Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC : Mất bò mới lo làm chuồng

30/04/2008_Quan điểm sai lầm về phát triển nông nghiệp của các định chế quốc tế bị tố cáo là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu

Vào lúc này, giá gạo thơm pathumthani xuất khẩu của Thái Lan đã đạt mức kỷ lục, xấp xỉ 1000 đô la một tấn, tăng gần gấp đôi so với tháng giêng vừa qua và gấp ba lần so với cách nay một năm. Đà tăng vọt này cũng là xu hướng chung của nhiều loại lương thực căn bản khác như lúa mì, bắp ngô, đậu nành trong thời gian qua, gây khó khăn cho các nước nghèo trong việc nuôi dân. Vấn đề trở nên nguy hiểm đến mức mà các định chế quốc tế đã phải liên tiếp họp bàn để tìm hướng đối phó, sợ rằng tình hình xấu đi thêm sẽ dẫn đến đói kém và bạo loan.

Sau lời báo động của Ngân hàng Thế giới vào trung tuần tháng tư, theo đó, tình trạng lương thực tăng giá có thể đẩy khoảng 100 triệu người tại các nước đang phát triển vào tình trạng nghèo đói, hôm qua đến lượt Liên Hiệp Quốc nhập cuộc, cho thành lập một nhóm đặc nhiệm có chức năng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Ưu tiên trước mắt là « cung cấp thức ăn cho những ai bị đói » từ ngữ trong nguyên văn. Sau cuộc họp với lãnh đạo 27 định chế chủ chốt của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Ban Ki Moon còn kêu gọi nhiều nước hủy bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực để góp phần hạ giá lương thực trên thế giới. Lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã được cả Ngân hàng Thế giới lẫn Tổ chức Thương mại Thế giớI phụ họa. Việt Nam cùng vớI Ấn Độ, Brazil, Achentina, Ai Cập, nằm trong số các quốc gia đã quyết định giảm mức xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực cho dân chúng của mình.

Vào cuối tuần này, khủng hoảng lương thực chắc chắn sẽ trở thành một chủ đề quan trọng của Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á. Mối quan ngại của định chế này từng được vị chủ tịch, ông Haruhiro Kuroda, bày tỏ khi ông cho rằng giá lương thực tăng vọt đã đẩy lùi cuộc chiến chống nghèo khó tại châu Á và một số nước sẽ phải cần đến ngoại viện để nuôi dân. Cho đến nay, hiện tượng giá lương thực tăng vọt thường được gán cho nhiều nguyên nhân như giá năng lượng và phân bón tăng cao, mức cầu thế giới mạnh mẽ hơn, thiên tai làm mất muà, đầu cơ trục lợi v.v.

Thế nhưng, theo nhiều nhà phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng là thái độ tắc trách của các định chế cầm cân nẩy mức trên thế giới, đã lơ là hẳn nhu cầu phát triển nông nghiệp. Theo bà Shalmali Guttal, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc tổ chức Focus on the Global South, trụ sở tại Bangkok, thì cuộc khủng hoảng lương thực không phải là đã nổ ra trong một sớm một chiều. Theo bà, các nhà nông châu Á, từ nhiều năm nay, đã lưu ý mọi người về nguy cơ khủng hoảng ngày càng tăng, thế nhưng lời báo động của họ đã bị giới hoạch định chính sách bỏ ngoài tai. Cả Ngân hàng Thế giới lẫn Ngân hàng Phát triển Châu Á đều không thấy được hiểm họa này. Ông Bruce Tolentino, Giám đốc phụ trách phát triển và cải cách kinh tế thuộc hiệp hội Asia Foundation cũng chỉ trích Ngân hàng Phát triển châu Á thiếu sáng suốt. Theo ông, nông nghiệp đã bị các chính quyền và các định chế quốc tế lơ là trong ít nhất 20 năm qua và thế giới ngày nay đang phải gánh chịu hậu quả của sự thờ ơ đó. Một trong những thí dụ điển hình của sai lầm về mặt chính sách được giới phân tích nêu bật là xu hướng dùng ngũ cốc sản xuất nhiên liệu thay vì làm lương thực. Trong thời gian qua, hàng tỷ đô la đã được đổ vào việc chế tạo các loại nhiên liệu như ethanol, hay diesel sinh học nhằm thay thế các loại xăng dầu gây ô nhiễm đang được các nước giầu sử dụng. Việc sản xuất các loại nhiên liệu sinh học nói trên đã tiêu tốn một khối lượng lớn bắp ngô, đậu nành và mía sản xuất tại Hoa Kỳ, Brazil hay Canada, với hệ quả là làm giảm bớt nguồn lương thực cấn thiết. Ngoài ra, đầu tư cho việc nâng cao năng suất nông nghiệp cũng không còn được chú ý như vào các thập niên 70, 80.

« Mất bò mới lo làm chuồng ». Phải chờ đến khi cuộc khủng hoảng có dấu hiệu trở thành nghiêm trọng thì các định chế quốc tế và các nước giầu mới quan tâm trở lại đến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực. Đây là một công việc không phải là dễ dàng vì theo các chuyên gia nông nghiệp, để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng, tổng sản lượng lương thực trên thế giới từ nay cho đến năm 2030 phải được nhân đôi so với mức hiện nay. Thề nhưng, vào lúc này, sản lượng lương thực hàng năm chỉ tăng được từ 1 đến 2 %, trong lúc mà để đạt yêu cầu nói trên, mức tăng phải là từ 3 đến 5 %.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : Reuters)

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

RƯỚC ĐUỐC THẾ VẬN : Sinh viên Trung Quốc đánh người biểu tình ở Séoul

29/04/2008_Công luận Hàn Quốc bất bình trước hành vi bạo lực của sinh viên Trung Quốc trong lễ rước đuốc tại Séoul

Dư luận tại Hàn Quốc hiện đang rất phẩn nộ trước những hành vi bạo lực của sinh viên Trung Quốc trong lúc diễn ra lễ rước đuốc. Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã kéo đến Séoul ngày chủ nhật vừa qua để đón ngọn đuốc Olympique và một số sinh viên đã xung đột với những người biểu tình chống Trung Quốc. Các vụ xung đột đã xảy ra khi khoảng 300 người, trong đó có cả người Bắc Triều Tiên biểu tình phản đối chính sách của Bắc Kinh cưỡng bức hồi hương người Bắc Triều Tiên và đàn áp người Tây Tạng. Trong một vụ đụng độ giữa hai nhóm biểu tình đối nghịch, một số sinh viên Trung Quốc đã ném gạch đá, chai lọ vào những người biểu tình Hàn Quốc. Trong một vụ khác, theo lời các nhân chứng, sinh viên Trung Quốc đã vây đánh một nhóm nhỏ người biểu tình Hàn Quốc. Một cảnh khác, được quay vidéo, cho thấy hàng trăm thanh niên Trung Quốc rượt đuổi một nhóm người biểu tình Hàn Quốc vào tận trong một khách sạn hạng sang để đánh họ. Ngoài ra, có hai sinh viên Mỹ mặc áo thun có in hàng chữ : « Giải phóng Tây Tạng » bị sinh viên Trung Quốc vây đánh, khiến cảnh sát Hàn Quốc phải can thiệp để giải cứu.

Ngay từ hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc đã gởi công hàm đến đại sứ Trung Quốc ở Séoul để phản đối hành vi của sinh viên Trung Quốc. Hôm nay, thủ tướng Han Seung- Soo loan báo sẽ thi hành những biện pháp ngoại giao và tư pháp cần thiết. Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc tuyên bố sẽ nghiêm khắc trừng trị những kẻ gây bạo động, bất kể họ thuộc quốc tịch nào. Ông cũng cho biết nhà chức trách đang nghiên cứu những đoạn vidéo quay cảnh biểu tình vừa qua.

Báo chí và những người tham gia diễn đàn trên mạng ở Hàn Quốc đã phản ứng rất mạnh. Tờ nhật báo Chosun Ilbo, số ra ngày hôm nay, ghi nhận : « Đây là lần đầu tiên dân Trung Quốc nổi điên tại thủ đô của một nước ngoài. Chúng ta đành phải tự hỏi là Trung Quốc có đủ tư cách để đón tiếp Thế Vận hội hay không ? ». Nhưng trước sự công phẫn của dư luận Hàn Quốc, Bắc Kinh lại bênh vực những sinh viên Trung Quốc gây bạo động. Tuyên bố với báo chí hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những sinh viên nói trên chỉ bảo vệ ngọn đuốc Olympique và đó là chuyện bình thường.

Trong những chặng rước đuốc gần đây, Bắc Kinh đã huy động ngày càng nhiều thanh niên, sinh viên Trung Quốc để dùng chiến thuật biển người áp đảo những đoàn biểu tình chống Bắc Kinh. Tại Séoul, chủ nhật vừa qua, số người biểu tình chống Bắc Kinh chỉ vào khoảng 300, trong khi số sinh viên Trung Quốc lên tới hơn 6000 người. Đây là chiến thuật họ đã áp dụng tại Úc, khi đuốc Thế Vận được rước qua thủ đô Canberra, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra những vụ đụng độ nghiêm trọng như vậy. Những vụ bạo động này có nguy cơ dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và càng làm mất đi ý nghĩa của lễ rước ngọn đuốc Thế vận, biểu tượng của hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Một sinh viên Trung Quốc đang đánh một người biểu tình trong lễ rước đuốc tại Séoul)

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

Khu vực Euro : Đang phải đối phó với nhiều khó khăn kinh tế

28/04/2008_« Áng mây đen trên bầu trời châu Âu » : Tựa bài xã luận trên tờ báo Pháp Le Monde số ra cuối tuần qua nêu bật mối lo ngại hiện nay tại châu Âu trước viễn ảnh tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa trong thời gian sắp tới đây. Ðiều nghịch lý là chính các nước trong khu vực sử dụng đồng Euro lại là những nước bị đe dọa nhiều nhất trong lúc đồng tiền châu Âu càng lúc càng chứng tỏ sức mạnh của mình, có lúc đã vượt qua ngưỡng tâm lý là một euro đổi được 1,60 đô la.

Chính đà tăng giá quá mạnh của đồng tiền châu Âu so với đồng đô la Mỹ là một trong những nguyên nhân làm các nước sử dụng đồng Euro như Pháp, Ðức, Ý, Tây ban Nha, rất lo ngại vì lẽ điều này sẽ làm hàng xuất khẩu châu Âu trở nên quá đắt đỏ, mất đi sức cạnh tranh. Ba ngành sản xuất quan trọng của châu Âu là hàng không không gian với phi cơ Airbus, hay công nghệ xe hơi hoặc thời trang là những lãnh vực dễ bị mất lợi thế cạnh tranh nhiều nhất so với sản phẩm đến từ các nước sử dụng đồng đô la.

Tuy nhiên sự kiện đồng Euro tăng giá không phải là nguy cơ duy nhất đe dọa các nền kinh tế châu Âu. Với mức độ khác nhau, cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc nhiều rủi ro tại Hoa Kỳ, xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ, tình trạng sức cầu nội địa bị đình đốn tại Ðức hay hiện tượng bong bóng địạ ốc bị xì hơi tại Tây Ban Nha hay Ireland, tất cả các yếu tố không hay đó đã cộng hưởng với đà tăng giá của đồng Euro để tác hại đến các nền kinh tế châu Âu. Các số liệu tăng trưởng dự báo cho năm nay và năm tới đều cho thấy rõ tình trạng đó.

Tại Cộng hoà Ireland, nước từng được mệnh danh là con rồng, con hổ châu Âu nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong hơn một thập niên qua, tỷ lệ tăng trưởng trong năm nay sẽ chỉ bằng một nửa so với mức 5,3 % của năm 2007. Là một nền kinh tế bị lệ thuộc mạnh vào Hoa Kỳ, Ireland hiện đang chịu tác động mạnh của ba nhân tố : Khủng hoảng tín dụng, thị trường địa ốc bùng lên quá trớn trong thời gian qua hiện đã suy sụp đáng kể và tỷ giá quá cao của đồng Euro.

Cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu là Ðức cũng không thoát khỏi khó khăn. Hôm thứ năm tuần rồi, thủ tướng Angela Merkel đã phải công nhận là tăng trưởng của Ðức trong năm nay sẽ không thể vượt quá 1,7 %, sau khi đạt 2,5 % trong năm ngoái. Xuất khẩu, vốn là thế mạnh của Ðức, có nguy cơ phải chịu hậu quả từ việc nền kinh tế Mỹ bị khựng lại trong lúc đồng Euro tiếp tục tăng giá. Ngoài ra, lạm phát gia tăng sẽ kềm hãm sự tiêu thụ của người dân Ðức, làm suy yếu một trong những động lực tăng trưởng của nước này.

Tình hình ở Ý còn đáng ngại hơn nữa. Nền kinh tế vốn đứng hàng thứ ba trong khu vực sử dụng đồng Euro sẽ mấp mé tình trạng không tăng trưởng trong năm nay. Mới đây, chính quyền Ý đã phải cắt giảm mức dự báo tăng trưởng trong năm 2008, từ 1,5 % xuống còn 0,6%. Cho dù vậy, tỷ lệ đó cũng còn bị cho là quá lạc quan vì theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF, trong năm nay, tăng trưởng của Ý chỉ là 0,3% mà thôi.

Các dự báo tăng trưởng cho Pháp, Anh, Tây ban Nha, cũng như nhiều nước khác ở châu Âu đều theo chiều hướng suy giảm tương tự. Trong toàn cảnh đó, nhiều người hy vọng là các nước như Ấn Ðộ hay Trung Quốc có thể kéo tăng trưởng thế giới đi lên. Ngay tại châu Âu, các nước phiá Tây cũng có dấu hiệu trông chờ vào sự năng động của một số quốc gia Trung và Ðông Âu như Ba Lan, Cộng hoà Tchèque, Slovenia, và nhất là Nga. Nếu các nền kinh tế này tiếp tục tăng trưởng, Tây Âu sẽ giảm thiểu được khó khăn.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : biểu tượng đồng Euro trước trụ sở ngân hàng trung ương châu Âu tại Francfort-Đức)

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

ĐUỐC THẾ VẬN : Ngọn lửa soi rõ mối chia rẽ giữa Trung Quốc và công luận thế giới

27/04/2008_ Với khẩu hiệu « một thế giới, một giấc mơ », Bắc Kinh đã hy vọng chọn cơ hội Thế Vận để chinh phục công luận các nước ngoài, tạo nên mối đồng giao, đồng cảm, gắn kết mọi người trên hành tinh với quốc gia khổng lồ châu Á, đang vươn dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngày hôm nay, ở thời điểm chỉ còn 100 ngày nữa Thế Vận hội sẽ khai mạc tại Bắc Kinh, hoài bão đó mỗi ngày thêm xa xôi, huyễn hoặc, khi các vụ đàn áp ở Tây Tạng biến cơ hội Thế Vận thành phong trào phản đối Trung Quốc. Trong cuộc rước đuốc vòng quanh thế giới, tham vọng của Bắc Kinh đã biến thành thảm kịch phản tuyên truyền cho chế độ.

Từ Luân Đôn đến Paris, San Francisco đến Canberra, rồi Nagano hôm qua và Séoul ngày hôm nay, ngọn đuốc Thế Vận chẳng những không hội tụ được mọi người hướng về Bắc Kinh chung vui mà còn gây nên những vụ ẩu đả, khơi dậy nhiều hiềm khích, khoét sâu sự phân hóa giữa người bênh vực cho Bắc Kinh mà phần đông là cộng đồng người Hoa bị chạm vào lòng tự ái dân tộc và người chống đối Trung Quốc ở nước ngoài được dịp phơi bầy nỗi phẫn nộ. Ở đây phải nói, không chỉ có khủng hoảng Tây Tạng, cho dù các diễn tiến đẫm máu ở Tây Tạng vào tháng 3 đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình, xuống đường chống Trung Quốc, nhưng các chặng đường rước đuốc kể trên đã lột trần thêm nhiều môí bất hòa khác, nhiều sự tệ hại khác, bị lên án như việc bài trừ Pháp Luân Công, các hành vi trấn áp các nhà ly khai như chính sách cưỡng ép hồi hương hàng chục ngàn người tỵ nạn Bắc Triều Tiên và không công nhận cho họ quy chế tỵ nạn chính trị. Ngay ở Việt Nam, nếu được dịp, chắc hẳn là nhiều người đã muốn phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa.

Đi đến đâu, ngọn đuốc Thế Vận đã phát hiện đến đó một sự thật mà có lẽ Bắc Kinh cũng không dè chừng : Trung Quốc có rất nhiều kẻ thù và người ta rất sợ nước này, như tuần báo Le Nouvel Observateur đã viết trên trang nhất ngày hôm nay. Hình ảnh Trung Quốc bị sứt mẻ. Hố sâu ngăn cách giữa công luận thế giới và Bắc Kinh đã khiến cho tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy mất thể diện. Trong khi đó, dù muốn hay không, vấn đề Tây Tạng đã gây căng thẳng giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, đe dọa đến việc tiến hành trơn tru, suôn sẻ Thế Vận hội vào tháng 8. Bởi vậy, Bắc Kinh đã hé mở cánh cửa đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma. 100 ngày sắp tới là một khoảng cách thời gian khá dài để Trung Quốc đáp ứng lại những thách đố mà quốc gia này đã nhận lãnh khi được trao vinh dự tổ chức Thế Vận hội, đó là làm thế nào để cho người Trung Quốc và những người khác trên trái đất đều là kẻ thắng cuộc vào năm 2008, như lời chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc tế, ông Jacques Rogge đã tóm lược vào năm ngoái.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Ngọn lửa Olympique đến Séoul ngày 27/04/2008)

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TÂY TẠNG : Trung Quốc chấp nhận đối thoại với đại diện của Đạt Lai Lạt Ma

26/04/2008_ Giới phân tích đón nhận một cách thận trọng đề nghị của Bắc Kinh nối lại đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma

Các nước phương Tây hôm qua đã hoan nghênh quyết định của Trung Quốc mở cuộc đối thoại với đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, cuộc đối thoại này khó mà đạt kết quả như mong muốn, bởi lẽ quyết định nói trên có thể chỉ là nhằm hóa giải áp lực ngày càng tăng của quốc tế.

Từ năm 2002, đại diện của với đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ đã thương lượng với các đặc sứ của Trung Quốc. Lần cuối cùng hai bên hội đàm trực tiếp là vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm ngoái. Nhưng thật ra ngay cả trong thời gian cao điểm của cuộc khủng hoảng tại Tây Tạng, liên lạc giữa đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma với Bắc Kinh chưa bao giờ bị cắt đứt hoàn toàn. Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng vẫn muốn giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách đối thoại trực tiếp với chính phủ Trung Quốc. Tuy lên án Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc « diệt chủng văn hóa » ở Tây Tạng, nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói rõ là Ngài không đòi độc lập, mà chỉ muốn quê hương của mình được hưởng một nền tự trị. Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng cũng không bao giờ kêu gọi tẩy chay Thế Vận hội Bắc Kinh, mà trái lại Ngài cho rằng Trung Quốc rất xứng đáng là quốc gia đón tiếp sự kiện thể thao này. Nhưng phía Bắc Kinh lại vẫn tố cáo những người mà họ gọi là « tập đoàn Đạt Lai Lạt Ma kích động bạo loạn ở Tây Tạng để phá hoại Thế Vận hội ». Mặc dù hôm qua vừa mới đề nghị nối lại đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma, hôm nay, Trung Quốc một lần nữa lên tiếng đả kích Ngài là đã dùng đủ mọi cách để phá hoại ổn định và phát triển của Tây Tạng. Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, còn kết tội đức Đạt Lai Lạt Ma và giới thân cận đã phao tin đồn là Trung Quốc áp bức Phật giáo Tây Tạng và đã kích động dư luận quốc tế chống Trung Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, giới phân tích đón nhận đề nghị đối thoại của Trung Quốc một cách thận trọng. Hôm qua, Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ là cuộc đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ diễn ra như thế nào. Theo các chuyên gia về Tây Tạng, chính những chi tiết này sẽ cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc thực tâm đến đâu. Chi tiết quan trọng nhất đó là thực quyền của nhân vật sẽ đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhân vật này liệu có đủ quyền hành để thương lượng một cách có thực chất với phía Tây Tạng hay không ? Một số chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh thông báo nối lại đối thoại với đại diện đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một hành động mang tính chất giao tế, nhằm hóa giải áp lực quốc tế. Nhưng những nhà phân tích khác thì nghĩ rằng có thể là một số nhân vật trong chính quyền Trung Quốc nay nhận thấy chính sách phát triển kinh tế ở Tây Tạng đã không chinh phục được lòng dân tại đây. Không chỉ là do áp lực của quốc tế, quyết định nói trên còn cho thấy chính quyền Bắc Kinh nay công nhận là đàn áp không thể giải quyết được tình hình rối loạn ở Tây Tạng. Tuy vậy, không ai nghĩ rằng lập trường của Bắc Kinh trên vấn đề Tây Tạng sẽ thay đổi căn bản, khi nào lãnh đạo vùng Tây Tạng, Trương Khánh Lê vẫn còn tại chức. Kể từ khi lên nắm chức bí thư đảng của khu tự trị Tây Tạng năm 2005, ông Trương Khánh Lê vẫn nổi tiếng rất cứng rắn đối với những người đối lập tại đây, cũng như ông đã từng trấn áp thẳng tay người Hồi giáo sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, khi nắm quyền lãnh đạo vùng Tân Cương trước đây. Cho nên, một sử gia chuyên về Tây Tạng thuộc trường đại học British Columbia ở Vancouver, Canada nhận định, nếu đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự muốn thương lượng với đức Đạt Lai Lạt Ma thì bước đầu tiên là phải cách chức ông Trương Khánh Lê.
Thanh Phương
(Ảnh :
www.abcnews.go.com : Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo)

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BẮC TRIỀU TIÊN: Hoa Kỳ gia tăng áp lực

25/04/2008_ Thêm áp lực trên Bình Nhưỡng để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Vậy là 7 tháng sau khi Israel ném bom vào một cơ sở bị xem là lò phản ứng của Syria, chính quyền Mỹ đã xác nhận điều này. Cùng lúc, Washington đòi hỏi Damas làm sáng tỏ sự thật về chương trình hạt nhân bí mật. Nhưng Washington lại sử dụng ngôn từ mềm mại, ôn hòa hơn với Bình Nhưỡng, để khẳng định là Hoa Kỳ kiên trì đối thoại với Bắc Triều tiên nhằm thúc đẩy việc giải trừ hạt nhân tại quốc gia này.

Ý nghĩa việc cơ quan tình báo CIA tiết lộ mối quan hệ hạt nhân Syria – Bắc Triều tiên vào lúc này phải được lồng trong bối cảnh Hoa Kỳ đang ở trong thời điểm tranh cử tổng thống và ông George Bush chỉ còn tại chức từ đây đến đầu năm tới, có chia rẽ trong nội bộ chính quyền Mỹ về đối sách với chế dộ Bắc Triều tiên. Theo AFP, trích dẫn giới chuyên gia, các tiết lộ này được tung ra vào đúng lúc Bắc Triều tiên đang chuẩn bị một bản báo cáo về các hoạt động hạt nhân của mình, có thể là dấu hiệu cho thấy phe tân bảo thủ do Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney cầm đầu, muốn phá hoại thỏa thuận bí mật mà phe ôn hòa đã giành được với Bình Nhưỡng vào đầu tháng tư tại Singapore.

Thực hư ra sao về những tài liệu công bố hôm qua, được xem là « bằng chứng » của một quan hệ hợp tác hạt nhân giữa Syria và Bắc Triều tiên, điều này còn phải chờ thời gian phối kiểm thêm.

Thiết tưởng cần nhắc lại là khủng hoảng trong đàm phán Hoa Kỳ-Bắc Triều tiên vào cuối năm 2002 đã nổ ra chung quanh một chương trình làm giàu uranium mà phía Mỹ cáo buộc chế độ Bắc Triều tiên muốn che dấu. Đàm phán đã bị gián đoạn sau đó. Bình Nhưỡng đã rút khỏi Thỏa thuận cấm phổ biến hạt nhân. Thế nhưng, vào tháng 3 năm ngoái, trước Quốc hội Mỹ, một lãnh đạo của cơ quan tình báo đã tuyên bố ngược lại rằng không có bằng chứng xác định chế độ Bắc Triều tiên đã triển khai một chương trình làm giàu uranium. Vì vậy mà các diễn tiến hôm qua tại Washington trên hồ sơ Bắc Triều tiên được xem như một áp lực mới trên chế độ này, vào một thời điểm vô cùng quan trọng khi Bình Nhưỡng có thể đang hoàn tất kê khai các hoạt động hạt nhân của mình. Theo Reuters, một viên chức Mỹ muốn dấu tên, đã bình luận « việc tiết lộ quan hệ phổ biến hạt nhân Syria-Bắc Triều tiên cho phép các nhà thưong thuyết Mỹ chiếm ưu thế trong đàm phán với Bình Nhưỡng ». Hết lời dẫn.

Một cái cây không thể che khuất ngôi rừng. Mấu chốt vấn đề hiện nay trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều tiên, đó là thỏa thuận bí mật mà Washington đã cùng thảo ra với Bình Nhưỡng tại Singapore hồi đầu tháng. Thỏa thuận bí mật này cho phép cả đôi bên vớt vát thể diện. Bình Nhưỡng sẽ ghi nhận các mối lo ngại của Washington chung quanh chương trình làm giàu uranium và các hành động phổ biến hạt nhân. Rất có thể là thỏa thuận bí mật này không làm vừa lòng phe diều hâu trong chính quyền Mỹ, nhưng sẽ cho phép Tổng thống Bush tuyên bố giành được thắng lợi quan trọng trên khán đài quốc tế.
Bảo Thạch
(Ảnh : AP : Ảnh vệ tinh chụp một cơ sở bị nghi ngờ là nơi có lò phản ứng nguyên tử của Syria và bị không quân Israel ném bom 06/09/2007)

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TRUNG QUỐC-CHÂU ÂU : Nhân quyền và thương mại vẫn là hai vấn đề gây bất đồng

24/04/2008_ Cuộc họp thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc khai mạc ngày hôm nay trong bối cảnh mà tình hình Tây Tạng gây tranh cãi ngày càng nhiều và trong lúc mà vấn đề thương mại vẫn gây bất hòa giữa hai bên.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Marc Lebeaupin gởi về bài nhận định : « Tây Tạng không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc, nhưng Liên hiệp châu Âu không thể không đề cập đến chủ đề tế nhị này, cũng như vấn đề nhân quyền. Ngay trước khi đặt chân đến Bắc Kinh, Uỷ viên Đối ngoại của châu Âu Benita Ferrero Waldner đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc mở cuộc « đối thoại mang tính xây dựng và có thực chất » với đức Đạt Lai Lat Ma. Đối vơí châu Âu, đây là vấn đề ưu tiên. Như vậy là lại có thêm một nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai bên, vài giờ trước cuộc gặp gỡ giữa các các lãnh đạo Ủy ban châu Âu với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Những vấn đề nhạy cảm khác cũng sẽ được bàn thảo, trong đó có trao đổi mậu dịch song phương. Thâm thủng mậu dịch của châu Âu với Trung Quốc đã tiếp tục tăng lên thành 34 tỷ đôla trong ba tháng đầu năm 2008, so với 23 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái. Uỷ viên Thương mại của châu Âu Peter Mandelson chắc chắn sẽ yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh lại tỷ giá giữa euro với đồng Nhân dân tệ. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị tiền tệ của châu Âu đã tăng giá thêm 4% so với đơn vị tiền tệ của Trung Quốc. Trong khi ngược lại, đôla lại tiếp tục giảm giá so với Nhân dân tệ. Đối với châu Âu, tình hình này không thể kéo dài, trong khi đó, các nhà xuất khẩu Trung Quốc thì đang chuẩn bị kháng cự lại châu Âu, bởi vì họ đã bắt đầu than phiền là đồng Nhân dân tệ được định giá quá cao ».

Chưa biết hai bên có sẽ đạt được thỏa hiệp trên vấn đề mậu dịch hay không, nhưng trước mắt, Bắc Kinh đã bác bỏ lời kêu gọi của Liên hiệp châu Âu về việc đối thoại với đức Đạt Lai Lat Ma. Qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao, Trung Quốc hôm nay nhắc lại rằng Tây Tạng là chuyện nội bộ của họ và không có nước nào hoặc tổ chức nào của nước ngoài có thể can thiệp vào. Do trùng hợp về thời điểm, cuộc họp thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc diễn ra cùng lúc với chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ba nhân vật cao cấp trong chính giới Pháp nhằm xoa dịu dư luận Trung Quốc, hiện đang bị kích động tinh thần bài Pháp.

Khi chĩa mũi dùi vào nước Pháp, Trung Quốc muốn khai thác sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu về việc có nên tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội Bắc Kinh hay không. Tổng thống Sarkozy vẫn dọa sẽ tẩy chay lễ khai mạc này nếu chính quyền Trung Quốc không đối thoại với đức Đạt Lai Lat Ma, trong khi nhiều quốc gia khác của Liên hiệp châu Âu thì lại không muốn làm phật lòng Bắc Kinh vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế. Tóm lại, quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc vẫn còn những bất đồng căn bản trên hai vấn đề nhân quyền cũng như thương mại. Tình hình Tây Tạng và thời điểm sắp đến gần Thế Vận hội Bắc Kinh càng làm nổi rõ hơn những mối bất đồng đó.
Thanh Phương
(Ảnh : www.chine-informations.com: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và cựu thủ tướng Pháp Jean Pierre Raffarin, Bắc kinh, 24/04/2008)

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

LUƠNG THỰC : Thiếu gạo sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến châu Á

23/04/2008_ Mỗi ngày, 3 tỷ người châu Á cần có gạo, lương thực cơ bản trong bữa ăn. Thế nhưng từ 4 năm qua, tổng lượng gạo sản xuất mỗi năm là khoảng 420 triệu tấn thì không tăng, trong khi dân số thì mỗi ngày mỗi đông thêm. Trong 4 năm qua đã có thêm 100 triệu người cần có gạo.

Sự thiếu cân bằng kể trên theo quy luật cung cầu là lý do chủ yếu dẫn đến khủng hoảng gạo khiến cho từ vài năm qua, đặc biệt là từ giữa 2007 đến nay, giá gạo tăng vọt tại châu Á nói chung và tại Đông Nam Á nói riêng. Theo nhà báo Larry Jagan, giá gạo tăng đến đều đều tuần này sang tuần khác, kể từ đầu năm nay trở đi. Một lý do nhất thời trong thời gian qua, gây nên tâm lý lo sợ thiếu gạo, cho nhiều dân tộc Đông Nam Á như Philippines và Indonesia. Đó là việc các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã nhanh chóng hạn chế lượng gạo bán ra nước ngoài, một mặt, để kiềm chế lạm phát và mặt khác, để bảo đảm nguồn cung ứng trong thị trường nội địa. Liệu tình trạng thiếu gạo tại châu Á có kéo dài hay là không ? Khủng hoảng này hiện nay là điều không ai phủ nhận, các dự phóng cho tương lai cũng khá bi quan. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO tỏ ra lạc quan cho 2008. Theo tổ chức này thì lượng gạo sản xuất trên thế giới sẽ tăng từ 7 đến 8 triệu tấn trong năm tới. Nếu không bị thiên tai, việc khuyến khích nông dân gia tăng sản xuất sẽ cho phép làm dịu thị trường gạo.

Thế nhưng, lương thực thế giới nói chung và gạo nói riêng, trong trung hạn sẽ khó mà giảm giá. Bức tranh lương thực về lâu về dài sẽ còn ảm đạm vì nhiều nguyên nhân thuộc về cơ cấu, khiến cho tình hình rất khó trở lại bình thường trong 1- 2 năm sắp tới. Lạm phát leo thang trên toàn thế giới đẩy mạnh giá cả lương thực, một phần bắt nguồn từ việc giá dầu hỏa không ngừng phá kỷ lục. Chỉ trong vòng vài tháng, giá một thùng dầu vượt ngưỡng 100 đôla và hiện nay có triển vọng vượt 120 đôla.

Nhưng sâu xa hơn, một vấn đề căn nguyên của khủng hoảng thiếu gạo tại châu Á nằm ở chỗ : nhiều quốc gia đang cất cánh như Trung Quốc và Ấn Độ chạy theo chính sách công nghiệp hóa và đã xao nhãng việc cải thiện nông nghiệp. Cả hai quốc gia cực kì đông dân này đã tập trung sức người và của vào nền công nghiệp. Họ đã tưởng lầm rằng với dự trữ ngoại tệ trong tay, họ tiếp tục mua được lương thực ở khắp nơi trên thế giới. Từ nhiều tháng qua, điều này đã ngày càng khó thực hiện. Lương thực trở nên món hàng khan hiếm khắp nơi trên hành tinh.

Ở đây, lại một lần nữa, quy luật cung cầu kinh tế thị trường khiến cho các quỹ đầu tư hùng mạnh đang đầu cơ vào lương thực. Có nhiều nguồn tin cho rằng, tình trạng khan hiếm gạo thêm trầm trọng vì nạn đầu cơ. Dẫu sao thời kỳ lương thực được giữ ở giá rẻ đã kết thúc. Các chính phủ châu Á đang phải đau đầu đối phó về lâu vê dài với nguy cơ thiếu gạo. Bởi vì, thay đổi chính sách đặc biệt là dành ưu tiên cho nông nghiệp và việc canh tác lúa gạo đòi hỏi thời gian, nói chi đến một cuộc cách mạng nông nghiệp mới, mà ngày nay chưa thấy xuất hiện bóng dáng.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Hai phụ nữ Bangladesh lượm lặt những hạt thóc rơi tại Tinrastar Mor, ngoại ô Dhaka, 17/04/2008)

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TRUNG QUỐC : Pháp là mục tiêu để phản công

22/04/2008_ Pháp là mục tiêu thích hợp để phản công phương Tây trên hồ sơ Tây Tạng và Thế Vận.

Lễ rước đuốc Thế Vận tại Paris hôm mùng 7 tháng tư bị thất bại đã làm cho Bắc Kinh nổi giận. Thái độ đe dọa tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận hội càng làm cho tình hình hai bên căng thẳng thêm. Liên tục trong ba ngày qua, tại Trung Quốc xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống truyền thông Tây phương và đặt biệt là chống Pháp với những khẩu hiệu và hành động cực đoan như gọi nữ anh hùng Jeanne d’Arc là gái điếm, vẽ chữ thập phát-xít lên cờ Pháp. Nhưng tại sao Trung Quốc lại chọn Pháp làm mục tiêu tấn công trong khi các cuộc biểu tình hậu thuẫn Tây Tạng nổ ra gần như khắp nơi từ Hy lạp, Anh Quốc, Hoa Kỳ và cả ở thủ đô của Indonesia vào hôm nay ?

Theo nhận định của giới chuyên gia Pháp như bà Valerie Niquet, Giám đốc Nghiên cứu Viện Bang giao Quốc tế IFRI thì chính quyền Trung Quốc trong quyết tâm áp đặt mô hình của mình, họ nỗ lực bác bỏ những nguyên tắc, những giá trị phổ quát của nhân loại như nhân quyền hay dân chủ. Cho nên, bên cạnh việc phô trương thành tựu qua tổ chức Thế Vận hội, Bắc Kinh còn có những toan tính khác từ chính trị đến chiến lược. Do đó, chính quyền Trung Quốc cần đến những đồng minh dễ tính. Thế nhưng, khi cử tri Pháp bầu ông Nicolas Sarkozy làm Tổng thống, Trung Quốc không dấu được lo ngại vì tân Tổng thống Pháp tuyên bố « đoạn tuyệt » với chính sách của người tiền nhiệm. Điều này mang ý nghĩa là Paris không còn xem Bắc Kinh là « người bạn » nữa. Thế rồi, nhân chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 11, Tổng thống Sarkozy lại tuyên bố trấn an, không phủ nhận chính sách gọi là « đối tác chiến lược toàn diện » của cựu Tổng thống Chirac đối với Trung Quốc. Đến khi vụ khủng khoảng Tây Tạng xảy ra, thì Bắc Kinh không hiểu tại sao Paris đổi hướng, lên án Trung Quốc đàn áp Tây Tạng. Tiếp theo đó, lập trường của Tổng thống Pháp gắn liền việc tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội với điều kiện Trung Quốc phải thương lượng với Đức Đạt lai Lạt Ma làm cho Bắc Kinh phải e dè. Trung Quốc cũng không quên là vào tháng 7 tới, chỉ một tháng trước khi Thế Vận hội khai mạc, Pháp sẽ làm chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu. Bằng mọi cách phải chận trước không để cho 27 nước thành viên cùng lấy chung một lập trường chống Trung Quốc. Một chuyên gia khác của Pháp là bà Françoise Mengin nhấn mạnh, nếu toàn thể Liên hiệp châu Âu đưa ra lập trường chung, thì Bắc Kinh hết đường « chia để trị ».

Câu hỏi đặt ra là Pháp phải ứng xử như thế nào là thượng sách ? Các nhà bình luận cho rằng « Nhượng bộ Trung Quốc quá nhanh là một sai lầm nên tránh ». Nói cách khác, nên chọn thái độ « lững lờ » và « tương đối lãnh đạm » là kế sách hay nhất đối phó với chiến thuật của Bắc Kinh. Cho đến nay, Tổng thống Sarkozy nhờ ba sứ giả mang thông điệp đến lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến vai trò « đối tác chiến lược toàn diện » mà Bắc Kinh rất mong muốn. Còn bản thân Tổng thống thì vẫn giữ nguyên lập trường. Ông vẫn đòi Trung Quốc phải đối thoại với Đức Đạt lai Lạt Ma trước khi quyết định có đến Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội hay không. Theo giới phân tích, thái độ này không chắc « hạ hỏa »được Bắc Kinh. Nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã để lộ nhiều thông điệp phản ảnh lập trường của đảng cộng sản chống lại các cuộc biểu tình và phong trào bài Tây phương. Họ e ngại hình thức chống đối bằng biểu tình, mà chính luật pháp của Trung Quốc không cho phép, sẽ vượt ra ngoài tầm « hợp lý ». Hồi đầu cuộc khủng hoảng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du giải thích rằng người dân Trung Quốc có quyền biểu lộ ý kiến và điều này phải làm nước Pháp suy nghĩ. Bà Khương Du còn nói thêm là để trở thành bè bạn, mỗi bên cần phải có cố gắng. Trong tinh thần này, Paris dường như đã chứng tỏ mình đủ khả năng làm cử chỉ thiện chí.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : Một cuộc biểu tình bài Pháp ngày 19 tháng 4 năm 2008 tại Trung Quốc)

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TRUNG QUỐC : Bóc lột sức lao động trong các xí nghiệp gia công

21/04/2008_ Quyền lao động của nhân công Trung Quốc làm việc cho các xưởng may gia công quần áo, giầy, vớ thể thao hoàn toàn không được tôn trọng. Trong bối cảnh Thế Vận hội 2008 gần kề, điều kiện lao động càng khắc nghiệt, công nhân bị bắt buộc làm thêm giờ phụ trội mà không được trả lương. Trên đây là nhận định của bản báo cáo do tổ chức phi chính phủ mang tên Chiến dịch Fair Play 2008 vừa công bố sáng nay từ Bruxelles. Các nhà nghiên cứu của hiệp hội này phát hiện ra điều kiện làm việc trong các xưởng may gia công hàng thể thao của các nhãn hiệu lớn không được cải thiện gì nhiều so với tình trạng được ghi nhận từ Thế Vận hội Athènes 2004. Chuẩn mực vẫn là bốc lột công nhân.

Bản nghiên cứu được thực hiện tại 4 nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia, đặc biệt là các cơ sở của Adidas, nhãn hiệu chính cung cấp vật dụng cho Thế Vận hội và hai công ty cạnh tranh khác là Nike và New Balance. Kết quả cho thấy, công nhân ở Trung Quốc bất hạnh hơn cả so với đồng nghiệp các nước láng giềng. Tại các xưởng gia công này, công nhân Trung Quốc làm việc như thế nào ? Ngoài áp lực thường trực phải sản xuất cho kịp định mức (quota), nhân công còn phải làm thêm giờ phụ trội nhưng không được trả thêm lương ; họ phải tiếp cận thường xuyên với hóa chất độc hại cho sức khỏe và bị quản đốc mắng chửi xách nhiễu liên miên. Lương công nhân quá thấp nên không đủ sống và nhiều chủ nhân không áp dụng luật lao động. Một công nhân thuộc xưởng gia công giày Nguyệt viên cho New Balance, ở Đông Quan than thở : « Tôi gần như kiệt lực. Trung bình mỗi giờ phải dán 120 đôi giày, làm việc không hở tay, với sự sợ hãi là không cung cấp kịp lúc số đế giày cho khâu kế tiếp ». Một số công nhân khác làm gia công cho Adidas vì từ chối làm thêm giờ nên bị chủ hãng gia công chuyển qua làm công việc phải tiếp xúc với hóa chất hoặc phải đứng suốt buổi.

Tại khu công nghiệp Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, đa số thợ may bóng đá và quần áo thể thao gia công cho Adidas, Nike, Umbro và Fila phải làm việc 7 ngày trên 7. Giữa thất nghiệp và kiệt lực trong xưởng may, họ không có sự lựa chọn nào khác. Điều khốc liệt hơn nữa là công nhân đã không có ngày nghỉ cuối tuần, mà có khi phải làm thêm 232 giờ phụ trội mỗi tháng. Còn đồng lương thì không bằng phân nửa mức lương thấp nhất theo quy định của luật lao động Trung Quốc tức là không tới 80 đôla mỗi tháng.

Công trình nghiên cứu này được Fair Play thực hiện cho Tổng Công đoàn Quốc tế CIS và Liên đoàn Công nhân hàng May mặc Thế giới. Bình luận về tình trạng này, Tổng Thư ký của Tổng Công đoàn Quốc tế Guy Rider chỉ trích Ủy hội Thế Vận hội quốc tế CIO đã không quan tâm đến quyền lợi người lao động cung cấp quần áo và dụng cụ thể thao cho các cuộc thi tài Thế Vận hội, mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần. Ủy hội Thế Vận cho đến nay vẫn không có một cam kết cụ thể nào bài trừ tệ nạn vi phạm quyền lao động này đặc biệt là nó đang xảy ra ngay tại Trung Quốc, nước chủ nhà đón tiếp Thế Vận hội vào tháng 8 này.
Tú Anh
(Ảnh : www.lejdd.fr: Liên hội « De l'éthique sur l'étiquette » tố cáo điều kiện làm việc tại Trung Quốc)

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TRUNG QUỐC : Chủ nghĩa dân tộc đi đôi với chính sách kiểm duyệt thông tin

20/04/2008_ Kể từ hôm qua, nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đã tiến hành đối sách nhắm vào nước Pháp, để trả đũa cho việc công luận Tây phương bênh vực Tây Tạng và đã gây xáo trộn trên lộ trình rước đuốc Thế Vận hội.

Hôm qua và hôm nay, hàng trăm người Trung Quốc, có lúc lên đến hàng ngàn người, đã biểu tình trong nhiều tỉnh của nước này, nhắm vào các siêu thị Carrefour của Pháp, đại sứ quán Pháp và trường học Pháp. Theo nhiều nguồn tin, có nơi đã tổ chức châm lửa đốt quốc kỳ của Pháp. Theo nhật báo Le Figaro, biểu tượng của Pháp là Jeanne d’Arc bị lăng mạ. Những hành vi kể trên có thể xem như việc chọn nước Pháp, doanh nhân Pháp và văn hóa Pháp làm đối tượng, trong khi trong suốt chặng đường ruốc đuốc Thế Vận tại Paris, người biểu tình ở Pháp không hề bài xích người dân Trung Quốc. Tại các nước phương Tây như Pháp, biểu tình bênh vực Tây Tạng chỉ nhắm vào đối tượng là chính sách của lãnh đạo Trung Quốc, chứ không nhầm lẫn với thể diện toàn dân tộc Trung Hoa.

Chớ trêu là giới truyền thông Trung Quốc kể từ khi nổ ra khủng hoảng Tây Tạng không ngớt lên án báo đài Pháp và phương Tây đã thông tin một chiều. Đổi lại, các nhà báo Trung Quốc đã không đặt câu hỏi việc tường thuật các diễn tiến sự kiện tại Tây Tạng cũng như đối chiếu các thông tin về Tây Tạng tại Trung Quốc trung thực đến mức nào khi mà tất cả các cơ quan truyền thông đều nằm trong tay Nhà nước và tiếng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma và người dân Tây Tạng bị thường xuyên bóp méo hay kiểm duyệt.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc xem các cuộc biểu tình 2 ngày qua là điều tự phát, bắt nguồn từ sự phẫn nộ của người dân. Nhưng ở một đất nước độc đảng thì mọi cuộc xuống đường đông đảo như hôm qua tại Trung Quốc, chắc hẳn nếu không được chỉ đạo từ trong hậu trường thì chí ít cũng phải được Nhà nước bật đèn xanh. Cũng không thể che dấu sự trùng hợp rất khả nghi giữa việc các hành vi bài Pháp hôm qua tại Trung Quốc lại diễn ra cùng lúc với các cuộc xuống đường của nhiều người Hoa tại Paris, Luân Đôn, Berlin, Vienna và Los Angeles, để chống lại việc họ xem là truyền thông phương Tây xuyên tạc, kêu gọi tẩy chay Thế Vận hội Bắc Kinh.

Những vụ xuống đường ồ ạt này của người Hoa khó mà được xem là tự phát khi đã được tổ chức chu đáo cùng ngày, với những khẩu hiệu tương tự. Ai đó cả tin có thể xem đây là biểu hiện của lòng yêu nước. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, họ sẽ thấy đằng sau các hiệp hội người Hoa ở nước ngoài, có bàn tay can thiệp của các điệp viên Trung Quốc, như nhà nghiên cứu Andrei Chang đã phân tích trong bài tựa đề : « Các điệp viên Trung Quốc trong các thành phố phương Tây », đăng trên địa chỉ web của hãng UIP. Nếu tất cả đã được dàn dựng như hiện nay các dấu hiệu vừa kể cho phép tin vào, thì câu hỏi là tại sao Bắc Kinh đã chọn điểm mặt Paris ? Vì lý do nào Bắc Kinh không gây sự với các đối tượng như Hoa Kỳ, Đức hay Anh Quốc ? Có nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh tấn công vào Paris, xem nước Pháp là đối tượng dễ bị tổn thương và yếu sức hơn là Hoa Kỳ, Đức và Anh Quốc. Ba nước này hiện là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, hơn là Pháp. Cũng có chuyên gia nêu lên lập luận : Rất có thể là Bắc Kinh muốn gây sức ép, buộc Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội, một khả năng mà Paris còn để mở, trong khi Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh đã dứt khoát tuyên bố sẽ không có mặt trong buổi lễ khai mạc Thế Vận hội Bắc Kinh.

Một giả thuyết khác xem việc Trung Quốc biểu lộ sức mạnh qua các cuộc biểu tình rầm rộ, chẳng qua chỉ là một phản xạ xưa cũ của thể chế toàn trị và giáo điều, hay quen quy trách nhiệm vào kẻ địch bên ngoài, ít biết nhận lãnh sai lầm của mình trong chính sách như trên hồ sơ Tây Tạng chẳng hạn.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Bản đồ các nơi có biểu tình bài Pháp tại Trung Quốc)

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

GRUZIA : Phương Tây yểm trợ để chống lại ý đồ của Nga

19/04/2008_ Thứ tư vừa qua, tổng thống Vladimir Poutine đã ra lệnh cho chính phủ Nga hợp tác chặt chẽ hơn với Abkhazia và Nam Ossetia, tức là hai vùng lãnh thổ có đa số dân là người Nga và vẫn muốn li khai khỏi Gruzia. Quyết định này ngay lập tức đã bị Gruzia phản đối.

Hôm thứ năm, Tổng thống Mikhail Saakashvilli lên án Matxcơva vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Gruzia và ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng trước quyết định của Nga. Hôm qua, Phó Thủ tướng Gruzia Georgi Baramidze đã đến Bruxelles để gặp các giới chức Liên hiệp châu Âu và Liên minh Bắc Đại Tây Dương, trong khuôn khổ một cuộc vận động ngoại giao rộng lớn nhằm ngăn chận cái mà chính quyền Tbilissi xem như là mưu đồ sát nhập hai lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia vào nước Nga. Trong vấn đề này, Gruzia nhận được sự yểm trợ mạnh mẽ của phương Tây. Hôm qua, Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Nga hủy bỏ quyết định nói trên của Tổng thống Poutine. Phát ngôn viên của bộ ngoại giao Mỹ nhắc lại là chính Matxcơva đã cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia. Về phía Liên hiệp châu Âu, Slovenia, với tư cách chủ tịch luân phiên, cũng đã ra một bản thông cáo với nội dung tương tự để bày tỏ mối quan ngại của châu Âu với nước Nga. Liên hiệp châu Âu cho rằng quyết định của Tổng thống Poutine có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng. Hôm qua, Gruzia cũng đã nhận được sự ủng hộ của Phó Tổng Thư ký khối NATO, Jaap de Hoop Scheffer. Không chỉ vận động với Liên hiệp châu Âu và khối NATO, chính quyền Tbilissi còn cầu cứu đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo yêu cầu của Ngoại trưởng Gruzia, HộI đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể sẽ triệu tập một phiên họp khẩn cấp vào tuần tới để bàn về vấn đề này.

Hôm qua, nước Nga đã loan báo bãi bỏ các biện pháp trừng phạt còn có hiệu lực đối với Gruzia, nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhưng đối với Ngoại trưởng Gruzia, quyết đinh nói trên chẳng có nghĩa lý gì cả, khi mà Matxcơva vẫn yểm trợ cho hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Tại Bruxelles hôm qua, Phó Thủ tướng Gruzia đã một lần nữa yêu cầu Liên hiệp châu Âu gởi một lực lượng cảnh sát đến hai vùng nói trên để thay thế lực lượng Nga, hiện vẫn đóng tại đây.

Như vậy là sau Kosovo, đến lượt Gruzia trở thành mối bất hòa giữa phương Tây và Nga. Đối với chính quyền Tbilissi, rõ ràng quyết định của Nga là nhằm trả đũa việc phương Tây công nhận nền độc lập của Kosovo, cũng như việc khối NATO muốn mở rộng hơn nữa sang phía đông, cụ thể là trong tương lai sẽ thâu nhận luôn cả Ukraina và Gruzia. Tháng ba vừa qua, viện Douma, tức Hạ viện Nga, đã doạ là Matxcơva sẽ công nhận nền độc lập của hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia. Theo các nhà phân tích, Matxcơva sẽ không đi đến mức công nhận độc lập, nhưng sẽ dùng hai vùng này như là phương tiện gây áp lực lên Gruzia trong bối cảnh mà nước này ngày càng xích gần với phương Tây.
Thanh Phương
(Ảnh : www.uncorneredmarket.com)

NHÀ BÁO PHẠM TRẦN VÀ NỬA THẾ KỶ GẮN BÓ VỚI NGHỀ BÁO

02/04/2008_ Từ thủa bắt đầu tập sự săn tin ở Việt Nam cho tới ngày nay là một cây bút bình luận chính trị tại Hoa Kỳ, tính ra, ký giả Phạm Trần đã trải qua gần 50 năm sống với nghề làm báo. Điều đáng nói là anh vẫn giữ nguyên ngọn lửa đam mê và lúc nào cũng sẵn sàng tiếp tay với các bạn đồng nghiệp, trong đó có RFI Tiếng Việt.

Chương trình hôm nay xin giành giới thiệu cuộc đời hoạt động báo chí của nhà báo Phạm Trần và cũng là dịp để cảm ơn anh đã nhiệt tình giúp đỡ RFI trong nhiều năm qua.

Tạp chí do Ánh Nguyệt biên soạn.

MỜI QUÝ VỊ NGHE TẠP CHÍ







Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TRUNG QUỐC : Vẫn xuất khẩu hàng hóa độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng

18/04/2008_ Ủy ban châu Âu, tức là cơ quan hành pháp của Liên hiệp châu Âu, ngày hôm qua, cho biết, các loại hàng hóa, đặc biệt là đồ chơi trẻ em gây nguy hiểm cho người tiêu dùng phần lớn là do Trung Quốc xuất khẩu.

Các nước châu Âu đã thanh tra và rút ra khỏi thị trường số sản phẩm độc hại lên đến mức kỷ lục. Trong năm 2007, 1605 món hàng được phát hiện, tăng 53% so với năm 2006. Bản báo cáo thường niên của Liên hiệp châu Âu đưa ra những trường hợp cụ thể như gấu nhồi bông bị sút mắt, rụng lông một cách dễ dàng. Đồ chơi chứa hóa chất nguy hiểm, cấu trúc không bền dễ rách, khiến cho trẻ con nuốt vào bụng. Bên cạnh đó là các đồ dụng bằng điện thiếu an toàn như đèn pin, vỉ nướng bánh mì làm người sử dụng bị điện giật. Xe môtô loại nhỏ không chịu đựng được sức nặng của người sử dụng, v.v. 2007 cũng là năm được đánh dấu với hàng loạt tai tiếng Trung Quốc chế tạo sản phẩm kém chất lượng, thiếu an toàn, từ đồ chơi trẻ em, thức ăn cho gia súc, đến kem đánh răng và thuốc sản xuất chứa chất chống đông dùng cho động cơ xe hơi. Hơn 10 triệu mặt hàng bị gởi trả về Trung Quốc.

Khi công bố bản báo cáo này, ủy viên châu Âu đặc trách bảo vệ người tiêu dùng, bà Meglena Kuneva cho biết thêm là từ sau loạt tai tiếng hồi mùa hè năm ngoái với vụ tập đoàn Mattel của Mỹ gởi trả về Trung Quốc một triệu món đồ chơi, Liên hiệp châu Âu đã gia tăng các biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đã gây áp lực với chính quyền Trung Quốc, kể cả biện pháp đe dọa tẩy chay, để buộc phía đối tác phải có hành động cụ thể chấm dứt tệ nạn này. Ủy viên Kuneva cho rằng thái độ của Liên hiệp châu Âu đã mang lại kết quả mặc dù trên thực tế, phía Trung Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong một thời gian ngắn, chính quyền Trung Quốc đã kết án và xử bắn người đứng đầu cơ quan an toàn thực phẩm và thuốc của Trung Quốc. Song song với hành động trấn an công luận, chính quyền Trung Quốc thanh tra 3540 nhà xuất khẩu có giấy phép và một số bị buộc phải tăng cường biện pháp kiểm soát độ an toàn sản phẩm chế tạo. Tuy nhiên, bà Kuneva gián tiếp cảnh báo Trung Quốc là Liên hiệp châu Âu dứt khoát không chấp nhận thỏa hiệp về mức độ an toàn của sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu. Cho nên vào tháng sáu tới đây, hai tháng trước khi Thế Vận hội khai mạc, bà sẽ sang Bắc Kinh để xem xét những thành quả đạt được và nghiên cứu những khả năng cải thiện.

Các chuyên gia châu Âu không thực sự tin tưởng chính quyền Trung Quốc đã có những biện pháp cụ thể, nhưng cố tránh không để gây thêm hiềm khích. AFP chú ý đến câu nhận định : Trung Quốc dường như có tiến hành một số biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng sản xuất. Theo AFP, bản báo cáo thường niên của Liên hiệp châu Âu làm cho uy thế của nước chủ nhà đón tiếp Thế Vận hội vào tháng 8 bị sứt mẻ thêm trong bối cảnh Bắc Kinh đang đớn đau vì bị công luận Tây phương công kích trên hồ sơ Tây Tạng cũng như qua hình ảnh ngọn đuốc bị tẩy chay.

Chưa biết Bắc Kinh sẽ cân nhắc lợi hại ra sao vào lúc tại Trung Quốc có một chiến dịch vận động tẩy chay hàng hóa Pháp, thành viên Liên hiệp châu Âu duy nhất bị Trung Quốc chĩa mũi dùi. Có điều, chiều hôm qua, lần đầu tiên từ khi xảy ra chiến dịch bài Pháp,Tân Hoa xã đưa ra lời kêu gọi người dân Trung Quốc đừng để lòng căm phẫn chống Tây phương làm phương hại đến chính sách mở cửa đón tiếp đầu tư nước ngoài. Bình luận về bản tin của Tân Hoa xã, AFP nhắc lại là hồi năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã để dấy lên một phong trào chống Nhật Bản qua hình thức biểu tình và phản ứng trên mạng internet. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, chính quyền đã ra lịnh cấm vì sợ phong trào phản kháng được thể quay ra chống đảng.
Tú Anh
(Ảnh : AFP)

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

JO BẮC KINH : Trung Quốc kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa

17/04/2008_ Bắc Kinh sử dụng lá bài dân tộc chủ nghĩa để chống lại những chỉ trích của phương Tây về nhân quyền.

Từ hôm qua, trên trang chủ MSN của tập đoàn Microsft, phiên bản Trung Quốc, xuất hiện lời kêu gọi người sử dụng internet hãy thể hiện tình yêu đất nước và ủng hộ Thế Vận bằng cách là trong các tin nhắn, hãy ghi thêm ký hiệu quả tim mầu đỏ trước cụm từ Trung Quốc, có nghĩa I Love China, Tôi yêu Trung Quốc. Theo nhà quản lý MSN Trung Quốc, trong vòng một ngày mà đã có hơn hai triệu người hưởng ứng. Sau những sự cố xẩy ra trong hành trình rước đuốc Olympique tại Paris, trên các diễn đàn internet ở Trung Quốc, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi tẩy chạy cửa hàng, sản phẩm của Pháp.

Trên đây là một vài ví dụ cho thấy chính quyền Bắc Kinh muốn khuấy động tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người dân, đối phó với làn sóng chỉ trích của phương Tây về các vụ vi phạm nhân quyền.

Kể từ khi xẩy ra cuộc đàn áp tại Tây Tạng, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, đấu tranh cho dân chủ kêu gọi lãnh đạo các nước phương Tây không nên tham dự lễ khai mạc Thế Vận hội. Trong bối cảnh đó, chính quyền Bắc Kinh đã huy động tất cả các phương tiện truyền thông chính thức, đặc biệt là vô tuyến truyền hình và internet phát động một chiến dịch đánh vào lòng tự hào dân tộc, cổ võ cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa, tố cáo báo đài phương Tây bóp méo sự thật tại Trung Quốc.

Theo ông Eric Sautedé, giáo sư khoa học chính trị và chuyên gia về internet tại Mao cao, được AFP trích dẫn, thì vào lúc Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Thế Vận hội và qua sự kiện thể thao này để khẳng định sự hồi sinh, trỗi dậy của đất nước, một bộ phận người dân Trung Quốc không chấp nhận những lời phê phán của phương Tây và họ cảm thấy bất công. Họ tự hỏi « phương Tây là cái gì đối với Trung Quốc mà lại dám lên lớp dậy dỗ như vậy ».

Ông Michel Bonnin, chuyên gia về Trung Quốc nhận định rằng việc chính quyền Bắc Kinh luôn tuyên truyền họ nạn nhân của âm mưu phương Tây đã có sức thuyết phục một bộ phận công luận, đặc biệt là đối với giới trẻ ở thành phố, giới sinh viên, những người rất dễ bị kích động bởi tinh thần dân tộc chủ nghĩa, thậm chí còn trở nên quá khích. Bởi vì những thế hệ được giáo dục trong thời kỳ đảng cộng sản Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo và luôn nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Giới trẻ này được nuông chiều, rất tự tin và là thành phần xã hội được hưởng những thành quả của phát triển kinh tế.

Bà Rebecca MacKinnon, trước đây làm việc cho đài CNN và nay là giáo sư tại đại học Hồng Kông cho biết là tại Trung Quốc, người dân không thể hiểu nổi rằng không phải tất cả những điều mà báo chí, đài truyền hình, phát thanh phương Tây nói ra đều đúng sự thật cả. Do vậy, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã mất rất nhiều thời gian để cải chính các thông tin đến từ phương Tây. Và nếu như phát hiện ra điều gì mà phương Tây nói sai thì phía Trung Quốc lại nghĩ ngay rằng đó là âm mưu.

Theo ông Jean Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc, tại đại học dòng Tên Hồng Kông, xu hướng không chấp nhận những lời phê phán chỉ trích đến từ bên ngoài ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt là từ năm 2005 trở lại đây. Điều mà giới trẻ không nhận thức được là việc Trung Quốc ngày càng trở thành một quốc gia lớn mạnh, thì nước này lại càng phải có trách nhiệm trước các cuộc khủng hoảng quốc tế, như khủng hoảng nhân đạo tại Dafur hay vấn đề môi trường. Do thái độ thiếu trách nhiệm, nên Trung Quốc ngày càng bị chỉ trích mạnh mẽ hơn. Chuyên gia Cabestan kết luận : hồ sơ Tây Tạng trong thời gian qua đã làm làm thức dậy phản xạ dân tộc chủ nghĩa cũ kỹ. Điều này cho thấy là chế độ Trung Quốc đang ở một vị thế không chắc chắn, phải phòng thủ.
Đức Tâm
(Ảnh : www.mahalo.com)

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

MỸ-HÀN: Tổng thống Lee đi Washington

16/04/2008_ Chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng thống Lee Myung bak sẽ cho phép trắc nghiệm chính sách ngoại giao mới của Hàn Quốc.

Bắc Triều tiên, Afghanistan, hồ sơ cấm vận thịt bò Mỹ tại Hàn Quốc. Đó là ba vấn đề lớn mà tân Tổng thống Lee Myung bak sẽ phải đối mặt trong chuyến công du kéo dài gần một tuần lễ tại Hoa Kỳ. Đối với ông Lee Myung bak, ưu tiên ngoại giao của ông được đặt ở mục tiêu củng cố mối liên minh giữa Séoul và Washington, được xem là thành tố cơ bản bảo đảm cho các quyền lợi thiết thân của Hàn Quốc. Do đó mà chuyến công du đầu tiên của ông được giành cho Hoa Kỳ. Đỉnh cao mang tính biểu tượng của chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra vào ngày 20/04, khi ông Lee Myung bak vinh dự là lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên được Tổng thống George Bush đón tiếp tại trang trại Camp David, ở Washington DC.

Cho dù quan hệ giữa hai tổng thống Mỹ và Hàn Quốc được dự báo sẽ thắm thiết hơn nhiều so với thời gian vị tiền nhiệm của ông Lee, là ông Roh Moo-hyun nắm quyền, thế nhưng bước đường ngoại giao của ông Lee trên đất Mỹ sẽ không dễ dàng, êm thắm. Bằng chứng là nhật báo The Korea Herald, trong số đề ngày 15/04, dự trù cuộc tiếp xúc giữa hai ông Bush và Lee sẽ không đạt được một bản thông cáo chung nào. Trên hàng loạt hồ sơ, trong quan hệ song phương, lập trường đôi bên không phải là hoàn toàn đồng nhất.

Về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều tiên, ông Lee và ông Bush chắc hẳn sẽ tìm được một số đồng thuận, cho dù những câu chuyện trong hậu trường cuộc họp thượng đỉnh chưa chắc là sẽ được công khai hóa. Theo Washington, thì vào tuần trước, bế tắc trong đàm phán với Bắc Triều tiên đã được khai thông. Ông Lee sẽ tìm hiểu thêm về những đồng thuận giữa Mỹ và Bắc Triều tiên, mà theo một số nguồn tin, đã được giữ bí mật. Phối hợp nhịp nhàng lập trường hai nước trong đàm phán 6 bên sẽ đòi hỏi sự tinh tế và bền bỉ, trên một hồ sơ sẽ còn gây sóng gió trong nhiều năm sắp tới, trước khi mà Bình Nhưỡng bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Washington và Séoul. Đó là kịch bản tối ưu. Ngược lại, trong trường hợp xấu nhất, thì tân Tổng thống Hàn Quốc, người chủ trương cứng rắn hơn đối với Bắc Triều tiên càng phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó.

Tuy vậy, tài ngoại giao của tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ bị công luận nước này đặt lên bàn cân trên hai vấn đề khác được chăm chú theo dõi. Đó là Afghanistan và cấm vận thịt bò Mỹ. Trên cả hai hồ sơ này, Tổng thống Hàn Quốc bị gây áp lực về cả hai mặt : từ phía Hoa Kỳ và từ công luận trong nước.

Washington thúc giục Séoul chi viện quân sang Afghanistan, một điều không được dân chúng Hàn Quốc ủng hộ chút nào. Xin nhắc lại vào năm 2002, Hàn Quốc đã phái hơn 200 người sang Afghanistan phục vụ y tế và xây dựng tái thiết. Nhưng toàn bộ lực lượng Hàn Quốc đã được rút về nước vào cuối năm ngoái, sau khi một số công dân nước này bị quân Taliban bắt làm con tin và hai người trong nhóm đã bị sát hại. Ngày nay, Séoul sẽ phải đau đầu trước khi thoái thác đưa quân sang Afghanistan trong lúc mà Hoa Kỳ dàn trải 28000 lính Mỹ tại Hàn Quốc để bảo vệ cho nước này.

Cuối cùng, yêu sách của phía Hoa Kỳ đòi Hàn Quốc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thịt bò Mỹ cũng sẽ đặt ông Lee Myung bak trong thế khó xử. Lệnh cấm vận này đã có hiệu lực kể từ 2003 phòng ngừa bò dại. Ngày nay, Washington xem việc bãi bỏ cấm vận thịt bò Mỹ là điều kiện để Hoa Kỳ thông qua một Hiệp định Mậu dịch tự do giữa hai nước mà đôi bên đã ký kết. Bao nhiêu hồ sơ kể trên là bấy nhiêu thách thức buộc tân lãnh đạo Hàn Quốc thể hiện điều mà ông đã mệnh danh là chính sách ngoại giao thực dụng.
Bảo Thạch
(Ảnh : english.chosun.com)

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

ÁN TỬ HÌNH : Ân xá Quốc tế kêu gọi Trung quốc bãi bỏ nhân Thế Vận hội

15/04/2008_ Trong bản báo cáo công bố hôm nay, tổ chức Ân xá Quốc tế thẩm định trong năm qua, Trung Quốc hành quyết 470 tù nhân, đứng đầu và bỏ xa các nước còn thi hành án tử hình là Iran, Ả rập Xê út, Pakistan và Hoa Kỳ. Mặc dù chính quyền Trung Quốc khẳng định đã giảm 10% các vụ xử bắn, nhưng Ân xá Quốc tế thu thập được 470 vụ thi hành án trong năm qua mà một phần không nhỏ, 68 người, chỉ vi phạm những tội như trốn thuế TVA, buôn lậu thuốc, ăn cắp dây điện hoặc mãi dâm. Nói chung, là những thành phần nghèo vì đói phải làm liều.

Những con số trên đây chỉ là ước lượng dự theo thông tin rời rạc mà toà án ở Trung Quốc thỉnh thoảng tiết lộ. Vì cũng theo Amnesty International, một hiệp hội phi chính phủ Hoa Kỳ, Viện Đối Hoa nắm được danh sách 6000 vụ, dựa theo thông tin thu thập từ các viên chức chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh, chính quyền Trung Quốc tập trung nỗ lực tô điểm cho Thế Vận hội Bắc Kinh vào tháng 8, tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu giới lãnh đạo Trung Quốc hãy nhân cơ hội này lấy một quyết định nhân đạo, xin trích, « Vào lúc Bắc Kinh chuẩn bị đón tiếp Thế Vận hội, Ân xá Quốc tế thách thức chính phủ Trung Quốc chấm dứt sử dụng án tử hình và phải công khai hóa thông tin liên quan đến loại hình phạt này. Trong một nước rộng lớn như Trung Quốc, quyền tự do thông tin bị nhà nước kiểm soát gắt gao, thì chỉ có một mình chính quyền biết rõ thực trạng đằng sau các bản án tử hình ». Hết lời dẫn.

Hồi đầu tháng, trong một bản báo cáo khác, Ân xá Quốc tế cho biết tình hình nhân quyền tại Trung Quốc tồi tệ hơn vì Thế Vận hội. Trái với những lời cam kết của Bắc Kinh khi nộp đơn xin tổ chức Thế Vận và cũng trái với hy vọng và suy đoán của Ủy hội Thế Vận Quốc tế khi bầu chọn Bắc Kinh, các biện pháp trấn áp nhân quyền kiểm soát thông tin và bỏ tù các nhà ly khai chỉ có tăng chứ không giảm. 742 người bị quy tội « chống chế độ » và bị bắt trong năm 2006, gấp đôi con số năm 2005. Những nhân vật tranh đấu quyết liệt cho nạn dân bị đuổi nhà lấy đất xây cơ sở Thế Vận như nhà báo Hồ Giai, luật sư Cao Trí Thịnh, công nhân Dương xuân Lâm, người thì bị tù, người thì bị đánh trọng thương. Hàng ngàn người khác bị đưa đi cải tạo lao động chỉ vì họ bảo vệ căn nhà thửa ruộng của họ, hoặc giúp đỡ đồng bào làm đơn phản đối những bất công. Ông Hồ Giai có câu nói bất hủ là « Chúng tôi muốn nhân quyền chứ không muốn Thế Vận hội ».

Các biện pháp đàn áp ở Tây Tạng, Tứ Xuyên, Cam Túc trong những tuần lễ qua càng cho thấy những lời cam kết của giới lãnh đạo Trung Quốc như đô trưởng Bắc Kinh Lưu Kỳ khi xin tổ chức Thế Vận chỉ là những lời hứa hão. Cho nên, theo giới phân tích, khó mà Trung Quốc lắng nghe tiếng nói thúc giục của công luận thế giới muốn cải thiện nhân quyền. Nhật báo cánh tả Pháp Libération, trong bài phân tích dưới tự đề « Thế Vận hội đến gần, tự do không đến », đã viết như sau : « Đau đớn vì thấy giấc mơ Thế Vận bị đánh chìm, giới lãnh đạo Bắc Kinh không chịu đựng nổi những phê phán về nhân quyền ». Phong trào phản kháng hiện rõ qua các cuộc biểu tình gọi ngọn lửa Thế Vận trong tay chính quyền Trung Quốc là « ngọn lửa ô nhục » càng làm cho đảng cộng sản Trung Quốc « cố thủ trong bức tường đỏ » như nhận định của báo điện tử tiếng Anh ở Kuala Lumpur, Á châu Thời báo, Asia Times online hôm nay.
Tú Anh
(Ảnh : AFP)

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

JO: Châu Á tăng cường an ninh khi đón đuốc

14/04/2008_ Chưa bao giờ trong lịch sử Thế Vận, lễ hội rước ngọn lửa thiêng lại bị đe dọa nặng nề đến như vậy do phong trào phản kháng chống nước chủ nhà Trung Quốc. Chính phủ các nước Á châu sắp đón đuốc Thế Vận trong tuần này đã gia tăng nhiều biện pháp an ninh, thậm chí thay đổi lộ trình và chỉ công bố vào giờ phút chót.

Sau khi rời Dar es Salaam, thủ đô kinh tế Tanzania, chặn ngắn ngủi và duy nhất ở châu Phi, phái đoàn Thế Vận Trung Quốc bảo vệ ngọn đuốc đến vương quốc Oman hôm nay. Đây cũng là chặn đường duy nhất tại Trung Đông. Ngày mai, ngọn lửa sẽ trở lại châu Á với chặng đầu tiên ở Islamabad, thủ đô Pakistan vào ngày 16. Sau đó là các chặng New Delhi, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Canberra (Úc), Nagano (Nhật bản), Seoul, Bình Nhưỡng và Sàigòn vào ngày 29/04. Đến ngày 2 tháng 5, ngọn đuốc sẽ đi ngang qua Hongkong rồi Macao trước khi tiếp tục hành trình qua Tây Tạng, đỉnh Everest để sau cùng kết thúc tại Bắc Kinh.
Sau khi bị phong trào biểu tình ủng hộ Tây Tạng và đòi nhân quyền cho người dân Hoa lục bao vây phản đối ở Luân Đôn, Paris, San Francisco, đuốc Thế Vận được bảo vệ bằng nhiều hàng rào cảnh sát như một quốc trưởng, từ nay cho đến mồng 8 tháng 8, ngày khai mạc thế vận ở Bắc Kinh. Rút tỉa từ bài học kinh nghiệm xảy ra ở Luân đôn, Paris và San Fancisco, chính phủ Úc, Nhật và Ấn độ cho biết sẽ không cho an ninh Trung Quốc đi hộ tống ngọn đuốc. Thái độ người máy của toán đặc nhiệm này đã bị các vận động viên Anh, Pháp và công luận Tây phương lên án.

Nếu cho đến 2004, lễ rước đuốc là ngày hội và thuộc trách nhiệm của quốc gia đón tiếp, trong tinh thần thể thao, thì ngược lại với Thế Vận hội Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc muốn phô trương đánh bại mọi kỷ lục với 130 ngày du hành qua 137 ngàn cây số, trên 5 lục địa qua 19 quốc gia. Các chặng đường sắp tới đây cũng ẩn tàng bất trắc. Tại Pakístan, nơi mà khủng bố vẫn thường xuyên xảy ra, chính phủ cam kết sẽ huy động những biện pháp an ninh như để bảo vệ một vị nguyên thủ đến thăm. Tại Ấn Độ, nơi có cộng đồng Tây Tạng tỵ nạn đông đảo, New Dheli sẽ bố trí một lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát, quân đội và các đơn vị chống khủng bố. Chặng đường đi qua thủ đô cuối cùng cũng bị thu ngắn sau khi đã hủy bỏ chặng Bombay.

Ở Bangkok, cảnh sát Thái lan còn tỏ ra thận trọng hơn, chuẩn bị cả một lộ trình thay thế nếu bất trắc xảy ra. Chỉ có một nơi duy nhất mà chính quyền sở tại đoan chắc « là lễ rước đuốc sẽ diễn ra một cách an toàn và suôn sẻ». Đó là Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Ủy ban Thế Vận Bắc Triều tiên nói như đinh đóng cột rằng « tại Cộng hòa nhân dân Triều tiên, nhân dân đoàn kết với đảng như một đại gia đình ».
Tú Anh
(Ảnh : AFP : Bản đồ hành trình ngọn lửa Olympique)

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

AN NINH ĐÔNG BẮC Á : ASEAN lo ngại mất vai trò

13/04/2008_ Trong quá trình giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều tiên, Hoa Kỳ đã đưa ra dự án thành lập một một cơ chế thường trực về an ninh khu vực. Theo nhận định của giới chuyên gia, sáng kiến của Washington làm cho Hiệp hội Đông Nam Á khó chịu bởi vì ASEAN lo ngại bị mất đi vai trò của chủ yếu của mình trong lĩnh vực này.

Theo thỏa thuận giữa trong vòng đàm phán sáu bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều tiên, ký kết hồi tháng 2 năm ngoái, một nhóm chuyên gia, do Nga lãnh đạo, đang chuẩn bị dự án mang tên « Cơ chế an ninh và hoà bình tại Đông Bắc Á ». Chính Hoa Kỳ đã đưa ra ý định biến vòng đàm phán 6 bên, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ và hai nước Triều tiên, thành một diễn đàn thường trực nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh trong khu vực. Thế nhưng, các nước Đông Nam Á cho rằng dự án nói trên có nguy cơ làm lu mờ đi các cơ chế hiện có của ASEAN.

Từ 14 năm qua, ASEAN vẫn có Diễn đàn an ninh khu vực, ARF, được coi như cơ chế thảo luận về an ninh trong vùng châu Á- Thái Bình Dương. Tham gia diễn đàn này bao gồm 10 thành viên ASEAN và 17 quốc gia khác trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu, Bắc Triều tiên, Úc, Ấn Độ và Pakistan. Theo AFP, trong cuộc họp báo hôm thứ sáu vừa qua ở Washington, ông Muthiah Alaggapa, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu Đông Tây, có trụ sở tại Hawai, cho rằng mối lo ngại tại Đông Nam Á là các nước lớn sẽ tham dự một diễn đàn khác và do vậy ARF sẽ bị mờ nhạt đi. Nhưng, các nước ASEAN cũng không thể phủ nhận được rằng ARF không phải là cái ô an ninh bao trùm toàn khu vực. Hoa Kỳ là một siêu cường trên thế giới. Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy. Nhật Bản có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Do vậy, các nước này có vai trò của họ trong hồ sơ an ninh khu vực.

Ngoài ARF, các nước Đông Nam Á còn có thêm hai cơ chế quan trọng khác cũng thảo luận về an ninh, đó là hội nghị hàng năm ASEAN cộng ba, tức là với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bao gồm 13 nước trong đó có Ấn Độ, Úc và New Zeland.

Theo một nhà ngoại giao ASEAN tại Washington, thì diễn đàn ARF chỉ là một phần trong tổng thể kiến trúc về an ninh khu vực. Một số chuyên gia châu Á cho rằng việc chính quyền Washington muốn lập cơ chế thường trực về an ninh Đông Bắc Á vì Hoa Kỳ không đựơc mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Hội nghị này bao gồm 16 quốc gia, là những nước đã tham gia hiệp định bất tương xâm của ASEAN.

Truớc sự khó chịu của các nước Đông Nam Á, Hoa Kỳ nêu ra khả năng mở rộng cơ chế thường trực về an ninh Đông Bắc Á, cụ thể là ngoài các nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều tiên, còn có tất cả các quốc gia trong diễn đàn an ninh khu vực ARF và cả Úc. Gợi ý này lại càng làm cho một số nước Đông Nam Á nghi ngờ là Mỹ muốn phá hoại ASEAN. Thế nhưng, Hoa kỳ vẫn tỏ ý tiếp tục thúc đẩy dự án này. Ông Michael Green, chuyên gia cao cấp về châu Á của Nhà trắng đưa ra ba lý do : thứ nhất là tại châu Á hiện nay, có nhiều cấp độ quan hệ đa phương và nếu có cạnh tranh giữa các cơ chế này thì cũng không có gì là tổn hại cả. Thứ hai là tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ như Barack Obama, Hillary Clinton và John McCain đều ủng hộ sáng kiến này và cuối cùng là diễn đàn ARF có một số vai trò quan trọng nhưng không thể giải quyết xung đột hoặc xây dựng lòng tin cho phép đưa ra các biện pháp hữu hiệu trong lĩnh vực an ninh khu vực.
Đức Tâm
(Ảnh : www.pacto-convex.com)

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

G7 : Lo ngại đô la tiếp tục sụt giá.

12/04/2008_ Mặc dù trong bản thông cáo công bố sau cuộc họp ngày hôm qua ở Washington, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G7 không nhắc đến tên của đồng đô la, nhưng họ cũng đã gián tiếp bày tỏ mối quan ngại trước việc đơn vị tiền tệ này tiếp tục sụt giá. Bản thông cáo viết rằng, từ tháng 2 cho đến nay, các đơn vị tiền tệ chính yếu đã dao động rất mạnh và điều này có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế và tài chính của thế giới. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G7 cho biết họ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các thị trường hối đoái.

Từ cuối tháng 2 vừa qua, đồng euro đã vượt qua ngưỡng 1,50 đô la và nay đang dao động ở mức 1,58 đô la, thậm chí thứ năm vừa qua đã đạt mức kỷ lục 1,59 đô la. Tỷ giá euro/đô la cao như vậy, nếu như nó có lợi cho người tiêu dùng châu Âu, thì nó càng gây khó khăn thêm cho các nhà xuất khẩu, kéo theo hậu quả là tăng trưởng kinh tế của châu Âu nói chung bị sụt giảm. Từ nhiều tuần qua, các nước châu Âu vẫn thúc giục Hoa Kỳ phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chận đà sụt giá của đô la. Hôm thứ tư vừa qua, người đứng đầu các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, ông Jean-Claude Juncker đã gặp riêng tổng thống Mỹ George Bush để bàn về vấn đề này. Cho tới nay, phía Mỹ vẫn không làm theo yêu cầu của châu Âu, mặc dù trong cuộc họp báo hôm qua, bộ trưởng Tài chính Henry Paulson nhắc lại cam kết là sẽ duy trì một đồng đôla mạnh.

Nhưng bây giờ Washington khó mà tiếp tục phớt lờ như vậy, bởi vì tình trạng kinh tế của Hoa Kỳ đang đặt họ vào thế yếu. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái. Chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 4, do trường đại học Michigan đo lường và vừa được công bố hôm qua, đã sụt xuống còn 63,2 điểm, tức là mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 1982. Về tình hình việc làm, các số liệu thống kê công bố vào tuần trước cho thấy trong tháng 3 vừa qua đã có 80 000 việc làm bị cắt giảm và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt vọt lên thành 5,1%. Thứ tư vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế lần đầu tiên cũng dự báo là kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái nhẹ trong năm nay. Thật ra thì việc đồng euro tiếp tục tăng giá cao so với đôla một phần cũng là do châu Âu. Trái với Hoa Kỳ, cho tới nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn không chịu hạ lãi suất, viện lý do kềm chế lạm phát. Hôm thứ năm vừa qua, sau khi Ngân hàng châu Âu một lần nữa quyết định giữ nguyên các lãi suất chỉ đạo, đồng euro đã tăng vọt lên hơn 1,59 đôla. Nhưng nếu đồng euro tiếp tục tăng giá so với đôla như vậy, chắc là đến một lúc nào đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải thay đổi chính sách.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Tỷ giá € so với US$ trong vòng một năm)

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2008

BOUBAT : Hạnh phúc thời hậu chiến

04/04/2008_ Tiếp cận với Boubat, ta nhận bắt ngay có một tình cảm toát ra từ những bức ảnh của ông, hay ít ra là một ấn tượng : dịu dàng, gần gũi, như thể đây là điều thổ lộ tâm sự, một lời thủ thỉ thân mật.

Ảnh của Edouard Boubat tạo nên cho người xem một thiện cảm chân thành. Những bức đạt nhất, có thể dẫn đến sự chuyển hóa, ví dụ tấm ảnh với cái tựa vỏn vẹn là “Ấn Độ, 1962 ». Ở đây, Boubat cho thấy một nông dân già đi giữa cánh đồng trĩu hạt, đôi bàn tay mân mê các bông lúa, ông đang nở một nụ cười viên mãn. Đối mắt của ông cũng nhíp lại, như thể cụ già thả hồn theo niềm hạnh phúc. Ở đây, không thể không liên tưởng đến Vùng Đất Hứa khi con người chưa hề đói rách, khi trái đất chưa nếm mùi thảm họa. Chất phác, trong sạch, thuần khiết, những nhân vật trong ảnh của Boubat tận hưởng những niềm vui cuộc sống thanh bình, an lạc. Một bức khác, tựa đề « Ấn Độ, 1964 ». Boubat đã kể lại, ông đã đi thật xa, tiến mãi vào tận các vùng hẻo lánh nhất miền trung Ấn Độ : Sau một ngày lận đận trên những nẻo đường hiểm trở, ông đến một ngôi làng vào chiều tối. Người dân hiếu khách cho ông trú ngụ trong một căn nhà tranh, nghèo xơ xác. Sau một đêm ngủ trên nền đất, 6 giờ sáng, ông tỉnh dậy, mang chiếc Leica ra khỏi nhà. Kết quả là tấm ảnh này : Mặt trời chưa lên. Sương mù chưa tan. Giữa vài gian nhà xiêu vẹo ở trung tâm ngôi làng, già trẻ, lớn bé quây quần bên bếp lửa, có lẽ để tránh gió hay để nấu nướng. Có nhiều toán người. Phải chăng mỗi toán là một hộ gia đình ? Bên cạnh họ, ngổn ngang chiếc xe bò, lẩn quẩn đàn súc vật : gà, dê, bò, ngựa lục tục kiếm ăn. Xa xa trong sương mù, một đám người khác cũng vừa thức giấc, ngồi cạnh nhau bên bếp lửa. Giữa con người, đàn thú và thiên nhiên, tất cả đều êm đềm, thanh thản, hiền hòa.

Một bức ảnh khác, tựa đề « Pérou 1975 », được chụp từ phía bên trong một thánh đường Thiên chúa giáo. Từ trên cao, xuyên qua kính giáo đường, ánh sáng tràn xuống vùng bóng tối bên dưới, như một ngọn thác, như nguồn Ân Huệ đang tỏa rộng. Ở đây, tất cả đều đơn sơ, mộc mạc và trinh nguyên đến độ thánh thiện. Trước bức ảnh này, người xem có thể lắng nghe âm vang các mối tương đồng giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trời và đất, giữa Thượng đế và cõi nhân gian.

Phải kể thêm bức « Rémi au coquillage 1995 » – « Cậu bé Rémi và vỏ ốc – 1995 » hay là tác phẩm nổi tiếng nhất của Boubat « Chân dung Lella 1946 ». Người xem mường tượng giữa hoàng hôn bao phủ, cô gái Lella với đôi mắt đen láy, cái nhìn vời vợi và chút gió làm gợn mái tóc, đang biến thành hiện thân của cái đẹp, hiện thân của những bí ẩn sâu lắng trong tâm hồn đàn bà. Trước tấm ảnh này, có lẽ hơn bao giờ hết, câu nói của nhà nhiếp ảnh Boubat chuyển tải đầy đủ ý nghĩa của nó, khi ông nhận định rằng chụp ảnh là thể hiện một lời tạ ơn.

Edouarrd Boubat sinh năm 1923 tại Paris. Ông bắt đầu được chú ý đến từ những năm hậu chiến ở Pháp khi vào năm 1947, ông giành được giải thưởng Kdac. Kể từ 1951, ông thường xuyên triển lãm bên cạnh Brassaï hay là Doineau. Từ đó trở đi, Boubat được nhiều tạp chí của Pháp gửi đi khắp thế giới thực hiện các phóng sự bằng hình ảnh. Ông mất năm 1999. Từ đầu năm nay cho đến tháng ba vừa rồi, Paris triển lãm 150 bức ảnh của Boubat, một sự kiện hiếm hoi đối với khách yêu nghệ thuật.

Nhân dịp này, RFI đã phỏng vấn anh Nguyễn Xuân Khánh, một nhà nhiếp ảnh Việt Nam cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo Thạch
(Ảnh : www.parlerparis.com)


MỜI QUÝ VỊ NGHE TẠP CHÍ






Dòng nhạc Brasil Bossa Nova tròn 50 tuổi

28/03/2008_ Năm 1958, cách nay nửa thế kỷ, một đĩa nhạc mang tên « Chega de Saudade », tạm dịch là « Hoài niệm đã qua rồi », xuất hiện tại thành phố Rio de Janeiro – Brasil. Ca sĩ là João Gilberto, người soạn nhạc là Antônio Carlos Jobim, người đặt lời là thi sĩ Vinícius de Moraes.

Đĩa nhạc này kể từ khi đến với thính giả Rio de Janeiro, ngày mồng 10 tháng 7 năm 1958, sẽ cách mạng hóa nền âm nhạc bình dân của Brasil và mở đầu cho một dòng nhạc mới, được mệnh danh là Bossa Nova. Được biến tấu từ nhịp điệu Samba, Bossa Nova độc đáo và thắm thiết, dịu dàng như chưa hề thấy trong âm nhạc Brasil. Ở đây, không còn dàn trống sôi bỏng của Samba. Tiết tấu của Bossa Nova cũng chậm lại. Lối trình diễn của ca sĩ thì nhẹ nhàng, thoáng buồn, như kể chuyện một cách tự nhiên, với giọng hát không luyến láy, không vibrato. Đặc biệt hơn cả trong « Chega de Saudade » là chiếc đàn ghitare, với nhịp đập lệch (tiếng Pháp gọi là syncope). Bộ ba João Gilberto, Antônio Carlos Jobim, Vinícius de Moraes trong vòng 25 năm sau, sẽ sáng tác hầu hết các giai phẩm nổi tiếng ngày nay của Bossa Nova, mà mọi người đều biết như bài hát « Cô gái Ipanema ».

Trước đó, ngăm 1959, bộ phim Orfeu negro của đạo diễn Pháp Marcel Camus được dàn dựng vơí những bài hát do Jobim và Vinícius đồng sáng tác, đã giành được Cành Cọ Vàng Liên hoan Cannes, qua đó, bộ phim Pháp này đã giới thiệu với thế giới Bossa Nova của Brasil.

Nhưng đánh dấu cho sự kiện Bossa Nova bùng nổ như trào lưu mới lạ nhất được thính giả quốc tế phát hiện và hoan nghênh, đó là đĩa nhạc mà nghệ sĩ Mỹ chơi kèn Saxo Stan Getz, cùng hoàn thành năm 1963 với João Gilberto. Từ đó trở đi, Bossa Nova chiếm lĩnh tất cả các đài phát thanh, các phòng trà và hộp đêm. 50 năm sau khi ra đời, tác phẩm « Cô gái Ipanema », đứng thứ nhì trên danh sách các bài ca thu về nhiều tiền bản quyền nhất trên thế giới.

Tinh thần Bossa Nova đã được người phát minh của nó là Jobim định nghĩa như cuộc gặp gỡ thú vị giữa Samba và Jazz. Về nội dung thì những nhà soạn nhạc cho Bossa Nova chú ý đặc biệt đến những lời ca. Các ngôn từ được lựa chọn không những vì ý nghĩa mà còn về âm sắc của chúng. Chất thi ca tinh tế này được lột tả qua các sáng tác của Vinícius, vừa trầm buồn, vừa ngọt ngào, không bao giờ phô trương, khiên cưỡng. Chủ đề các bài ca xoay quanh cuộc sống thường nhật, tình yêu, vẻ đẹp giai nhân, đặc biệt là thiên nhiên trù phú và biển cả mênh mông. Bởi vậy, Bossa Nova được xem là biểu tượng của thành phố Rio de Janeiro. Chẳng vậy mà rất nhiều tựa đề các tác phẩm Bossa Nova nhắc nhở đến các khu phố, mô tả các nhân vật của Rio de Janeiro. Đó là trường hợp của « Cô gái Ipanema » hay « Corcovado ».

Mặt khác, từ những năm 60 trở đi, Bossa Nova được đồng hóa với sức sống mãnh liệt của Brasil, nhãn hiệu hiện đại nhất của đất nước này. Không phải là trùng hợp mà do lẽ nhân quả, Bossa Nova đột phá vào nền âm nhạc năm 1958. Trăm hoa của nghệ thuật Bossa Nova đã đua nở đúng vào thời kỳ lịch sử - nền dân chủ được vãn hồi tại Brasil, chế độ độc tài sụp đổ vào năm 1955. Tổng thống Kubitschek của Brasil, người nắm quyền trong những năm tháng Bossa Nova ra đời, nuôi tham vọng lớn cho quốc gia này. Ông thực hiện dự án xây thủ đô mới là Brasilia. Ông chủ trương hiện đại hóa đất nước trong mọi lĩnh vực. Trong vòng 10 năm, sau khi chế độ độc tài tiêu tan, Brasil mở rộng cửa đối với thế giới và kịp thời nhận thức được sức mạnh to lớn của mình về văn hóa, thể thao, xã hội cũng như về chính trị. Trong bối cảnh này, không phải ngẫu nhiên mà Bossa Nova trỗi dậy rất nhanh, thổi một luồng sinh khí mới vào âm nhạc quốc gia và cả vào sân khấu quốc tế nữa.

Bossa Nova không chỉ tạo cơ hội cho công chúng thế giới làm quen với Brasil. Ảnh hưởng của trào lưu này trên các nghệ sĩ và dòng nhạc quốc tế rất đáng kể. Tạp chí Down Beat xác định trong vòng 40 năm qua, không ai để lại dấu ấn đậm nét trong âm nhạc Mỹ như João Gilberto. Kể từ năm 1963, khi Stan Getz tung lên sân khấu « Cô gái Ipanema », thì Bossa Nova thu hút giới nghệ sĩ Jazz cũng như các ca sĩ, từ Dizzy Gillespie, Miles Davis, Quincy Jones cho đến Peggy Lee, Frank Sinatra, Ella Fitzgerald và gần đây, nhạc sĩ người Nhật Bản Ryuichi Sakamoto, tất cả đều xem Bossa Nova như vận hội mới cho nền ca nhạc thế giới.

Ở Pháp cũng vậy. Nhiều thế hệ nhạc sĩ tìm về ngọn nguồn Bossa Nova như thể để thanh tân hóa cảm hứng của mình. Henri Salvador, Claude Nougaro, George Moustaki, Bernard Lavilliers, các ca sĩ này được khán giả xem như là các sứ thần của Bossa Nova trên đất Pháp. Jeanne Moreau, Nana Mouskouri, Joe Dassin, Françoise Hardy cũng thi nhau trình diễn nhiều tác phẩm Bossa Nova. Nhưng thủy tổ Bossa Nova tại Pháp, phải kể đến Pierre Barouh. Năm 1959, trong một chuyến ngao du thiên hạ, tình cờ Pierre Barouh làm quen với đĩa nhạc « Chega de Saudade » vừa được phát hành năm trước. Bị chấn động bởi nhịp đập Bossa Nova, nghệ sĩ trẻ này quyết định sang Brasil. Kết quả công cuộc săn tìm âm thanh mới mẻ sẽ được cụ thể hóa 7 năm sau đó, dưới tựa đề Samba Sarava. Điệu nhạc này, ngày nay ở Pháp, ai cũng còn nhớ, nhưng mọi người chỉ biết mang máng đó là nhạc bộ phim « Un homme et une femme » - « Câu chuyện một người đàn ông và một người đàn bà » của Claude Lelouche.
Bảo Thạch
(Ảnh : static.rateyourmusic.com)


MỜI QUÝ VỊ NGHE TẠP CHÍ












TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH