Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2007

Tại Bali: Hoa kỳ bị tố cáo cản trở thành công của Hội nghi

14/12/2007_ Hội nghị Bali đã phải được kéo dài cho đến hết đêm nay với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận để hội nghị khỏi bị thất bại. Hội nghị này đã được triệu tập với mục tiêu vạch ra một lộ trình để tiếp tục thực hiện nghị định thư Kyoto khi giai đoạn đầu của nghị định thư này hết hạn vào năm 2012. Nghị định thư này nhằm giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính, khiến khí hậu trái đất nóng lên.

Nguyên nhân chính của thất bại tại hội nghị Bali là do lập trường của Hoa Kỳ, quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới hiện nay và cũng là quốc gia công nghiệp phát triển duy nhất cho đến nay chưa phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Liên hiệp châu Âu và một số nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc đòi là trong phần mở đầu văn bản được thông qua tại Bali, phải ghi rõ mục tiêu là từ đây đến năm 2020 các nước phát triển phải giảm từ 25% đến 40% lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính so với mức của năm 1990. Đây là mục tiêu mà Nhóm các Chuyên gia Liên Chính phủ về Khí hậu đề nghị. Thế nhưng, từ đầu hội nghị cho đến nay, Washington vẫn dứt khoát chống lại việc ghi rõ những mục tiêu với số liệu cụ thể về giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính. Thật ra những nước công nghiệp phát triển khác như Canada, Nhật Bản, Úc và Nga cũng không muốn ghi những mục tiêu đó vào phần mở đầu, nhưng Hoa Kỳ là bị chỉ trích nhiều nhất.

Các tổ chức phi chính phủ cho rằng với một lập trường kiên quyết như vậy, Hoa Kỳ đã phá hỏng hội nghị Bali. Ngay chính cựu phó tổng thống Al Gore, giải Nobel Hòa bình 2007 hôm qua cũng đã nói thẳng thừng tại Bali rằng Hoa Kỳ là nước phải trách nhiệm chính trong việc ngăn chận mọi tiến bộ ở hội nghị Bali. Ông Al Gore đề nghị hội nghị Bali thông qua một thỏa thuận mà không cần có Hoa Kỳ, cụ thể là nên để trống một chổ văn bản ; ý muốn nói là để sau này Hoa Kỳ sẽ điền tên vào. Phát ngôn viên Nhà trắng đã phản ứng rất mạnh trước lời tuyên bố của ông Al Gore và lưu ý rằng ông không nằm trong phái đoàn chính thức của Mỹ, nên không thể coi đây là lập trường chính thức của chính phủ Mỹ.

Để thoát khỏi bế tắc, Indonesia, với tư cách chủ tịch hội nghị, đã đưa ra một đề nghị, theo đó, lượng khi thải từ đây đến năm 2050 phải được giảm xuống những mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức của năm 2000, nhưng không còn nhắc đến mục tiêu giảm từ 25 đến 40% như yêu cầu của Liên hiệp châu Âu nữa. Không biết là đề nghị này có được sự đồng thuận của các ước tham gia hội nghị Bali hay không, đến hết đêm nay chúng ta mới biết.

Tuy không đạt được một thỏa thuận như ý muốn, thế nhưng hội nghị Bali không phải là thất bại hoàn toàn, vì ít ra nó cũng đã đạt một kết quả đáng chú ý, đó là các quốc gia có diện tích rừng lớn nhất thế giới, như Indonesia, sẽ được quốc tế trả tiền cho những nỗ lực của họ nhằm bảo vệ rừng. Nếu ta biết rằng những khu rừng bị đốt phá tạo ra 20% lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính, thì đây là một biện pháp sẽ góp phần quan trọng vào việc chống hiện tượng khí hậu biến đổi.
Thanh Phương
(Ảnh : www.letemps.ch: Hội nghị Liên hiệp quốc về thay đổi khí hậu trên trái đất tại Bali- Indonesia)

Không có nhận xét nào: