Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

Lễ Tạ Ơn: Rắc rối quan hệ Mỹ - Trung

30/11/2007_ Quan hệ Mỹ Trung lại gặp rắc rối sau vụ Bắc Kinh từ chối cho hàng không mẫu hạm Mỹ cập bến Hồng Kông.

Hôm thứ tư vừa qua, Lầu Năm Góc đã phản đối chính quyền Trung Quốc vì Bắc Kinh đã từ chối cho hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk thả neo ở bến cảng Hồng Kông nhân ngày lễ Tạ Ơn 22 tháng 11, trong khi hàng trăm thân nhân đã kéo đến đây để đón các thủy thủ Mỹ. Cũng trong ngày thứ tư, Nhà Trắng cho biết tổng thống George Bush đã được Ngoại trưởng Trung Quốc bảo đảm rằng vụ nói trên chỉ là một sự hiểu lầm.


Thế nhưng, hôm qua, phát ngôn viên của Trung Quốc lại khẳng định là đây không hề là chuyện hiểu lầm. Phát ngôn viên này chỉ trích việc Hoa Kỳ trong tháng 10 vừa qua đã vinh danh đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, mà Bắc Kinh vẫn xem như là một nhân vật nguy hiểm vì chủ trương Tây Tạng độc lập. Phát ngôn viên của Trung Quốc cũng bày tỏ mối quan ngại trước việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn xem như là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy không nói thẳng, nhưng phát ngôn viên này để cho hiểu rằng việc Bắc Kinh từ chối cho hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk cập bến Hồng Kông chính là một biện pháp trả đũa Hoa Kỳ.

Về phần phát ngôn viên Nhà Trắng tỏ vẻ rất ngạc nhiên trước những tuyên bố trái ngược của phía Trung Quốc giữa hai ngày thứ tư và thứ năm, nhưng bà cho rằng đây chỉ là một sự cố nhỏ và vụ này càng cho thấy sự cần thiết phải thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nói cách khác, Washington đang cố giảm nhẹ tầm quan trọng của sự cố nói trên và chỉ yêu cầu phía Bắc Kinh giải thích rõ lý do từ chối cho hàng không mẫu hạm Mỹ cập bến Hồng Kông.

Như tổng thống Bush vẫn thường nói, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh rất phức tạp. Hoa Kỳ ngày càng lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng, cũng như trước sự lớn mạnh về quân sự của nước này. Về mặt kinh tế, Hoa Kỳ đang phải đối phó với mức thâm thủng mậu dịch ngày càng lớn đối với Trung Quốc, mà nguyên nhân chính là đồng nhân dân tệ vẫn chưa được nâng giá. Ấy là chưa kể vấn đề nhân quyền vẫn gây bất hòa thường xuyên giữa Washington với Bắc Kinh. Nhưng Hoa Kỳ hiện nay vẫn rất cần đến sự hợp tác của Trung Quốc trong những hồ sơ quốc tế quan trọng như vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và của Iran.

Thành ra, Washington không muốn quan hệ với Bắc Kinh bị xấu đi một cách không cần thiết. Có điều, giữa hai nước chưa thể có một sự tin cậy hoàn toàn. Bằng chứng là theo báo chí Nhật Bản hôm nay, Tokyo đã hủy bỏ một chuyến viếng thăm của các thủy thủ Trung Quốc trên một chiến hạm của Nhật Bản. Lý do là vì chiến hạm này có trang bị hệ thống bắn chặn tên lửa Aegis của Mỹ và Hoa kỳ sợ rằng gián điệp Trung Quốc có thể trà trộn vào đoàn thủy thủ để ăn cắp thông tin mật về hệ thống này. Theo nhật báo Yomiuri, chính tòa đại sứ Mỹ đã yêu cầu Tokyo hủy bỏ chuyến viếng thăm của các thủy thủ Trung Quốc. Một phát ngôn viên của bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bác bỏ tin trên, nhưng trong năm nay, Washington đã từng bày tỏ mối quan ngại sau khi một hạ sĩ quan Nhật Bản, có vợ là người Trung Quốc, dường như đã ăn cắp được những thông tin mật về hệ thống Aegis.

Về phía Trung quốc, trước vụ hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk, Bắc Kinh cũng đã từ chối để cho hai tàu gỡ mìn của Mỹ cập bến Hồng kông trong khi hai tàu này đang cần tìm nơi tránh bão và tiếp tế nhiên liệu.
Thanh Phương
(Ảnh : www.telegraph.co.uk : Hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk)

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Tây tạng: Đức Đạt Lai Lạt Ma gây sức ép đối với Bắc kinh

29/11/2007_ Đức Đạt Lai Lạt Ma đề xuất phương thức mới trong việc chọn người kế vị nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh công nhận quyền tự trị của Tây tạng về mặt văn hóa.

''Nếu chẳng may tôi qua đời trong lúc chúng tôi vẫn phải sống kiếp tỵ nạn, sự hoá thân của tôi lẽ dĩ nhiên sẽ diễn ra bên ngoài Tây Tạng''. Tuyên bố trên đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma với ba nhà báo bên lề một Hội ngghị Quốc tế Liên tôn giáo tổ chức tại Ấn Độ ngày 27/11/2007 đã lập tức bị Trung Quốc đả kích. Theo Bắc Kinh, đó là một hành động phản bội Phật giáo Tây Tạng.


Phản ứng gay gắt của chính quyền Trung Quốc cũng dễ hiểu vì lẽ vấn đề kế vị được lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng nêu lên đi ngược lại với kịch bản mà Bắc Kinh dự trù nhằm củng cố thêm quyền thống trị Tây Tạng. Để chuẩn bị cho việc này, Trung Quốc từng bắt giam một cậu bé Tây Tạng mới sáu tuổi vào năm 1995, sau khi cậu bé được Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận là một hoá thân của Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật số hai trong Giáo hội Phật giáo Tây Tạng. Thay vào đó, Bắc Kinh đã chỉ định một cậu bé khác hoàn toàn phục tùng Trung Quốc làm Ban Thiền Lạt Ma. Theo truyền thống Tây Tạng, vai trò của Ban Thiền Lạt Mạ rất lớn vì là người xác nhận Đạt Lai Lạt Ma tương lai. Mặt khác, Trung Quốc còn áp đặt quy định là việc xác nhận mọi hoá thân tái sinh của một phật sống Tây Tạng đều phải được chính quyền Trung Quốc cho phép trước.

Theo các nhà quan sát, khi đưa ra ý kiến là người kế vị ông có thể được chọn lựa ở ngoại quốc, hoặc là theo hình thức trưng cầu ý kiến của hàng trăm ngàn người Tây Tạng đang sống trong nước và lưu vong ở hải ngoại, hoặc là theo phương thức bầu cử như bầu Đức Giáo hoàng, với một hội đồng chức sắc họp lại ở nước ngoài, Đức Đạt Lai Lạt Ma như vậy đã gia tăng sức ép trên chính quyền Trung Quốc. Mục tiêu là để buộc Bắc Kinh phải chấp nhận yêu cầu của người Tây Tạng muốn đất nước mình được quyền tự trị, ít ra là trên lãnh vực văn hóa.

Theo các nhà phân tích, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang thừa hưởng một số lợi thế. Trước hết Ngài đã được nhiều chính phủ phương Tây ủng hộ. Tháng 10 vừa qua, Ngài đã được trải thảm đỏ nghênh tiếp tại Washington. Thủ tướng các nước Đức, Áo và Canada cũng đã tiếp xúc với Ngài, bất chấp những lời đe dọa trả đũa kinh tế của Bắc Kinh.

Ngoài ra, và đây là một điểm quan trọng, vào lúc này, Trung Quốc đang cố gắng cải thiện hình ảnh của mình trên trường quốc tế để chuẩn bị khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2008. Theo nhiều nhà phân tích, Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn tranh thủ dịp này để thuyết phục Bắc Kinh thương thuyết với Ngài về quy chế vùng Tây Tạng. Ngài không còn đòi hỏi độc lập, mà chỉ yêu cầu cho Tây Tạng một quyền tự trị rộng rãi để có thể bảo tồn ngôn ngữ, văn hoá và môi trường của mình. Thế nhưng, cho dù vậy, Trung Quốc vẫn bác bỏ đề nghị của lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng trong lúc vẫn tiến hành chủ trương bị tố cáo là ''diệt chủng văn hóa'' bằng cách ồ ạt đưa người Hán lên định cư ở Tây Tạng.

Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có đáp ứng đề nghị đàm phán của Đức Đạt Lai Lạt Ma hay không ?

Đối vớI bà Kate Saunders thuộc Hiệp hội Phong trào Đấu rranh cho Tây tạng tại Hoa Kỳ, thì Trung Quốc không hề muốn hình ảnh mình bị hoen ố trước lúc Thế vận hội mở ra. Do vậy có thể ''hy vọng'' là Bắc Kinh có một ''cử chỉ tích cực'' nào đó. Tuy nhiên, ông Uday Bhaskar, một chuyên gia chính trị học lão thành người Ấn Độ thì có suy nghĩ bi quan hơn. Theo ông, Trung Quốc sẽ không đàm phán trực tiếp với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cho dù Thế vận hội là một ''tủ kính quan trọng'', Bắc Kinh vẫn muốn khống chế toàn bộ tiến trình kế vị lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : tempsreel.nouvelobs.com)

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

Trinh Xuân Thuận và con đưòng đến với khoa học


Ánh Nguyệt thực hiện cuộc phỏng vấn.






Hàn quốc: Bầu cử tổng thống tác động đến tiến trình hoà giải liên Triều

28/11/2007_ Hàn Quốc bước vào mùa bầu cử tổng thống. Đây là một cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định cho tiến trình hoà giải liên Triều.

Cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Hàn Quốc đã mở màn ngày hôm qua, với số ứng viên đông đảo, gồm 12 người. Trong số này, có ba ứng viên hiện nay được xem là sáng giá nhất, hai người thuộc phái hữu và một thuộc phái tả.

Vào giai đoạn này của cuộc vận động tranh cử thì rõ ràng là phe bảo thủ đối lập có nhiều triển vọng nhất. Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, hai ứng viên của họ dành được đến 58% phiếu thuận. Có điều là phe này đang bị chia rẽ : một bên là những người ủng hộ lãnh đạo Đại quốc đảng, ông Lee Myung Bak, bên kia là những người trung thành với cựu thủ tướng Lee Hoi Chang, một nhân vật cực hữu, đã ly khai đảng này trước đây. Như vậy, người ta sẽ chứng kiến một cuộc đọ sức trong phe cánh hữu bảo thủ Hàn Quốc mà kết cục chưa biết sẽ ra sao. Hiện nay, ông Lee Myung Bak bị tình nghi dính líu đến một số vụ bê bối tài chính.

Về phiá liên minh đang cầm quyền, ứng viên thiên tả Chung Dong Young, đang yếu thế. Là nguời rất năng nổ trong những cuộc đàm phán với Bình Nhuõng và quan tâm đến chủ đề xã hội, ông Chung Dong Young cố gắng nâng cao uy tín của êkíp mãn nhiệm, vốn đang bị xói mòn do cầm quyền đã lâu... Thế nhưng, ông Chung dong Yung chỉ đạt được 14% phiếu ủng hộ mà thôi.

Trưóc mắt, cử tri Hàn Quốc hiện đang nghiêng về cánh hưũ, nhưng tình hình có thể thay đổi trong ba tuần lễ tơí đây. 20% cử tri vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.

Cả ba ứng viên kể trên đều nêu rõ quyết tâm : họ sẽ kích thích sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Đó là điểm đồng thuận. Nhưng đối với hồ sơ Bắc Triều Tiên, thì mỗi người bênh vực cho một lập trường khác nhau. Do đó, tiến trình hoà giải liên Triều sẽ tùy thuộc vào kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 19 tháng 12.

Ứng viên phái tả, Chung Dong Young chủ trương tiếp tục chính sách Vầng Thái dương, mà cựu tổng thống Kim Dae Jung đã vạch ra. Trong tình hình mới ngày nay, ông Chung Dong Young là ứng viên hoà hoãn, mềm dẻo nhất đối với Bình Nhưỡng, ông kêu gọi viện trợ kinh tế ồ ạt cho Bắc Triều Tiên, cho dù vấn đề hạt nhân của chế độ Kim Jong Il vẫn chưa ngã ngũ. Ứng viên cánh hữu, thuộc Đại quốc đảng Lee Myung Bak, người hiện nay giành được gần 40 điểm tín nhiệm của cử tri, thì nhấn mạnh đến điều kiện : Bình Nhưỡng phải ngừng mọi chương trình hạt nhân và chấp nhận mở cửa, nếu muốn được Hàn Quốc viện trợ kinh tế. Còn Lee Hoi Chang, 72 tuổi, thì tỏ ra cứng rắn hơn nhiều. Ông chống lại chính sách thân thiện với Bắc Triều Tiên, bị ông xem là một chiều. Ông chủ trương chỉ nên yểm trợ kinh tế cho miền bắc, một khi chế độ Kim Jong Il thật sự từ bỏ mọi tham vọng hạt nhân, lập trường này rất gần với quan điểm của Nhật Bản. Lee Hoi Chang, đã hai lần tranh cử tổng thống, nhưng đều thất bại. Lần này, điểm tín nhiệm của ông chỉ ở mức độ 20%.

Trong cả ba nhân vật vừa nêu, bất luận ai trúng cử tổng thống đều cũng tất yếu ảnh hưởng đến vòng đàm phán 6 bên. Do đó mà cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, nhất là Nhật Bản và tất nhiên là Bắc Triều Tiên đều theo dõi chặt chẽ cuộc vận động tranh cử tổng thống Hàn Quốc từ nay cho đến ba tuần lễ sắp tới.
Bảo Thạch

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

Pháp: lại có nguy cơ bạo động lan rộng ở vùng ngoại ô

27/11/2007_ Nước Pháp lo ngại trước nguy cơ bạo động tại các vùng ngoại ô có nguy cơ lan rộng như vào năm 2005.

Bùng lên vào tối chủ nhật 25/11/2007 tại Villiers-le-Bel, một thị xã vùng ngoại ô bắc Paris, các vụ bạo động đốt nhà, đốt xe, tấn công cảnh sát của cả trăm thanh thiếu niên vẫn tiếp diễn tối qua và được dự báo là có nguy cơ kéo dài.


Trước mắt, các vụ bạo động bắt đầu lan qua nhiều thị xã lân cận trong cùng tỉnh Val d'Oise. Một vài hành vi bạo động cá biệt cũng được ghi nhận tại một số tỉnh lận cận Val d'Oise như ở Yvelines và Essonne.

Tình hình kể trên đã làm gia tăng nỗi lo ngại về nguy cơ bạo động tỏa rộng qua các vùng ngoại ô khác trên toàn nước Pháp, như điều đã từng xẩy ra vào năm 2005.

Phải nói là bối cảnh dẫn đến bạo động tại Villiers-le-Bel hôm chủ nhật vừa qua và tại Clichy- sous-Bois cách đây hai năm có rất nhiều điểm tương đồng. Nơi xẩy ra sự cố cũng là một vùng ngoại ô nghèo ở phiá bắc Paris, tập trung nhiều người nhập cư gốc châu Phi, với tâm trạng chung là bị chính quyền bỏ bê. Ngòi nổ cũng là cái chết của hai thiếu niên bị nghi ngờ là do lỗi của cảnh sát. Trong trường hợp của Clichy-sous-Bois trước đây thì đó là hai thiếu niên bị cảnh sát rượt đuổi, đã chạy vào trốn trong một trạm biến thế và bị điện giật chết. Còn tại Villiers-le-Bel thì đó là một tai nạn giao thông khi hai thiếu niên chạy xe gắn máy đâm mạnh vào một chiếc xe hơi của cảnh sát và bị tử nạn sau đó.

Cuộc điều tra sơ khởi kết luận rằng nhân viên cảnh sát trong chiếc xe không có lỗi, trong lúc theo anh của một trong hai người bị chết thì cảnh sát cố tình gây tai nạn rồi bỏ đi mà không đoái hoài gì đến hai nạn nhân trong cơn nguy khốn.

Theo giới quan sát, nguyên nhân sâu xa châm ngòi cho bạo động trong cả hai trường hợp ở Clichy-sous-Bois năm 2005 và ở Villers-le-Bel vào lúc này, chính là quan hệ luôn căng thẳng, nghi kỵ nhau giữa giới trẻ vùng ngoại ô nghèo và cảnh sát, chỉ chờ dịp là bùng lên thành bạo động.

Vào năm 2005, sau ba tuần lễ bạo động với hàng trăm người bị thương, hơn 10000 chiếc xe và 300 toà nhà bị đốt phá, chính phủ Pháp đã cam kết cải thiện tình hình tại các vùng ngoại ô với những chính sách cụ thể để giải tỏa tâm trạng bất bình của thanh thiếu niên tại những vùng mà tỷ lệ thất nghiệp có khi vượt mức 50 %.

Thế nhưng, nhật báo Libération ngày 27/11/2007 đã nêu bật một bản báo cáo chính thức của Thẩm Kế Viện - Cours des Comptes - cách đây vài tuần, vạch trấn sự yếu kém của các chính sách và phương tiện nhằm giúp đỡ các vùng ngoại ô nghèo. Một tờ báo khác ở miền đông nước Pháp cũng cho rằng chính quyền đã không làm gì để phòng ngừa bạo động tái diễn. Theo tờ báo này, các vùng ngoại ô không hề là đề tài tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, cũng hầu như không tồn tại trong diễn văn của tân tổng thống Nicolas Sarkozy.

Đối với ông Laurent Mucchielli, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về các băng đảng thanh thiếu niên tại Pháp, thì chính quyền đã không rút tỉa được kinh nghiệm từ đợt bạo động năm 2005, khiến cho tình hình tiếp tục căng thẳng. Còn giáo sư xã hội học Jean Marc Stébé, tác giả một công trình về cuộc khủng hoảng tại các vùng ngoại ô Pháp vừa xuất bản năm nay cũng tỏ ý lo ngại về khả năng tái diễn một vụ ''Clichy bis''.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : parisbanlieue.blog.lemonde.fr)

Điện hạt nhân: Giải pháp tối ưu cho Đông Nam Á ?

27/11/2007_ Điện hạt nhân không phải là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong vùng Đông Nam Á vì hàm chứa rất nhiều rủi ro. Mai Vân biên sọan với phần phỏng vấn giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng viện Hạt nhân Việt Nam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Singapore, các lãnh đạo ASEAN đã chính thức ủng hộ chủ trương phát huy năng lượng hạt nhân trong khu vực, bất chấp các dư luận lo ngại về tính chất an toàn của các nhà máy điện nguyên tử tương lai.


Trong bản tuyên bố về vấn đề môi trường ngày 20/11/2007, tổng thống và thủ tướng 10 quốc gia Đông Nam Á cam kết thành lập một cơ chế an toàn hạt nhân trong khu vực để ngăn chặn không cho chất plutonium có thể bị rơi vào tay kẻ xấu. Plutonium là nguyên liệu để sản xuất điện, nhưng có thể được dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử.

Tuy nhiên, khối ASEAN cũng xác nhận một thực tế là không phải thành viên nào cũng muốn lao vào con đường phát triển năng lượng nguyên tử. Bản tuyên bố nói rõ : Hiệp hội Đông Nam Á sẽ có những biện pháp cụ thể để phát huy năng lượng hạt nhân dân sự cho ''những nước quan tâm đến vấn đề này'', hàm ý là có những quốc gia ASEAN không muốn đi theo hướng phát triển năng lượng nguyên tử.

Nhìn chung thì ASEAN chú ý hơn đến việc phát huy các loại năng lượng tái tạo nhằm thay thế dầu hoả, khí đốt hoặc than vốn tác hại nghiêm trọng đến khí hậu và môi trường. Các loại năng lượng tái tạo được quan tâm bao gồm năng lượng mặt trời, sức gió, thủy triều, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học.

Phải nói là với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hiện nay, các nước Đông Nam Á rất cần đến năng lượng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Họ hiện chủ yếu sử dụng các loại năng lượng hoá thạch như dầu hỏa và khí đốt. Trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh trên thị trường quốc tế, lại có những dự báo bi quan về nguy cơ nguồn cung cấp dầu khí sẽ ngày càng ít đi và nhất là với những bằng chứng hiển nhiên về tác hại to lớn của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch đối với môi trường và khí hậu, cũng dễ hiểu là Đông Nam Á như mọi quốc gia khác trên thế giới đều tìm cách phát triển các loại năng lượng rẻ, sạch và không sợ cạn kiệt. Điện hạt nhân, do đó, đã được nhiều nước cho là giải pháp tốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Tại vùng Đông Nam Á, hướng phát triển hạt nhân đã được ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Indonexia xác định, với kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên tử từ đây năm 2020.

Theo thống kê tháng hai năm 2007 của Trung tâm Thông tin về Uranium UIC, thuộc Hiệp hội Uranium của Úc, Indonexia sẽ có tất cả bốn nhà máy điện hạt nhân và ba lò phản ứng thí nghiệm. Việt Nam dự trù hai nhà máy và hiện đang có một lò phản ứng thí nghiệm tại Đà Lạt. Thái Lan cũng dự trù xây thêm một lò phản ứng hạt nhân bên cạnh một lò khác đang vận hành.

Thế nhưng, nếu Việt Nam, Thái Lan, Indonexia đã quyết định lao vào con đường hạt nhân, thì một số nước Đông Nam Á khác có trình độ phát triển cao hơn thì lại không mặn mà với năng lượng hạt nhân, điển hình là Singapore, không hề có bất kỳ cơ sở hạt nhân nào, trong lúc Philippines thì đã quyết định đình chỉ chương trình điện hạt nhân cho dù đã có một nhà máy sẵn sàng hoạt động.

Dẫu sao thì việc toàn khối ASEAN công khai tuyên bố ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân đã bị giới bảo vệ môi trường cực lực chỉ trích. Bà Nur Hidayati, thuộc tổ chức bảo vệ sinh thái Green Peace cho rằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vùng Đông Nam Á là liều lĩnh vì khu vực này thường bị hai loại thiên tai : động đất và núi lửa. Nếu sự cố xẩy ra, cả vùng sẽ bị tai họa chứ không riêng gì quốc gia có nhà máy. Bà Hidayati còn đặt nghi vấn về trình độ công nghệ học của các nước Đông Nam Á trong lãnh vực hạt nhân, về năng lực xử lý các chất thải phóng xạ bắt nguồn từ quy trình làm điện nguyên tử. Để có thể xúc tiến chương trình điện hạt nhân, các quốc gia ASEAN sẽ phải lệ thuộc vào nước ngoài, cũng như phải nhập khẩu nguyên liệu. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của các nước Đông Nam Á muốn bảo đảm an toàn năng lượng kể như không thể đạt được. Giải pháp tốt, do đó, không phải là sử dụng năng lượng hạt nhân, mà là phát huy các loại năng lượng tái tạo khác như thủy điện, sức gió, mặt trời hay địa nhiệt. Ngay cả giới chuyên môn trong lãnh vực hạt nhân cũng có thái độ thận trọng.

Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà lạt, thì quả thực là hiện nay, nhu cầu về điện năng tại các nước ASEAN rất lớn, nhưng không phải là nước nào cũng chọn con đường hạt nhân. Trả lòi phòng vấn của Ban Việt ngữ RFI, ông giải thích :

«Các nước ASEAN nói chung đều có nhu cầu phát triển điện năng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi sự khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang rất rõ rệt. Nước nào cũng phải lo cả, nhưng mỗi nước lo một cách. Indonexia, Thái Lan và Việt Nam đã chú ý phát triển ngành hạt nhân từ lâu và cũng có những cơ sở nhất định. Đặc biệt Indonexia, từ thời Suharto, đã chú ý đến chuyện này và đã có những cơ sở hạt nhân rất lớn. Thái Lan chưa bằng nhưng cũng có một quá trình phát triển; Việt Nam đi sau một ít nhưng cũng có một quá trình và điều kiện nhất định.

Nhưng phải nói là so vơí những nước làm điện hạt nhân như Trung Quốc và Ấn Độ, mà trình độ kinh tế, dân trí cao hơn, hoặc ngang bằng với khối ASEAN, thì về nhân lực và nhất là nhân lực có trình độ công nghệ cao, thì cả 3 nước ASEAN kém hẳn.

Cho nên đấy là vấn đề khó nhất mà ba nước này phải đương đầu, chứ thật ra vốn và các thứ khác, thì nước ngoài sẵn sàng cung cấp. Thành ra, khi làm nhà máy điện hạt nhân thì liệu ba nước này có làm chủ được công nghệ nhà máy điện hạt nhân không, đấy chính là câu hỏi lớn nhất cần phải đặt ra.

Không phải chỉ có chuyện tôi có nhu cầu là tôi phải có, mà tôi phải xem xét lại tôi có nhu cầu nhưng đồng thời, tôi có sức để làm chủ được nó hay không. Còn nếu không thì nước ngoài ngưòi ta sẽ làm chủ. Và hậu quả của cái đấy nó như thế nào thì mọi ngưòi đều có thể thấy.

Cho nên đây là một cái lúng túng của Việt Nam mà tôi thấy rõ nhất. Từ bao nhiêu năm nay vẫn không giải quyết được việc làm sao có nhân lực trình độ cao, nhất là về công nghệ để am hiểu chuyện này. Đấy là tình trạng chung của ba nước mà tôi thấy. Có thể là Indonexia khá hơn cả, bởi vì họ có những thiết bị khá lớn từ nhiều năm. Trước đây tôi ở đấy thì tôi biết, gần đây thì không rõ, nhưng chắc là tình hình không cải thiện nhiều».

Về các nước không chọn con đường phát triển hạt nhân, giáo sư Phạm Duy Hiển đặc biệt nêu bật thí dụ của Philippines đã dám lùi bước để chuyển qua địa nhiệt, cho dù cơ sở nguyên tử đã sẵn sàng hoạt động.

«Philippines chẳng hạn là nưóc Đông Nam Á đầu tiên có nhà máy điện hạt nhân, xây đã gần xong, 90% rồi, nhiên liệu đã đưa về, nhưng họ không cho chạy. Bởi vì có rất nhiều vấn đề chính trị phức tạp ở đấy. Tôi đã đến thăm và tiếc vô cùng là họ đã làm xong nhưng không cho chạy. Philippines rất đặc biệt. Dân chúng phản đối và chính phủ cũng không đồng tình. Bây giờ, họ bỏ chương trình đấy, nhưng họ có điều kiện là có nguồn điạ nhiệt rất tốt, dạng năng lượng mà chúng tôi hay gọi là năng lượng tái tạo, tức là loại năng lượng cứ thế sinh ra, không mất đi đâu cả. Điạ nhiệt từ dưới lòng trái đất đi lên là cái nguồn lợi rất lớn của Philippines. Nước này có dự định trở thành một trong những nước sản xuất địa nhiệt lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới, mà họ yên trí là có thể làm được việc đấy».

Phát triển năng lượng hạt nhân như vậy hoàn toàn không phải là thượng sách. Nhưng làm sao để đáp ứng nhu cầu điện năng ? Về trường hợp của Việt nam, giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng một trong những giải pháp là phải giảm bớt hiện tượng lãng phí năng lượng, hợp lý hoá cơ cấu sản xuất :

«Việt Nam phải cần xem lại cơ cấu kinh tế của mình. Tại sao lại tiêu thụ nhiều năng lượng như vậy. Thứ hai là vấn đề lãng phí năng lượng. Vấn đề này ở Việt Nam rất rõ, nhưng ít thấy mọi người đề cập đến, mặc dù báo chí chúng tôi cũng có viết, một số người khác cũng có nói, nhưng ít ai quan tâm giảỉ quyết chuyện đó.

Tại sao có một nghịch lý, nhất là cái chuyện mà các nhà chuyên môn gọi là hệ số đàn hồi, tức là tăng trưởng điện năng của Việt Nam gấp đôi tăng trưởng GDP. Đó là một cái chuyện không bình thường, thế giới không có cái chuyện đấy. Trên thế giới, hai mức này thường xấp xỉ như nhau, tức là tốc độ tăng trưởng điện năng ngang với tốc độ tăng trưởng GDP, thậm chí còn thấp hơn. Việt Nam bây giờ là gấp đôi, thậm chí một số chính khách còn nói là còn có thể cao hơn nữa, tăng đến 20%.

Như vậy, rõ ràng chúng ta có những vấn đề về chính sách phải xem xét lại, chứ không phải vì mục tiêu chạy theo tăng trưởng điện năng và cứ thế là...

Nguyên nhân do đâu ? Vì không đủ số liệu thống kê, cho nên chúng tôi không thể biết được là từng loại hộ tiêu thụ như thế nào, nhưng có một vấn đề rất rõ là trong điều kiện hiện nay, ở rất nhiều nước, người ta sản xuất công nghệ rất cũ, tốn điện năng, thì người ta có xu hướng đưa về những nước dễ dãi về điện năng. Việt Nam đang cần đầu tư nước ngoài, cho nên nhập rất nhiều nhà máy sản xuất thép, rồi nhôm… Cái đấy chúng ta cũng cần, nhưng có điều là phải xem xét…

Việt Nam là một trong những nước về giá điện trong vùng vẫn còn thuộc loại rẻ. Do đó ngưòi ta không dại gì mà không đầu tư vào Việt Nam với nhũng cái công nghệ tốn rất nhiều năng lượng. Bây giờ ta phải bình tĩnh xem xét chuyện này».

Một giải pháp khác là phát huy các loại năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, cho dù trước mắt, giải pháp này còn tốn kém.

«Rõ ràng vùng Đông Nam Á có thuận lợi rất lớn về năng lượng mặt trời. Rất tiếc là cái này còn đắt quá và phụ thuộc vào công nghệ của các nưóc phát triển, cho nên phải đợi một thời gian. Thế nhưng, nếu không có chính sách phát triển loại năng lượng tái tạo như thế, thì chẳng bao giờ có cả.
Tôi thấy kinh nghiệm ở Viêt nam rất rõ. Trước đây không ai nói, bây giờ bắt đầu nói về chuyện này. Trước đây viện Goethe cũng có mời ông Scherrer, chủ tịch Hội đồng Năng lượng Tái tạo châu Âu sang, chúng tôi cũng có một buổi giao lưu, cũng có chộn rộn lên một lúc, nhưng rồi gần đây cũng không có gì rõ ràng trong chuyện này.

Vì sao ? Bởi vì đầu tư vào chuyện này tốn kém, mà chưa thấy trước cái lãi. Không có lợi nhuận, cho nên ngườì ta không theo. Và như vậy ta cần có một chính sách khuyến khích và đặc biệt có thể có chính sách khuyến khích dưới dạng là anh nào làm tổn hại đến môi trường là phải đóng thuế phạt. Điều này chưa hình thành, do đó, không khuyến khích được năng lượng tái tạo.

Thật ra vùng này là nơi mà năng lượng tái tạo là một tiềm năng rất lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Nhưng chưa có nước nào đi tiên phong để thương mại hoá, mà chủ yếu là phải chờ các nưóc lớn, công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Đức, Mỹ v.v...

Thật ra giải pháp cho vùng ASEAN này cũng là một vấn đề chung cho toàn thế giới. Nhưng theo tôi, nó không đến nỗi cực kỳ khó khăn. Cái quan trọng nhất vẫn là làm thế nào xem lại cơ cấu của nền kinh tế, sao cho tiêu thụ ít điện năng nhưng sản xuất ra nhiều. Như thế thì phải chịu đi vào công nghệ mới, đi vào những công nghệ tiêu tốn ít điện năng. Đây là cái mà các nhà hoạch định chính sách phải lo, chứ còn bây giờ tất cả trở thành một cái nơi để nguòi ta đưa công nghệ cũ, công nghệ rất tốn điện vào, thì có lẽ đấy là một chính sách không đúng».

Nhìn chung, có thể nói rằng, điện hạt nhân không phải là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong vùng Đông Nam Á. Không phải là ngẫu nhiên mà nước phát triển nhất trong ASEAN là Singapore là nước duy nhất không hề quan tâm đến điện hạt nhân mà ngược lại thì có cả một chiến lược biến mình thành trung tâm phát triển năng lượng mặt trời. Vào tháng 10 năm 2007, tập đoàn năng lượng tái tạo REC của Na Uy cho biết là sẽ đầu tư ba tỷ euros, tức là gần 4 tỷ rưỡi đô la, vào một nhà máy tại Singapore để chế tạo linh kiện sản xuất năng lượng mặt trời.
Mai Vân
(Ảnh: chinadigitaltimes.net)

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

Môi trường: Ô nhiễm đáng báo động tại Hà nội và Sài gòn

26/11/2007_ Tình trạng ô nhiễm đáng báo động tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đòi hỏi biện pháp xử lý khẩn cấp. Trọng Nghĩa biên soạn cùng với chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc.

«Báo động về ô nhiễm môi trường tại TP Hồ Chí Minh», «Các khu dân cư thở khói công nghiệp, ngửi cống thối», «Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ô nhiễm không khí nặng nề»... Một vài hàng tựa đăng trên các tờ báo xuất bản tại Việt Nam trong thời gian gần đây nêu bật một thực tế mà cư dân các thành phố lớn tại Việt Nam đang phải chịu đựng.


Hạ tuần tháng 10 vừa qua, các cơ quan môi trường Liên hiệp quốc cũng ghi nhận là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuộc diện có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, chẳng kém gì các đại đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải ở Trung Quốc, hay Dakkha ở Bangladesh hoặc New Delhi ở Ấn Độ.

Theo bản phúc trình về Tổng quan Môi trường Toàn cầu GEO 4 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP, TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, đứng hàng thứ năm trong số các thành phố châu Á bị nồng độ bụi li ti cao nhất châu lục, hơn gấp bội mức cho phép do Tổ chức Y tế Thế giới quy định. Theo UNEP, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí rất đa dạng, từ việc sử dụng năng lượng ngày càng nhiều cho đến việc mật độ dân số trong các đô thị ngày càng gia tăng. Yếu tố gây ô nhiễm nặng nhất, theo UNEP, là sự bùng nổ của lượng xe gắn máy lưu hành.

Ô nhiễm không khí không chỉ gây khó chịu cho cư dân mà còn là nguồn gốc nhiều loại bệnh tật như ung thư, hô hấp, tim mạch.

Tình hình ô nhiễm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như vậy đã lên đến mức đáng báo động, đòi hỏi các cấp có trách nhiệm phải nhanh chóng có biện pháp đối phó. Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia môi trường tại Úc, một người thường xuyên quan tâm đến tình hình ô nhiễm không khí tại Việt Nam thì một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện vấn đề lưu thông.

Trả lời câu hỏi của Ban Việt ngữ RFI , anh Hiệp cho rằng tình hình ô nhiễm tại hai thành phố lớn ở Việt Nam hiện đã trở thành nguy hiểm và cần phải cấp tốc tìm biện pháp đánh vào nguyên nhân là vấn đề giao thông chuyên chở.

«Trong mấy năm vừa rồi độ ô nhiễm ở TP HCM và Hà Nội lên rất cao. Chiều hướng rất xấu. Xem xét lại thì ô nhiễm ở hai thành phố trên là do xe cộ nhất là xe gắn máy, do đó phải có chính sách giảm số lượng xe cộ và gia tăng chuyên chở công cộng».

Tại châu Á, có hai thành phố là Bangkok và Đài Bắc trước đây thường xuyên bị liệt vào diện bị ô nhiễm nghiêm trọng do xe cộ lưu thông. Thế nhưng, nhờ quyết tâm phát triển ngành chuyên chở công cộng trong thời gian gần đây, tình hình thủ đô Thái Lan và Đài Loan đã cải thiện rõ nét. Theo anh Hiệp, đó là những thí dụ mà Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần học tập.

«Bangkok, cách đây 5 năm thôi là một thành phố ô nhiễm rất lớn, nhưng một hai năm nay, một báo cáo rất quan trọng của Liên Hiệp Quốc cho thấy là ở Bangkok, ô nhiễm đã đi xuống. Đây là một thành công rất lớn. Thái Lan, nhất là Bangkok, đã thi hành biện pháp nâng cao chuyên chở công cộng, nhất là xe lửa trên mặt đất và xe lửa dưới mặt đất. Nhờ vậy, số lượng xe cộ lúc peak hours, tức là thời điểm cao nhất đã giảm rất nhiều và mực độ bụi ở Bangkok đã xuống. Đây là một bài học có thể áp dụng ở Việt Nam, đó là phải nâng cao đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nhất là chuyên chở công cộng ở hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một thí dụ khác để so sánh ở Á châu là Đài Bắc. Cách đây 10 năm, Đài Bắc cũng giống như TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm về bụi và nồng độ về ozone và các chất thải khác rất cao. Nhưng từ khi thực hiện được hệ thống metro ngầm, Đài Bắc đã trở lại một thành phố khá sạch so với nhiều nước Đông Nam Á hiện nay. Đây cũng là một bài học thứ hai mà tôi nghĩ là hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh nên áp dụng ».

Chính quyền hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ nhu cầu phát triển các phương tiện chuyên chở công cộng. Xe buýt đã bắt đầu được sử dụng nhiều hơn trong lúc một số đề án xây dựng các tuyến xe điện bắt đầu được xúc tiến. Theo anh Hiệp, trong khi chờ đợi hệ thống xe điện ra đời, trước mắt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần phải có biện pháp cụ thể nhằm hạn chế việc xe cộ thải ra quá nhiều khí gây ô nhiễm.

«Trưóc khi làm được những cơ sở hạ tầng về chuyên chở công cộng và xe lửa, có thể có những biện pháp khả thi, thực hiện được ở cả hai thành phố để giảm bớt nồng độ ô nhiễm, như chính sách về nhiên liệu, chính sách về chuyên chở công cộng, có lằn riêng cho xe buýt đi và một vài chính sách về xe cộ, nhất là về xe gắn máy ở thành phố. Nếu mà làm được như vậy thì cũng có thể giảm được độ ô nhiễm rất nhiều.

Hiện nay thì chuyên chở công cộng xe buýt ở TP Hồ Chí Minh theo tôi biết thì khá tốt, nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Thứ hai nữa là nên có những chính sách như là nâng cao sử dụng xe chuyên chở công cộng như xe buýt ; nhiều thành phố nhiều nưóc có chính sách như có lằn riêng cho xe buýt chạy, để khuyến khích người ta dùng chuyên chở công cộng, tại vì có cái lằn riêng như vậy thì chuyển chở đi nhanh nhiều hơn, đúng giờ và không bị kẹt. Thành phố mà bị kẹt xe vào những giờ cao điểm, như vậy là xe buýt, chuyên chở công cộng không đáp ứng được nhu cầu. Nhưng nếu làm được chuyện đó thì sẽ cải tiến được nhu cầu về hạ tầng. Đưòng xá Việt Nam hiện hay bị ùn tắc và kẹt xe rất nặng, làm ô nhiễm trầm trọng thêm».

Mặt khác, một trong những biện pháp cụ thể khả thi, theo anh Nguyễn Đức Hiệp, là chú ý phát huy các loại nhiên liệu ít gây ô nhiễm.

«Về vấn đề nhiên liệu cho chuyên chở ở thành phố, có thể nâng cao chất lượng nhiên liệu và có thể dùng xe buýt chạy bằng ga chẳng hạn, giúp giảm đi rất nhiều nồng độ ô nhiễm của thành phố. Hiện nay thì hình như xăng không chì cũng đã áp dụng ở Việt Nam và mực độ sulfure xăng tiêu chuẩn vẫn còn thấp so với một vài nước. Nếu chúng ta áp dụng tiêu chuẩn cao hơn thì có thể giảm đưọc một số chất thải, nhất là những chất độc hại như benzene có thể làm ung thư. Nếu chính sách nhiên liệu cộng với chính sách thực hiện kiểm soát xe cộ và đúng theo tiêu chuẩn thì có thể giảm được ô nhiễm rất nhiều. Nhưng cái này phải được giải quyết một cách đồng bộ, ở cả hai thành phố và nhiều nơi khác tại Việt Nam. Hiện nay thì chưa có chính sách chung và sự thực hiện chính sách khá khó khăn đối với một số thành phố, vì vậy mà họ đã bỏ cách đây một hai năm. Không phải bỏ hẳn, nhưng không có đeo đuổi, thực hiện nghiêm chỉnh hơn».

Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, vấn đề han chế xe cộ lưu thông trong thành phố kiểm tra chất lượng khí thải ra từng được nêu lên. Thế nhưng tiếc là các giải pháp này trong thời gian qua không được thực hiện đến nơi đến chốn.

«Cách đây một vài năm, nhất là TP Hồ Chí Minh, cũng có chính sách kiểm soát rất nhiều và rất gắt gao sự phun khói xe và mực độ phải đúng tiêu chuẩn để đăng ký được xe. Nhưng mà sự thực hiện đã không thành công. Có rất nhiều lý do chủ quan và khách quan. Nhưng mà nếu có chính sách đồng bộ thì tất cả những xe không đủ tiêu chuẩn có thể bị thải hoặc là có chế độ bắt phải sửa chữa hoặc là có hình thức phạt nặng hơn. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp này chưa được thực hiện. Chính sách đó rất quan trọng. Ngoài việc giảm số lượng xe lưu thông, chính sách thay thế lượng xe gây rất nhiều ô nhiễm cũng là một biện pháp rất quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở hai thành phố».

Vấn đề ô nhiễm không khí cần phải được giải quyết nhanh chóng, không chỉ vì tác hại đối với sức khỏe con người, cảnh quan thành phố, mà còn vì ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế.
Trọng Nghĩa

(Ảnh: www.laodong.com.vn)

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

Tổng tuyển cử tại Thái lan: Đảng thân Thaksin có thể về đầu

25/11/2007_ Đảng Quyền lực Nhân dân, thân Thaksin có triển vọng về đầu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12

Chiếc bóng của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatre vẫn trùm phủ lên chính trường Thái Lan, sau khi đảng Quyền lực của Nhân dân được dự báo sẽ về đầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23 tháng 12 sắp tới.

Theo những cuộc thăm dò cuối cùng do báo The Nation thực hiện, đảng thân Thaksin này, gọi tắt là PPP, có thể chiếm đến 190 trên tổng số 480 ghế dân biểu trong quốc hội tương lai. Cũng theo The Nation, đối thủ của đảng PPP là đảng Dân chủ sẽ về nhì và chỉ gặt hái được khoảng 128 ghế. Còn một số đảng nhỏ khác như Chart Thai, Pua Pandin hay Matchima Thipataya sẽ chiếm được mỗi tổ chức từ 60 đến 20 ghế dân biểu.

Tuy được dự báo về đầu, đảng Quyền lực Nhân dân sẽ không chiếm được đa số và như vậy phải tìm liên minh nếu muốn thành lập chính phủ. Về phần mình, đảng Dân chủ, tuy về nhì, nhưng hiện nay lại được xem là có nhiều triển vọng thành lập chính phủ hơn là PPP, bởi vì toàn bộ sách lược của tập đoàn quân sự Thái Lan, dựa trên cơ sở hiến pháp mới được thông qua mùa hè vừa qua, đó là ngăn chặn sự hình thành một chính đảng quá mạnh, như trường hợp đảng Thai Rak Thai của cựu thủ tướng Thaksin. Hiến pháp do đó tạo điều kiện cho các đảng chống Thaksin liên minh nắm chính quyền.

Dụng ý của các vị tướng đã lật đổ Thaksin Shinawatre vào tháng 9 năm ngoái là như vậy. Thế nhưng dự án này sẽ diễn ra xuôn sẻ hay không, đây lại là một chuyện khác.

Nguyên nhân là chẳng những chính quyền quân sự, một năm qua, không thành công triệt hạ ảnh hưởng của Thaksin, mà hơn nữa, đảng PPP, hậu thân của Thai Rak Thai đã tỏ rõ sức mạng đáng gờm của mình, kể từ khi ông Samak Sundaravej, một chính khách kỳ cựu của Thái Lan, đã lên nắm ngôi vị lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân. Nếu trở thành thủ tướng Thái Lan, ông Samak xác nhận là ông sẽ bãi bỏ một loạt luật lệ và chính sách từng được tập đoàn quân sự ban hành. Trong số này có quyết định giải thể đảng Thái Rak Thai của cựu thủ tướng Thaksin và cấm 111 cán bộ lãnh đạo của đảng này hoạt động trong vòng 5 năm. Việc hủy bỏ quyết định nói trên sẽ mở đường cho ông Thaksin trở lại chính trường Thái Lan với nguy cơ bất ổn định chính trị.

Một cách tế nhị hơn, ông Samak sẽ bác bỏ lập luận của giơí quân đội, theo đó, ông Thaksin không trung thành với nhà vua. Đây là một trong bốn lý do mà quân đội nêu lên để tiến hành đảo chánh vào tháng 9 năm 2006.

Theo báo Aia Times trên mạng, với quan hệ tín cẩn vốn có với hoàng cung, thông qua nhiều người trong gia đình đã từng có quá trình phục vụ tốt trong triều đình, ông Samak tư nhận ông là một nhân vật hiếm hoi có thể hoà giải cựu thủ tướng Thaksin với nhiều nhân vật bảo hoàng đã mặc nhiên ủng hộ cuộc đảo chánh năm ngoái.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là ông Samak là người dám đương đầu với ông Prem Tinsulanond, chủ tịch Cơ mật Viện. Tướng Prem bị một vài thành viên đảng PPP tố cáo là đã vượt quá quyền hạn của mình và giật giây cuộc đảo chánh năm ngoái.

Sau cùng, cung cách gia trưởng của ông Samak đã chiêu dụ được những người theo xu hướng bảo thủ, vốn bám rễ trong xã hội Thái Lan. Ông đã khéo lợi dụng điều này để giành thắng lợi trong cuộc đua giành chức đô trưởng Bangkok vào năm 2000.

Tuy nhiên, tính cách mạnh mẽ của ông Samak cũng là một con dao hai lưỡi. Nhiều người cho rằng các đảng nhỏ của Thái Lan có khả năng xa rời đảng PPP của ông, vì lo ngại thái độ hống hách của vị lãnh đạo này. Mặt khác, nhiều nhà phân tích nhận định nếu PPP thành lập chính phủ, thì việc này sẽ đánh dấu một bước lùi, đưa Thái Lan trở về với tình trạng đối đầu giữa một bên là lực lượng thân Thaksin và bên kia là phe chống Thaksin, như điều đó xảy ra cách đây hơn một năm.
Bảo Thạch
(Ảnh
www.nationmultimedia.com : ông Samak Sundaravej, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân, PPP, trong cuộc họp báo ngày 24/08/2007)

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

Pháp: Sức mua của người dân sụt giảm

24/11/2007_ Sức mua của dân Pháp sụt giảm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Hôm qua, Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế vừa loan báo bố mức tiêu dùng các sản phẩm của dân Pháp trong tháng 10 vừa qua đã sụt giảm 1,1% so với tháng 9, mà tháng 9 thì cũng đã sụt giảm 0,3% so với tháng 8. Chỉ số tiêu dùng sản phẩm là chỉ số phản ánh rõ rệt nhất xu hướng chung, cho nên, việc chỉ số này sụt giảm hai tháng liên tiếp là một điều đáng lo ngại, vì nó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Pháp.


Theo kinh tế gia Mathieu Kaiser, thuộc ngân hàng BNP-Parisbas, nhìn chung, mức tiêu dùng của dân Pháp từ mùa hè đã sụt giảm. Nguyên nhân thứ nhất là do tỷ lệ lạm phát đang tăng cao, vì giá thực phẩm và năng lượng đang leo thang. Nguyên nhân thứ hai là số việc làm được tạo ra đang sụt giảm, khiến người dân càng có cảm tưởng sức mua yếu đi. Một số kinh tế gia khác giải thích rằng, cho tới nay, mức tiêu dùng ở Pháp vẫn tăng đều đặn vì họ không ngần ngại vay tiền để mua sắm, nhưng nay, do tình hình việc làm không có gì sáng sủa và do lãi suất ngân hàng tăng lên, cho nên các hộ gia đình không còn dám vay công mắc nợ và chi xài thoải mái nữa.

Theo dự báo của kinh tế gia Mathieu Kaiser, mức tiêu dùng trên tổng thể có thể sụt giảm mạnh trong quý tư năm nay và rất có thể sẽ tiếp tục chậm lại trong năm tới. Kinh tế gia Alexander Law, thuộc công ty tư vấn Xerfi, cũng dự báo là từ đây đến cuối năm, tình hình sẽ không được cải thiện, nhất là những cuộc đình công trong ngành chuyên chở công cộng sẽ càng khiến các hộ gia đình Pháp xuống tinh thần. Phong trào đình công vừa rồi đã làm tệ liệt mọi hoạt động của nước Pháp trong suốt 10 ngày. Theo ông Alexander Law, sự sụt giảm mạnh của chỉ số tiêu dùng sản phẩm báo hiệu một giai đoạn tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Pháp.


Sau khi đã dự báo là kinh tế Pháp năm 2007 sẽ tăng trưởng từ 2 đến 2,5%, chính phủ của tổng thống Nicolas Sarkozy nay nhìn nhận rằng, mức tăng trưởng này đúng hơn là sẽ ở mức 2%. Nhưng Uỷ ban châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cũng như các kinh tế gia bây giờ nghĩ rằng, tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm nay cao lắm là đạt 1,9%. Thành ra, muốn thúc đẩy tăng trưởng phải làm sao nâng cao sức mua của người dân. Chính vì sức mua bị sụt giảm mà giới công chức Pháp trong tuần này đã xuống đường để đòi tăng lương. Nói chung, đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của người dân Pháp hiện nay, trong bối cảnh mà giá cả ngày càng đắt đỏ.

Theo một cuộc thăm dò trên tờ Ouest France hôm nay, gần hai phần ba dân Pháp cho rằng sức mua của họ đã giảm đi từ một năm qua. Hôm qua, tổng thống Nicolas Sarkozy đã hứa là sau khi đi thăm Trung Quốc trở về, ông sẽ loan báo những biện pháp nhằm cải thiện sức mua của người dân. Hiệu quả của những biện pháp này sẽ như thế nào, còn phải chờ xem, nhưng như tờ Libération nhận định, trong bài xã luận hôm qua, ông Sarkozy đúng hơn là một vị tổng thống chỉ bảo vệ sức mua của người giàu, bởi lẽ mùa hè vừa qua, ông đã cho thông qua nhiều biện pháp giảm thuế cho người có thu nhập cao, trong khi những người lãnh lương thấp đang có mức sống bị sụt giảm nhiều nhất. Vấn đề sức mua, theo tờ Libération, thật ra phản ánh sự cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng tại Pháp .
Thanh Phương
(Ảnh :www.24heures.ch)

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

Tổng tuyển cử Úc : Thay đổi Thủ tướng ?

23/11/2007_ Ngày mai, cử tri Úc sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội mà theo các cuộc thăm dò, gần như chắc chắn là thủ tướng mãn nhiệm thuộc đảng bảo thủ sẽ phải nhường chỗ cho một ứng cử viên đảng Lao động.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất, được đăng tải trên báo chí Úc hôm nay, liên minh của đương kim thủ tướng John Howard trong cuộc bầu cử ngày mai bị thua với tỷ lệ phiếu 47% so với tỷ lệ 53% mà đảng Lao động của ứng cử viên Kevin Rudd sẽ giành được. Nếu kết quả thăm dò nói trên được xác nhận qua cuộc bầu cử, thì như vậy đảng Lao động sẽ thu được thêm 46 ghế, so với cuộc bầu cử lần trước vào năm 2004, trong khi họ chỉ cần có thêm 16 ghế là đủ nắm đa số ở Quốc hội. Không chỉ có dân chúng, mà nhiều tờ báo lớn ở Úc cũng bày tỏ sự ủng hộ ứng cử viên Kevin Rudd. Chẳng hạn như tờ Sydney Morning Herald, trong bài xã luận số ra ngày hôm nay viết rằng : «Chính phủ đã không tỏ quyết tâm đáp lại những thách đố mới và quan trọng mà nước Úc đang đối đầu». Ngay cả nhật báo The Australian của nhà tài phiệt Rupert Murdoch, lần đầu tiên từ năm 1972, cũng ngả theo đảng Lao Động.

Như vậy là nếu đúng theo kết quả thăm dò, ông John Howard sẽ phải rút lui sau 11 năm cầm quyền. Trong 11 năm qua, dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Howard, kinh tế nước Úc đã đạt mức tăng trưởng cao và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất là 4,3%. Thế nhưng uy tín của ông đã bị sứt mẻ do lập trường hoàn toàn ngả theo Mỹ, đến mức có người gọi thủ tướng Howard là bù nhìn của tổng thống Bush và nước Úc do ông lãnh đạo nay đã trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Đặc biệt, thủ tướng Howard nhất quyết duy trì lực lượng Úc ở Irak, bất chấp phản đối của dư luận trong nước. Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, phe đối lập thu hút cử tri một phần là vì họ cam kết nếu thắng cử sẽ hồi hương 1.500 quân Úc còn đóng tại Irak.

Một lý do khác khiến thủ tướng Howard bị mất lòng dân, đó là lập trường của ông trên vấn đề khí hậu. Tuy rằng kể từ nay ông nhìn nhận cần phải giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính, nhưng thủ tướng Úc lại cho là không cần phải hành động khẩn cấp. Trong khi đó, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số dân Úc coi hiện tượng khí hậu Trái đất nóng lên là một đe doạ hàng đầu đối với nước Úc. Cũng xin nhắc lại Úc là quốc gia công nghiệp phát triển duy nhất, cùng với Hoa Kỳ, chưa ký vào nghị định thư Kyoto. Ứng cử viên Công đảng Kevin Rudd hứa là nếu đắc cử thủ tướng, ông sẽ ký nghị định thư này.

Ngoài những yếu tố kể trên, còn phải kể đến yếu tố tâm lý, vì đối với nhiều người, ông Howard, năm nay 68 tuổi, đã cầm quyền quá lâu rồi và nay đang có một nhân vật trẻ hơn, năng động hơn là ông Kevin Rudd, 50 tuổi, sẵn sàng lên thay thế. Như lời, ông Brian Costar, một nhà phân tích ở Melbourne, được hãng tin AP trích dẫn hôm nay, nhiều cử tri đã muốn gạt ông Howard đi nhưng cho tới nay chưa tìm thấy một nhân vật tầm cỡ bên phía Công Đảng.

Thật ra thì theo nhận định của một số nhà quan sát, sự khác biệt quan điểm giữa hai ông Howard và Rudd có tính chất biểu tượng hơn là thực chất, nhất là vì ứng cử viên đảng Lao động cũng là một nhân vật rất thân Mỹ, thậm chí quan hệ Mỹ với nước Úc do ông Kevin Rudd lãnh đạo có thể nồng ấm hơn, nếu như bên Hoa Kỳ, một ứng cử viên Dân chủ đắc cử tổng thống vào năm tới. Vấn đề là nếu đắc cử thủ tướng, ông Kevin Rudd cũng sẽ phải duy trì thế cân bằng trong quan hệ tay ba Úc, Mỹ, Trung Quốc. Canberra sẽ vẫn là đồng minh của Washington, nhưng cũng phải để ý đến quan hệ với Bắc Kinh vì Trung Quốc nay đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Úc.
Thanh Phương

(Ảnh: Reuters: Tổng thống Mỹ George Bush và thủ tướng Úc John Howard tại Hội nghị thượng đỉnh APEC - Hà nội, tháng 11 năm 2006)

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2007

Miến điện: Lực cản hợp tác ASEAN-châu Âu

22/11/2007_ Liên hiệp châu Âu và ASEAN muốn tăng cường hợp tác kinh tế nhưng vẫn bất đồng trên vấn đề Miến Điện.

Tại cuộc họp thượng định ở Singapore đánh dấu 30 năm thiết lập bang giao, 10 nước thành viên ASEAN và 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu hôm nay đã ra một bản tuyên bố chung kêu gọi đẩy mạnh hợp tác kinh tế và kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện trả tự do cho các tù chính trị và nhanh chóng chuyển tiếp sang dân chủ.

Mới nghe qua, ai cũng nghĩ rằng Liên hiệp châu Âu và ASEAN nhất trí rất cao trên cả hai vấn đề này, thế nhưng cho tới nay, giữa hai khối vẫn còn bất đồng về phương cách gây tác động lên Miến Điện, nơi mà mà chính quyền quân sự vào tháng chín vừa qua đã đàn áp dã man phong trào biểu tình đòi dân chủ, do các tăng sĩ lãnh đạo. Thứ hai vừa qua, các ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu đã ban hành những biện pháp trừng phạt mới đối với chế độ quân sự Miến Điện, bao gồm lệnh cấm vận gỗ, đá quý và kim loại của Miến Điện. Theo lời bà Benita Ferrero Waldner, ủy viên đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, thì trên vấn đề Miến Điện, khối này ủng hộ chính sách cây gậy và củ cà rốt, tức là ủng hộ những nỗ lực của đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari, nhưng đồng thời tăng cường những biện pháp trừng phạt.

Nhưng về phía ASEAN vẫn không muốn thi hành các biện pháp trừng phạt Miến Điện. Trong cuộc họp báo chung ngày hôm nay, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại lập trường của ASEAN, theo đó, những biện pháp trừng phạt không phải là phương cách hiệu quả để gây áp lực buộc các tướng lãnh cầm quyền chấp nhận cải tổ dân chủ. Ông Lý Hiển Long nói rằng, tại những nơi khác trên thế giới biện pháp trừng phạt đã không mang lại hiệu quả và trong trường hợp đối với Miến Điện, biện pháp trừng phạt thậm chí sẽ phản tác dụng. Tuy vậy, đối với thủ tướng Singapore, cho dù bất đồng như thế nào trên vấn đề Miến Điện, Liên hiệp châu Âu và ASEAN không nên ngừng hợp tác trong những lĩnh vực khác, vì làm như vậy, cả hai bên đều bị thiệt.

Vào tháng trước, nghĩ sĩ châu Âu Glyn Ford của Anh quốc đã tuyên bố rằng, do chính quyền quân sự Miến Điện đàn áp đối lập, cho nên Liên hiệp châu Âu không thể ký kết bất cứ một hiệp định tự do mậu dịch nào bao gồm cả Miến Điện. Nhưng rõ ràng là cả Liên hiệp châu Âu và ASEAN đều không muốn việc tăng cường quan hệ kinh tế bị cản trở bởi vấn đề Miến Điện. ASEAN hiện là đối tác thương mại đứng hàng thứ năm của Liên hiệp châu Âu, còn Liên hiệp châu Âu là đối tác thương mại đứng hàng thứ hai của ASEAN. Trao đổi mậu dịch giữa hai khối trong năm 2005 là 137 tỷ đôla.

Trong bản tuyên bố chung hôm nay, hai bên đồng ý sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm ký kết một hiệp định tự do mậu dịch. Vùng tự do mậu dịch này sẽ bao gồm 37 quốc gia Âu Á và gần một tỷ dân. Có điều, bản tuyên bố không đề ra một lịch trình nào. Các cuộc đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch Liên hiệp châu Âu-ASEAN đã khởi đầu từ tháng Năm nhưng cho tới nay tiến triển rất chậm. Tuyên bố với báo chí bên lề hội nghị thượng đỉnh hôm nay, ông Peter Mandelson, đại diện thương mại của Liên hiệp châu Âu đã tỏ vẻ sốt ruột trước tiến độ quá chậm này. Thái độ sốt ruột của ông cũng dễ hiểu trong bối cảnh mà hôm qua ASEAN vừa đúc kết bản hiệp định tự do mậu dịch với Nhật và theo dự kiến sẽ một hiệp định tự do mậu dịch với Ấn Độ vào năm tới.
Thanh Phương
(Ảnh: www.eu2007.de)

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

ASEAN: Lực bất tòng tâm trong hồ sơ Miến điện ?

21/11/2007_ Miến Điện, một lần nữa, tìm được chỗ nương tựa trong khối ASEAN.

Công luận Đông Nam Á phê phán gay gắt việc ASEAN không dám đụng chạm đến Miến Điện. Xã luận báo Thái Lan The Nation chạy tựa: ''ASEAN bị sa lầy trong hồ sơ Miến Điện''. Cùng ngày hôm nay, báo trên mạng Asia Times (
www.atimes.com) cũng nêu bật thực trạng tâm thần phân lập của khối ASEAN.

Theo báo Asia Times, có một sự phân hóa rõ rệt giữa một bên là những người phê phán ASEAN và bên kia là các lãnh đạo khối này ; diễn văn các vị lãnh đạo nhấn mạnh đến nào là một thời điểm lịch sử của một Hiến chương đánh dấu bước ngoặt, nào là một bản Hiến pháp táo bạo mang tầm nhìn dự phóng cho toàn khu vực, với ý nghĩa cả 10 quốc gia cam kết tiến bước trên con đường dân chủ, chế độ pháp trị và nhân quyền v.v.

Trong khi đó, những người chỉ trích ASEAN đánh giá rằng: Khối này chỉ là một câu lạc bộ mạn đàm, nơi đây các viên chức ngoại giao bị giới hạn ở vai trò cùng nhau ca hát. Bởi vậy, bản Hiến chương mang tính duy tâm này đã bị Miến Điện, một chế độ đàn áp các nhà sư, biến thành một trò cười, hết lời dẫn. Thực tế là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 này tại Singapore đã thông qua một bản Hiến chương mang mục tiêu củng cố cho uy tín của khối này trên chính trường quốc tế, nhưng lại để mất cơ hội cải thiện hồ sơ Miến Điện.

Miến điện một lần nữa được cứu nguy vì hội nghị ASEAN không mang lại một kết quả nào trên vấn đề nóng bỏng nhất của tổ chức.

Không có chuyện lên án Miến Điện, phải để cho nước này có thời gian tiến hành những cải cách dân chủ. Đó là nội dung chủ yếu của thông điệp mà các nước ASEAN gửi đến Liên hiệp châu âu và Hoa Kỳ. Các nước này yêu cầu phải trrừng phạt những tướng lãnh trong tập đòan quân sự Miến Điện.

Vấn đề nhân quyền sẽ vẫn gặp phải những khó khăn. Dù ASEAN cam kết thúc đẩy các quyền tự do căn bản, nhưng bản Hiến chương được các thành viên ký kết chỉ nhắc đến việc thành lập một ủy ban không rõ ràng. Các quyền hạn và phương thức vận hành của ủy ban này vẫn chưa được xác định. Điểm duy nhất có giá trị là lần đầu tiên trong 40 năm qua, văn kiện trên đã xác định được khung pháp lý cho phép ASEAN tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế. Trên giấy trắng mực đen ghi như vậy, nhưng theo quy định của hiệp hội thì để làm được việc đó vẫn phải có sự đồng thuận trước giữa các nước với nhau.

Ngoài ra để cho bản Hiến chương trở thành một dạng Hiến pháp nhỏ thì nó phải được cả 10 nước nước thành viên nhất loạt phê chuẩn.

Trước kết quả như trên, Hội nghị ASEAN lần thứ 13 này đang phải hứng chịu búa rìu công luận. Báo The Nation viết tiếp, xin trích: Quả là đáng buồn khi toàn khối ASEAN buộc phải đứng ra bảo vệ cho Miến Điện. Như vậy là ngày nay, cho dù được trang bị một bản Hiến chương, ASEAN vẫn vô vọng, bất lực trong việc hành động đối với một con chiên ghẻ, nhóm từ trong nguyên văn.

Xã luận báo này, xin trích nguyên văn trong kết luận: Không ai có thể cắt nghĩa vì sao ASEAN tiếp tục yểm trợ cho tập đoàn quân phiệt Miến Điện, cho dù đã đến lúc phải loại trừ thành viên mang chứng bệnh ung thư này, hết lời dẫn. Thắc mắc của The Nation được trả lời trong bài báo của Asia Times nêu trên. Theo một nhà ngoại giao Mỹ dấu tên, được báo này trích dẫn: Miến Điện là một cản lực đối với ASEAN. Khối này bị lâm vào thế bí, họ không muốn đẩy Miến Điện ra ngoài và xô nước này vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký tương lai của ASEAN đã gián tiếp thừa nhận với báo Asia Times là « lực bất tòng tâm » khi ông tiết lộ rằng ''Để có thể tiến bước trong tương lai, ASEAN cần có thêm rất nhiều quyền lực và phương tiện''.
Bảo Thạch
(Ảnh Reuters : Lãnh đạo Indonexia, Lào, Malaixia, Philippines, Singapore tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 13, ngày 20/11/2007, ở Singapore)

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

Dầu lửa : Vũ khí chính trị của tổng thống Venezuela Hugo Chavez

20/11/2007_ Sau khi ghé Ryad- Ả rập Xê út- tham gia hội nghị thượng đỉnh khối OPEC, rồi thăm viếng chính thức Iran, tổng thống Venezuela đã công du Pháp trong hai ngày, 19 và 20/11/2007. Nhân dịp này, Carracas bầy tỏ mong muốn là Pháp trở thành đối tác đầu tư số một tại Venezuela. Lãnh vực thu hút ngoại quốc nhiều nhất lẽ dĩ nhiên là dầu hỏa, một yếu tố đã được đương kim tổng thống Chavez biến thành vũ khí ngoại giao.

Với giá dầu hỏa tăng vọt trên thị trường quốc tế, xấp xỉ 100 đô la một thùng, trong lúc có tin cho rằng mức khai thác dầu hỏa trên thế giới đã vượt qua ngưỡng cao nhất có thể đạt tới, còn nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục gia tăng, các nước sản xuất dầu khí lớn mặc nhiên dành được một vị thế quan trọng.

Nước Venezuela tại châu Mỹ La tinh nằm trong trường hợp này. Từ ngày nhậm chức tổng thống Venezuela lần đầu tiên vào đầu năm 1999 đến nay, ông Hugo Chavez đã biết lợi dụng vũ khí năng lượng để nâng cao vai trò của nước này trên chính trường quốc tế.

Phải nói là ông Hugo Chavez đã tương đối thành công. Sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng cao nhất là quyết định của Venezuela rút ra khỏi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB vào đầu tháng 5 vừa qua. Theo quan điểm của tổng thống Chavez, tình trạng chênh lệch giàu nghèo rất lớn ở nước ông bắt nguồn từ việc Venezuela từng phải áp dụng các biện pháp cải tổ kinh tế theo xu hướng tự do thái quá do hai định chế tài chánh quốc tế này áp đặt.

Sở dĩ Venezuela dễ dàng thoát khỏi vòng kềm tỏa của IMF và WB, đó là vì nhờ lợi tức thu được từ dầu hỏa và nước này đã có thể thanh toán ngay các món nợ đối với cả hai định chế.

Ngoài ra, nhờ lợi thế dầu hỏa, Venezuela còn đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia phương nam, đặc biệt là trong vùng châu Mỹ La tinh nhằm khuyến khích các nước này tách rời khỏi quỹ đạo của Mỹ. Một cách cụ thể, tổng thống Chavez đã chủ trương thành lập khối hợp tác gọi là ALBA, nhằm hội nhập các nước châu Mỹ về mặt kinh tế, xã hội và quân sự. Sáng kiến này có dụng ý chống lại kế hoạch thiết lập Khu vực Tự do Mậu dịch toàn châu Mỹ AAFTA do Hoa Kỳ bảo trợ.

Sáng kiến của Venezuela hiện mới thu hút được ba nước: Cuba, Nicaragua và Bolivia, thông qua cơ chế Hiệp định Thương Mại Nhân dân PTA, được xem là tiền thân của ALBA.

Chính sách ngoại giao dầu hỏa của tổng thống Chavez còn thể hiện qua hàng loạt hiệp định hợp tác với các nước khác ngoài khu vực, kể cả tại châu Á như Trung quốc, Ân độ, Việt nam.

Đối với Việt nam chẳng hạn, tập đoàn dầu hỏa nhà nước Venezuela PDVSA đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Petrovietnam để khai thác một mỏ dầu tại Venezuela, trong lúc tổng thống Chavez cho biết sẵn sàng đầu tư vào lãnh vực lọc dầu tại Việt nam.

Điều nghịch lý là mặc dù tổng thống Venezuela không bao giờ che giấu luận điểm chống Mỹ, chống chủ nghĩa kinh tế tân tự do, Hoa kỳ lại là nguồn cung cấp tài chánh cho Venezuela thực hiện chính sách ngoại giao dầu hỏa đó. Thật vậy, cho đến nay, Mỹ là bạn hàng chủ chốt mua dầu hoả của Venezuela, với cả triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Chỉ cần Washington đình chỉ việc mua dầu hỏa của Carracas là nguồn lợi tức của Venezuela bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế của chính mình, Hoa kỳ trước mắt vẫn tiếp tục mua dầu hỏa của Venezuela, cho dù đang nỗ lực tìm nguồn thay thế. Thực tế trên đây nêu bật một chỗ yếu trong chính sách ngoaị giao dầu hỏa của ông Chavez, điều mà tổng thống Venezuela đang tìm cách bổ khuyết bằng cách tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác ngoài Hoa kỳ.
Trọng Nghĩa
(Ảnh Reuters : Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại Hội nghị thượng đỉnh OPEC lần thứ 3 ở Ryad, 19-20/11/2007)

Việt nam : Cơn sốt địa ốc có nguy cơ làm tăng lạm phát và thu hút đầu tư phi sản xuất

19/11/07_ Trọng Nghĩa phỏng vấn giáo sư kinh tế Trần Nam Bình, trường Đại học New South Wales (Úc) về cơn sốt địa ốc hiện nay tại Việt nam và hậu quả đối với nền kinh tế quốc gia.

Trong vài tuần lễ vừa qua, cơn sốt địa ốc lại bùng lên tại Việt nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Hàng trăm người chầu chực, chen chúc, tranh giành đặt mua những căn hộ cao cấp. Vấn đề là những căn hộ này mới chỉ có trên sơ đồ và giá bán cao ngất ngưởng, hàng ngàn đô la một mét vuông.

Theo một chuyên gia địa ốc ngoại quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, chi ra 1500 hay 2000 US $ / m2 không còn là điều hiếm hoi và giá có thể lên tới 4500 US $. Một chuyên gia khác, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, còn không loại trừ khả năng giá tại một số khu vực được ưa chuộng ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đạt mức 10 000 € / m2 ( khoảng 13-14.000 US $ theo tỷ giá hiện nay ), tức là cao hơn cả giá trung bình ở Paris, vốn đã thuộc loại đắt trên thế giới.

Đây là một nghịch lý tại một đất nước đang chỉ mới hy vọng đạt được vào năm 2008 mức thu nhập bình quân theo đầu nguời xấp xỉ 1000 US $.

Thông thường thì bất cứ cái gì thái quá đều có hại.

Trong bài phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ RFI ngày 19 thàng 11 năm 2007, sau khi phân tích các nguyên nhân dẫn đến cơn sốt địa ốc hiện nay tại Việt nam, giáo sư kinh tế Trần Nam Bình tại trường Đại Học New South Wales (Úc) đã nêu bật một số tác hại của hiện tượng giá cả nhà đất leo thang :
  • ''Những người nhiều vốn có cơ hội để đầu tư vào thị trường bất động sản nhiều hơn, tạo thêm sự chênh lệch về phân phối thu nhập và tài sản của người Việt nam. Sự chênh lệch này vốn dĩ đã đáng kể tại Việt Nam''.

  • ''Về mặt xã hội, giá nhà gia tăng sẽ gây khó khăn cho công nhân viên hay người dân có thu nhập trung bình trong việc mua được một căn nhà, một căn hộ theo ý muốn".

  • ''Về phương diện kinh tế vĩ mô, một nước phải biết dồn nguồn lực vào những lãnh vực đầu tư khác nhau, để cho vốn luân lưu vào những hoạt động sản xuất. Nếu để cho nguồn tiết kiệm của người dân dồn quá nhiều vào bất động sản, thì những số tiền dành cho các nguồn sản xuất khác có nguy cơ kém đi. Đây là một tác hại về mặt vĩ mô đối với một quốc gia đang cần công nghiệp hóa như Việt Nam".

  • ''Khi giá nhà tăng vọt, người dân có cảm tưởng là họ giầu hơn rất nhiều, mặc dù đó có thể chỉ là ảo tưởng. Hệ quả là mức cung gia tăng, gây áp lực trên giá cả sinh hoạt, tạo nên lạm phát. Tại Việt nam hiện nay, với vấn đề lạm phát là một điều hiện đã đáng quan tâm, cơn sốt địa ốc sẽ có chiều hướng đẩy giá sinh hoạt đi lên''.

(Ảnh: www.tienphongonline.com.vn: Cảnh chen lấn, xô đẩy để tranh nhau mua căn hộ cao cấp)

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2007

Mô hình liên hiệp châu Âu: Ước mơ của ASEAN

19/11/2007_ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Singapore trong bối cảnh khối này kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Trở thành một khôí theo mô hình Liên hiệp châu Âu vẫn là ước mơ của ASEAN.

Được thành lập năm 1967, trong bôí cảnh chiến tranh lạnh và cuộc chiến tại Việt nam diễn ra ác liệt, ASEAN có môí quan tâm hàng đầu vào thời điểm đó là ngăn cản làn sóng cộng sản ở Đông Nam Á. Thế nhưng, kể cuối thập niên 70 trở đi, ASEAN đã từng bước thay đổi mục tiêu và bản chất với tham vọng trở thành một khối hội nhập theo mô hình Liên hiệp châu Âu.

Trong lĩnh vực hợp tác, đối thoại, ASEAN đã đạt được một số bước tiến đáng kể. Ngoài các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp bộ trưởng hay chuyên viên giữa 10 thành viên, ASEAN đã thành lập được cơ chế đối thoại định kỳ với các đối tác quan trọng trong khu vực như Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc hay cơ chế ASEAN cộng ba, tức là với cả ba đối tác nói trên.

Trên cơ sở đối thoại Singapore- Pháp, khối ASEAN đã xây dựng đuợc cơ cấu đối thoại Á-Âu với các hội nghị ASEM hàng năm.

ASEAN cũng đã lập ra được một diễn đàn khu vực, ARF, cơ chế duy nhất trong khu vực thảo luận về an ninh. Vẫn theo chiều hướng quan tâm đến an ninh, ổn định khu vực, vào năm 2002, các nước Đông Nam Á đã đề ra được bộ luật ứng xử, giải quyết bằng con đường ngoại giao các xung đột có thể xẩy ra tại biển Đông.

Về kinh tế, nhìn trong tổng thể, các thành viên ASEAN đều có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2005, tỷ lệ trung bình toàn khối là 5,5%. Xuất khẩu tăng khoảng 15% môĩ năm. Đông Nam Á cũng là nơi thu hút đầu tư trực tiếp ngoại quốc, năm 2006 là 38 tỷ đô la. ASEAN là một thị trường 570 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội, PIB, của toàn khối lên tới khoảng 1000 tỷ đô la. ASEAN đề ra kế hoạch vào năm 2015 sẽ hoàn tất một khu vực tự do mậu dịch. Tuy nhiên, việc kết nạp các thành viên có trình độ phát triển thấp như Việt nam, Lào, Căm bốt, Miến điện đã kìm hãm đáng kể tiến trình hội nhập kinh tế của toàn khối. Theo giới chuyên gia, để có thể đạt đưọc mục tiêu đề ra, từng thành viên trong khối phải triệt để thực hiện nhiều cuộc cải tổ trong lĩnh vực hàng rào thuế quan, tài chính, ngân hàng v.v.

Sự kiện nổi bật tại hội nghị thượng đỉnh lần này, đó là việc lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á sẽ chính thức ký kết bản Hiến chương. Như vậy, từ nay trở đi, ASEAN đủ tư cách pháp lý để ký các công ước quốc tế, cho phép nâng cao vai trò của khối trên chính trường quốc tế.

Thế nhưng, theo nhận định của tờ Daily times, Malaixia, về mặt chính trị, ASEAN là một tập hợp nhiều đôí tác có chế độ chính trị đa dạng như quân chủ chuyên chế, độc tài, dân chủ non trẻ hoặc cộng sản. Do vậy, bản Hiến chương không thể đi xa đến mức làm thay đổi những nguyên tắc cố hữu của khối là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và mọi quyết định vẫn phải được thông qua trên cơ sở đồng thuận. Hồ sơ Miến điện thể hiện rõ sự bất lực của ASEAN. 40 năm qua, ASEAN đã gặt hái được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn phải tiếp tục cải tổ để khẳng định uy tín của mình. Con đường tiến tới hình thành một khối hội nhập theo mô hình liên hiệp châu Âu vẫn còn khá dài đối với các nước Đông Nam Á.
Đức Tâm
(Ảnh: asiep.free.fr: Lãnh đạo năm thành viên sáng lập ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khối này ở Bali, Indonexia, 23-24/02/1976)

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2007

Đối thoại giữa chính quyền Miến điện và đối lập: Ảo vọng của Liên hiệp quốc

18/11/2007_ Ngày 13 tháng 9 vừa qua, khi đặc sứ Liên hiệp quốc, ông Ibrahim Gambari thừa nhận tại New York những tiến bộ của chính quyền Miến Điện trong việc đối thoại với đối lập, thì cùng lúc, tại Yangoon và các thành phố khác của nước này, các vụ đàn áp bắt giam đối lập vẫn tiếp diễn.

Xin nhắc lại là cùng ngày hôm đó, bà Su Su Nway, một phụ nữ trẻ hoạt động công đoàn, đã bị sa lưới cảnh sát sau nhiều tuần lễ rút vào vùng bí mật. Trước đó vài ngày, gương mặt nổi bật của phong trào biểu tình, nhà sư U Gambira, lãnh đạo tổ chức Liên minh các tu sĩ phật giáo Miến Điện cũng đã bị bắt giam. Chẳng những vậy, người cha và người em của nhà sư U Gambira cũng phải ngồi tù. Thường xuyên, không thiếu các nhân chứng tại Yangoon nhìn thấy các vụ bắt bớ thanh niên rải truyền đơn chống đối chính quyền.

Do đó, các lời xoa dịu chính quyền Miến Điện của đặc sứ Liên hiệp quốc, xin trích : yêu cầu thêm thời gian để cho các nỗ lực ngoại giao có thể thành công, hết lời dẫn, là điều trớ trêu, không phù hợp với thực trạng của Miến điện. Chỉ vài ngày sau báo cáo của ông Ibrahim Gambari trước Hội đồng Bảo an, đến lượt một nhà điều tra cũng của Liên hiệp quốc, ông Paolo Sergio Pinheiro, đã không được phép tiếp xúc với bà Aung San Suu Kyi , khi ông viếng thăm Miến Điện.

Điều tai hại là các tuyên bố của ông Ibrahim Gambari, đặc sứ Liên hiệp quốc, có thể củng cố thêm cho lập trường các lãnh đạo Miến Điện, mà sở trường là xỏ mũi Liên hiệp quốc. Tờ báo trên mạng, Atimes.com đã điểm lại, từ 17 năm qua, không biết bao nhiêu là cuộc viếng thăm Miến Điện của nhiều vị đặc sứ Liên hiệp quốc, mà chưa ai thành công thuyết phục chính quyền dân chủ hóa. Từ bà Sadako Ogata, Cao ủy tỵ nạn lúc trước cho đến ông Ibrahim Gambari ngày nay, hàng loạt đại diện Liên hệp quốc đã đến gõ cửa tập đoàn quân sự để mong hé mở ra triển vọng đối thoại. Nhưng với nhiều thủ đoạn, lúc thắt chặt, lúc nới lỏng, chính quyền Miến Điện chỉ thỏa hiệp nửa vời, vừa đủ các yêu sách của Liên hiệp quốc để tìm thời gian, thoát khỏi áp lực quốc tế, khi quá bức bách. Bằng chứng là bà Aung San Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia.

Hôm nay, khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Singapore, sự hiện diện của Miến điện là điều gây khó chịu cho nhiều thành viên Hiệp hội Đông Nam Á, ta có thể dự đoán nhiều lời tuyên bố sẽ đưọc tung ra, để cuối cùng, cũng như đối với Liên hiệp quốc, Miến Điện sẽ có màn ảo thuật để thuyết phục ASEAN rằng điều cấp bách là không nên hàng động, nói chi đến trừng phạt. Cùng lắm, các vị tướng Miến điện hứa hẹn ngày mai sẽ mở đối thoại. ASEAN đã thường xuyên nghe đại diện Miến Điện cam kết : Bà Aung san Suu Kyi sẽ được trả tự do trong những ngày sắp tới. Nhưng mọi việc vẫn như cũ và cánh cửa dân chủ hóa vẫn im ỉm khóa.
Bảo Thạch
(Ảnh ww.oem.com.mx : Đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari và giới tướng lãnh cầm quyền Miến điện trong gặp hồi tháng 10 vừa qua tại thủ đô mới Naypyidaw)

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

GIEC: Biến đổi khí hậu gây hậu quả không thể đảo ngược được

17/11/2007_ Các chuyên gia trong Nhóm liên chính phủ về khí hậu, gọi tắt theo tiếng Pháp là GIEC, hôm qua đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới về những hậu quả không thể đảo ngược được của hiện tượng khí hậu biến đổi. Họ đưa ra lời cảnh báo này trong một bản báo cáo được công bố sau một cuộc họp ở Valencia, Tây Ban Nha. Bản báo cáo đã được chính thức thông qua ngày hôm nay, với sự hiện diện của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.

Thật ra, các chuyên gia chỉ tóm lược ba bản cáo cáo mà họ đã công bố từ tháng giêng năm nay, để nhắc lại rằng : hiện tượng khí hậu trái đất nóng lên chính là do con người gây ra, nhiệt độ đến năm 2100 có thể tăng thêm tới 6,4 độ C, so với nhiệt độ vào năm 1900 và như vậy, những đợt nóng bức, những vụ hạn hán, những trận lụt sẽ xảy ra ngày càng nhiều và các cơn bão sẽ ngày càng dữ dội hơn. Ấy là chưa kể do hiện tượng băng tan ở hai cực, mực nước biển sẽ dâng cao, đe doạ nhiều quốc gia.

Điều mà các chuyên gia muốn nhấn mạnh đó là những hậu quả của thay đổi khí hậu sẽ xảy ra bất ngờ và thậm chí không thể đảo ngược được. Chỉ riêng câu này đã gây tranh cãi gay gắt vì một số quốc gia như Hoa Kỳ cho rằng tính từ ''không thể đảo ngược'' là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Nhưng những nước khác, đặc biệt là châu Âu, thì yêu cầu giữ lại tính từ này, vì nó phản ánh đúng thực tế. Chẳng hạn như theo trưởng phái đoàn Pháp Marc Gillet, gấu trắng bị tuyệt chủng sẽ là một hiện tượng không thể đảo ngược. Phái đoàn Mỹ cũng đã đòi bỏ đi câu, ''toàn bộ các quốc gia đều sẽ bị ảnh hưởng'', nhưng bản báo cáo cuối cùng vẫn giữ nguyên câu này.

Để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nhóm GIEC đề nghị phải giảm mạnh khối lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính, đẩy mạnh việc sử dụng các nhiên liệu tái sinh. Theo họ, năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò ngày càng lớn.

Bản báo cáo của nhóm GIEC thông qua tại Valencia sẽ được dùng làm cơ sở để thảo luận tại hội nghị Liên hiệp quốc các bộ trưởng Môi trường sẽ diễn ra từ ngày 3 tháng 12 ở Bali, Indonesia. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế sẽ thương lượng một văn kiện thay thế cho nghị định thư Kyoto, sẽ hết hạn vào năm 2012. Nghị định thư Kyoto buộc 36 quốc gia công nghiệp phát triển đến năm 2008-2012 phải giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính ít nhất 5% so với mức của năm 1990. Nghị định thư mới có tham vọng sẽ bao gồm những quốc gia không nằm trong nghị định thư Kyoto, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nước phát ra nhiều nhất các chất khí gây hiệu ứng lồng kính.

Theo nhận định của một đại diện của Quỹ thế giới về thiên nhiên, sau hội nghị ở Valencia, kể từ nay quả banh nằm bên sân của các lãnh đạo chính trị. Trên tờ nhật báo International Herald Tribune số ra ngày hôm nay, tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi phải thi hành những biện pháp khẩn cấp để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, bởi vì theo ông, thế giới đang ''đứng bên bờ vực của thảm họa''. Hôm nay, tại Vanlencia, ông Ban Ki-moon thể hiện quyết tâm của ông khi nói rằng : ''Chúng ta không thể rời khỏi hội nghị Bali mà không đạt được một bước đột phá nào tiến đến một thoả thuận chung giữa toàn bộ các quốc gia''.
Thanh Phương
(Ảnh : www.actualites-news-environnement.com)

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

Tiến trình hòa giải Nam Bắc Triều tiên: Lạc quan thận trọng

16/11/2007_ Tiến trình hoà giải Nam Bắc Triều tiên được thủ tướng hai nước thúc đẩy nhưng giớI phân tích vẫn tỏ ý thận trọng về khả năng thực hiện các quyết định này

Kết thúc ba ngày hội nghị giữa hai thủ tướng, lần đầu tiên từ 15 năm nay, hai nước Hàn quốc và Bắc Triều tiên đã tung ra một loạt tín hiệu lạc quan về tiến trình hoà giải giữa hai bên.

Dấu hiệu mang ý nghĩa biểu tượng cao nhất là quyết định đưa tuyến đường sắt liên Triều đi vào hoạt động ngay từ ngày 11 tháng 12 tới đây. Lẽ dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu, chỉ có hàng hoá là được sử dụng tuyến xe lửa này, thế nhưng sự kiện này rất đáng chú ý vì con đường huyết mạch Nam Bắc đó sẽ được nối lại sau 50 năm bị cắt đứt.

Không chỉ nối liền lãnh thổ, lãnh đạo chính phủ Nam Bắc Triều Tiên còn mở rộng và đẩy mạnh chương trình gọi là đoàn tụ các gia đình bị chiến tranh ly tán. Một cách cụ thể thì một trung tâm đoàn tụ được xây dựng tại khu du lịch ở núi Kim Cương trên lãnh thổ miền Bắc sẽ khai trương vào ngày mồng 7 tháng 12 tới đây. Đây là địa điểm để các gia đình bị chia cách từ nửa thế kỷ có thể hội ngộ với nhau. Đối với những người đã quá già yếu hay bệnh tật, không còn khả năng di chuyển, thì kể từ đầu năm tới, họ sẽ có thể tiếp xúc với nhau qua phương tiện video.

Phải nói là việc giúp thành viên các gia đình ly tán gặp lại nhau là một vấn đề rất cấp bách vì hiện nay còn gần 100 ngàn ngườI ở miền Nam chưa lần nào được tiếp xúc với người thân ở miền Bắc từ sau cuộc chiến tranh 1950 - 1953 đến nay. Giữa Hàn quốc với Bắc Triều tiên thì hoàn toàn không có liên lạc thư từ hay điện thoại. Nhiều người trong số này thì tuổi đời lại rất cao nên có nguy cơ họ chết đi mà không thấy lại được người thân.

Đó là chưa kể đến một hồ sơ mà cho đến nay Bắc Triều tiên vẫn phủ nhận : đó là trường hợp của gần 1000 người miền Nam bị mất tích sau khi chiến tranh kết thúc. Trong số này có 500 quân nhân miền Nam bị miền Bắc bắt làm tù binh nhưng không thấy về nhà, hay khoảng 500 thường dân, chủ yếu là ngư phủ tình nghi bị Bắc Triều tiên bắt cóc.

Nhân hội nghị cấp thủ tướng lần này, hai bên đã đồng ý xin trích ''sẽ thảo luận về vấn đề những người mất tích trong chiến tranh và sau chiến tranh''.

Muốn hòa giải thì phải tránh xung đột. Nguyên lý thường tình này cũng được hai phía Nam Bắc Triều Tiên áp dụng đối với vùng biển Hoàng Hải nằm giữa hai nước, vẫn còn bị hai bên tranh chấp chủ quyền. Tại nơi này, nhiều trận hải chiến đẫm máu đã nổ ra giữa hải quân hai bên vào năm 1999 và năm 2002. Để ngăn ngừa xung đột tái diễn, hai nước đã đồng ý cùng nhau khai thác vùng biển có tranh chấp bằng cách thành lập một vùng đánh cá chung ngay từ đầu năm tới.

Nhìn chung, hai chính phủ Hàn quốc và Bắc Triều tiên đã cố gắng thúc đẩy những hồ sơ mang tính biểu tượng. Giới quan sát ghi nhận đây là một chuyển biến tích cực nhưng không che giấu thái độ thận trọng vì không phải quyết định nào trên giấy tờ đều được thực hiện trong thực tế. Các nhà phân tích nêu bật sự kiện Bắc Triều tiên cho đến nay nổi tiếng là hay tìm cách bắt bí đối phương. Vai trò của quân đội Bắc Triều tiên rất quan trọng trong việc bật đèn xanh cho các biện pháp cải thiện quan hệ Nam Bắc. Cho đến giờ họ chưa cho ý kiến, nhưng trong quá khứ thì họ đã nhiều lần gây trở ngại.

Mặt khác, vấn đề phe đối lập Hàn quốc có khả năng thắng cử nhân cuộc bầu cử tổng thống tháng 12 tới đây có thể làm thay đổi tình thế. Lý do là đảng bảo thủ trong phe đối lập rất cứng rắn với Bắc Triều tiên, do đó họ có thể không tán thành những gì chính quyền Seoul cam kết với Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh đó, thì quan hệ Nam Bắc có thể xấu hẳn đi với những hệ quả khó lường.

Trọng Nghĩa
(Ảnh Reuters : Thủ tướng Bắc Triều tiên Kim Yong-il - bên trái - và thủ tướng Hàn quốc Han Duck-soo trong cuộc gặp ngày 14/11/2007 tại một khách sạn ở Seoul)

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

Thủ tướng Nhật bản công du Hoa kỳ trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng

15/11/2007_ Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda hôm nay lên đường đi thăm Hoa Kỳ trong bối cảnh giữa hai đồng minh này đang có nhiều căng thẳng, chủ yếu là do tác động của tình hình chính trị nội bộ Nhật Bản.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng chín, thủ tướng Fukuda đã tuyên bố rằng : « Duy trì liên minh vững chắc giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ và thúc đẩy hợp tác quốc tế, đó chính là nền móng của chính sách ngoại giao Nhật Bản ». Ông còn cam kết rằng Nhật Bản sẽ thi hành những nghĩa vụ quốc tế tương xứng với sức mạnh của quốc gia này. Nhưng thực tế đã không theo như mong muốn của thủ tướng Fukuda.

Dưới áp lực của phe đối lập, ngày 1 tháng 11, ông đã phải đình chỉ nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm và phi cơ của lực lượng quốc tế do Mỹ chỉ huy ở vùng Ấn Độ Dương. Đây là nhiệm vụ mà hải quân Nhật Bản vẫn đảm nhiệm từ cuối năm 2001 trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Như vậy là ông Fukuda bị mất mặt với đồng minh Hoa Kỳ và Washington đã bày tỏ sự bất bình vì cho rằng Nhật Bản tránh né những nghĩa vụ quốc tế của nước này. Khi viếng thăm Nhật Bản ngày 8 tháng 11 vừa qua, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thúc giục Nhật Bản tham gia nhiều hơn nữa vào cuộc chiến chống khủng bố ở cấp độ quốc tế.

Hôm thứ ba vừa qua, thủ tướng Fukuda đã vận động được các dân biểu Hạ viện thông qua một dự luật triển hạn thêm một năm cho công tác tiếp liệu của hải quân Nhật, nhưng văn bản này còn phải được xem xét ở Thượng viện, nơi mà Đảng Dân chủ Nhật Bản đang nắm đa số và chắc chắn là đảng này sẽ bác bỏ một lần nữa. Phe đối lập tố cáo rằng thủ tướng Fukuda muốn Hạ viện thông qua dự luật nói trên trước khi lên đường đi thăm Hoa Kỳ để làm quà cho tổng thống Bush. Còn đối với các nhà phân tích thì ông Fukuda đã muốn chứng tỏ thiện chí của ông đối với Washington, để cho thấy liên minh Mỹ-Nhật vẫn vững chắc. Nhưng thực tế, liên minh này đang bị nhiều rạn nứt.

Tokyo hiện rất lo ngại trước khả năng Hoa Kỳ rút tên Bắc Triều tiên ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Nếu được rút tên khỏi danh sách này, Bình nhưỡng sẽ được sự giúp đỡ của các định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng thế giới. Đối với Nhật Bản, Hoa Kỳ làm như vậy thì chẳng khác gì phản bội đồng minh, trong khi vấn đề các công dân Nhật bị gián điệp Bắc Triều tiên bắt cóc trong những thập niên 70 và 80 chưa được giải quyết. Đây vẫn là bất đồng quan trọng giữa Tokyo và Washington, nhất là vì hôm thứ ba vừa qua, một quan chức bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lần đầu tiên tuyên bố rằng việc rút tên Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các quốc gia khủng bố không có lên can gì đến vấn đề người Nhật mất tích.

Bên cạnh đó, còn nhiều hồ sơ khác đang gây bất hòa giữa Tokyo và Washington, như những biện pháp hạn chế thịt bò Mỹ nhập vào Nhật hoặc gánh nặng tài chính của các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật bản. Một số nguồn tin báo chí Nhật bản cho biết là chính phủ Fukuda dự định cắt giảm tài trợ cho lực lượng Mỹ ở Nhật Bản trong tài khoá bắt đầu tháng Tư năm tới. Hiện giờ, Tokyo phải chi ra mỗi năm từ 4 đến 5 tỷ đôla, tức là khoảng 10 ngân sách quân sự, cho các căn cứ quân sự của Mỹ.
Thanh Phương

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

Miến điện: Đôí tác mà Ấn độ không dễ gì bỏ rơi

14/11/2007_ Đầu tuần, ngoại trưởng Singapore George Yeo công du New Delhi nhằm vận động Ấn độ có lập trường chung, gây sức ép với giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến điện. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ bất khả thi.

Miến điện là một đối tác mà Ấn độ không dễ gì bỏ rơi. Trong mươi năm qua, New Delhi đã quay sang Miến điện, biến nước này thành một đầu cầu để làm ăn buôn bán, thâm nhập vào Đông Nam Á. Việc hậu thuẫn cho chế độ quân phiệt Miến điện bắt nguồn từ ba nhu cầu của Ấn độ. Thứ nhất là cân bằng hoá ảnh hưởng của Trung quốc. Thứ nhì là tranh giành các nguồn năng lượng quý giá của nước này. Và cuối cùng, tranh thủ sự hợp tác của quân đội Miến điện để chống lại các phong trào phiến loạn hoạt động ở khu vực biên giới hai nước. Đáng chú ý là biên giới giữa Miến điện và Ấn độ trải dài trên 1371 cây số. Nhiều sắc dân thiểu số của Ấn độ đã thường xuyên sử dụng cứ địa đặt trên đất Miến điện để hoạt động chống phá New Delhi.

Phải công nhận rằng khi quân đội Miến điện nổ súng vào đoàn biểu tình năm 1988, Ấn độ lúc đó đã bênh vực cho phong trào dân chủ và cho bà Aung San Suu Kyi. Do đó, cho đến giữa thập niên 90, New Delhi đã phải chịu khoanh tay để nhìn Bắc kinh ngày càng bành trướng ảnh hưởng tại Miến điện, một nước thuộc sân sau của Ấn độ. Có một ví dụ điển hình cho thấy bắt đầu từ giữa những năm 90 trở đi của thế kỷ trưóc, Ấn độ buộc phải rà soát lại lập trường chống đối tập đoàn quân phiệt Miến điện và thay đổi hẳn chính sách này, quay sang hợp tác với họ. Đó là việc chương trình tiếng Miến điện của đài phát thanh All India Radio, gọi tắt là AIR, vào giữa thập niên 90 đã thôi không còn chỉ trích chính quyền Miến điện. Ngày nay, chương trình tiếng Miến điện của AIR vẫn còn tồn tại nhưng chủ yếu chỉ giới thiệu âm nhạc và văn hóa. Cũng từ mươi năm nay, New Delhi bắt đầu ve vãn chính phủ Miến điện và xem nước này là con bài không thể thiếu vắng trong chính sách Look East, có nghĩa là Đông tiến.

Vậy là việc thắt chặt quan hệ song phương bắt đầu mang lại nhiều thành tựu cho New Delhi kể từ năm 2000 đến nay. Viên chức chính quyền hai nước thường xuyên tiếp xúc với nhau, mậu dịch phát triển, quan hệ văn hóa lâu đời cũng khởi sắc.

Theo báo Asia Times trên mạng, New Delhi đặt mục tiêu cho năm nay là đạt một tỷ đô la trong trao đổi thương mại song phương. Ấn độ cung cấp cho Miến điện trang thiết bị quân sự. Ấn độ ngấp nghé các tài nguyên của Miến điện như khí đốt. New Delhi cũng muốn cạnh tranh, giành hợp đồng xây dựng nhà máy thủy điện cho nước này, bên cạnh nhiều chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở khác. Về phần mình, Miến điện xuất khẩu sang Ấn độ nông sản, thủy sản và nhập khẩu trang thiết bị công nghiệp, nhiều loại máy móc, vải sợi, dược phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác của New Delhi.

Nhưng quan trọng hơn cả đối với cả hai quốc gia, họ đều mong dựa vào nhau trong các lĩnh vực ngoại giao và chính trị. Miến điện mong kéo Ân độ về phía mình để đa dạng hoá quan hệ, tránh tình trạng phụ thuộc một trăm phần trăm vào Trung quốc, còn New Delhi cũng phần nào được trấn an khi thành công tranh giành ảnh hưởng với Trung quốc tại một quốc gia láng giềng vừa giàu tài nguyên thiên nhiên, vừa ở vị trí chiến lược rất quan trọng tại khu vực Ấn độ dương
Bảo Thạch
(Ảnh
www.myanmar.gov.mm: Tướng Than Shwe gặp ngoại trưởng Ấn độ Shri K Natwar Singh, ngày 25/10/2004, trong chuyến công du New Delhi của lãnh đạo số một Miến điện)

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

Pháp: Đọ sức giữa tổng thống và giới công đoàn

13/11/2007_ Cho dù hiện nay, tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vẫn ở trên mức 50% nhưng ông đang đánh cược uy tín của mình trong cuộc đọ sức với giới công đoàn. Bởi vì, theo giới phân tích, kết cục cuộc thử sức này mang tính biểu tượng cho khả năng giữ lời hứa của tổng thống Pháp như là một nhà cải cách.

Tâm điểm của keo thử sức lần này là cuộc đình công bắt đầu vào lúc 20h, giờ Paris, ngày hôm nay, nhằm phản đối dự luật cải cách độ hưu bổng đặc biệt dành cho lao động của một số ngành nghề được coi là độc hại, nặng nhọc như ngành giao thông vận tải công cộng, ngành điện, khí đốt v.v. trong các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát.

Ngày 18 tháng 10 vừa qua, các nhân viên hoả xa, đặc biệt là những người lái tầu, xe bus, tầu điện ngầm đã ngưng làm việc, làm tê liệt hệ thống giao thông vận tải công cộng ở nhiều nơi, nhất là ở thủ đô Pháp.

Giới quan sát cho rằng thách thức trong cuộc đọ sức giữa chính phủ, mà cụ thể là tổng thống Nicolas Sarkozy và giới công đoàn vượt ra bên ngoài khuôn khổ cuộc cải cách. Theo nhà phân tích chính trị Jean-Luc Parodi, được AFP trích dẫn, thì nếu ông Sarkozy không làm được điều ông đã hứa thì thất bại này sẽ là một vết tỳ ảnh hưởng đến toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông. Còn nhật báo Le Parisien nhận định là tổng thống Sarkozy sẽ không còn được coi là một chính trị gia đoạn tuyệt với cái cũ, với nếp cũ mà ông đã từng phê phán mạnh mẽ.

Điều này giải thích vì sao tổng thống Sarkozy tỏ ra quyết tâm thực hiện cuộc cải cách chế độ hưu bổng đặc biệt. Trên thực tế, hệ thống này hiện nay liên quan đến khoảng 500 ngàn nhân viên và hơn một triệu người nghỉ hưu. Theo ông Dominique Reynié, giáo sư học viện nghiên cứu chính trị Paris thì cuộc cải cách lần này không có tầm cỡ to lớn như hai cuộc cải cách trước đây, vào năm 1993, khi thay đổi hệ thống hưu bổng trong khu vực tư nhân và vào năm 2003, cải cách chế độ hưu bổng đối với giới công chức nhà nước. Do vậy, các công đoàn Pháp lo ngại là tổng thống Sarkozy muốn chính trị hóa cuộc xung đột xã hội lần này nhằm khẳng định uy tín của mình. Báo Le Monde, số ra ngày hôm nay, trích dẫn phát biểu của ông Francois Chérèque, lãnh đạo công đoàn CFDT, xin trích, tôi có cảm tưỏng là chính phủ yêu cầu chúng tôi làm đình công. Hết lời dẫn. Còn tổng thư ký công đoàn CGT, Bernard Thibault nghi ngờ là tổng thống Pháp muốn biến cuộc thử sức với giới công đoàn như một biểu tượng chứng minh cho quyết tâm giành thắng lợi của ông.

Về mặt chính trị, tổng thống Sarkozy mong đợi nhiều vào thắng lợi trong cuộc đọ sức lần này. Trước tiên là điều này sẽ tiếp tục củng cố lòng tin của dân chúng đối với ông. « Ân hạn » sau cuộc bầu cử mà cử tri dành cho tân tổng thống đã qua. Giờ đây, đa số người dân muốn thấy những lời hứa tranh cử trở thành hiện thực và mối quan tâm hàng đầu của họ hiện nay là sức mua. Mặt khác, thắng lợi này sẽ giúp tổng thống Sarkozy trấn an phe đa số UMP về khả năng lãnh đạo, thực hiện cải cách của ông.

Cho đến nay, theo tập quán chính trị tại Pháp, tổng thống hầu như luôn đứng đằng sau chính phủ, không xuất đầu lộ diện ngay khi khởi sự cuộc xung đột xã hội. Ông Sarkozy thì khác hẳn. Trước khi xẩy ra đình công, tổng thống Pháp nhiều lần tuyên bố là ông sẽ tiếp tục đường hướng đã vạch, không khoan nhượng. Thậm chí, tổng thống Sarkozy còn chủ động tấn công với hai vũ khí chính : ông được đa số dân Pháp bầu lên và nhiệm kỳ của ông còn dài, hơn 4 năm rưõi nữa, để thực hiện các cải cách mà ông đã hứa.

Tuy nhiên, ông Patrick Devedjian, tổng thư ký đảng UMP, đảng của ông Sarkozy đã lưu ý là trong cuộc đọ sức với giới công đoàn, nếu phương pháp tỏ ra thô bạo thì công luận sẽ quay lại chống chính phủ, do vậy, cần phải có phương cách uyển chuyển và khiêm nhường.

Đức Tâm
(Ảnh : AFP: Tổng thống Nicolas Sarkozy và tổng thư ký công đoàn CGT Bernard Thibault sau cuộc gặp ngày 14 tháng 5 năm 2007 tại điện Elysée)

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

Pháp: Bắt đầu tuần lễ đình công

12/11/2007_ Kể từ 8 giờ chiều ngày mai, thứ ba 13 tháng 11, giao thông tại Pháp sẽ bị tê liệt trước khi nhiều phong trào xã hội khác chống lại các biện pháp cải cách của chính phủ nhảy vào cuộc.

Biện pháp quan trọng nhất trong chương trình của Tổng thống Sarkozy là cải cách chế độ hưu bổng đặc biệt, một hình thức thụ đắc xã hội có từ cuối thế kỷ 19, mà hiện nay một số ngành nghề như ngành đường sắt không chịu từ bỏ. Mặc dù các công đoàn xe lửa đã gây sức ép bằng một cuộc đình công lớn ngày 18 tháng 10, nhưng chính phủ Pháp không lùi bước. Hậu quả là 7 trên tổng số 8 nghiệp đoàn lao động trong ngành hỏa xa kêu gọi đình công kể từ 8 giờ tối thứ ba ngày mai. Và tùy thuộc vào thái độ của chính phủ mà họ sẽ bỏ phiếu, mỗi 24 tiếng, ngưng hay tiếp tục đình công.

Giao thông tại thủ đô Paris và vùng phụ cận sẽ bị tác động mạnh vì phần lớn nghiệp đoàn xe điện ngầm và xe bus cũng kêu gọi ngừng làm việc kể từ thứ tư. Phong trào đình công cũng ảnh hưởng đến điện lực và khí đốt với sự tham gia của tất cả công đoàn mà hậu quả là nguy cơ cắt điện, cắt gaz trừ một số cơ sở công cộng như trường học, bệnh viện.

Chính phủ của thủ tướng François Fillon cho biết vẫn kiên quyết tiến hành cải cách vì tin tưởng vào sự ủng hộ của người dân. Thứ nhất là chương trình này đã được Tổng thống Sarkozy cam kết thực hiện trong lúc còn là ứng cử viên, chứ không phải dấu diếm, đợi đắc cử rồi mới đưa ra. Thứ hai, là theo một kết quả thăm dò ý kiến, có đến 68% người Pháp không ủng hộ phong trào đình công chống cải cách chế độ hưu bổng đặc biệt.

Hôm qua, thủ tướng Pháp một lần nữa tuyên bố « cứng rắn ». Hiện nay tại Pháp, khoảng 500 ngàn nhân viên và hơn một triệu người hồi hưu được hưởng chế độ hưu bổng đặc biệt với thời gian đóng tiền vào quỹ hưu trí là 37 năm rưỡi và họ có thể nghỉ hưu ở tuổi 50. Do vậy, chính phủ muốn kéo dài thêm thời gian đóng góp này đến 40 năm như mọi công tư chức khác tại Pháp và nói rằng sẽ cố gắng thực hiện một cuộc cải cách khó khăn mà trước đây không một chính phủ nào dám làm.

Thế nhưng, bên cạnh phong trào chống cải cách hưu bổng, chính phủ Pháp còn phải đối phó với phản đối của công chức trong một số lãnh vực khác, nhất là trong ngành giáo dục vì chính phủ dự trù cắt giảm 29 ngàn việc làm trong tài khóa 2008. Các công đoàn lớn kêu gọi giáo chức đình công ngày thứ tư 20 tháng 11. Chính phủ Pháp biện minh là không có ý đồ tư hữu hóa các ngành công cộng mà chỉ sắp xếp lại cho hiệu quả hơn. Sự kiện ngành tư pháp hủy bỏ một số toà án địa phương nhỏ, tập trung về tỉnh lớn cũng đang gây bất mãn trong giới thẩm phán và luật sư và làm cho một số dân biểu phe đa số phải e dè vì sắp đến bầu cử thị trưởng. Khuynh hướng chống giảm biên chế công chức dứt khoát đòi nhà nước không được đụng chạm vào những lãnh vực thiết yếu cho đời sống người dân như bệnh viện, trường học, bưu điện và toà án dù ngân sách có bị khó khăn..

Chưa hết, từ những ngày qua, một bộ phận sinh viên bắt đầu bãi khóa, phản đối một dự luật về quyền tự trị đại học. Thành phần này chỉ trích chính phủ muốn biến đại học thành xí nghiệp. Họp nhau tại Rennes hôm qua, một ủy ban điều hợp được thành lập với lời kêu gọi sinh viên xuống đường phong tỏa các nhà ga xe lửa kể từ ngày mai 13 và tham gia biểu tình ngày 14 và 20 tới, trong một chiến dịch gọi là «phối hợp chống chính phủ».

Tuy các hiệu trưởng đại học Pháp ra thông cáo tố giác đích danh các nhóm cực tả lợi dụng căng thẳng xã hội để kích động sinh viên, điều này cũng không làm thay đổi tình huống. Nguy cơ nước Pháp bị tê liệt ít nhất suốt một tuần lễ là chuyện khó có thể tránh khỏi.
Tú Anh
(Ảnh AFP: Cuộc biểu tình năm 1995 chống dự luật cải cách chế độ hưu bổng đặc biệt của chính phủ Juppé)