21/12/2007_ Đối với các nước Đông Âu thuộc khối cộng sản cũ, hôm nay, 21 tháng 12 năm 2007 là một ngày lịch sử. 60 năm sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc và phân chia châu Âu thành hai khối, 18 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, không gian Schengen mở rộng sang phía đông và xuống phía nam, để đón nhận thêm 9 nước, tất cả đều là thành viên Liên Hiệp châu Âu : Đó là Ba Lan, cộng hòa Tcheq, Slovaquia, Hungary, Slovenia, Estonia, Litva, Latvia và Malta.
Theo lời bộ trưởng nội vụ cộng hoà Tcheq, những tàn tích cuối cùng của bức màn sắt ngăn cách Đông-Tây đã bị đập bỏ. Kể từ nay, chỉ với một giấy chứng minh thư, 400 triệu dân châu Âu thuộc 24 nước có thể tự do đi lại trong không gian Schengen, trải dài từ vòng cung bắc cực xuống quần đảo Canaries, phía nam Tây Ban Nha, ở Đại Tây dương.
Vào năm 1957, khi ký Hiệp định Roma, thành lập Thị trường chung châu Âu, tiền thân của Liên Hiệp châu Âu, các nước thành viên đã coi tự do đi lại của công dân là một trong những mục tiêu của khối này, quan trọng không kém gì tự do lưu thông hàng hoá và dịch vụ.
Thế nhưng, cũng phải đợi thêm ba bốn thập niên nữa, mục tiêu này mới được thực hiện. Tháng 6 năm 1985, tại thành phố Schengen của Luxembourg, năm quốc gia, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã ký kết thoả thuận thành lập một không gian xóa bỏ đường biên giới giữa các nước này, tạo thuận lợi cho du lịch, tự do lưu thông hàng hoá, đồng thời phối hợp bảo vệ kiểm soát đường biên giới bên ngoài, tức là với các nước ngoài không gian Schengen. Đến năm 1995, Công ước Schengen mới có hiệu lực. Cùng lúc đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng tham gia không gian này. Quy chế cấp visa nhập cảnh duy nhất, gọi là visa Schengen, được áp dụng. Công dân các nước khác, khi có loại visa này, được quyền tự do đi lại trong không gian Schengen, tương tự như đi từ tình này sang tỉnh khác trong một nước. Trong những năm sau đó, nhiều nước tiếp tục tham gia Công ước Schengen. Trước khi đón nhận 9 quốc gia đông và nam âu đợt này, không gian Schengen bao gồm 15 nước trong số này có 13 thành viên Liên Hiệp châu Âu cộng với Na uy và Aixlen.
Để được gia nhập không gian Schengen, 9 nước nói trên đã phải đáp ứng hai yêu cầu của Liên Hiệp châu Âu.
Trước tiên là bảo đảm kiểm soát được các đường biên giới trên bộ, trên biển, cửa khẩu sân bay, những nơi tiếp giáp với các nước ngoài không gian Schengen và tuân thủ các điều kiện cấp visa nhập cảnh. Ví dụ, trên đưòng biên giới dài gần 700 cây số tiếp giáp với Croatia, chính quyền Slovenia đã phải tuyển dụng thêm hơn 1800 cảnh sát đề tuần tra và lập lại hàng rào ở hàng chục điểm nhập cảnh.
Yêu cầu thứ hai là phải tham gia hệ thống trao đổi thông tin Schengen, Schengen Information Sysytem, SIS, cho phép trao đổi các thông tin về người bị truy tố hay mất tích, người bị cấm nhập cảnh, cấm cư trú, dữ liệu về các đồ vật bị mất cắp như xe hơi, vũ khí, giấy tờ tùy thân, tiền giả v.v. Vào giữa năm 2009, châu Âu sẽ triển khai hệ thống SIS 2, thu thập thêm các dữ liệu sinh trắc học.
Đối với người dân các nước Đông Âu thuộc khối cộng sản cũ, thì việc tham gia không gian Schengen còn liên quan đến nhân phẩm, lòng tự trọng. Trước ngày 21 tháng 12, cùng là người dân các nước trong Liên Hiệp châu Âu, nhưng họ cảm thấy bị coi là công dân hạng hai. Ngưòi Pháp hoặc Bỉ chẳng hạn, có thể tự do đi lại trong không gian Schengen, thế nhưng người Ba Lan hay Slovenia thì lại phải xếp hàng dài tại cửa khẩu, để làm thủ tục kiểm tra hộ chiếu. AFP trích lời của chính thủ tướng Slovaquia, Robert Fico : « Chúng ta trở thành công dân châu Âu hạng nhất. Không còn kiểm soát, chờ đợi với những thủ tục thật đáng xấu hổ ở biên giới ». Tuy nhiên, hiện vẫn còn hai nước thuộc khối cộng sản cũ là Rumani và Bulgari, chưa được vào không gian Schengen. Gia nhập Liên Hiệp châu Âu đầu năm 2007, hai nước này còn phải chờ thêm hai ba năm nữa.
Đức Tâm
(Ảnh: www.eu2005.lu: làng Schengen - Luxembourg)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét