Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

Thái lan: Biểu tượng chính sách nước đôi của ASEAN trong hồ sơ Miến điện

31/10/2007_ Trường hợp của Thái Lan minh họa cho chính sách 2 mặt của ASEAN đối với Miến Điện : chỉ trích ngoài mặt nước này nhưng tiếp tục duy trì quan hệ mậu dịch, củng cố quyền lực của tập đoàn quân sự.

Lời nói chưa đi đôi với việc làm : các chính phủ ASEAN muốn bảo vệ quyền lợi của mình trong việc buôn bán vớI Miến Điện. Thế nhưng, trước áp lực của công luận thế giới, họ buộc phải lên tiếng phê phán đợt đàn áp đối lập do chính quyền nước này tiến hành.

Trường hợp của Thái Lan thể hiện rõ lập trường nước đôi kể trên.

Là quốc gia giáp ranh vớI Miến Điện, Thái Lan trong nhiều năm qua, cạnh tranh ráo riết với Trung Quốc, Singapo, Ấn Độ để giành các hợp đồng kinh tế, đặc biệt là trong điạ hạt năng lượng. Quan hệ giưã Bangkok và các tướng lãnh cầm quyền Miến Điện được xem là hữu hảo với kết quả là trong năm qua, Thái Lan là một trong các nước đầu tư nhiều nhất vào Miến Điện, sau Trung Quốc.

Xin đơn cử một ví dụ cho thấy quyền lợi thiết thân của Bangkok trong việc làm ăn với quốc gia láng giềng này.

Trong khi nhu cầu năng lượng của Thái Lan không ngừng gia tăng, Miến Điện hiện nay là nguồn cung ứng 25% tổng sản lượng khí đốt cần thiết cho Thái Lan. Đổi lại, chỉ riêng một việc bán khí đốt cho Bangkok đã cho phép các tuớng lãnh Miến Điện bảo đảm hàng trăm triệu đô la thu nhập mỗi tháng.

Bên cạnh đó, Thái Lan còn đang xây dựng nhiều đập thủy điện tại Miến Điện để có thể mua lại nguồn năng lượng này trong tương lai. Các mối lợi quan trọng này cho phép khẳng định Bangkok không thể ủng hộ giải pháp trừng phạt Miến Điện.

Thật ra, Bangkok rất e ngại chính sách đối đầu của nhiều nước phương Tây sẽ gây khó khăn cho doanh nhân của họ làm ăn buôn bán với Miến Điện và nền kinh tế Thái lan sẽ bị tổn hại.

Do đó mà một mặt Thái Lan không tích cực lên án các lãnh đạo Miến Điện. Nhưng trước áp lực của cộng đồng quốc tế, Bangkok cũng không thể giữ im lặng.

Thủ tướng Thái lan Surayud Chulanond đã đề nghị, vào giữa tháng qua, thành lập một nhóm các nước bao gồm ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ để cùng với Liên Hiệp Quốc đối thoại với Miến Điện . Đây là một cơ chế dựa theo mô hình đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Triều tiên. Tiếng nói yếu ớt cuả Bangkok không che dấu nổi quan niệm cố hữu cho rằng tập đoàn quân phiệt Rangoon sẽ tồn tại lâu dài, cho nên điều cần thiết là án binh bất động.

Bởi vậy mà đằng sau các lời nói suông, Thái Lan cũng như nhiều nước thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á, trong thực tế vẫn chủ trương tiếp tục đối tác tranh thủ, tránh đối đầu với các tướng lãnh Miến Điện cho dù bàn tay các vị này đã bị vấy máu các nhà sư.

Dưới chiêu bài nếu chế độ quân phiệt sụp đổ thì Miến Điện bất ổn nghiêm trọng như Tổng thư ký Hiệp hội Đông Nam Á, ông Ong Keng Yong, đã nói, ASEAN thiếu vắng hẳn một đối sách, khả dĩ có thể ngăn chặn các vụ bạo hành dã man diễn ra ngay trước ngõ của mình.
Bảo Thạch
(Ảnh www.myanmar.com: Lễ đón tướng Thái lan Sonthi Boonyaratglin tại sân bay Miến điện Nay Pyi Taw, ngày 11 tháng 9 năm 2006)

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2007

Đối lập Miến điện: Xóa bỏ chính quyền quân sự, đất nước vẫn ổn định

30/10/2007_ Thiết lập nhanh chóng một chế độ dân chủ theo mô hình Tây phương sẽ làm cho Miến điện rơi vào tình trạng hỗn loạn và tạo ra một « Irak mới » tại Đông Nam Á.

Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Indonesia Juwono Sudarsono ngày 10 tháng 10 với hãng thông tấn AFP. Không phải chỉ có nhà quân sự Đông Nam Á này chia sẻ quan điểm của tập đoàn quân phiệt Miến điện, mà một số chuyên gia tây phương và một sử gia Miến điện cũng tán đồng : Một khi quân đội không còn nắm quyền thì các sắc dân thiểu số sẽ nhân đó nổi dậy. Giới lãnh đạo mới thiếu kinh nghiệm sẽ xung đột lẫn nhau và kinh tế quốc gia, hiện đang kiệt quệ vì chính sách quản lý kém của tập đoàn tướng lãnh, sẽ đi đến khánh tận.

Trả lời phỏng vấn của hãng AP tuần rồi, giáo sư người Mỹ David Steinberg, đại học Georgetown cho rằng các phong trào du kích võ trang của các sắc tộc Karen, Karenni và Shan sẽ làm cho Miến điện phân rã nếu chính quyền quân sự bất ngờ bị thay thế.

Một sử gia Miến điện, Thant Myint-U, cháu nội của cố Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant, thì đặt nghi vấn về khả năng của cộng đồng người Miến điện ở nước ngoài, tuy có học thức, nhưng có chắc gì họ sẽ hồi hương một khi chế độ quân phiệt sụp đổ. Hiệu năng của thành phần này đóng góp xây dựng đất nước ra sao ? Tóm lại, không nên để cho phe đối lập lên cầm quyền, dù cho đa số dân chúng mong đợi.

Để tìm hiểu xem quan điểm phù hợp với tuyên truyền của nhà nước có đứng vững hay không khi đối chiếu với ý kiến khác biệt, bản tin trên mạng internet Irrwaddi của phong trào dân chủ đã phỏng vấn nhiều nhà lãnh đạo đối lập.

Trong bài : «Lãnh đạo các sắc tộc bác bỏ những lời nói cho là Miến điện sẽ tiêu vong nếu chế độ quân sự sụp đổ», ông Mahn Sha, Tổng thư ký Liên hiệp dân tộc Karen nói rằng người Karen chỉ chống chính quyền quân sự, chứ không có nhu cầu đánh nhau với các sắc tộc thiểu số khác. Tất cả mọi sắc dân đều có mẫu số chung là chống chính quyền áp bức. Tất cả mọi người, kể cả con nít, cũng biết quốc gia nào mà không cần quân đội.
Một nhân vật khác, Aye Thar Aung, Thư ký liên đoàn đân chủ Arakan cũng nhận định : không một lực lượng du kích nào cầm súng chống lại chế độ dân chủ, vì quyền lợi của họ đã được tôn trọng.

Mọi phong trào trong nước kể cả Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San suu Kyi đều kêu gọi chính quyền đối thoại để giải quyết bế tắc chính trị từ nửa thế kỷ nay.

Phát ngôn viên tổ chức du kích Kachin độc lập, thành lập từ năm 1961, Tu Ja, nhận đinh : Khi đất nước dân chủ thì tại sao lại cầm súng đi chia cắt.

Một nhà chính trị lão thành Thatkin Chan Htun, cựu đại sứ ở Trung quốc cũng chia sẻ quan điểm của chuyên gia tây phương Bertil Lintner : « Trước đây, nhiều người tiên đoán Indonesia dân chủ sẽ phân rã như Liên bang Nam tư. Thực tế cho thấy, Djakarta nhờ có chế độ dân chủ đã giải quyết êm thấm xung đột ở Aceh. Một cựu tướng có tư tưởng cải cách nay lên làm tổng thống Indonesia thì sao ?».

Ông Chan Htun giải thích, vấn đề gây bế tắc hiện nay ở Miến điện là tướng Than Shwe. Nhiều tướng khác muốn thương thuyết với phe đối lập. Khi dân chủ được tái lập, chỉ thay thế một số lãnh đạo cũ mà thôi, còn quân đội vẫn là định chế của quốc gia. Có khác chăng là quân đội phải phụng sự đất nước chứ không còn là công cụ bảo vệ đảng cầm quyền.

Còn về cộng đồng tỵ nạn, theo những giáo sư trong và ngoài nước được Irawaddy phỏng vấn, tất cả đều tin rằng ai đi xa chẳng thương nhớ quê nhà. Một khi đất nước hài hoà, thì nhân tài ở nước ngoài sẽ hồi hương, không cần chính phủ kêu gọi.

Niềm tủi hổ thấy quê hương thua kém láng giềng vì chính sách phân biệt kỳ thị làm đất nước suy yếu, sẽ là động lực thúc đẩy người dân sát cánh nhau hơn .

Người dân Miến điện có quyền hy vọng vì lần đầu tiên, cộng đồng quốc tế có vẻ thuyết phục được ASEAN phối hợp dân chủ hóa Miến điện. Hôm qua tại Singapore, ngoại trưởng George Yeo, trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, tuyên bố : Hiệp hội ASEAN và Liên hiệp châu Âu tay trong tay mang lại dân chủ cho Miến điện.
Tú Anh
(Ảnh AP: Lãnh đạo phe đối lập Aung San Su Kyi, tháng 5 năm 2002)

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

Phi hạt nhân hóa Bắc Triều tiên: Bước tiến lạc quan

29/10/2007_ Trong hai ngày, 29 và 30 tháng 10 năm 2007, đại diện 6 nước liên quan trực tiếp đến tiến trình giải thể hạt nhân Bắc Triều tiên (BTT) thảo luận về kế hoạch viện trợ nhiên liệu cho Bình nhưỡng. Sự kiện họ chọn địa danh biểu tượng Bàn môn Điếm nằm giửa vùng phi quân sự để hội họp thay vì ở thủ đô Bắc kinh của Trung quốc (TQ) là một tín hiệu tốt cho thấy một luồn gió lạc quan đang thổi qua bán đảo này.

Từ khi vòng đầm phán 6 bên tại Bắc kinh đưa đến thỏa thuân 13 tháng 2 năm 2007, hồ sơ này đã vượt qua được nhiều giai đoạn quan trọng. Giờ đây đến lược một trong những yêu sách then chốt của BTT được thảo luận : nhu cầu cần được viện trợ hàng triệu tấn dầu.

Chương nhiên liệu trong thỏa thuận 13 tháng 2 là vấn đề cốt lõi trong hồ sơ giải thể chương trình hạt nhân BTT vì tình trạng kinh tế của chế độ Bình nhưỡng rất thê thảm, với nạn đói đe dọa sinh mạng của its nhất 3 triệu người, theo số liệu của Liên hiệp quốc (LHQ).

Vì 5 nước đối tác của BTT trong hội nghị 6 bên là Hoa kỳ, Trung quốc, Nhật, Nga và Hàn quốc chủ trương phải thận trọng với BTT , tiến từng bước một, tùy theo tình huống, nên cần phải chờ xem khối lượng dầu viện trợ được thông báo là bao nhiêu, người ta mới có thể đoán được là hội nghị Bàn Môn Điếm tiến tới đâu.

Trong bốn tháng qua, các bên đều tôn trọng những gì cam kết. BTT đã đóng cửa cơ sở hat nhân Yongbyon hồi tháng 7. Cách nay vài tuần, một phái đòan thanh tra Mỹ đã đến tận nơi đễ chuẩn bị kỷ thuật tháo gở 3 lò phản ứngchậm lắm là vào cuối năm nay. Đổi lại quốc tế phải viện trợ 500 ngàn tấn dầu khẩn cấp cho. Phía Hàn quốc đã chở sang BTT 100 ngàn tấn đầu tiên.

Vấn đề còn lại là khi nào BTT đưa hết danh sách toàn thể cơ sở hạt nhân của mình cho Hoa kỳ và bắt đầu tiến trình đám phán thiết lập bang giao Washington – Bình nhưỡng.

Ngày 29 tháng 10 năm 2007, trong phiên họp đầu tiên, dường như để tỏ thêm thiện chí, phái đoàn BTT cam kết là sẽ giải thể cơ sở hạt nhân kể từ dầu tháng 11và bước qua giai đoạn hai của thỏa thuận 13 tháng 2 tức là vô hiệu hóa các lò hạt nhân.Và một lần nửa, thúc giục quốc tế cung cấp khẩn cấp nhiên liệu. Tin từ Hàn quốc cho biết BTT bị thiếu xăng dầu đến mức 300 máy bay quân sự tê liệt hoạt động .

Nhiều dấu hiệu khác cũng cho thấy cộng đồng QT dùng biện pháp xoa dịu để gây sức ép lên BTT buộc Bình nhưỡng phải chụp lấy cơ hội để bình thường hóa đường lối chính sách của mình. Cụ thể là liên minh chống BTT sau vụ thử bom nguyên tử hồi tháng 10 năm ngoái cũng điều chỉnh thái độ. Trong lãnh vực nhân quyền chẳng hạn, mặc dù báo cáo viên LHQ về BTT Vitit Moutarbhorn, ngày 26 tháng 10 năm 2007 vừa qua vẫn lên án chính sách đàn áp của Bình nhưỡng, nhưng cùng lúc ông bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán đa phương, song phương với BTT sẽ có tác động tích cực lên tình trạng thiếu nhân quyền trong chế độ cộng sản Bình nhưỡng.

Bản thân Hàn quốc cũng để qua một bên hồ sơ nhân quyền, thay vào đó là tập trung giúp BTT chống nạn đói và phát triển kinh tế.

Cũng trong quan hệ song phương Seoul-Bình Nhưỡng, hai bên cũng thực hiện được những bước tiến quan trọng , với chuyến công du vừa qua của Tổng thống Roh Moo Hyun ở Bình Nhưỡng và nói đến viễn ảnh ký kết hiệp ước hoà bình.
Tú Anh
(Ảnh AP : Kim Dae Jung-bên trái và Kim Jong Il năm 2000)