Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2007

Bắc Triều Tiên: Lần đầu tiên George Bush gửi thư cho Kim Jong Il

07/12/2007_ Năm 2002, tổng thống Mỹ Geroge Bush đã từng xếp Bắc Triều Tiên trong cái gọi là ''trục tội ác'', cùng với Iran và Irak thời Saddam Hussein. Thế nhưng trong bức thư đề ngày 1 tháng 12 gởi cho lãnh tụ Kim Jong Il, ông Bush đã mở đầu bằng '' Kính thưa Ngài Chủ tịch '', vì chức danh chính thức của ông Kim Jong Il là chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng, chức vụ tối cao ở Bắc Triều Tiên.

Nhưng điều đáng nói hơn cả, đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ ngỏ lời trực tiếp với lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng. Trong bức thư này, ông Bush thúc giục Kim Kong Il khai báo đầy đủ các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và nói chung là nhắc nhở Bình Nhưỡng tôn trọng những thỏa thuận đã ký kết với năm quốc gia có liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tức là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Bush gởi thư cho lãnh tụ Kim Jong Il vào lúc mà tiến trình này đang bị chậm trễ. Có khả năng là Bình Nhưỡng sẽ không thực hiện đúng cam kết là đến cuối năm nay phải nộp bản khai báo toàn bộ các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên hoặc có khả năng là bản khai báo này không đầy đủ. Xin nhắc lại là trong thỏa thuận ký kết tại Bắc Kinh ngày 13 tháng 2, Bình Nhưỡng đã chấp nhận từ bỏ các chương trình hạt nhân, đổi lấy viện trợ năng lượng của quốc tế. Để chứng tỏ thiện chí, chính quyền Bắc Triều Tiên đã đóng cửa lò phản ứng Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của nước này. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng cam kết sẽ tháo dỡ toàn bộ các cơ sở hạt nhân khác và khai báo toàn bộ các chương trình hạt nhân từ đây đến cuối năm 2007.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã nêu lên khả năng là tiến trình này bị chậm trễ, nhưng cho rằng đó là do những vấn đề kỹ thuật, chứ không phải là do thiếu sự hợp tác của Bình Nhưỡng. Thế nhưng, một giới chức Hàn Quốc cho biết là Bắc Triều Tiên đã không chịu cho thanh tra một chương trình làm giàu chất uranium nhằm mục đích quân sự, mà Bình Nhưỡng vẫn chối là không có, tuy rằng người ta nghi Bắc Triều Tiên vẫn bí mật thực hiện chương trình này. Có lẽ chính vì thế mà trong bức thư gởi Kim Jong Il, tổng thống Bush đã nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng phải khai báo đầy đủ và chính xác.

Các nhà phân tích ở Hàn Quốc nghĩ rằng việc một tổng thống Mỹ gởi thư trực tiếp như vậy sẽ nâng cao uy thế của Kim Jong Il và qua đó giúp ông ta kềm chế những thành phần cứng rắn trong phe quân sự vốn vẫn chống lại mọi thỏa thuận về hạt nhân với quốc tế.
Ngoài ra, bức thư của tổng thống Bush cũng gián tiếp trấn an ông Kim Jong Il rằng Washington không có ý định thúc đẩy thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Khi ngỏ lời trực tiếp với lãnh tụ Kim Jong Il như vậy, tổng thống Bush cho thấy là ông rất muốn hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên được giải quyết ổn thỏa, để ông có thể rời khỏi Nhà trắng vào tháng giêng năm 2009 với một thành công ngoại giao vang dội.

Thế nhưng, một số nhà phân tích không nghĩ rằng bức thư của tổng thống Mỹ sẽ thuyết phục giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên tỏ ra minh bạch hơn về các chương trình hạt nhân quân sự. Theo lời một giáo sư thuộc trường đại học Sogang, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, Bình Nhưỡng sẽ chỉ thật sự hợp tác một khi Hoa Kỳ rút tên Bắc Triều Tiên khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố và chấm dứt các biện pháp trừng phạt.
Thanh Phương
(Ảnh :
www.franceglobal.com: Kim Jong Il và Madeleine Albright, Bình Nhưỡng, năm 2000)

Không có nhận xét nào: