Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2007

HOÀNG SA TRƯỜNG SA : Trung Quốc lại khiêu khích

17/12/2007_ Trung Quốc khiêu khich trên hồ sơ chủ quyền tại vùng Biển Đông nhằm đối phó với Chiến lược Phát triển Biển của Việt Nam. Tạp chí do Trọng Nghĩa, Thanh Phương và Đức Tâm biên soạn.

Như một giọt nước làm tràn ly, thông tin về quyết định của Quốc Vụ Viện Trung Quốc cho thành lập thành phố Tam Sa, một đơn vị hành chánh có chức năng quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã làm dấy lên cả một phong trào phản đối ở trong và ngoài nước Việt Nam. Nếu tuyên bố bác bỏ quyết định của Bắc Kinh từ phiá chính quyền Việt Nam (3/12/2007) là một phản ứng bình thường, thì hai cuộc biểu tình, 09/12 và 16/12, tại Hà Nội và Sài gòn đã khiến giới quan sát phải ngạc nhiên.

Cuộc biểu tình tại Hà Nội, ngày 16/12, có khoảng ba trăm người tham gia, theo AFP và khoảng 1000 người, theo một bài tường thuật trên báo điện tử talawas.de, đa số vẫn là thanh niên, sinh viên, học sinh. Địa điểm dự định là trước đại sứ quán Trung Quốc. Tuy nhiên một lực lượng công an hùng hậu đã được huy động để ngăn cản không cho họ đến gần trụ sở phái bộ ngoại giao của Bắc Kinh, cho nên cuộc biểu tình biến thành tuần hành. Đoàn biểu tình đi trên các đường phố Hà Nội, đa số mặc áo màu cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Việt Nam, hô các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc và hát những bài ca cổ vũ lòng yêu nước. Bên cạnh những biểu ngữ tiếng Việt, còn có một số biểu ngữ bằng tiếng Anh, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và tố cáo bá quyền Trung Quốc. Công an bố trí một lực lượng đi kèm theo đoàn biểu tình và sau đó đã giải tán họ.

So với các cuộc biểu tình chủ nhật 09/12/2007, thái độ công an cứng rắn hơn nhiều, dứt khoát xé nhỏ đoàn biểu tình, không để cho có quá nhiều người tập hợp ở một nơi.

Cùng ngày 16/12, tại Sài Gòn, khoảng một trăm người đã tập hợp ở công viên nằm gần tổng lãnh sự quán Trung Quốc để biểu tình phản đối. Vây quanh là lực lượng công an đông hơn gấp nhiều lần số người biểu tình.

Cũng như tuần trước, báo chí Việt Nam hôm thứ hai 17/12/2007 vẫn không hề loan tin về các cuộc biểu tình này. Tờ Công an thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 15/12/2007 đăng thông báo của Công an thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đã phát hiện một âm mưu của một số thế lực thù địch, trong đó có đảng Việt Tân mà Việt Nam cho là tổ chức khủng bố, kích động thanh niên biểu tình phản đối Trung Quốc. Bản thông cáo này kêu gọi thanh niên, sinh viên, học sinh đừng nghe theo âm mưu kích động của những thế lực đó. Trong khi báo chí chính thức im hơi lặng tiếng, thì trên mạng Internet, nhất là trên các blog, rất nhiều người đã tự làm công việc phóng viên tường thuật tại chỗ rất sinh động, với nhiều hình ảnh, đoạn phim.

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hôm thứ bảy 16/12/2007 cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình ở khu Little Saigon, California, với sự tham gia của khoảng 200 người, theo tin của AP.

Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã làm cho quan hệ Việt-Trung căng thẳng rõ rệt. Ngay từ tuần trước, bộ ngoại giao Trung Quốc đã lưu ý Việt Nam về nguy cơ quan hệ song phương bị tổn hại nếu chính quyền Hà Nội không ngăn cản các cuộc biểu tình, trong lúc đó, Việt Nam vẫn xác định là các cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát.

Theo nhiều nhà phân tích, hiềm khích giữa Việt Nam và Trung Quốc trên hồ sơ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa đã bắt nguồn từ chiến lược dần dần gậm nhắm trong khu vực biển Đông, và Bắc kinh sẵn sàng dùng võ lực để chiếm đóng các hòn đảo đang do nước khác kiểm soát.

Theo giáo sư Vũ Tường, tiến sĩ khoa học chính trị, đại học Orgeron, Hoa Kỳ, khi trả lời phỏng vấn talawas.de, mặc dù chỉ chiếm được đảo Hoàng Sa và một số đảo trong quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc luôn tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo nói trên. Từ năm 1959 đến 1981, những đảo này đặt dưới sự quản lý hành chính của tỉnh Hải nam, từ năm 1981 đến tháng 11 năm 2007, của tỉnh Quảng đông. Cuối tháng 11 vừa qua, Trung Quốc cho lập thành phố cấp huyện Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

Tài liệu của Việt Nam nói rằng quần đảo Hoàng Sa bao gồm trên 30 đảo lớn nhỏ, bãi đá ngầm, trải rộng trên một diện tích khoảng 15-16 ngàn cây số vuông, cách bờ biển Đà Nẵng 170 hải lý. Còn quần đảo Trường Sa thì lớn hơn, khoảng 160-180 ngàn cây số vuông, với trên 100 đảo, bãi đá. Đảo gần nhất ở cách Vũng Tầu khoảng 250 hải lý.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho biết là đến tận năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông mới bắt đầu công khai khảo sát, cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa, mà Trung quốc gọi là Tây Sa, vì họ cho đây là nơi vô chủ.

Trong bài Đá Vành Khăn, Bài học đối đầu giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, tiến sĩ Ngô Thế Vinh nhắc lại là vào năm 1932, tờ Nam phong của Phạm Quỳnh đã có bài viết : Vấn đề cương giới Hoàng Sa Trường Sa sẽ được giải quyết bằng gươm súng. Đến năm 1938, trên tờ Ngày nay, Hoàng Đạo, thuộc nhóm Tự lực Văn đoàn dự báo vấn đề Hoàng Sa Trường Sa sẽ được giải quyết theo lý lẽ của kẻ mạnh.

Tháng 9 năm 1958, Trung Quốc ra tuyên bố là các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác là thuộc về Trung quốc v.v. Xin nhắc lại, Trung quốc gọi Tây Sa, tức là Hoàng Sa theo Việt Nam và Nam Sa tức là Truờng Sa. Cùng tháng đó, thủ tướng miền Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng đã có công hàm tán thành bản tuyên bố về hải phận của Trung Quốc nói trên.

Ngoài nguồn hải sản và trữ lượng tiềm tàng về dầu khí, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có một vị trí chiến lược ở biển Đông. Nếu nước ngoài chiếm được cả hai nơi này thì Việt Nam hoàn toàn bị bao ở phía đông và phía nam.

Giới chuyên gia nhấn mạnh đến chiến lược gặm nhấm dần dần, hoặc vết dầu loan của Trung Quốc ở vùng biển Đông, nơi có một vị trí chiến lược thông thương đường thủy từ eo biển Malacca đến biển Nhật Bản.

Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, lúc đó đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1988, hải quân Trung Quốc đánh chiếm thêm một số đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát. Năm 1995, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đến 1998, Bắc Kinh cho xây dựng tại đây sân bay trực thăng, radar, ụ súng phòng không, cắm cờ Trung Quốc.

Như vậy, tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có từ lâu, các hành động lấn chiếm của Trung Quốc, khởi đấu là tại Hoàng Sa, rồi sau đó là tại Trường Sa cũng không phải là mới. Câu hỏi đặt ra là tại sao lần này tình hình lại có dấu hiệu căng thẳng đến mức mà nhà phân tích của tuần báo Anh The Economist đã không ngần ngại dùng đến hình tượng « sự hồi sinh của chiến tranh lạnh ».

RFI đã đặt câu hỏi cho hai chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc phòng Úc, và giáo sư Stephen B. Young thuộc tổ chức quốc tế Caux Round Table trụ sở chính tại Hoa Kỳ.

Qua thư điện tử, giáo sư Carl Thayer cho biết :
« Vào đầu tháng giêng năm nay, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng sản Việt Nam đã thảo luận về một « Chiến lược biển Việt Nam cho đến năm 2020 » nhằm đề ra một kế hoạch đồng bộ bảo vệ và phát triển các vùng lãnh hải, các khu vực đặc quyền kinh tế tại vùng biển Đông. Chiến lược này đã được thông qua nhưng không công bố rộng rãi. Chính quyền Trung Quốc có được bản sao của văn kiện này và sau đó, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc yêu cầu các công ty nước ngoài không giúp đõ Việt Nam. Có tin cho rằng một số công ty có quyền lợi tại Trung Quốc đã bị cảnh cáo là họ sẽ bị thiệt hại về mặt tài chính nếu hợp tác với Việt Nam tại những khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình. Vấn đề là Bắc Kinh chưa bao giờ xác định một cách chính xác những đòi hỏi của họ.
Bối cảnh kể trên cho phép giải thích các áp lực gần đây của Trung Quốc trên tập đoàn dầu khí Anh quốc BP, buộc tập đoàn này phải bỏ rơi đề án phát triển một mỏ khí đốt ở ngoài khơi Bà Rịa Vũng Tàu từng được Việt Nam giao cho quyền khai thác.
Điều đó cũng giải thích vì sao xẩy ra một loạt sự cố tại vùng biển Đông, giữa tàu đánh cá Việt Nam và hải quân Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy là số lượng sự cố càng lúc càng tăng trong thời gian gần đây, nhưng phiá chính quyền Việt Nam đã quyết định không loan tin rộng rãi về các vụ xung đột này.
Các viên chức Việt Nam hiện cố sức tìm phương cách để phát triển vùng biển của mình. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, vào năm 2020, kinh tế biển của Việt Nam có thể đóng góp đến mức 55 % GDP và từ 50 đến 60 % vào lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đó, rõ ràng là nếu Việt Nam thụ động, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng sức ép. Tình hình do đó hết sức hệ trọng đối với Việt Nam ».


Sức ép của Trung Quốc trên các đối tác của Việt Nam trong ngành dầu khí đã có hiệu quả rõ ràng. Vào tháng 6 vừa qua, tập đoàn BP đã từ bỏ đề án khai thác mỏ khí đốt tại khu vực Nam Côn Sơn cho dù trị giá lên đến 2 tỷ đô la. Mới đây, đến lượt tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ bị áp lực tương tự trong dự án khai thác hai bloc 127 và 128.

Ngoài các hành động trực tiếp nhắm vào Việt Nam, hạ tuần tháng 11/2007, hải quân và không quân Trung Quốc còn tổ chức một cuộc tập trận rầm rộ ngoài khơi vùng duyên hải Đông Nam, bao trùm cả khu vực gần Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ghi nhận của báo trên mạng Asia Times (01/12/2007), đối tượng răn đe thị uy của Trung Quốc không đơn thuần là Đài Loan hay Hoa Kỳ, hai đối thủ truyền thồng của Bắc Kinh trong khu vực, mà còn nhằm cả vào các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông. Thái độ kẻ cả của Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ quân đội nước này không cần thông báo cho các nước trong vùng biết về việc tổ chức cuộc diễn tập quân sự.

Nhìn chung, theo giới quan sát, quyết định lập thành phố Tam Sa có thể được xem là vế hành chính trong một chủ trương chung của Trung Quốc, bao gồm cả yếu tố quân sự lẫn kinh tế nhằm kiềm soát vùng biển Đông và Việt Nam được xem cản lực đối với Trung Quốc trong việc thực hiện chủ trương này.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là phải làm thế nào để bảo vệ các hải đảo của mình trong bối cảnh uy thế quân sự và kinh tế của Trung Quốc ngày càng mạnh và các đồng minh ASEAN của Việt Nam cho đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, được xem là phương thức để đánh động dư luận.

Mặc dù Việt Nam tuyên bố là các cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát, nhưng hầu hết các quan sát viên quốc tế đều nhận định rằng những cuộc biểu tình này không thể diễn ra nếu không được chính quyền kín đáo bật đèn xanh.

Giáo sư Carl Thayer giải thích :
« Cho đến nay, tin tức về các sự kiện liên quan đến biển Đông, như tôi vừa nêu ở trên, không được loan truyền rộng rãi tại Việt Nam. Vì vậy các sinh viên không có cơ sở cụ thể để hành động. Trong khi đó, giới báo chí ngoại quốc đã được báo trước về thời gian cũng như địa điểm diễn ra những cuộc biểu tình đầu tiên. Công an cũng không làm gì để can thiệp, cả với sinh viên biểu tình cũng như với giới truyền thông nước ngoài.
Theo ý tôi, Việt Nam muốn sự việc được loan tải rộng rãi vì lẽ các biện pháp ngoại giao ngầm dường như không mang lại kết quả nào.
Vấn đề đang rất hệ trọng đối với Việt Nam. Chiến tranh với Trung Quốc là điều khó có thể xẩy ra. Thế nhưng, nguy cơ những vụ xung đột trên biển hoàn toàn có thể tiếp tục, trừ phi là chính quyền Bắc Kinh kiên quyết hạn chế hành động của chỉ huy trưởng các chiến hạm Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình, theo tôi, là bước đầu tiên của một chiến dịch thông tin dài hạn nhằm chinh phục cảm tình cũng như hậu thuẫn của quốc tế đối với Việt Nam».


Đây cũng là ghi nhận của giáo sư Stephen Young khi trả lời phỏng vấn của Đức Tâm qua điện thoại, trước lúc diễn ra các cuộc biểu tình ngày 16/12/2007:
« Tôi thấy hai cuộc biểu tình này rất quan trọng trong lịch sử của Việt nam dưới chế độ cộng sản, mặc dù chỉ có hàng trăm sinh viên. Tại vì ai cũng biết là đảng cộng sản không thích dân chúng đứng lên, có một sự tự do nào đó, nhất là về chính trị. Thứ hai, đây là phản ứng công khai, không hợp với ý của đảng.
Hai cuộc biểu tình không bị công an bắt bớ, đàn áp. Nếu không cho phép biểu tình thì thái độ này rất lạ.
Có một số người trong đảng đã ủng hộ lập trường của sinh viên. Theo tôi, hai cuộc biểu tình chứng tỏ là có sự chia rẽ bên trong đảng cộng sản. Sự chia rẽ đó không có gì là lạ. Tại vì nhiều người trong đảng rất là mắc cỡ. Năm 1999, tổng bí thư đảng Lê Khả Phiêu đã đồng ý lấy một số đất của Việt Nam hiến cho Bắc triều. Năm 2000, Trung Quốc cũng đề nghị sửa lại đường ranh giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ. Sau đó, nhiều người trong đảng đã bất mãn. Họ không đồng ý việc làm của một số lãnh đạo. Thành ra, họ công khai hóa cái chuyện này. Tôi thấy trong giới lãnh đạo của đảng cộng sản có một sự chia rẽ, họ có thể nói nhỏ với nhau là họ nghe thấy có cuộc biểu tình và họ quyết định là không chống".


ĐT
: Như vậy, theo ông là có sự bật đèn xanh của một bộ phận nào đó trong chính quyền đối với các cuộc biểu tình ?

Stephen Young
: "Tôi đoán như vậy bởi vì tôi chưa biết chính xác. Tôi có nói chuyện với một vài người bạn. Họ đồng ý với tôi là có phải có ít nhất một cái đèn xanh nho nhỏ nào đó. Nếu trước cuộc biểu tình không có thì sau cuộc biểu tình phải có đèn xanh. Tại vì sau khi biểu tình xẩy ra, chỉ 5 phút sau thì công an phải biết chứ. Thế nhưng phản ứng của công an rất là nhẹ. Đó là một quyết định từ phía công an."

ĐT
: Trong thời gian qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc tìm cách cải thiện, tăng cường quan hệ vơí ASEAN, mà Việt nam là thành viên của khối này. Thậm chí, Trung Quốc và ASEAN còn thông qua được một bộ luật ứng xử khi xẩy ra các tranh chấp, đặc biệt là tại biển Đông. Vậy, theo ông, tại sao Trung Quốc lại có các hành động khiêu khích như vậy, cho lập thành phố hành chính Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Việt nam ?

Stephen Young
: "Tôi thấy hơi lạ thật. Trung Quốc họ nói một nhưng làm hai. Thành ra, có thể ở Trung Quốc, cũng có phe phái. Có lẽ có một nhóm muốn Trung Quốc có vai trò như anh Hai ở vùng Đông Nam Á".

ĐT : Ý ông muốn nói là ngay trong nội bộ chính quyền Trung Quốc cũng có sự chia rẽ. Có nhóm thì muốn giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao, nhưng cũng có nhóm chủ trương khiêu khích và khẳng định thế mạnh của Trung Quốc ?

Stephen Young
: "Tôi ngờ là như vậy. Có lẽ bộ ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh có tầm nhìn xa, có cái nhìn chính trị, ngoại giao, nhưng ở chỗ khác, trong đảng hay trong quân đội hay là ở phía nam, họ có như thế hay không. Bởi vì có một bộ tham mưu ở đảo Hải Nam lo về hải quân trong vùng Đông Nam Á. Biết đâu ở đó, có người thấy rằng nước Tàu giờ đây lại trở thành siêu cưòng, do vậy, họ phải có một ảnh hưởng tự nhiên trong khu vực xung quanh".

ĐT
: Từ trước tới nay, khi xẩy ra các khiêu khích từ phía Trung Quốc, chính quyền Hà Nội vẫn luôn luôn tuyên bố là Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, thương lượng. Lần này, họ cũng ra tuyên bố tương tự. Ông đánh giá thế nào về thái độ của chính quyền Việt Nam ?

Stephen Young
: "Theo tôi, chính quyền Việt Nam hơi bị kẹt. Tại vì có những người có thế lực, ảnh hưởng ở Việt Nam lại có vẻ rất thân Trung Quốc, nhất là ông Lê Đức Anh, ông Đỗ Mười. Họ là một phe trong đảng cộng sản. Họ bắt đầu liên kết với Tàu năm 1993. Có những người như vậy trong Trung ương đảng, muốn nghe lời Trung Quốc, thì chính phủ Việt Nam khó mà bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chính phủ có thể nói nhưng làm thì khó lắm, vì chưa được phép của của mấy vị đó".

ĐT
: Nhìn về tương lai, theo ông, Việt Nam nên có thái độ ra sao, nếu Trung Quốc cứ kiên quyết lấn chiếm và khẳng định chủ quyền của mình ở những nơi đang có tranh chấp ?

Stephen Young
: "Tôi nghĩ, Việt Nam cứ làm theo nguyên tắc chủ quyền là được. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc chống đối một cách có chính nghĩa, có lý, thì nước Tàu cũng phải cẩn thận. Bởi vì nước Tàu không muốn mang tiếng là xâm lăng. Nhưng nếu Việt Nam mềm yếu thì dĩ nhiên người Tàu sẽ tiến tới. Ăn thua là ở chính quyền Việt Nam. Nếu chính quyền Việt Nam có đủ can đảm, làm với tinh thần có trách nhiệm đối với quốc dân, đối với tổ tiên, đối với người Việt Nam sau này, thì Việt Nam có đủ thế lực để đối phó với Trung Quốc. Nhìn lại lịch sử, những lúc Việt Nam đứng lên bảo vệ chủ quyền, như thời Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung Nguyễn Huệ, Việt Nam vẫn chỉ có một mình tranh đấu, không có nước nào khác giúp đỡ, thế mà Việt Nam vẫn đối phó được với Trung Quốc. Tôi thấy trách nhiệm thuộc về chính phủ Việt Nam, họ có muốn làm hay không mà thôi".

NGHE TẠP CHÍ :






Không có nhận xét nào: