Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2007

Thảm sát Nam Kinh: Phe cực hữu Nhật bản tìm cách bóp méo lịch sử

13/12/2007_ Cách nay đúng 70 năm, quân đội Nhật Hoàng mở cuộc thảm sát hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người Trung Quốc tại thành phố Nam Kinh. Chính quyền Bắc Kinh đã kỷ niệm sự kiện này một cách khá kín đáo. Trong một bài xã luận đăng trên nhật báo Anh ngữ China Daily, chủ yếu hướng về người nước ngoài, Trung Quốc giải thích rằng họ không chủ trương nuôi dưỡng hận thù giữa hai dân tộc Trung Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nguồn gốc sâu xa của thái độ này là quan điểm thực tế của Bắc Kinh, tránh gây căng thẳng thêm với một đối tác vẫn là nguồn hỗ trợ đắc lực về mặt kinh tế. Lý do này lại càng nổi bật trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh-Tokyo đang trên đà cải thiện trở lại sau nhiều năm bị trắc trở dưới thời cựu thủ tướng Junichiro Koizumi.

Ðiều đáng nói là thái độ hòa hoãn của Trung Quốc được thể hiện trong bối cảnh các thành phần cực hữu và dân tộc chủ nghĩa cực đoan tại Nhật bản đang càng lúc càng lộng hành với mục tiêu bóp méo lịch sử, xóa nhoà tội ác của quân đội Thiên Hoàng trước năm 1945.

Ðiển hình cho xu thế này là ông Mizushima Satoru, chủ nhân một kênh truyền hình trên mạng Internet mang tên Channel Sakura. Theo nhân vật này, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã ngụy tạo các bằng chứng về vụ thảm sát và hoàn toàn không có người nào bị lính Nhật bản cố tình giết hại tại Nam Kinh. Mizushima đang thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên Sự thật về Nam Kinh để bảo vệ cho lập luận vừa kể. Bộ phim được hơn một chục nghị sĩ Nhật Bản ủng hộ, trong đó có ông Nariaki Nakayama, nguyên bộ trưởng giáo dục thời thủ tướng Koizumi, cũng như một số nhà nghiên cứu đại học cùng xu hướng.

Theo ông Nakano Koichi, một nhà nghiên cứu chính trị học tại Ðại học Sophia ở Tokyo, nhiều người trong giới ủng hộ bộ phim của Mizushima cũng là nhóm đã mua nguyên một trang quảng cáo trên nhật báo Mỹ nổi tiếng Washington Post tháng 6 vừa qua để bác bỏ những lời tố cáo chính quyền Nhật Bản trên hồ sơ phụ nữ châu Á bị ép buộc làm gái giải sầu cho quân đội Thiên Hoàng vào trước năm 1945.

Trở lại vụ thảm sát Nam Kinh, các thành phần cực hữu trên đây đã phản bác tất cả những cứ liệu mà giới nghiên cứu Nhật bản và thế giới đã đưa ra trong hàng chục thập niên qua.

Theo tờ báo trên mạng Asia Times (11/12/2007), đa số sử gia hầu như đã đồng ý trên con số ít nhất 80 ngàn thường dân và tù binh Trung Quốc bị quân đội Nhật Hoàng giết hại trong vụ thảm sát Nam Kinh, bên cạnh hàng chục ngàn phụ nữ bị hãm hiếp. Toà án Quân sự Quốc tế xét xử chế độ quân phiệt Nhật bản vào năm 1946 cho rằng có thể tin vào con số 200 ngàn nạn nhân. Phiá Trung Quốc thì khẳng định đã có 300 ngàn người bị thảm sát.
Trong thời gian sắp tới, khán giả trên thế giới sẽ có dịp so sánh hai quan điểm đối chọi nhau về vụ thảm sát Nam Kinh. Nếu đại diện xu hướng bóp méo lịch sử là Mizushima tung ra bộ phim của mình, bên cạnh đó, cũng sẽ có hàng chục sáng tác điện ảnh khác theo chủ đề vụ thảm sát Nam Kinh ra mắt công chúng. Nhiều bộ phim trong số này có nguồn tài trợ từ Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Có thể kể đến công trình hợp tác Mỹ-Trung mang tựa Tử Sơn, lấy tên từ ngọn núi ở phiá đông Nam Kinh, hay là bộ phim Ðức John Rabe, tên của một nhân vật Ðức Quốc Xã đã tìm cách cứu vớt hàng ngàn thường dân Trung Quốc tại Nam Kinh khỏi bàn tay sát nhân của quân đội Thiên Hoàng. Ngoài ra còn có phim Nam Kinh, Mùa Giáng Sinh 1937 của Hồng Kông, hay Nam Kinh, Nam Kinh được cho là sẽ tập hợp nhiều minh tinh nổi tiếng nhất hiện nay tại Trung Quốc. Những bộ phim này sẽ dựa trên những cứ liệu lịch sử mà giới sử gia thu thập được, tức là sẽ phản bác lại xu hướng viết lại lịch sử của phe cực hữu Nhật Bản.

Thế nhưng, dường như Bắc Kinh không mấy hứng thú với các bộ phim này. Theo Asia Times, các đạo diễn và các nhà biên kịch liên quan đến các bộ phim nói trên đã bị chính quyền Trung Quốc buộc phải giảm nhẹ nội dung tác phẩm của mình. Giới làm phim Nam Kinh, Nam Kinh chẳng hạn đã phải mất hàng tháng trời mới được nhà chức trách bật đèn xanh cho quay phim sau khi kịch bản đã được bộ ngoại giao Trung Quốc và Ban Tuyên huấn Trung ương đảng Cộng sản kiểm duyệt. Thực tế vừa kể cho thấy rõ ràng là vì quyền lợi kinh tế, chính quyền Trung Quốc cũng sẵn sàng hy sinh sự thật lịch sử.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : www.gendercide.org)

Không có nhận xét nào: