lời cha mẹ. Chỉ khổ nỗi, khi cầm đến quyển sách thì đứa trẻ ấy chỉ còn là một tên đãng trí, học trước quên sau. Nó không hiểu một tý gì về văn phạm, cũng chẳng giỏi gì hơn trước các bài toán cộng trừ sơ đẳng nhất ngay từ lớp vỡ lòng. Càng mài ghế nhà trường, nó lại càng lạc lõng trong khu rừng rậm của kiến thức. Trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi thơ, thằng bé lại luôn gùi trên lưng túi hành trang nặng ngàn cân. Daniel Pennac mổ xẻ tâm lý của thằng học dốt :

Những đứa học trò bị nhà trường coi là không có tương lai, chẳng bao giờ đến lớp một mình. Chúng tựa như những củ hành tây với nhiều lớp áo. Lớp thì dành cho cái tâm trạng buồn bã, chán chường ; lớp thì đã được dành cho nổi sợ hãi của một đứa thiếu tự tin. Bên cạnh đó là sự phẫn nộ trước cái ngu dốt của chính mình, là niềm tuyệt vọng, vì một quá khứ chẳng chút vẻ vang, vì một cái hiện tại mơ hồ, vì một ngày mai không lối thóat (…) Hành trang đó càng thêm nặng khi đứa trẻ phải mang theo cả nỗi tuyệt vọng của gia đình. Muốn cho đứa trẻ đó tiếp thu được bài học thì bạn phải kiên nhẫn, đợi nó trút được ngần ấy gánh nặng qua một bên, cởi hết các lớp áo mặc cảm để tâm hồn thảnh thơi và nhập cuộc với thầy, với bạn, với kiến thức. (trang 70)

Trong cái nhìn của tác giả, đấy là nổi khổ của đứa học mãi không vào. Điều tối kỵ đối với một nhà giáo là lại trút thêm ẩn ức của mình lên đứa học trò dốt đó, với lý do nó thể hiện sự bất lực và thất bại của người đứng trên bục giảng.

Trả lời phỏng vấn của đài RFI, tác giả cuốn Chagrin d'Ecole, Nỗi buồn trường học, giải thích động cơ nào khiến ông mở lại vết thương không bao giờ lành : « Viết tác phẩm này trước hết cho phép tôi tính sổ với chính mình. Suốt tuổi thơ tôi bị một thằng bé học dốt ở trong tôi, học mãi không được một chữ ám ảnh. Trong gia đình, bố mẹ tôi thường hay kể lại là tôi đã mất một năm trời mới thuộc được mặt chữ A. Bố tôi thường chế nhạo là với đà này 26 năm sau tôi thuộc lòng bảng chữ cái ! Thực ra tôi không đến nỗi phải đánh vật với chữ A trong suốt một năm, nhưng điều đó chứng tỏ tôi là một đưa trẻ chậm chạp, chậm tiếp thu ».

Với văn phong vừa dí dỏm vừa cảm động, giải thưởng văn học Renaudot 2007 kể lại gánh nặng ông đã mang trên lưng trong suốt hơn 10 năm trời :

(…) ngày 30 tháng 9 năm 1969, tôi nhận được một bức thư của bố gửi đến trường trung học nơi tôi làm việc. Đó là bức thư đầu tiên ông cụ viết cho thằng con nay đã nên người (…) Trong suốt bức thư, ông không đả động đến quá khứ của thằng học trò lêu lổng. Bằng một giọng văn hơi châm biếm như ông thường dùng, bố tôi muốn trò chuyện với tôi qua một một lá thư (…) Tôi còn giữ lá thư ấy đến tận bây giờ. Mãi đến ngày hôm nay, tôi mới chú ý đến một chi tiết nhỏ : trên phong bì, bố tôi đề tên người nhận là « Giáo sư Daniel Pennacchioni ». Tôi đã mất hơn nửa đời nguời để nghe thấy trong hai chữ giáo sư ấy tiếng gào thét âm thầm vì vui sướng của một người vừa trút được gánh nặng. Cậu con trai út hư hỏng của ông giờ đây có được một cái nghề để nuôi thân, có được một chỗ đứng trong xã hội … nó nên người (trang 45)

Riêng về bà mẹ của tác giả, nay đã gần đất xa trời, trí nhớ thì như bánh fromage gruyère, chỗ thủng chỗ đặc. Nhưng nỗi ám ảnh có một đứa con lêu lổng vẫn canh cánh bên lòng. Ông giáo Daniel Pennacchioni đã về hưu. Trong 25 năm hành nghề bán cháo phổi, ông ghi lại biết bao kỷ niệm vui buồn, đã giúp bao nhiêu thế hệ học trò thóat ra khỏi vùng sương mù của học vấn. Vậy mà bà cụ gần 100 tuổi này mỗi lần gập cậu con trai út vẫn hỏi đi hỏi lại : Con sống thế nào ? Có nhà ở không ? Có công ăn việc làm không ? Như thể bà không tin là thằng bé Danniel một ngày kia kiếm được miếng ăn để nuôi thân.

Đến đây chắc quý thính giả và các bạn nóng lòng muốn biết phép lạ nào đã đưa ông vua zéro thành một ông giáo, thành một nhà văn được đọc và dịch sang nhiều thứ tiếng nhất trong giới văn học Pháp.


Daniel Pennac kể lại kinh nghiệm từng trải : « Điều gì đã đến với thằng bé dốt nát như tôi ? Thứ nhất là thằng bé chậm chạp ngày đó đã trưởng thành. Thứ hai là thằng bé đó may mắn gặp được những cứu tinh là các thầy cô giáo đã cứu tôi ra khỏi thế giới của sự ngu dốt. Tiếp theo, đó là tôi được một người con gái yêu thương, trong mắt nàng, một thằng dốt như tôi lại có điểm hơn mấy cậu học trò giỏi cùng lứa. Đấy là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, khi mà được mọi nguời chú ý đến mình, đến cái cá nhân nhỏ bé của mình ! Yếu tố thứ tư giúp tôi thoát khỏi biển ngu muội ấy là tôi may mắn có được một ông bố hay nói mỉa mai, nhưng vô cùng thông cảm và không bao giờ ông mang tương lai ra hù dọa thằng yếu bóng vía như tôi. Tôi muốn nói là ông tuy không chia sẻ được gánh nặng của tôi, nhưng ông không bao giờ than thở trách trời đất đã cho mình một đứa con ngu dốt. Sau cùng tôi may mắn có được một ông thầy dậy triết và cũng là một người bạn già tuyệt vời : mỗi lần tôi thi trượt tú tài, ông lại mời tôi đi ăn ở một nhà hàng sang trọng để giải thích với tôi rằng mỗi người có một nhịp độ phát triển riêng và ông luôn tin tưởng sẽ có ngày tôi trở thành cậu tú ! Phải nói ông giáo già của tôi đã thực sự cứu tôi thoát chết ! »

« Cứu tôi thóat chết », Daniel Pennac ý thức rằng ông là kẻ may mắn còn sống sót sau một cơn đại họa. Ông đã may mắn chụp được vài chiếc phao để đạt được vào bờ. Khi trở thành một ông giáo Pháp văn ở trường trung học, Daniel Pennac quan sát học sinh của mình, biết đâu ông cũng sẽ thả được một vài chiếc phao cho một vài người học trò nào đó của mình ! Có điều xã hội Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua đã có nhiều thay đổi. Học trò của Daniel Pennac như một tấm gương phản ánh rất trung thực những thay đổi ấy. Ông giật mình khi khám phá ra rằng đầu óc ngây thơ của « cái tuổi học trò » đầy ắp các nhãn hiệu nổi tiếng : quần áo, giầy dép, đồng hồ đeo tay, điện thoại di động … Cái gì cũng phải đúng « marque ». Đến nỗi mà tên riêng của một thương hiệu được nhiều thanh thiếu niên dùng thay cho các danh từ chung : Thay vì nói « tôi đi giầy » thì học trò của Pennac bảo « Tôi có đôi N ở chân » mà quên bẵng đi rằng N chỉ là một nhãn hiệu của một nhà sản xuất giầy ! Học trò của ông trước hết là những khách hàng, là những người tiêu dùng có sức mua hấp dẫn :

« 100 euro cho một đôi giầy basket, 110 euros để mua cái quần jeans, 120 euros cho cái áo khoác blouson, 80 euros cho túi đeo lưng, 180 euros để tậu máy nghe nhạc walkman, 90 euros để sắm cho được điện thoại di động đời mới (…) cộng lại tất cả trung bình một đứa nhỏ đến trường mang trên mình cả một gia tài khổng lồ khoảng trên dưới 880 euros, tương đương với 5765 francs. Đây chỉ là ước tính trung bình của một đứa học trò thuộc gia đình trung lưu tại một khu phố trung lưu Paris ngày nay (…) Học sinh ngày nay trước hết là những khách hàng tí hon. Có phương tiện tài chính hay không, sống ở các thành phố lớn hay ở các ngọai ô nghèo, chúng cũng chỉ có một mục đích duy nhất là mua sắm. Xài đồ sang nhất, đắt tiền nhất của các thương hiệu nổi tiếng nhất để lấy le (…) Trong bối cảnh đó, làm sao các ông Pascal, Descartes, Spinoza hay Sartre có được một chỗ đứng trong cái đầu non trẻ của lũ học trò? ( trang 233 và 234 )

Dù vậy Chagrin d’Ecole, Nỗi buồn trường học, của Daniel Pennac từ đầu đến cuối không có chút giọng dậy đời. Đây không phải là một cuốn cẩm nang về cái nghề dậy học. Đơn giản là vì quan hệ giữa con người với nhau không thể như một bài tóan mà bao giờ 1+1 cũng là 2.

Chagrin d'Ecole chỉ kể lại một vài kinh nghiệm, một vài điều tác giả đã mắt thấy tai nghe và đã trải qua. Điều quan trọng nhất ông gói ghém trong hơn 300 trang sách đó là vai trò thiêng liêng, không gì thay thế nổi của nhà trường : Nơi duy nhất tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người thăng tiến.
Thanh Hà
(Ảnh : www.leblogdeslivres.com )

MỜI QUÝ VỊ NGHE TẠP CHÍ







Không có nhận xét nào: