Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2007





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BẮC TRIỀU TIÊN: Lại thất hứa

31/01/2007_ Bắc Triều Tiên lại thất hứa, không tôn trọng lịch trình giải giới nguyên tử.

Theo thỏa thuận đạt được tại bàn đàm phán sáu bên hồi tháng 2 và tháng 10 năm nay, thì vào ngày 31 tháng 12 này, Bình Nhưỡng phải công bố toàn bộ chương trình hạt nhân của mình và giải thế toàn bộ cơ sơ nguyên tử, đánh đổi lấy một triệu tấn nhiên liệu cũng như lời hứa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Thế nhưng, điều mong chờ đã không xẩy ra.

Cách nay ba ngày, ngoại trưởng Hàn Quốc Song Min Soon tuyên bố là kỳ hạn 31 tháng 12 khó có thể được Bắc Triều Tiên tôn trọng. Tiếp theo đó, một viên chức cao cấp trong bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên đổ lỗi cho các đối tác trong vòng đàm phán sáu bên đã chậm trễ trong vấn đề bồi hoàn năng lượng cho Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng một lần nữa áp dụng chiến thuật mặc cả cổ điển. Theo hãng thông tấn Kyodo, Bắc Triều Tiên thông báo với Hoa Kỳ là họ giảm nhịp độ giải thế các cơ sở hạt nhân vì lý do kỹ thuật. Thay vì có bốn toán chuyên viên làm việc hàng ngày với sự giám sát của chuyên viên Mỹ, bây giờ chỉ còn một toán.

Từ Washington, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Tom Casey tỏ ra ngạc nhiên trước thái độ của Bắc Triều Tiên. Ông cho biết là không nghe Bình Nhưỡng chính thức than phiền điều gì và cũng không nghe nói là có vấn đề chậm trễ trong việc cung cấp nhiên liệu.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ nhấn mạnh là tất cả các nước trong vòng đàm phán sáu bên đều phải tôn trọng lời cam kết và Hoa Kỳ hy vọng phía Bắc Triều Tiên cũng phải cư xử như mọi đối tác khác.

Phải chăng Bắc Triều Tiên có điều gì muốn che dấu ? Nhật báo Tokyo trích dẫn các viên chức Mỹ và Hàn Quốc chi biết, một viên chức của Bắc Triều Tiên tiết lộ là Bình Nhưỡng tinh lọc được 30 kg plutonium. Còn giới chuyên gia ước lượng đến 50 kg, để để chế tạo ít nhất 6 quả bom.

Hoa Kỳ cũng từng cho biết là họ có bằng cớ Bắc Triều Tiên nhập cảng vật liệu để chế tạo bom mặc dù chưa thực hiện. Theo AFO, Bắc Triều Tiên có thừa nhận mua ông nhôm đặc biệt của Nga nhưng để làm tên lửa chứ không phải để chế tạo bom nguyên tắc.

Giới phân tích đưa ra hai giả thuyết để lý giải vì sao Bắc Triều Tiên không tôn trọng lịch trình giải thể hạt nhân.

Theo giáo sư Kim Sung Han, chuyên gia chính trị quốc tế thuộc đại học Korea thì sự chậm trễ của Bắc Triều Tiên có thể kéo dài nhiều tháng vì chính quyền Bình Nhưỡng chưa có một lựa chọn chiến lược dứt khoát. Vì lời minh xác, công khai hóa chương trình hạt nhân đúng kỳ hạn hôm nay có giá trị như một cuộc trắc nghiệm thực tâm của Bắc Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa hay không.

Nhưng cũng có thể còn một lý do thứ hai như nhận định của Daniel Pinkston, thuộc Viện Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, International Crisis Group. Chuyên gia này đánh cược là Bắc Triều Tiên sẽ không phi hạt nhân hóa trong năm 2008 này. Giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng chờ xem diễn biến tình hình chính trị tại Hàn Quốc và Hoa Kỳ, với tổng thống vừa đắc cử Lee Myunt bak tại Seoul, một người cứng rắn với Bình Nhưỡng và xem ai sẽ thay thế ông George Bush ở Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
Tú Anh
(Ảnh : www.rfi.fr)

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2007





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

MIẾN ĐIỆN : Nguy cơ bất ổn cao do khó khăn kinh tế ngày càng trầm trọng

30/12/2007_ Miến Điện có nguy cơ lún sâu thêm vào tình trạng bất ổn định do các khó khăn kinh tế ngày càng nghiêm trọng.

Ngày 15/08/2007, tập đoàn quân sự Miến Điện đột ngột quyết định tăng giá xăng dầu một cách đáng kể, xô đẩy không biết bao nhiêu dân nghèo vào tình cảnh không còn mua nổi một chiếc vé xe búyt để đi làm. Biện pháp là mồi lửa đã làm cho nỗi bất bình của người dân bùng lên, với những cuộc xuống đường phản đối, đặc biệt là của giới sư sãi. Thay vì chú ý đến nguyện vọng chính đáng của người biểu tình, chính quyền Miến Điện đã dùng quân đội và súng đạn để thẳng tay đàn áp.

Biện pháp răn đe này trước mắt như đã có hiệu quả, phong trào phản đối đã tạm lắng. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, nguyên nhân tạo ra bất bình là đời sống kinh tế cực kỳ khó khăn của số đông vẫn tồn tại, thậm chí còn gia tăng, vì vậy Miến Điện vẫn bị nguy cơ bất ổn định đe dọa.

Phải nói là do việc tập đoàn quân sự Miến Điện phớt lờ các lời kêu gọi dân chủ hóa chế độ trong thời gian qua, các nước phương tây như Hoa Kỳ, Liên Hiệp châu Âu đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị nhắm vào quốc gia này. Sau cuộc đàn áp dã man phong trào biểu tình của các nhà sư tháng 9 vừa qua, các biện pháp này đã được tăng cường thêm, làm cho tình hình kinh tế Miến Điện còn khó khăn hơn nữa.

Biện pháp cấm không cho Miện Điện tiếp cận với các định chế tài chánh Hoa Kỳ chẳng hạn, đã khiến cho Miến Điện gặp khó khăn rất nhiều trong việc xuất khẩu hai mặt hàng chủ đạo của họ là gỗ tek và đá quý.

Mặt khác, tình hình bất ổn trong nước cũng đã khiến cho ngành du lịch Miến Điện, một nguồn thu ngoại tệ khác, gặp khó khăn. Sau vụ đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình tháng 9 vừa rồi, hầu như không còn du khách ngoại quốc nào đến Miến Điện. Theo giới chuyên gia du lịch, đối với du khách, an toàn cho bản thân là vấn đề tối quan trọng, vì không ai muốn đi chơi trong lúc tính mạng mình bị đe doạ.Với các ngành khai thác gỗ, đá qúy và du lịch bị thiệt hại, hậu quả đối với những người sống nhờ các lãnh vực đó tất nhiên sẽ rất nghiêm trọng. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF, thu nhập bình quân theo đầu người của Miến Điện thuộc loại thấp nhất hành tinh, chỉ khoảng 239 đô la, trong lúc năm nay, lạm phát đã tăng vọt với tỷ lệ 37 %.

Theo cứ liệu trước lúc chiến dịch đàn áp biểu tình nổ ra, thì kinh tế Miến Điện năm nay dự báo tăng trưởng với mức 5,5%, và năm tới sẽ tụt xuống 4%. Thế nhưng, theo giới phân tích, nếu tính thêm các thiệt hại bắt nguồn từ biến cố tháng 9, tỷ lệ tăng trưởng sẽ còn chậm hơn nữa. Các triển vọng không mấy sáng sủa đó đã khiến giới quan sát hết sức bi quan.

Theo một quan chức Liên Hiệp Quốc dạn dày kinh nghiệm về Miến Điện thì sở dĩ phong trào biểu tình bùng lên vào tháng 8 và tháng 9 v ừa qua, đó là vì tình hình khổ cực đã vượt quá sức chịu đựng của người dân. Đối với ông Sean Turnell, chuyên gia về kinh tế Miến Điện tại đại học Úc MacQuarie, thì phong trào phản đối như vừa qua có nguy cơ tái diễn vì tình hình kinh tế sẽ xấu thêm trong lúc thái độ bất bình của đông đảo dân chúng vẩn rất cao. Chuyên gia này kết luận : « tại Miến Điện, tình trạng bất ổn nghiêm trọng luôn luôn xẩy ra khi người dân cảm thấy là họ không còn gì để mất ».
Trọng Nghĩa
(Ảnh: http://www.parismatch.com/: Biểu tình chống tăng giá xăng dầu tại Miến điện, tháng 9 năm 2007)

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

HỒNG KÔNG: Bầu cử phổ thông đầu phiếu có thể vào ... 2017

29/12/2007_ Trung Quốc chấp nhận bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông, nhưng phải đợi đến năm 2017

Theo tin của Tân Hoa xã, hôm nay, một giới chức cao cấp Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa tuyên bố là cuộc bầu cử lãnh đạo hành pháp vào năm 2017 có thể được tổ chức theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Như vậy là phải đợi đến năm 2017, người dân Hồng Kông mới thực sự được quyền bầu trực tiếp người lãnh đạo vùng lãnh thổ này. Các nhà dân chủ ở Hông Kông đã tỏ vẻ thất vọng trước quyết định nói trên.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Mathieu Baratier gởi về bài tường trình : « Đây là một quyết định mà các nhà dân chủ ở Hồng Kông chờ đợi từ lâu. Lần đầu tiên, chính quyền Trung Quốc loan báo thời điểm mà Hồng Kông sẽ bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu, cụ thể là đến năm 2017 sẽ bầu trực tiếp lãnh đạo hành pháp và năm 2020 sẽ bầu trực tiếp các dân biểu. Thể thức bầu cử theo phổ thông đầu phiếu đã được dự trù trong Đạo luật Cơ bản của Hồng Kông, được thông qua năm 1997, vào lúc lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc, nhưng cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không chịu đưa ra một lịch trình cụ thể cho các cải tổ dân chủ. Bây giờ chính quyền Trung Quốc đã cam kết rõ ràng và họ sẽ phải thực hiện đúng lời hứa với dân Hồng Kông. Nhưng phe đối lập dân chủ rất thất vọng trước quyết định nói trên, bởi vì họ đã đòi bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu ngay từ năm 2012, khi mãn nhiệm kỳ của lãnh đạo hành pháp đương nhiệm Tăng Âm Quyền. Như vậy là người kế nhiệm ông sẽ vẫn được bầu bởi một cử tri đoàn gồm khoảng 800 người mà đa số là ủng hộ Bắc Kinh. Từ 10 năm qua, kể từ Hồng Kông trở lại thuộc chủ quyền của Trung Quốc, các nhà dân chủ tại đây đã chờ đợi cải tổ dân chủ, nay họ phải chờ thêm 10 năm nữa mới thấy mong ước trở thành hiện thực ».

Hiện giờ, chỉ có phân nữa dân biểu Hội đồng Lập pháp được trực tiếp bầu lên, còn lãnh đạo Hồng Kông được bầu bởi một cử tri đoàn 800 người, mà như thông tín viên Mathieu Baratier đã nói ở trên, đa số là những người ủng hộ Bắc Kinh. Đối với ông Tăng Âm Quyền, lãnh đạo đương nhiệm hành pháp của Hồng Kông, quyết định nói trên của Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc là một bước quan trọng nhất trong lịch sử Hồng Kông và mỗi người nên nắm lấy cơ hội này. Nhưng điều làm cho các nhà dân chủ Hồng Kông bất bình, đó là thật ra Quốc hội Trung Quốc chưa đề ra một lịch trình cụ thể, mà chỉ nói là ''có thể'' tổ chức bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu để bầu lãnh đạo hành pháp kể từ năm 2017 và ''có thể'' bầu trực tiếp Hội đồng Lập pháp kể từ năm 2020.

Phe đối lập dân chủ đã biểu tình hôm nay để phản đối quyết định nói trên. Quốc hội Trung Quốc cũng nói rằng, trước khi tiến hành cải tổ luật bầu cử tại Hồng Kông, cần phải sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc và những sửa đổi này phải được thông qua trước khi tổ chức bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh vẫn có thể cản trở tiến trình này. Cho tới nay, chính quyền trung ương nói chung vẫn tôn trọng lời cam kết để cho Hồng Kông được tự do về mặt kinh tế, nhưng rõ ràng là về mặt chính trị Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chẽ đặc khu hành chính này.
Thanh Phương
(Ảnh : www.voanews.com: Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào và ông Tăng Ấm Quyền, Hồng Kông, tháng 6 năm 2007)

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007




PAKISTAN: Nguy cơ rơi vào hỗn loạn sau vụ giết hại Benazir Bhutto

28/12/2007_ Viễn ảnh chính trị tại Pakistan trở nên rối ren sau cái chết của bà Butto.

Vụ giết hại bà Benazir Bhutto, cựu thủ tướng, lãnh đạo phe đối lập, đã đẩy Pakistan rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất trong 60 năm qua, kể từ khi nước này độc lập.

Ngay từ khi hồi hương để vận động tranh cử quốc hội, bà Bhutto đã xác định là bà phải đương đầu với các mối đe doạ tính mạng. Với những lời tuyên bố mạnh mẽ chống khủng bố, bà Bhutto trở thành mục tiêu của Al Qaida và các nhóm Taliban hoạt động trên lãnh thổ Pakistan. Nhưng, một số nhà phân tích không loại trừ khả năng các đối thủ chính trị của bà, trong đó có những thành viên đảng của tổng thống Pervez Musharraf cũng dính líu, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đến vụ sát hại này, bởi vì trong quân đội, trong cơ quan tình báo, đều có những người không ưa gì bà Bhutto.

Ngay sau khi xẩy ra vụ sát hại, nhiều vụ bạo động đã xẩy ra, làm hàng chục người thiệt mạng. Theo giới quan sát, viễn ảnh chính trị tại Pakistan trở nên bấp bênh và khó xác định, sau cái chết của bà Bhutto.

Trước hết về cuộc tổng tuyển cử, dự kiến tổ chức vào ngày 8 tháng giêng năm tới. Hôm qua, quyền thủ tướng Pakistan cho biết là chính phủ không có kế hoạch thay đổi thời điểm cuộc bỏ phiếu. Hoa Kỳ cũng kêu gọi Pakistan nên duy trì lịch trình này. Thế nhưng, cựu thủ tướng, ông Nawaz Sharif, một gương mặt có tên tuổi thuộc phe đối lập, đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử. Theo ông, chính quyền của tổng thống Musharraf đưa đất nước đến chỗ tự huỷ hoại nếu vẫn muốn tổ chức bầu cử quốc hội vào ngày đã định. Trước vụ sát hại bà Bhutto, có ba chính đảng lớn tại Pakistan. Đó là đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto và hai tổ chức khác, cùng mang tên là Liên đoàn hồi giáo Pakistan, một đảng do cựu thủ tướng Nawaz Sharif lãnh đạo, còn đảng kia ủng hộ tổng thống Musharraf. Không đảng nào hy vọng được có được đa số tại quốc hội. Vậy, người lên thay bà Bhutto có đủ tầm cỡ để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri như trước hay không ? Điều chắc chắn là tương quan lực lượng trên sân khấu chính trị tại Pakistan sẽ bị tác động mạnh sau khi bà Bhutto bị giết hại.

Một vấn đề khác được đặt ra là tương lai đảng Nhân dân Pakistan. Được thành lập bởi ông Zulfika Ali Bhutto, cha của bà Bhutto, đảng này đặt dưới sự lãnh đạo của những chính khách có tên tuổi trong đình Bhutto. Giờ đây, nếu vắng bóng các nhân vật này, thì đảng Nhân dân Pakistan có nguy cơ bị phân chia thành các phe phái khác nhau, thậm chí có thể chống đối lại nhau.

Tương lai chính trị của Pakistan còn phụ thuộc vào phản ứng của tổng thống Musharraf. Trong thời gian qua, trước làn sóng phản đối của dân chúng và sức ép quốc tế, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, ông Musharraf đã buộc phải từ bỏ chức vụ tổng tư lệnh quân đội, chấp nhập tổ chức bầu cử mà ông biết chắc rằng sẽ phải liên minh, chia sẻ quyền lực với phe đối lập. Giờ đây, ông đã gạt bỏ được một đối thủ chính trị đáng gờm, nhưng đồng thời, ông sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nêu ra khả năng là ông Musharraf, viện lý do tình hình xáo trộn, khó kiểm soát, lại ban bố tình trạng khẩn cấp, hủy bỏ hoặc hoãn cuộc bầu cử quốc hội, cho mở các chiến dịch thanh trừng, đàn áp đối lập.

Cái chết của bà Bhutto cũng tác động đến cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ tiến hành. Là người được chính quyền Mỹ ủng hộ mạnh mẽ, bà Bhutto đã thường xuyên nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chống các phần tử khủng bố, thậm chí, bà còn nói sẵn sàng tạo thuận lợi cho quân đội Mỹ truy quét khủng bố trên lãnh thổ Pakistan. Chính Wahsington đã gây áp lực buộc ông Musharraf đồng ý cho bà Bhutto hôì hương. Hoa Kỳ hy vọng là liên minh Bhutto-Musharraf sẽ tạo thuận lợi hơn cho cuộc chiến chống khủng bố.

Theo bà Gohel, giám đốc điều hành quỹ châu Á-Thái bình dương, một tổ chức tư vấn về an ninh và tình báo, có trụ sở tại Luân đôn, được Reuters trích dẫn, nếu cuộc bầu cử không diễn ra thì sẽ có một khoảng trống về chính trị, trong đó, các tổ chức hồi giáo cực đoan sẽ hoành hành. Điều lo ngại hơn cả là Pakistan được coi là hang ổ của Al Qaida và Taliban và Pakistan lại là một quốc gia có vũ khí nguyên tử cùng với tên lửa tầm xa đủ khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đây là mối đe dọa không chỉ trong khu vực mà đối với toàn thế giới.
Đức Tâm
(Ảnh : AFP)

VIỆT NAM: Triển lãm bộ sưu tập của Condominas

28/12/2007_ Ngành dân tộc học Việt Nam ghi công nhà nghiên cứu Pháp Condominas.

Từ ngày 10 tháng 12 vừa qua, tại Hà Nội, Viện Bảo tàng Dân Tộc Học Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm thể hiện rõ nét thành công trong lãnh vực hợp tác văn hóa Pháp-Việt. Đó là cuộc triển lãm mang tên : « Chúng tôi ăn rừng, Georges Condominas ở Sar Luk » - dịch từ tên gọi tiếng Pháp : « Nous Avons Mangé La Forêt : Georges Condominas à Sar Luk ».

Cuộc triển lãm này đã được tổ chức lần đầu tiên tại Paris từ 25 tháng 6 cho đến 17 tháng 12 vừa qua, nhân dịp khánh thành Viện Bảo Tàng Quai Branly.

Giáo sư Georges Condominas là một nhà nghiên cứu dân tộc học tên tuổi của Pháp, đã quan tâm rất sớm đến việc nghiên cứu các sắc dân thiểu số ở Việt Nam. Sar luk là tên một ngôi làng của người Mnong Gar tại Tây Nguyên, gần Daklắc, nơi Condominas đã đến nghiên cứu từ năm 1948 đến 1950.

Nội dung cuộc triển lãm, ở Paris cũng như tại Hà Nội, là nhằm nêu bật đóng góp của giáo sư Condominas vào ngành nghiên cứu dân tộc học nói chung và dân tộc học Việt Nam nói riêng, từ lãnh vực phương pháp luận cho đến các hiện vật, tư liệu mà giáo sư đã thu thập được.

Trọng Nghĩa phỏng vấn giáo sư Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam.





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007





CẢI THIỆN QUAN HỆ TRUNG-NHẬT: Fukuda đi Bắc kinh

27/12/2007_ Đối với Trung Quốc Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda là lãnh đạo lý tưởng để nâng quan hệ Tokyo - Bắc Kinh lên một tầm cao mới.

Trước khi lên đường sang Bắc Kinh hôm nay, Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda đã lạc quan tuyên bố : Tokyo và Bắc Kinh có thể tìm được một thỏa thuận trên hồ sơ các mỏ khí ở biển Hoa Đông, nơi mà cả hai quốc gia đều tranh giành chủ quyền.

Cùng ngày hôm nay, nhật báo Asahi Shimbun tiết lộ rằng đôi bên đã đàm phán bí mật về hồ sơ này trước khi ông Yasuo Fukuda rời Tokyo sang công du Trung Quốc. Hy vọng của Thủ tướng Nhật mong sớm giải tỏa bế tắc về hồ sơ khí đốt đã kéo dài nhiều năm qua là điều có cơ sở. Bắc Kinh chắc chắn trải thảm đỏ để nghênh đón ông Fukuda vì nhiều lý do : Trước hết thân phụ ông Yasuo Fukuda là Takeo Fukuda, trong thời điểm nắm chức vụ Thủ tướng Nhật, từ năm 1976 đến 1978, đã đánh dấu quan hệ song phương khi ký kết cách đây 30 năm, một hiệp ước hoà bình và hữu nghị với Trung Quốc, qua đó Tokyo đặt nền tảng cho chính sách giúp đỡ phát triển nước này với nhiều chưong trình tài trợ quy mô.

Quan trọng nhất về mặt sách lược là '' Chủ thuyết Fukuda '' thời đó mà tác giả không ai khác là thân phụ của đương kim Thủ tướng Nhật, đã khẳng định Tokyo từ bỏ vai trò cường quốc quân sự tại Châu Á.

Không chỉ dựa vào thân thế, Thủ tướng Yasua Fikudo ngày hôm nay cũng đã củng cố cho mình cương vị một lãnh đạo thân Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, đương kim Thủ tướng Fukuda đã kiên trì phản đối việc các lãnh đạo Nhật viếng thăm ngôi đền tử sĩ Yasukuni, nơi thờ cúng cả vong linh của một số tội phạm chiến tranh. Mặt khác, ông cũng chủ trương Nhật Bản nên công nhận các lỗi lầm trong quá khứ. Bởi vậy, ông Yasuo Fukuda là lãnh đạo Nhật được Bắc Kinh trọng nể. Ngoài ông ra, thật khó tưởng tượng một vị lãnh đạo Nhật Bản khác được nghênh tiếp tại Trung Quốc đúng vào thời điểm nước này đang kỷ niệm 70 năm vụ thảm sát Nam Kinh, đã gây ra cái chết của hàng trăm ngàn thường dân. Ngày hôm nay, Thủ tướng Yasuo Fukuda muốn thúc đẩy bước phát triển mới trong quan hệ với bắc Kinh qua việc giải quyết tranh chấp về các mỏ khí tại Biển Đông, Trung Quốc, mặc dù đôi bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán, hồ sơ này vẫn chưa được cải thiện. Trung Quốc chỉ đề nghị đôi bên hợp tác trong công cuộc thăm dò các mỏ khí. Phía Trung Quốc không chịu thỏa hiệp về điều họ xem thuộc chủ quyền của họ, đặc biệt là trên 4 mỏ. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đến tận lãnh hải gần đảo Okinawa của Nhật Bản. Trong khi đó, đối với Tokyo, biên giới phải nằm ở giữa vùng biển phân chia hai nước. Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm một lối thoát sẽ rất khó khăn.

Nếu Thủ tưóng Nhật đạt được bước tiến bộ trên hồ sơ này, chắc chắn là ông Fukuda sẽ củng cố cho vị thế của mình, vào lúc mà điểm tín nhiệm của ông ở trong nước đang xuống ở mức trầm trọng và Nhật Bản có triển vọng bầu Quốc hội trước thời hạn vào giữa năm 2008.
Bảo Thạch
(Ảnh : images.china.cn: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda, bên lề hội nghị ASEAN, tại Singapore, ngày 20/11/2007)

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007





THÁI LAN: Ủy ban bầu cử phát hiện nhiều vụ gian lận

26/12/2007_Tại Thái Lan, các phán quyết của Ủy ban Bầu cử Quốc gia về kết quả bầu cử có khả năng tác động đến việc thành lập tân chính phủ.

Trong bóng đá, thẻ vàng mang ý nghĩa cảnh cáo, nhưng cầu thủ phạm lỗi vẫn được tiếp tục trận đấu. Còn thẻ đỏ có nghĩa là trục xuất, người phạm luật bị đuổi ra sân ngay lập tức. Hai biện pháp trừng phạt trong môn bóng đá đã được Ủy ban Bầu cử Thái Lan sử dụng để phán quyết về tính chất hợp lệ của một số kết quả bầu cử Quốc hội hôm chủ nhật vừa qua.

Ủy ban này đang xem xét hàng chục trường hợp ứng cử viên đã đắc cử nhưng bị tố cáo phạm luật. Trong trường hợp lỗi nhẹ, Ủy ban sẽ rút thẻ vàng, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức lại, nhưng ứng cử viên phạm lỗi vẫn được quyền ra tranh cử trở lại. Nhưng nếu trường hợp phạm luật bị xét là nghiêm trọng, thì ứng cử viên có liên can cùng với đảng của nhân vật này sẽ bị thẻ đỏ và bị cấm ra tranh cử tiếp.

Hôm qua, chỉ vài ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã ra phán quyết đầu tiên, với ba thẻ vàng đều nhắm vào các ứng cử viên của đảng Quyền lực Nhân dân PPP về đầu trong cuộc bỏ phiếu vừa qua. Cả ba đều đắc cử ở vùng đông bắc Thái Lan, cứ địa của cựu thủ tướng Thaksin. Điều này đang làm cho đảng ủng hộ cựu thủ tướng Thái Lan lo ngại. Từ Bangkok, thông tín viên RFI Nina Martin phân tích : « Ngay trong ngày xem xét đơn kiện bầu cử gian lận đầu tiên, ba ứng cử viên của đảng Quyền lực Nhân dân PPP đã bị thẻ vàng. Quyết định trừng phạt của Ủy ban Bầu cử sẽ dẫn đến việc bầu lại ở những đơn vị có liên can. Những ngưòi bị phạt đã có dấu hiệu là tìm cách mua chuộc các nhà sư, nhưng vì chỉ bị thẻ vàng chứ không phải là thẻ đỏ, cho nên họ có quyền ra tái ứng cử trong cuộc bầu cử được tổ chức lại. Quyết định của Ủy ban Bầu cử đã làm cho đảng Quyền lực Nhân dân lo ngại, vì Ủy ban sẽ còn phải cứu xét hàng chục đơn kiện khác liên quan đến đảng thân Thaksin. Trong số này, có các đơn được hậu thuẫn của một tổ chức quan sát viên bầu cử điạ phương, tố cáo đảng PPP mua chuộc cử tri. Theo báo chí Thái Lan thì Ủy ban Bầu cử chịu ảnh hưởng của quân đội. Tuy nhiên, Ủy ban này đã cam kết là sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn, công bằng, dựa trên các bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt có thể làm cho đảng Quyền lực Nhân dân bị mất uy tín và suy yếu. Điều đó có thể làm thay đổi một cách quan trọng thành phần chính thức của quốc hội mới tại Thái Lan ».

Theo tổng thư ký Ủy ban Bầu cử, vào hôm qua, họ đã xem xét 10 trường hợp và hiện còn 38 ca khác đang thụ lý. Ngoài ra, cũng theo nhân vật trên, thì còn có hơn 50 trường hợp khác mới xuất hiện, nhưng chưa biết là Ủy ban Bầu cử có đủ thì giờ xem xét hay không vì lẽ cuộc bầu cử lại đã được dự trù vào ngày 13 tháng giêng tới đây.

Sở dĩ đảng Quyền lực Nhân dân lo ngại, đó là vì đa số các đơn vị phải bầu lại đều tập trung ở miền bắc và đông Bắc, cứ địa của họ.

Theo giới quan sát, trong mọi trường hợp, đảng Quyền lực Nhân dân, với 233 ghế vào lúc này, vẫn là đảng có số lượng dân biểu cao nhất trong Quốc hội mới của Thái Lan, do đó vẫn có quyền ưu tiên đứng ra thành lập chính phủ nếu liên minh được với các đảng nhỏ để nắm được đa số ghế trong quốc hội. Đảng Dân chủ về nhì, hiện chỉ được 165 ghế, vì thế không thể nào qua mặt được đảng PPP.

Tuy nhiên, nếu vì bị quá nhiều thẻ vàng, thẻ đỏ từ phiá Ủy ban Bầu cử, mà số lượng dân biểu thuộc đảng Quyền lực Nhân dân bị giảm sút, trong lúc các đảng khác mạnh thêm thì PPP sẽ gặp khó khăn trong việc liên minh để lập chính phủ. Ngoài ra, trong khi chờ đợi phán quyết tối hậu của Ủy ban bầu cử và kết quả của cuộc bấu cử lại vào giữa tháng hai, các đảng nhỏ tại Thái Lan sẽ không vội vàng chấp nhận liên minh, đẩy lùi triển vọng sớm có được một chính phủ mới. Trong mọi tình huống, cuộc điều tra của Ủy ban Bầu cử đã trở thành yếu tố làm tiến trình thành lập tân chính phủ Thái Lan thêm phức tạp.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : Reuters)

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007





BẮC TRIỀU TIÊN: Ít khả năng khai báo đầy đủ chương trình hạt nhân trước cuối 2007

25/12/2007_ Mấy ngày qua, Washington và Seoul lên tiếng thúc giục Bình Nhưỡng cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các hoạt động hạt nhân của mình. Các áp lực trên Bình Nhưỡng gia tăng vào thời điểm lại nẩy sinh nhiều nghi vấn về một chương trình làm giầu uranium tại Bắc Triền Tiên mà theo báo chí, dấu vết được phát hiện gần đây trên một số ống nhôm.

Nhật báo Mỹ Washington Post, trong số đề ngày 21 tháng 12 vừa rồi, đã khẳng định rằng một số vết tích của chất uranium làm giầu được tìm thấy trên các ống nhôm mà Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Hoa Kỳ để biện minh cho mình. Sự việc này bắt nguồn từ những lời cáo buộc năm 2002 về một chương trình làm giầu uranium mà Bình Nhưỡng cho tới nay luôn phản bác. Bình Nhưỡng cho biết đã nhập khẩu 140 tấn ống nhôm của Nga để xây dựng dàn phóng tên lửa, chứ không phải nhằm mục tiêu làm giầu uranium. Để chứng minh cho việc này, Bình Nhưỡng đã đồng ý cung cấp cho Washington một số mẫu ống nhôm đó.

Cuối tuần qua, tờ Washington lại đưa tin là các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện các dấu vết khả nghi trên các mẫu ống nhôm này. Thế nhưng, tờ báo Mỹ cũng bổ xung rằng có khả năng các mẫu ống nhôm đó đã bị nhiễm chất uranium từ các thiết bị khác.

Vấn đề này nổi lên ngày nay cùng với việc vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon đang bị chậm trễ, không thể kết thúc đúng thời hạn 31 tháng 12 năm nay, khiến cho hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên thêm phức tạp.

Xin nhắc lại, với thoả thuận đạt được vào tháng 9 vừa qua trong vòng đàm phán 6 bên, Bình Nhưỡng đã đồng ý cung cấp một danh sách liệt kê đầy đủ tất cả các chương trình hoạt động nguyên tử muộn nhất là vào ngày 31 tháng 12 năm nay. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng chấp nhận vô hiệu hóa trước cuôí năm các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon. Tiến trình này được xúc tiến thuận lợi. Song, theo Hàn Quốc, vì những lý do kỹ thuật, chương trình giải trừ hạt nhân tại Yongbyon còn phải cần thêm thời gian.

Hiện nay, cả Washington và Seoul hy vọng việc vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon sẽ được hoàn tất vào giữa tháng giêng năm 2008 và từ đây đến đó, thuyết phục Bình Nhưỡng làm sáng tỏ toàn bộ vấn đề uranium làm giầu.

Tuy vậy, mỗi lần Bình Nhưỡng bỏ lỡ cơ hội thi hành đúng hẹn các cam kết của mình thì không khí bi quan lại trỗi dậy chung quanh câu hỏi mấu chốt : Liệu chế độ Kim Jong il có thực tâm phi hạt nhân hoá, sẵn sàng đánh đổi lá bài nguyên tử để giành được viện trợ kinh tế cùng với bảo đảm an ninh hay không.
Bảo Thạch
(Ảnh : Reuters : ảnh chụp từ vệ tinh tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên)

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2007





Giáo hội Việt nam trong năm 2007

Tổng Giám mục Hà nội Ngô Quang Kiệt điểm lại tình hình giáo hội Việt Nam trong năm 2007.
Trọng Nghĩa thực hiện cuộc phỏng vấn.





NEPAL: Chuẩn bị xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nền cộng hòa

24/12/2007_Phải chăng nền quân chủ Nepal sắp tới hồi kết thúc ? Câu hỏi này được đặt ra ba tháng trước đây. Sau khi đảng Quốc Đại Nepal tuyên bố ủng hộ việc thành lập chế độ cộng hoà, có nhiều dấu hiệu cho thấy tiến trình thành lập một nước cộng hoà Nepal đang diễn ra thuận lợi.

Hôm qua, lực lượng cộng sản Nepal đã chấp thuận tham chính trở lại, chấm dứt tình trạng bất ổn định chính trị bắt đầu từ tháng 9 tại một đất nuớc nhỏ bé vùng Hy Mã Lạp Sơn chỉ có 23 triệu dân.

Năm 2006, phe cộng sản Nepal đã đồng ý ngưng bắn và tham gia chính trường. Đòi hỏi lớn nhất của những nguời theo chủ nghĩa Mao là chấm dứt chế độ quân chủ Nepal. Tháng 9 vừa qua, vì không đạt được yêu sách, phe này đã tuyên bố rút khỏi chính phủ lâm thời. Hậu quả là cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến dự trù tổ chức vào tháng 11 đã bị dời lại vô hạn định.

Sau nhiều cuộc thương thuyết, hôm qua, các chính đảng Nepal và phe cộng sản đã đạt được một thỏa thuận gồm 23 điểm, theo đó, chính phủ chấp thuận tuyên bố bãi bỏ chế độ quân chủ lập hiến hiện nay và thành lập nền cộng hoà. Một cuộc bầu cử quốc hội lập hiến sẽ được tổ chức vào khoảng giữa tháng tư năm tới, tức là sau khi bắt đầu năm mới theo lịch Nepal. Bộ trưỏng Tài chính Ram Sharan Mahat nói với báo chí là chính Quốc hội lập hiến tương lai sẽ ra tuyên bố thành lập một liên bang dân chủ cộng hoà Nepal.

Ông xác định, nếu vua Gyanendra có hành vi nào ngăn chặn cuộc bầu cử thì khi ấy Quốc hội lâm thời với 2/3 phiếu thuận có thể tuyên bố thành lập chế độ cộng hoà ngay trước khi có bầu cử.

Như vậy, con đường thay đổi thể chế của Nepal đã được vạch ra rất rõ ràng.

Nepal đã từ bỏ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1990 sau cuộc nổi dậy của dân chúng. Sau đó, vương quốc này đã chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến và chế độ này càng ngày càng suy yếu. Quốc vương Gyanendra lên ngôi năm 2001 chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi xảy ra vụ thảm sát hoàng tộc Nepal mà cho tới nay chưa ai hiểu được tường tận nguyên nhân. Tân vuơng Gyanendra xem mình như hậu thân của thần Vichnou Ấn Độ giáo, theo như truyền thuyết. Ông đánh mất dần lòng dân và sự ủng hộ của chính phủ, muốn nắm trọn quyền hành, tái lập chế độ quân chủ chuyên chế. Trong bối cảnh đó, phe cộng sản Nepal từ vị thế du kích quân của cuộc ''chiến tranh nhân dân'' đã xây dựng được thế lực chính trị ngày càng mạnh thêm. Không thể chấm dứt cuộc chiến kéo dài từ năm 1996 làm cho gần chục ngàn nguời thiệt mạng, chính quyền Katmandu đã phải chấp nhận thương thuyết với phe cộng sản nổi dậy. Năm 2006, các thỏa thuận cho nguời cộng sản tham gia chính trường Nepal đã ra đời. Từng buớc, Nepal đang thay đổi, từ chấm dứt nội chiến tới mở rộng sân khấu chính trị nội bộ. Giờ đây, với thỏa thuận gồm 23 điểm đạt được hôm qua, Nepal bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến, cơ sở để thay đổi toàn diện và triệt để thể chế hiện hành.

Từ nay đến tháng 4 năm 2008, thời điểm dự trù tổ chức bầu Quốc hội lập hiến, có thể sẽ có những biến động chính trị tại vương quốc nhỏ bé này, nhưng con đường đi tới dân chủ của Nepal đang ngày càng mở rộng và thông thoáng hơn.
Ánh Nguyệt
(Ảnh : www.rfi.fr: Vua Nepal Gyanendra)

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007





THÁI LAN: Vẫn có nguy cơ bất ổn chính trị sau bầu cử

23/12/2007_ Bất ổn chính trị có nguy cơ kéo dài tại Thái Lan trong thời gian sắp tới. Đầu tiên hết là việc đảng Quyền lực Nhân dân, PPP, và đảng Dân chủ tranh giành quyền được thành lập chính phủ.

Đằng sau cuộc đọ sức này, một lần nữa, sẽ diễn ra trong hậu trường trận đấu hiện nay còn bất phân thắng bại, giữa một bên là phe của cựu thủ tướng Thaksin Shiwanatra và bên kia là liên minh giữa các lực lượng chống Thaksin gồm đảng Dân chủ, quân đội và một số người có thế lực trong Hoàng cung.

Ai sẽ được chỉ định lên nắm quyền thủ tướng, điều này tất nhiên còn phụ thuộc vào kết quả chung cuộc. Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản đảng PPP thân Thaksin có chiếm được đa số tuyệt đối trong Quốc hội tương lai và lãnh tụ đảng này, ông Samak Sundaravej, có chấp chính đi nữa, thì Thái Lan khó mà thoát khỏi khủng hoảng.

Theo nhiều nhà phân tích, đảng PPP và ông Samak sẽ đối đầu quyết liệt với các lực lượng chống Thaksin để phục hồi cho vị thủ tướng bị lật đổ.

Cùng với thắng lợi được dự báo của đảng PPP thân Thaksin, bản thân thủ tuớng bị lật đổ Thaksin Shiwanatra đang chuẩn bị lên đường rời Luân Đôn, nơi ông cư ngụ hiện nay để hồi hương. Ngày trở về của ông Thaksin dự trù vào 14 tháng tháng 2 năm 2008, chắc hẳn sẽ gây thêm căng thẳng trên chính trường Thái Lan.

Có điều là một khi chính phủ mới được thành lập, nếu thủ tướng không thuộc phe mình, thì có lẽ ông Thaksin Shiwanatra sẽ không quay gót về Bangkok để hầu tòa, cho dù ở xa xôi, ông vẫn còn đủ phương tiện để tranh chấp với địch thủ trong nước.

Kịch bản thứ nhì là đảng Dân chủ, tuy không về đầu, nhưng liên minh với các đảng phái khác như Chart Thai, Pua Pandin và Matchima Thipataya để có đủ số ghế tại Quốc hội cho phép lập chính phủ. Ông Abhisit Vejjajiva có khả năng lên làm thủ tướng. Hiềm một nỗi, vị thủ tướng Thái Lan trong tình huống đó sẽ khó mà tồn tại lâu dài. Một liên minh lỏng lẻo nắm chính quyền bao gồm nhiều đảng phái sẽ không đủ tài và lực để vực dậy nước Thái Lan sau hơn hai năm trôi nổi. Chấn hưng kinh té sẽ là một thách thức hàng đầu đối với chính phủ dân cử.

Hiện nay, tình hình chính trị bấp bênh và sự quản lý kém cỏi của chính quyền hơn một năm qua đã khiến cho kinh tế Thái Lan suy yếu, so với sự tăng trưởng trung bình trong khu vực. Đối với năm 2008, các chuyên gia còn tỏ ra bi quan hơn nữa. Nếu thủ tướng tương lai không đủ bản lĩnh để phục hồi lòng tin, nếu chính phủ không tỏ ra quyết đoán, nếu rủi ro và bất trắc kéo dài, Thái Lan sẽ không bắt lại được sức cạnh tranh. Viễn ảnh này cũng là một động cơ khiến cho đông đảo cử tri Thái Lan vẫn dồn phiếu cho đảng thân Thaksin. Chính vì, theo nhãn quan của họ, ông là biểu tượng cho thời kỳ ổn định và phát triển của Thái Lan.
Bảo Thạch
(Ảnh : www.thekoratpost.com: ông Samak Sundaravej, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân PPP)

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007





TRUNG QUỐC: Tiếp tục đàn áp đối lập trước Thế vận 2008

22/12/2007_ Khoảng 20 nhà văn Trung Quốc đã dự định hôm nay sẽ cùng ăn tối với nhau để tổng kết một năm hoạt động của Hội Văn Bút Trung Quốc độc lập, chi nhánh của Hội Văn Bút Quốc tế, nhưng họ đã bị công an ngăn cản. Một số nhà văn bị quản thúc tại gia, một số khác thì bị công an cảnh báo là không nên ra khỏi nhà. Ngay cả những nhà văn không phải là thành viên của Văn Bút Trung Quốc cũng bị giám sát chặt chẽ. Điều đáng nói là theo lời ông Lưu Hiểu Ba, Chủ tịch Hội Văn Bút Trung Quốc, từ năm 2004 đến nay, họ thường tổ chức những buổi ăn tối cuối năm mà chính quyền vẫn để yên, nhưng năm nay không hiểu sao công an lại cấm đoán. Ông tuyên bố với hãng tin AFP rằng, xin trích : ''Sự can thiệp thô bạo của công an không hề có cơ sở pháp lý và cũng không có lý do nào. Đây là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn''.

Cách đây vài ngày, công an Trung Quốc đã bắt giữ một nhà đối lập vẫn chỉ trích chính quyền về những vi phạm nhân quyền trước kỳ Thế vận hội 2008. Ông bị truy tố với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền, nhưng rõ ràng nguyên nhân chính đó là do những bài viết và phỏng vấn của ông với báo chí ngoại quốc.

Mặc dù khi được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội 2008, Trung Quốc đã cam kết với Uỷ ban Thế vận Quốc tế sẽ cải thiện tình trạng tự do báo chí và tình trạng nhân quyền nói chung, thế nhưng các tổ chức nhân quyền và tổ chức bảo vệ nhà báo tố cáo là chính quyền Bắc Kinh tiếp tục gia tăng đàn áp giới đối lập. Trong một bản báo cáo đưa ra vào tháng tám vừa qua, tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết, ít nhất 30 nhà báo và 50 nhà đối lập trên mạng đang bị giam giữ ở Trung Quốc. Trong bản báo cáo này, Phóng viên Không Biên giới xếp Trung Quốc ở thứ hạng 163 trên 167 quốc gia về quyền tự do báo chí. Đầu tháng 12 vừa qua, tổ chức Amnesty International cũng đã tố cáo Trung Quốc không giữ đúng những lời hứa về tôn trọng nhân quyền và tổ chức này cho biết họ đang suy nghĩ đến khả năng kêu gọi tẩy chay thế vận hội Bắc Kinh.

Hôm thứ năm tuần trước, nhà ly khai được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ tại Trung Quốc, Ngụy Kinh Sinh đã đệ trình một kiến nghị lên Uỷ ban Thế vận Quốc tế để yêu cầu Uỷ ban này gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền vào lúc sắp diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Theo lời ông Ngụy Kinh Sinh, bản kiến nghị này có chữ ký của hơn 11 ngàn người Trung Quốc và toàn bộ những người này đều ghi tên thật. Sống lưu vong tại Hoa Kỳ từ năm 1997 sau khi đã thọ án 18 năm tù ở Trung Quốc, ông Ngụy Kinh Sinh tỏ ý muốn là trong thời gian diễn ra thế vận hội, chính quyền Bắc Kinh gỡ bức chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông treo ở quảng trường Thiên An Môn xuống, để thay vào đó là những vòng biểu tượng Olympique. Ông nói rằng : ''Mao Trạch Đông đã giết chết 80 triệu dân Trung Quốc trong thời gian ông ta cầm quyền. Đây là điều tối thiểu mà Uỷ ban Thế vận Quốc tế có thể yêu cầu Trung Quốc''

Chắc là Uỷ ban Thế vận Quốc tế khó mà đáp ứng đề nghị của ông Ngụy Kinh Sinh, nhưng rõ ràng là Uỷ ban Thế vận Quốc tế ngày càng cảm thấy khó xử trước việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp đối lập và hạn chế quyền tự do ngôn luận, đi ngược lại với tinh thần của Thế vận.
Thanh Phương

(Ảnh: www.rsf.org)

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007





Vietnam Net, một trong những báo điện tử hàng đầu tại Việt nam, kỷ niệm 10 năm ngày ra đời. Thế nhưng, cũng trong dịp này, tờ báo đang bị "kiểm điểm" vì đã cho đăng một bài về HOÀNG SA TRƯỜNG SA.

Thanh Phương phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Vietnam Net.





MỞ RỘNG KHÔNG GIAN SCHENGEN: Xóa bỏ những tàn tích cuối cùng của bức màn sắt

21/12/2007_ Đối với các nước Đông Âu thuộc khối cộng sản cũ, hôm nay, 21 tháng 12 năm 2007 là một ngày lịch sử. 60 năm sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc và phân chia châu Âu thành hai khối, 18 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, không gian Schengen mở rộng sang phía đông và xuống phía nam, để đón nhận thêm 9 nước, tất cả đều là thành viên Liên Hiệp châu Âu : Đó là Ba Lan, cộng hòa Tcheq, Slovaquia, Hungary, Slovenia, Estonia, Litva, Latvia và Malta.

Theo lời bộ trưởng nội vụ cộng hoà Tcheq, những tàn tích cuối cùng của bức màn sắt ngăn cách Đông-Tây đã bị đập bỏ. Kể từ nay, chỉ với một giấy chứng minh thư, 400 triệu dân châu Âu thuộc 24 nước có thể tự do đi lại trong không gian Schengen, trải dài từ vòng cung bắc cực xuống quần đảo Canaries, phía nam Tây Ban Nha, ở Đại Tây dương.

Vào năm 1957, khi ký Hiệp định Roma, thành lập Thị trường chung châu Âu, tiền thân của Liên Hiệp châu Âu, các nước thành viên đã coi tự do đi lại của công dân là một trong những mục tiêu của khối này, quan trọng không kém gì tự do lưu thông hàng hoá và dịch vụ.

Thế nhưng, cũng phải đợi thêm ba bốn thập niên nữa, mục tiêu này mới được thực hiện. Tháng 6 năm 1985, tại thành phố Schengen của Luxembourg, năm quốc gia, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã ký kết thoả thuận thành lập một không gian xóa bỏ đường biên giới giữa các nước này, tạo thuận lợi cho du lịch, tự do lưu thông hàng hoá, đồng thời phối hợp bảo vệ kiểm soát đường biên giới bên ngoài, tức là với các nước ngoài không gian Schengen. Đến năm 1995, Công ước Schengen mới có hiệu lực. Cùng lúc đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng tham gia không gian này. Quy chế cấp visa nhập cảnh duy nhất, gọi là visa Schengen, được áp dụng. Công dân các nước khác, khi có loại visa này, được quyền tự do đi lại trong không gian Schengen, tương tự như đi từ tình này sang tỉnh khác trong một nước. Trong những năm sau đó, nhiều nước tiếp tục tham gia Công ước Schengen. Trước khi đón nhận 9 quốc gia đông và nam âu đợt này, không gian Schengen bao gồm 15 nước trong số này có 13 thành viên Liên Hiệp châu Âu cộng với Na uy và Aixlen.

Để được gia nhập không gian Schengen, 9 nước nói trên đã phải đáp ứng hai yêu cầu của Liên Hiệp châu Âu.

Trước tiên là bảo đảm kiểm soát được các đường biên giới trên bộ, trên biển, cửa khẩu sân bay, những nơi tiếp giáp với các nước ngoài không gian Schengen và tuân thủ các điều kiện cấp visa nhập cảnh. Ví dụ, trên đưòng biên giới dài gần 700 cây số tiếp giáp với Croatia, chính quyền Slovenia đã phải tuyển dụng thêm hơn 1800 cảnh sát đề tuần tra và lập lại hàng rào ở hàng chục điểm nhập cảnh.

Yêu cầu thứ hai là phải tham gia hệ thống trao đổi thông tin Schengen, Schengen Information Sysytem, SIS, cho phép trao đổi các thông tin về người bị truy tố hay mất tích, người bị cấm nhập cảnh, cấm cư trú, dữ liệu về các đồ vật bị mất cắp như xe hơi, vũ khí, giấy tờ tùy thân, tiền giả v.v. Vào giữa năm 2009, châu Âu sẽ triển khai hệ thống SIS 2, thu thập thêm các dữ liệu sinh trắc học.

Đối với người dân các nước Đông Âu thuộc khối cộng sản cũ, thì việc tham gia không gian Schengen còn liên quan đến nhân phẩm, lòng tự trọng. Trước ngày 21 tháng 12, cùng là người dân các nước trong Liên Hiệp châu Âu, nhưng họ cảm thấy bị coi là công dân hạng hai. Ngưòi Pháp hoặc Bỉ chẳng hạn, có thể tự do đi lại trong không gian Schengen, thế nhưng người Ba Lan hay Slovenia thì lại phải xếp hàng dài tại cửa khẩu, để làm thủ tục kiểm tra hộ chiếu. AFP trích lời của chính thủ tướng Slovaquia, Robert Fico : « Chúng ta trở thành công dân châu Âu hạng nhất. Không còn kiểm soát, chờ đợi với những thủ tục thật đáng xấu hổ ở biên giới ». Tuy nhiên, hiện vẫn còn hai nước thuộc khối cộng sản cũ là Rumani và Bulgari, chưa được vào không gian Schengen. Gia nhập Liên Hiệp châu Âu đầu năm 2007, hai nước này còn phải chờ thêm hai ba năm nữa.
Đức Tâm
(Ảnh: www.eu2005.lu: làng Schengen - Luxembourg)

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007





BẢO VỆ LÃNH THỔ : Thách thức lớn đối với chính quyền Việt Nam

20/12/2007_ Giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, thách đố lớn nhất đối với Việt Nam khi là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo an.

Tờ báo điện tử Asia Times online hôm qua đã đăng một bài viết dài nói về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà theo tờ báo này, có nguy cơ sẽ gia tăng trong năm tới , thậm chí có thể được đưa ra trước Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà kể từ nay Việt Nam là một thành viên không thường trực.

Tờ báo nhắc lại sự kiện Quốc Vụ viện của Trung Quốc vào cuối tháng 11 vừa qua đã quyết định lập thành phố cấp huyện mang tên Tam Sa để quản lý luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao, ngày 3 tháng 12, Hà Nội đã tuyên bố rằng hành động này vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng theo tờ Asia Times online, lần đầu tiên từ nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam coi như đã cho phép hàng trăm sinh viên và những người khác biểu tình trong hai ngày chủ nhật ở Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam có tiềm năng leo thang một cách nguy hiểm trong năm 2008. Trong năm qua vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa thỉnh thoảng được báo chí đưa lên trang nhất, nhưng hai nước sau đó đều cố gắng làm giảm căng thẳng và bày tỏ sự tin tưởng vào quan hệ song phương đang nồng ấm trở lại. Nhưng bây giờ Hà Nội có vẻ như đã chọn lập trường cứng rắn hơn. Trong khi đó, Bắc Kinh công khai quở trách chính phủ Việt Nam đã cho phép, thậm chí khuyến khích các cuộc biểu tình đó. Hôm thứ ba vừa qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố là nước này rất quan ngại và yêu cầu các nhà lãnh đạo Việt Nam phải có biện pháp ngăn chận các cuộc biểu tình tái diễn. Theo tờ Asia Times online, bên lề cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, ở Singapore, giữa tháng 11 vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ông Dũng sau đó tuyên bố rằng hai nước phải tiếp tục trao đổi ý kiến để tìm ra hình thức hợp tác thích hợp tại những vùng đang có tranh chấp, theo đúng công pháp quốc tế và với sự đồng thuận của các bên có liên quan. Về phần mình, thủ tướng Ôn Gia Bảo đề nghị giải quyết vấn đề biển Đông bằng cách là các nước cùng khai thác tài nguyên ở vùng này và tạm thời để qua một bên những tranh cãi về biên giới lãnh hãi .

Theo nhận định của tờ Asia Times online, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông làm lu mờ phần nào thắng lợi mới của Việt Nam trên trường quốc tế với việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo an. Tờ báo kết luận rằng, chỉ sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1991, Việt Nam mới có thể bình thường hoá bang giao với những quốc gia ngoài khối Liên Xô, kể cả với Trung Quốc. Nay quan hệ song phương Việt-Trung lại gặp căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, một vấn đề có ảnh hưởng đến ổn định của toàn khu vực. Với việc Việt Nam đang chuẩn bị bước lên tuyến đầu trên trường quốc tế trong vị thế mới ở Liên Hiệp Quốc, hoàn toàn có khả năng là căng thẳng song phương với Trung Quốc cuối cùng sẽ được đưa ra thảo luận trước Hội Đồng Bảo an.
Thanh Phương
(Ảnh : http://www.cnn.com/)

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2007





HÀN QUỐC: Người thắng cử tổng thống có nguy cơ bị ghép vào tội tham nhũng

19/12/2007_ Hàn Quốc lâm vào trường hợp chưa từng thấy : Người có thể lên nắm chức vụ Tổng thống đứng trước nguy cơ bị ghép vào tội tham nhũng trước ngày nhậm chức.

Hàn Quốc đang lúng sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị mà đỉnh điểm có thể diễn ra trước ngày 25 tháng 2 sắp tới. Trên đây là kịch bản có nhiều xác xuất nhất, nếu như ứng cử viên đảng Quốc Đại ông Lee Myung bak thắng cử Tổng thống ngày hôm nay, như các cuộc thăm dò dư luận cho thấy. Lý do là doanh nhân này đang bị điều tra vì tội tham nhũng, nhưng ông lại thu hút được sự tín nhiệm của cử tri Hàn Quốc .

Thông tín viên Thomas Olivier từng thuật từ Séoul :

« Từ nhiều tháng qua và ngay truớc khi cuộc họp sơ bộ trong đảng Quốc Đại thuộc khuynh huớng bảo thủ đề cử làm ứng cử viên chính thức, ông Lee Myung bak đã dành được nhiều ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận. Từ rất lâu nay, ông chiếm hơn 50% dự định bỏ phiếu của cử tri và theo kết quả những cuộc điều tra mới nhất, ông giành được 45 điểm, tức vượt hơn đối thủ gần nhất, ông Chung Dong young cựu bộ trưởng bộ Thống nhất trong chính phủ mãn nhiệm tới gần 25% phiếu bầu. Đối với ông Chung Dong young, làm bộ trưởng trong một chính phủ thắng cử cách nay năm năm với một số phiếu sít sao và chính phủ này đang bị mất lòng dân thì chức vụ nói trên càng trở nên bất lợi. Hơn nữa, chủ đề chính cuả cuộc vận động tranh cử tổng thống lần này là kinh tế, mối lo âu hàng đầu cuả ngưòi dân Hàn Quốc, cũng góp phần thuận lợi cho ứng cử viên Lee Myung bak, một nhà doanh nghiệp đã thành công rực rỡ. Ngoài ra, trong các lợi điểm của ông Lee Myung bak, phải kể đến chức vụ đô trưởng Séoul của ông trước đây và ông đã thành công mỹ mãn trong thời gian giữ chức vụ này. Ngoại trừ trường hợp đột biến, ứng cử viên bảo thủ Lee Myung bak sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nuớc. Khi đó, kinh tế và tăng trưởng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ mới ».

Con đường đưa ứng cử viên này đến ngày nhậm chức, dự trù vào 25 tháng 2 sắp tới, sẽ vô cùng trắc trở. Có một lưỡi kiếm đang treo lơ lửng trên đầu ông Lee Myung bak : Chẳng những chiến thắng qua lá phiếu sẽ để lại cho ông ít nhiều vị cay đắng, mà hơn nữa, ông có khả năng bị xét phạm tội tham nhũng và bị truy tố. Cách đây hai ngày, vào thứ hai vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua việc thành lập một ủy ban độc lập để điều tra về ông Lee Myung bak chung quanh một vụ tai tiếng tài chính lớn tại Hàn Quốc, gọi là vụ án BBK.

Được thành lập năm 2000, BBK là một công ty tài chính và dịch vụ tư vấn đầu tư. Công ty này do một cựu đối tác thương mại của ông Lee Myung bak điều hành. Người này tên là Kim Kyung joon. Thế nhưng, BBK bị cáo buộc đã thao túng các trị giá cổ phiếu để gian lận. Người điều hành BBK, ông Kim, bị cáo buộc đã bỏ túi hàng chục triệu đô la.

Hiềm một nỗi là ông Kim, khi ngồi tù, đã khai rằng ông chỉ là chủ nhân trên giấy tờ, còn lãnh đạo số một của BBK trong bóng tối là Lee Myung bak. Nói cách khác, người có nhiều khả năng lên làm Tổng thống Hàn Quốc nay mai, ông Lee, bị nghi ngờ đã âm mưu, giật dây một loạt vụ bê bối. Thế nhưng, về phần mình, ông Lee vẫn chối bỏ, không công nhận đã núp bóng người khác để làm ăn bất chính. Cho đến chủ nhật vừa qua thì xuất hiện một cuộn băng ghi hình một cuộc nói chuyện của ông Lee vào năm 2000, trong đó, chíng ông Lee thốt ra từ cửa miệng rằng : xin trích, '' Tôi là người sáng lập ra công ty BBK ».

Do đó mà một cuộc điều tra mới sẽ được tiến hành cho dù ông Lee có thắng cử Tổng thống ngày hôn nay. Câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà điều tra có đủ khả năng làm việc gấp rút, để kết luận về những lời cáo buộc ông Lee, từ đây đến cuối tháng 2 sắp tới hay không. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, một khi nhậm chức ngày 25 thang 2, ông Lee sẽ được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Các đối thủ của ông cho rằng có thể ông Lee sẽ bị xét phạm tội gian lận tài chính trước ngày 25 tháng 2 sắp tới. Dẫu sao chăng nữa, phẩm chất đạo đức của ông Lee đã bị nhiều vết nhọ, cho dù ông sẽ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hay không.
Bảo Thạch
(Ảnh : Chung Sung jun/Getty Images : Ông Lee Myung bak trong cuộc vận động tranh cử tổng thống tại nhà ga xe lửa Séoul, ngày 27/11/2007)

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2007





HỐ SƠ NGƯỜI NHẬT BỊ BẮT CÓC: Tokyo dịu giọng với Bình Nhưỡng

18/12/2007_ Trong thập niên 70 và 80, một số người Nhật Bản đã bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc để buộc họ dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật cho các gián điệp của chế độ Bình Nhưỡng. Cho tới gần đây, vào năm 2002 nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản thời ấy là Koizumi, Bắc Triều Tiên mới thừa nhận đã bắt giữ tổng cộng 13 công dân Nhật và sau đó đã thả ra năm người cùng với gia đình, để họ hồi hương. Theo Bình Nhưỡng, những người còn lại đã chết, nhưng Nhật Bản thì khẳng định là có đến 17 công dân của họ bị gián điệp của Bình Nhưỡng bắt cóc và vẫn tin rằng còn một số người bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên.

Vấn đề này cho đến nay vẫn cản trở việc bình thường hóa bang giao Tokyo - Bình Nhưỡng và bây giờ có nguy cơ gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ, vào lúc mà tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có vẻ như đang tiến triển rất thuận lợi. Điều làm cho Nhật Bản lo ngại nhất hiện nay là Hoa Kỳ sẽ rút tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Nếu vậy, Bình Nhưỡng sẽ nhận được tài trợ của các định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới. Vào đầu tháng 12, một uỷ ban của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ giữ tên của Bắc Triều Tiên trong danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Uỷ ban này cảnh báo báo rằng việc rút tên Bình Nhưỡng đi sẽ gây tổn hại quan hệ Mỹ-Nhật.

Thế nhưng, nhận thấy rằng tình hình trong khu vực đã thay đổi, nhất là vì Bình nhưỡng đã có thái độ mềm dẻo hơn trên vấn đề hạt nhân, cho nên Nhật Bản bây giờ bắt đầu dịu giọng hơn đối với Bắc Triều Tiên vì sợ sẽ bị cô lập. Hơn nữa, cùng với năm tháng, sự quan tâm của công luận Nhật Bản đối với vấn đề những người bị bắt cóc cũng dần dần giảm đi. Theo lời giáo Masao Okonogi, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc trường đại học Keio, đối với nhiều người, vụ này đã kéo dài quá lâu mà chẳng giải quyết được gì. Đa số dân Nhật nay cũng không còn cảm thấy bị Bắc Triều Tiên đe doạ nữa. Về phần bà Kyoko Nakayama, cố vấn đặc biệt của thủ tướng Fukuda về vấn đề những người mất tích, thì cho rằng nếu Hoa Kỳ rút tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố thì đây cũng có thể là một cơ hội để Tokyo cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Nhật Bản, Masahiko Komura gần đây cũng tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ hưởng lợi từ một hiệp định hòa bình với Nhật Bản, vì lúc đó Tokyo sẽ bồi thường cho thời kỳ Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ. Nói chung, các nhà quan sát nhận thấy là thái độ của thủ tướng Fukuda hoà dịu hơn so với người tiền nhiệm Shinzo Abe, vốn có xu hướng rất bảo thủ. Trước đây, chính phủ của ông Abe đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên và vẫn từ chối đóng góp viện trợ cho thỏa thuận về hạt nhân trong khuôn khổ đàm phán sáu bên. Còn bây giờ, thủ tướng Fukuda muốn đưa Nhật Bản trở lại tham gia thật sự vào đàm phán sáu bên.

Theo nhận định của giáo sư Okogoni, lập trường của thủ tướng Fukuda hiện nay là nếu Nhật Bản không giành ưu tiên cho việc bình thường hoá bang giao với Bắc Triều Tiên thì vấn đề những người bị bắt cóc sẽ không bao giờ được giải quyết.
Thanh Phương
(Ảnh : www.reachdc.net: Kim Jong Il và Junichiro Koizumi trong chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên của thủ tướng Nhật Bản, năm 2002)
GIẢI GONCOURT 2007
Bảo Thạch giới thiệu tiểu thuyết ALABAMA SONG
Tác giả Gilles Leroy
Nhà xuất bản Mercure de France






ON THE ROAD - TRÊN CÁC NẺO ĐƯỜNG
Tác giả : Jack Kerouac.
Viết xong tháng tư năm 1951
Xuất bản lần đầu tiên tại Viking Press, năm 1957.
Bảo Thạch cùng với hai nhà thơ, Chân Phưong và Thường Quán, giới thiệu cuốn tiểu thuyết.





HOÀNG SA TRƯỜNG SA : Trung Quốc lại khiêu khích

17/12/2007_ Trung Quốc khiêu khich trên hồ sơ chủ quyền tại vùng Biển Đông nhằm đối phó với Chiến lược Phát triển Biển của Việt Nam. Tạp chí do Trọng Nghĩa, Thanh Phương và Đức Tâm biên soạn.

Như một giọt nước làm tràn ly, thông tin về quyết định của Quốc Vụ Viện Trung Quốc cho thành lập thành phố Tam Sa, một đơn vị hành chánh có chức năng quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã làm dấy lên cả một phong trào phản đối ở trong và ngoài nước Việt Nam. Nếu tuyên bố bác bỏ quyết định của Bắc Kinh từ phiá chính quyền Việt Nam (3/12/2007) là một phản ứng bình thường, thì hai cuộc biểu tình, 09/12 và 16/12, tại Hà Nội và Sài gòn đã khiến giới quan sát phải ngạc nhiên.

Cuộc biểu tình tại Hà Nội, ngày 16/12, có khoảng ba trăm người tham gia, theo AFP và khoảng 1000 người, theo một bài tường thuật trên báo điện tử talawas.de, đa số vẫn là thanh niên, sinh viên, học sinh. Địa điểm dự định là trước đại sứ quán Trung Quốc. Tuy nhiên một lực lượng công an hùng hậu đã được huy động để ngăn cản không cho họ đến gần trụ sở phái bộ ngoại giao của Bắc Kinh, cho nên cuộc biểu tình biến thành tuần hành. Đoàn biểu tình đi trên các đường phố Hà Nội, đa số mặc áo màu cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Việt Nam, hô các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc và hát những bài ca cổ vũ lòng yêu nước. Bên cạnh những biểu ngữ tiếng Việt, còn có một số biểu ngữ bằng tiếng Anh, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và tố cáo bá quyền Trung Quốc. Công an bố trí một lực lượng đi kèm theo đoàn biểu tình và sau đó đã giải tán họ.

So với các cuộc biểu tình chủ nhật 09/12/2007, thái độ công an cứng rắn hơn nhiều, dứt khoát xé nhỏ đoàn biểu tình, không để cho có quá nhiều người tập hợp ở một nơi.

Cùng ngày 16/12, tại Sài Gòn, khoảng một trăm người đã tập hợp ở công viên nằm gần tổng lãnh sự quán Trung Quốc để biểu tình phản đối. Vây quanh là lực lượng công an đông hơn gấp nhiều lần số người biểu tình.

Cũng như tuần trước, báo chí Việt Nam hôm thứ hai 17/12/2007 vẫn không hề loan tin về các cuộc biểu tình này. Tờ Công an thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 15/12/2007 đăng thông báo của Công an thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đã phát hiện một âm mưu của một số thế lực thù địch, trong đó có đảng Việt Tân mà Việt Nam cho là tổ chức khủng bố, kích động thanh niên biểu tình phản đối Trung Quốc. Bản thông cáo này kêu gọi thanh niên, sinh viên, học sinh đừng nghe theo âm mưu kích động của những thế lực đó. Trong khi báo chí chính thức im hơi lặng tiếng, thì trên mạng Internet, nhất là trên các blog, rất nhiều người đã tự làm công việc phóng viên tường thuật tại chỗ rất sinh động, với nhiều hình ảnh, đoạn phim.

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hôm thứ bảy 16/12/2007 cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình ở khu Little Saigon, California, với sự tham gia của khoảng 200 người, theo tin của AP.

Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã làm cho quan hệ Việt-Trung căng thẳng rõ rệt. Ngay từ tuần trước, bộ ngoại giao Trung Quốc đã lưu ý Việt Nam về nguy cơ quan hệ song phương bị tổn hại nếu chính quyền Hà Nội không ngăn cản các cuộc biểu tình, trong lúc đó, Việt Nam vẫn xác định là các cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát.

Theo nhiều nhà phân tích, hiềm khích giữa Việt Nam và Trung Quốc trên hồ sơ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa đã bắt nguồn từ chiến lược dần dần gậm nhắm trong khu vực biển Đông, và Bắc kinh sẵn sàng dùng võ lực để chiếm đóng các hòn đảo đang do nước khác kiểm soát.

Theo giáo sư Vũ Tường, tiến sĩ khoa học chính trị, đại học Orgeron, Hoa Kỳ, khi trả lời phỏng vấn talawas.de, mặc dù chỉ chiếm được đảo Hoàng Sa và một số đảo trong quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc luôn tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo nói trên. Từ năm 1959 đến 1981, những đảo này đặt dưới sự quản lý hành chính của tỉnh Hải nam, từ năm 1981 đến tháng 11 năm 2007, của tỉnh Quảng đông. Cuối tháng 11 vừa qua, Trung Quốc cho lập thành phố cấp huyện Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

Tài liệu của Việt Nam nói rằng quần đảo Hoàng Sa bao gồm trên 30 đảo lớn nhỏ, bãi đá ngầm, trải rộng trên một diện tích khoảng 15-16 ngàn cây số vuông, cách bờ biển Đà Nẵng 170 hải lý. Còn quần đảo Trường Sa thì lớn hơn, khoảng 160-180 ngàn cây số vuông, với trên 100 đảo, bãi đá. Đảo gần nhất ở cách Vũng Tầu khoảng 250 hải lý.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho biết là đến tận năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông mới bắt đầu công khai khảo sát, cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa, mà Trung quốc gọi là Tây Sa, vì họ cho đây là nơi vô chủ.

Trong bài Đá Vành Khăn, Bài học đối đầu giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, tiến sĩ Ngô Thế Vinh nhắc lại là vào năm 1932, tờ Nam phong của Phạm Quỳnh đã có bài viết : Vấn đề cương giới Hoàng Sa Trường Sa sẽ được giải quyết bằng gươm súng. Đến năm 1938, trên tờ Ngày nay, Hoàng Đạo, thuộc nhóm Tự lực Văn đoàn dự báo vấn đề Hoàng Sa Trường Sa sẽ được giải quyết theo lý lẽ của kẻ mạnh.

Tháng 9 năm 1958, Trung Quốc ra tuyên bố là các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác là thuộc về Trung quốc v.v. Xin nhắc lại, Trung quốc gọi Tây Sa, tức là Hoàng Sa theo Việt Nam và Nam Sa tức là Truờng Sa. Cùng tháng đó, thủ tướng miền Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng đã có công hàm tán thành bản tuyên bố về hải phận của Trung Quốc nói trên.

Ngoài nguồn hải sản và trữ lượng tiềm tàng về dầu khí, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có một vị trí chiến lược ở biển Đông. Nếu nước ngoài chiếm được cả hai nơi này thì Việt Nam hoàn toàn bị bao ở phía đông và phía nam.

Giới chuyên gia nhấn mạnh đến chiến lược gặm nhấm dần dần, hoặc vết dầu loan của Trung Quốc ở vùng biển Đông, nơi có một vị trí chiến lược thông thương đường thủy từ eo biển Malacca đến biển Nhật Bản.

Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, lúc đó đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1988, hải quân Trung Quốc đánh chiếm thêm một số đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát. Năm 1995, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đến 1998, Bắc Kinh cho xây dựng tại đây sân bay trực thăng, radar, ụ súng phòng không, cắm cờ Trung Quốc.

Như vậy, tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có từ lâu, các hành động lấn chiếm của Trung Quốc, khởi đấu là tại Hoàng Sa, rồi sau đó là tại Trường Sa cũng không phải là mới. Câu hỏi đặt ra là tại sao lần này tình hình lại có dấu hiệu căng thẳng đến mức mà nhà phân tích của tuần báo Anh The Economist đã không ngần ngại dùng đến hình tượng « sự hồi sinh của chiến tranh lạnh ».

RFI đã đặt câu hỏi cho hai chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc phòng Úc, và giáo sư Stephen B. Young thuộc tổ chức quốc tế Caux Round Table trụ sở chính tại Hoa Kỳ.

Qua thư điện tử, giáo sư Carl Thayer cho biết :
« Vào đầu tháng giêng năm nay, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng sản Việt Nam đã thảo luận về một « Chiến lược biển Việt Nam cho đến năm 2020 » nhằm đề ra một kế hoạch đồng bộ bảo vệ và phát triển các vùng lãnh hải, các khu vực đặc quyền kinh tế tại vùng biển Đông. Chiến lược này đã được thông qua nhưng không công bố rộng rãi. Chính quyền Trung Quốc có được bản sao của văn kiện này và sau đó, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc yêu cầu các công ty nước ngoài không giúp đõ Việt Nam. Có tin cho rằng một số công ty có quyền lợi tại Trung Quốc đã bị cảnh cáo là họ sẽ bị thiệt hại về mặt tài chính nếu hợp tác với Việt Nam tại những khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình. Vấn đề là Bắc Kinh chưa bao giờ xác định một cách chính xác những đòi hỏi của họ.
Bối cảnh kể trên cho phép giải thích các áp lực gần đây của Trung Quốc trên tập đoàn dầu khí Anh quốc BP, buộc tập đoàn này phải bỏ rơi đề án phát triển một mỏ khí đốt ở ngoài khơi Bà Rịa Vũng Tàu từng được Việt Nam giao cho quyền khai thác.
Điều đó cũng giải thích vì sao xẩy ra một loạt sự cố tại vùng biển Đông, giữa tàu đánh cá Việt Nam và hải quân Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy là số lượng sự cố càng lúc càng tăng trong thời gian gần đây, nhưng phiá chính quyền Việt Nam đã quyết định không loan tin rộng rãi về các vụ xung đột này.
Các viên chức Việt Nam hiện cố sức tìm phương cách để phát triển vùng biển của mình. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, vào năm 2020, kinh tế biển của Việt Nam có thể đóng góp đến mức 55 % GDP và từ 50 đến 60 % vào lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đó, rõ ràng là nếu Việt Nam thụ động, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng sức ép. Tình hình do đó hết sức hệ trọng đối với Việt Nam ».


Sức ép của Trung Quốc trên các đối tác của Việt Nam trong ngành dầu khí đã có hiệu quả rõ ràng. Vào tháng 6 vừa qua, tập đoàn BP đã từ bỏ đề án khai thác mỏ khí đốt tại khu vực Nam Côn Sơn cho dù trị giá lên đến 2 tỷ đô la. Mới đây, đến lượt tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ bị áp lực tương tự trong dự án khai thác hai bloc 127 và 128.

Ngoài các hành động trực tiếp nhắm vào Việt Nam, hạ tuần tháng 11/2007, hải quân và không quân Trung Quốc còn tổ chức một cuộc tập trận rầm rộ ngoài khơi vùng duyên hải Đông Nam, bao trùm cả khu vực gần Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ghi nhận của báo trên mạng Asia Times (01/12/2007), đối tượng răn đe thị uy của Trung Quốc không đơn thuần là Đài Loan hay Hoa Kỳ, hai đối thủ truyền thồng của Bắc Kinh trong khu vực, mà còn nhằm cả vào các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông. Thái độ kẻ cả của Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ quân đội nước này không cần thông báo cho các nước trong vùng biết về việc tổ chức cuộc diễn tập quân sự.

Nhìn chung, theo giới quan sát, quyết định lập thành phố Tam Sa có thể được xem là vế hành chính trong một chủ trương chung của Trung Quốc, bao gồm cả yếu tố quân sự lẫn kinh tế nhằm kiềm soát vùng biển Đông và Việt Nam được xem cản lực đối với Trung Quốc trong việc thực hiện chủ trương này.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là phải làm thế nào để bảo vệ các hải đảo của mình trong bối cảnh uy thế quân sự và kinh tế của Trung Quốc ngày càng mạnh và các đồng minh ASEAN của Việt Nam cho đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, được xem là phương thức để đánh động dư luận.

Mặc dù Việt Nam tuyên bố là các cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát, nhưng hầu hết các quan sát viên quốc tế đều nhận định rằng những cuộc biểu tình này không thể diễn ra nếu không được chính quyền kín đáo bật đèn xanh.

Giáo sư Carl Thayer giải thích :
« Cho đến nay, tin tức về các sự kiện liên quan đến biển Đông, như tôi vừa nêu ở trên, không được loan truyền rộng rãi tại Việt Nam. Vì vậy các sinh viên không có cơ sở cụ thể để hành động. Trong khi đó, giới báo chí ngoại quốc đã được báo trước về thời gian cũng như địa điểm diễn ra những cuộc biểu tình đầu tiên. Công an cũng không làm gì để can thiệp, cả với sinh viên biểu tình cũng như với giới truyền thông nước ngoài.
Theo ý tôi, Việt Nam muốn sự việc được loan tải rộng rãi vì lẽ các biện pháp ngoại giao ngầm dường như không mang lại kết quả nào.
Vấn đề đang rất hệ trọng đối với Việt Nam. Chiến tranh với Trung Quốc là điều khó có thể xẩy ra. Thế nhưng, nguy cơ những vụ xung đột trên biển hoàn toàn có thể tiếp tục, trừ phi là chính quyền Bắc Kinh kiên quyết hạn chế hành động của chỉ huy trưởng các chiến hạm Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình, theo tôi, là bước đầu tiên của một chiến dịch thông tin dài hạn nhằm chinh phục cảm tình cũng như hậu thuẫn của quốc tế đối với Việt Nam».


Đây cũng là ghi nhận của giáo sư Stephen Young khi trả lời phỏng vấn của Đức Tâm qua điện thoại, trước lúc diễn ra các cuộc biểu tình ngày 16/12/2007:
« Tôi thấy hai cuộc biểu tình này rất quan trọng trong lịch sử của Việt nam dưới chế độ cộng sản, mặc dù chỉ có hàng trăm sinh viên. Tại vì ai cũng biết là đảng cộng sản không thích dân chúng đứng lên, có một sự tự do nào đó, nhất là về chính trị. Thứ hai, đây là phản ứng công khai, không hợp với ý của đảng.
Hai cuộc biểu tình không bị công an bắt bớ, đàn áp. Nếu không cho phép biểu tình thì thái độ này rất lạ.
Có một số người trong đảng đã ủng hộ lập trường của sinh viên. Theo tôi, hai cuộc biểu tình chứng tỏ là có sự chia rẽ bên trong đảng cộng sản. Sự chia rẽ đó không có gì là lạ. Tại vì nhiều người trong đảng rất là mắc cỡ. Năm 1999, tổng bí thư đảng Lê Khả Phiêu đã đồng ý lấy một số đất của Việt Nam hiến cho Bắc triều. Năm 2000, Trung Quốc cũng đề nghị sửa lại đường ranh giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ. Sau đó, nhiều người trong đảng đã bất mãn. Họ không đồng ý việc làm của một số lãnh đạo. Thành ra, họ công khai hóa cái chuyện này. Tôi thấy trong giới lãnh đạo của đảng cộng sản có một sự chia rẽ, họ có thể nói nhỏ với nhau là họ nghe thấy có cuộc biểu tình và họ quyết định là không chống".


ĐT
: Như vậy, theo ông là có sự bật đèn xanh của một bộ phận nào đó trong chính quyền đối với các cuộc biểu tình ?

Stephen Young
: "Tôi đoán như vậy bởi vì tôi chưa biết chính xác. Tôi có nói chuyện với một vài người bạn. Họ đồng ý với tôi là có phải có ít nhất một cái đèn xanh nho nhỏ nào đó. Nếu trước cuộc biểu tình không có thì sau cuộc biểu tình phải có đèn xanh. Tại vì sau khi biểu tình xẩy ra, chỉ 5 phút sau thì công an phải biết chứ. Thế nhưng phản ứng của công an rất là nhẹ. Đó là một quyết định từ phía công an."

ĐT
: Trong thời gian qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc tìm cách cải thiện, tăng cường quan hệ vơí ASEAN, mà Việt nam là thành viên của khối này. Thậm chí, Trung Quốc và ASEAN còn thông qua được một bộ luật ứng xử khi xẩy ra các tranh chấp, đặc biệt là tại biển Đông. Vậy, theo ông, tại sao Trung Quốc lại có các hành động khiêu khích như vậy, cho lập thành phố hành chính Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Việt nam ?

Stephen Young
: "Tôi thấy hơi lạ thật. Trung Quốc họ nói một nhưng làm hai. Thành ra, có thể ở Trung Quốc, cũng có phe phái. Có lẽ có một nhóm muốn Trung Quốc có vai trò như anh Hai ở vùng Đông Nam Á".

ĐT : Ý ông muốn nói là ngay trong nội bộ chính quyền Trung Quốc cũng có sự chia rẽ. Có nhóm thì muốn giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao, nhưng cũng có nhóm chủ trương khiêu khích và khẳng định thế mạnh của Trung Quốc ?

Stephen Young
: "Tôi ngờ là như vậy. Có lẽ bộ ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh có tầm nhìn xa, có cái nhìn chính trị, ngoại giao, nhưng ở chỗ khác, trong đảng hay trong quân đội hay là ở phía nam, họ có như thế hay không. Bởi vì có một bộ tham mưu ở đảo Hải Nam lo về hải quân trong vùng Đông Nam Á. Biết đâu ở đó, có người thấy rằng nước Tàu giờ đây lại trở thành siêu cưòng, do vậy, họ phải có một ảnh hưởng tự nhiên trong khu vực xung quanh".

ĐT
: Từ trước tới nay, khi xẩy ra các khiêu khích từ phía Trung Quốc, chính quyền Hà Nội vẫn luôn luôn tuyên bố là Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, thương lượng. Lần này, họ cũng ra tuyên bố tương tự. Ông đánh giá thế nào về thái độ của chính quyền Việt Nam ?

Stephen Young
: "Theo tôi, chính quyền Việt Nam hơi bị kẹt. Tại vì có những người có thế lực, ảnh hưởng ở Việt Nam lại có vẻ rất thân Trung Quốc, nhất là ông Lê Đức Anh, ông Đỗ Mười. Họ là một phe trong đảng cộng sản. Họ bắt đầu liên kết với Tàu năm 1993. Có những người như vậy trong Trung ương đảng, muốn nghe lời Trung Quốc, thì chính phủ Việt Nam khó mà bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chính phủ có thể nói nhưng làm thì khó lắm, vì chưa được phép của của mấy vị đó".

ĐT
: Nhìn về tương lai, theo ông, Việt Nam nên có thái độ ra sao, nếu Trung Quốc cứ kiên quyết lấn chiếm và khẳng định chủ quyền của mình ở những nơi đang có tranh chấp ?

Stephen Young
: "Tôi nghĩ, Việt Nam cứ làm theo nguyên tắc chủ quyền là được. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc chống đối một cách có chính nghĩa, có lý, thì nước Tàu cũng phải cẩn thận. Bởi vì nước Tàu không muốn mang tiếng là xâm lăng. Nhưng nếu Việt Nam mềm yếu thì dĩ nhiên người Tàu sẽ tiến tới. Ăn thua là ở chính quyền Việt Nam. Nếu chính quyền Việt Nam có đủ can đảm, làm với tinh thần có trách nhiệm đối với quốc dân, đối với tổ tiên, đối với người Việt Nam sau này, thì Việt Nam có đủ thế lực để đối phó với Trung Quốc. Nhìn lại lịch sử, những lúc Việt Nam đứng lên bảo vệ chủ quyền, như thời Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung Nguyễn Huệ, Việt Nam vẫn chỉ có một mình tranh đấu, không có nước nào khác giúp đỡ, thế mà Việt Nam vẫn đối phó được với Trung Quốc. Tôi thấy trách nhiệm thuộc về chính phủ Việt Nam, họ có muốn làm hay không mà thôi".

NGHE TẠP CHÍ :






Từ Hà nội, giáo sư Tương Lai nói về vụ Hoàng Sa Trường Sa.
Thanh Phương thực hiện cuộc phỏng vấn.







Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007





KIRGHIZISTAN: Bầu cử Quốc hội thiếu minh bạch

17/12/2007_ Kirghizistan, quốc gia được xem có nền dân chủ tiến bộ nhất tại trung Á, bị chỉ trích tổ chức bầu cử thiếu minh bạch.

Theo kết quả tạm thời của cuộc bầu cử Quốc hội hôm qua, đảng Ak-Jol của tổng thống Kourmabek Bakiev đã chiếm được toàn thể 90 ghế dân biểu. Vì chia rẽ, hầu hết các đảng đối lập không vượt qua được ngưỡng 5% phiếu bầu để có quyền hiện diện tại Quốc hội.


Đảng đối lập mạnh nhất Ata-Meken tuy được 9% nhưng lại vướng phải chốt chận thứ hai là tại ba trong chín vùng, đảng này không gom đủ 13500 phiếu tối thiểu. Cơ may cho Ata-Meken vào được Quốc hội tùy thuộc vào Toà án Tối cao có công nhận rào cản 13500 phiếu là có hợp hiến hay không. Một lãnh đạo đảng Ata-Meken lên án chính quyền của tổng thống Bakiev gian lận bầu cử và đưa Kirghizistan về hướng độc tài. Cựu thủ tướng Almaz Atambaiev, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, nhận định : Nếu đối lập không có đại diện tại Quốc hội thì đối lập sẽ xuống đường.

Chuyên gia chính trị học Serguei Masaoulov nhận định : Nguy cơ một đảng thao túng nghị trường đe dọa ổn định chính trị và đưa đến phong trào phản kháng trong dân chúng.

Những lời than phiền của đối lập Kirghizistan được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) xác nhận : Bầu cử Quốc hội tại Kirghizistan không phù hợp với tiêu chuẩn dân chủ. 270 quan sát viên của OSCE tố cáo chính quyền Bichkek thiếu minh bạch trong việc kiểm phiếu, truyền thông nhà nước không thông tin khách quan. Tóm lại, chính quyền Kirghizistan đã bỏ lỡ một cơ hội củng cố tiến trình bầu cử tự do, tiếp nối bầu cử tổng thống năm 2005.

Dự phóng tình hình Trung Á năm 2008, giới chuyên gia quốc tế như nhóm nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, IFRI, nhận định trong số 5 nước trung Á, Kirghizistan là quốc gia tiến bộ nhất trong tiến trình dân chủ hóa.

Tại Ouzbekistan, sau cuộc nổi dậy ở Andịjan vào tháng 5 năm 2005, tổng thống Karimov tự giam mình trong vòng xoáy độc tài càng lúc càng dữ dội. Nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào đầu năm 2007 bị dời đến 23 tháng 12 năm nay. Còn tổng thống Tadjikistan Emomali Rakhmon thì tái đắc cử vào tháng 11 năm 2006 với tỷ lệ 80%, một cuộc bầu cử bị đối lập tẩy chay trước những thủ đoạn gian lận có hệ thống.

Tại Kazkhstan, luật pháp được sửa đổi theo chiều hướng giới hạn tự do thông tin và hoạt động chính trị đối lập. Để làm giảm bớt hình ảnh xấu của một chế độ độc đoán nhằm tranh chức chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu năm 2009, tổng thống Nazarbaiev hứa là sẽ để cho Quốc hội có nhiều quyền lực hơn. Nhưng sau đó, chính Quốc hội này do đảng cầm quyền kiểm soát đã thông qua đạo luật cho phép Nazarbaiev ứng cử bao nhiêu nhiệm kỳ cũng được.

Tại nước trung Á thứ tư là Turkménistan, cái chết của tổng thống mãn đời Niazov ngày 21 tháng 12 năm 2006 đã làm thay đổi chế độ độc tài số một trong khu vực. Tân tổng thống Berdymoukhamedov đắc cử hồi tháng 2 năm nay với tỷ lệ 89%. Tuy ông có tự do hóa lãnh vực kinh tế, xã hội và chấn chỉnh hệ thống y tế, giáo dục, từng bị nhà độc tài Niazov bỏ rơi, thì ngược lại, không có dấu hiệu thay đổi nào trong lãnh vực chính trị.

Cuối cùng, chỉ có Kirghizistan được xem là dân chủ nhất. Từ sau cách mạng hoa Tulipe tháng 3 năm 2005, Hiến pháp mới cho Quốc hội nhiều quyền hạn độc lập đối với hành pháp. Nhưng từ cuối năm ngoái, ông Bakaiev sửa đổi nhiều điều khoản nhằm tăng cường quyền lực tổng thống, thay vì củng cố tiến trình dân chủ hóa. Tháng tư năm nay, đối lập bắt đầu xuống đường và phải đối đầu với những phương pháp đàn áp thô bạo nhất. Dấu hiệu rạn nứt trở thành hố sâu ngăn cách giữa chính quyền và dân chúng. Xu hướng độc đoán này là nguồn bất ổn đe dọa Kỉghizistan trong tương lai.
Tú Anh
(Ảnh : fr.wikimedia.org: Tổng thống Kourmabek Bakiev)

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007





BOLIVIA: Dự thảo Hiến pháp gây căng thẳng

16/12/2007_ Tại Bolivia dự án Hiến pháp, lần đầu tiên công nhận quyền của thổ dân, đang bị phe đối lập tấn công quyết liệt.

Bolivia đang ở trong tình trạng căng thẳng cực độ giữa một bên là phe bênh vực dự thảo Hiến pháp mới của tổng thống Evo Morales và bên kia là phe đối lập.

Hôm qua, tổng thống thổ dân đầu tiên của Bolivia, ông Evo Morales đã trình bày dự thảo Hiến pháp mới tại thủ đô La Paz, trong khi đó, các lực lượng đối lập công khai hóa đối sách của họ là thành lập các chính phủ tự trị cho bốn địa phương đã bất phục tùng chính quyền trung ương. Thông tín viên Eric Sanson tường thuật từ Quito :

« Cách đây 50 năm, thổ dân Bolivia đã bị nghiêm cấm đặt chân đến quảng trường Murillo, trước dinh tổng thống ở thủ đô La Paz. Giờ đây đã khác. Hôm qua thứ bẩy, hàng ngàn thổ dân mặc áo poncho sặc sỡ, miệng nhai lá coca, đã đến tập họp tại quảng trường này để nghe phát biểu của vị tổng thống đầu tiên người Aymara. Cổ đeo vòng hoa, tổng thống Morales đã yêu cầu dân chúng chấp thuận dự thảo Hiến pháp mới mà theo ông sẽ phi thực dân hoá Bolivia. Hiện nay nước này đang bị chia rẽ trầm trọng. Phe đối lập đã bác bỏ một văn kiện mà đảng cầm quyền đơn phưong thông qua, còn ông Morales thì kêu gọi họ không nên sợ hãi dân chúng và chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý, sẽ được tổ chức. Đối với ông Morales, đó sẽ là trận đấu tranh cuối cùng. Lời kêu gọi của tổng thống Bolivia đã không đưọc bốn tỉnh giàu có ở miền đông đáp ứng. Bốn tỉnh này tập trung 2/3 tổng sản lượng quốc nội Bolivia, các ngành công nghiệp thực phẩm và nhất là các mỏ khí đốt. Năm ngoái, người dân ở đây đã bỏ phiếu cho quyền tự trị. Với hậu thuẫn của dân chúng, lãnh đạo tại bốn tỉnh này đã đưa ra những quy chế riêng, cho phép họ kiểm soát nguồn tài nguyên tại đây cũng như quyền tự trị rộng lớn về mặt giáo dục, y tế, an ninh. Tổng thống Morales đã tố cáo lãnh đạo các vùng này là muốn chia rẽ đất nuớc và ông đã đặt quân đội trong tình trạng báo động để ngăn chặn mọi mưu toan ly khai ».

Nguy cơ xẩy ra xung đột đang gây nhiều lo ngại cho người dân. Công luận Bolivia hiện nay cũng bị chia rẽ giữa người bênh vực dự thảo Hiến pháp mới và kẻ phản đối văn kiện này.

Nguyên nhân là mục tiêu của chính quyền phái tả do ông Evo Morales lãnh đạo nhằm tái tạo lại cho diện mạo của Bolivia, cho nên nội dung dự thảo Hiến pháp mới nhằm tăng cường các quyền lợi của thành phần nghèo trong xã hội, củng cố quyền lực của guồng máy nhà nước.

Xin nhắc lại, Bolivia là quốc gia nghèo khó nhất châu Mỹ La tinh, với đại đa số là thổ dân, sắc tộc Quechua chiếm 30% dân số, Aymara 25% và người có dòng máu lai, khoảng 30%. Cộng đồng người da trắng gốc châu Âu chỉ chiếm 15% mà thôi. Thế nhưng nghịch lý Bolivia là thiểu số da trắng thuộc tầng lớp giàu và đại đa số thổ dân thuộc tầng lớp nghèo. Bên cạnh mâu thuẫn sắc tộc và xã hội, Bolivia còn bộc lộ một mối chia rẽ khác giữa hai miền đông và tây. Miền đông giàu có thuộc về các giai cấp đã từng thống trị Bolivia nhiều thế kỷ vừa qua. Trong khi vùng cao nguyên miền tây nghèo nàn, nơi cư ngụ của đại đa số thổ dân lại là tiền đồn bảo vệ cho tổng thống Evo Morales và cuộc cách mạng của ông. Vừa rồi những nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng chính trị đã nổ ra kể từ khi ông Evo Morales lên nắm quyền tổng thống đầu năm 2006 cho tới nay.

Còn một lý do nữa khiến cho sự đối kháng giữa hai phe đang lên đến tột độ, đó là việc Quốc hội mà đa số thuộc phe của tổng thống đã nhóm họp, bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp mới vào đầu tháng 12 vừa qua, mà không có sự tham gia của các dân biểu đối lập. Chính quyền biện minh rằng 165 dân biểu trên tổng số 225 đã buộc phải nhóm họp thông qua dự án Hiến pháp mới vào ngày mồng 9 tháng 12, sau 16 tháng ròng rã tranh cãi và thái độ phá rối của phe đối lập.

Tình hình Bolivia khó mà lắng dịu từ đây cho đến năm sau, khi tổng thống Evo Morales dự trù đưa Hiến pháp mới ra trưng cầu dân ý. Nhiều nhà phân tích bi quan dự báo rằng các lực lượng cực đoan từ cả 2 phe sẽ thúc đẩy đôi bên xung đột với khả năng chính quyền điều động quân đội can thiệp, để ngăn chặn các ý đồ ly khai của các tỉnh miền đông .
Bảo Thạch
(Ảnh: lemondededemain.wordpress.com: Tổng thống Bolivia Evos Moralès)

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2007





Bầu cử Tổng thống Hàn quốc: Lee Myung bak có nhiều triển vọng nhất

15/12/2007_ Tại Hàn Quốc, theo thăm dò dư luận, ứng cử viên cánh hữu bảo thủ Lee Myung Bak có nhiều khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống.

Từ 44, 7% đến 45,4 %, đó là tỷ lệ phiếu bầu mà ông Lee Myung bak, ứng cử viên chính thức của đảng bảo thủ Quốc đại, có thể giành được trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 12.

Trên đây là kết quả hai cuộc thăm dò dư luận, của HoongAng Ilbo-SBS và Chosun Ilbo, được công bố vào ngày 13 tháng 12 vừa qua, đồng thời cũng là hai cuộc thăm dò dư luận cuối cùng, theo luật pháp Hàn Quốc, trước khi cử tri đi bầu tổng thống, theo phương thức phổ thông đầu phiếu và chỉ có một vòng. Hơn hẳn hai đối thủ khác tới 30 điểm và nếu có không có gì đột biến, ông Lee Myung bak chắc chắn sẽ trở thành tổng thống của Hàn Quốc, chấm dứt một thập niên cầm quyền của các ông Kim Dae Jung và Rho Mu hyun. Theo cách nhìn của giới phân tích chính trị Hàn Quốc, hai vị tổng thống này được coi là theo trường phái tự do, tức là có lập trường không thân thiết lắm với giới doanh nhân và không tỏ ra quá thân thiện với Hoa Kỳ.

Khi mở màn chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ngày 27 tháng 11, ông Lee Myung bak, 65 tuổi, không phải ở trong vị trí thuận lợi cho lắm bởi vì ông bị nghi ngờ có dính líu đến một số vụ bê bối tài chính, bên cạnh đó, ông lại có một đối thủ ngay bên trong cánh hữu, cựu thủ tướng Lee Hoi Chang, ly khai đảng Quốc Đại. Còn ông Chung Dong Young, ứng cử viên cánh tả, tuy được tổng thống Roh Mu hyun ủng hộ, không phải làm một đối thủ nặng ký.

Theo giới quan sát, trong cuộc chạy đua vào dinh tổng thống Hàn Quốc, có một số điểm chính giúp cho ứng cử viên Lee Myung bak, nguyên là thị trưởng Séoul, đã bứt hẳn lên, bỏ xa hai đối thủ khác.

Trước tiên, là ngày mồng 5 tháng 12, tư pháp tuyên bố ông Lee Myung bak vô tội, không có đồng lõa hay dính líu gì đến một vụ kiện thao túng giá cổ phiếu, biển thủ công quỹ trước đây.

Theo phân tích của tờ International Herald Tribune, thì sự nổi trội của ông Lee Myung bak còn thể hiện rõ sự thất vọng, chán ngán của cử tri Hàn Quốc do ý thức hệ giáo điều cứng rắn của tổng thống đương nhiệm. Trong các cuộc vận động tranh cử trước đây, những vấn đề chính trị, như quan hệ với Bắc Triều Tiên, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền luôn là đề tài nổi bật. Thế nhưng, cũng theo các thăm dò dư luận, lần này, người dân Hàn Quốc lại quan tâm đến kinh tế. Họ hy vọng là ông Lee Myung bak, trước đây từng là chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, sẽ có đầu óc thực tế và chú trọng đến việc đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện đời sống, giảm thuế, tạo công ăn việc làm, cải cách khu vực công v.v…

Trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 1997, Hàn Quốc có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình là 8%. Dưới thời tổng thống Roh Mu hyun, trong 5 năm qua, tỷ lệ này là 4,2%, chỉ số chứng khoán tăng gấp ba lần và xuất khẩu nhân gấp đôi. Tuy nhiên, do giá cả đời sống đắt đỏ, chi phi ăn học cho con cái tăng cao, hồ ngăn cách giầu nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Do vậy, theo lời một giáo sư khoa học chính trị tại đại học Hàn Quốc, người dân không cảm thấy là nền kinh tế quốc gia vẫn phát triển tốt, họ quay sang chống đối mạnh mẽ tổng thống Roh Mu hyun.

Trong bối cảnh đó, ông Lee Myung bak đã đưa ra một chương trình tranh cử với ba con số 747. Ông hứa sẽ tạo ra được một tỷ lệ trưởng hàng năm là 7%, tăng thu nhập trung bình, hàng năm, tính theo đầu người tại Hàn Quốc từ hơn 18 ngàn, số liệu năm ngoái, lên 40 ngàn đô la. Và cuối cùng là đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế đứng hàng thứ bẩy trên thế giới.
Đức Tâm
(Ảnh: www. viewimages.com: ứng cử viên Lee Myung bak)