Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: Tìm thỏa thuận cho hậu Kyoto

31/03/2008_ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu bắt đầu đi vào những biện pháp cụ thể chống hiệu ứng nhà kính.

Từ hôm nay cho đến thứ sáu tại Bangkok, đại diện của 190 quốc gia dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc phải đạt được một thỏa thuận mới, chậm lắm là vào năm tới, để ngăn chận thay đổi khí hậu trên địa cầu. Như hội nghị Bali cách nay 4 tháng, mục đích sau cùng vẫn là tìm đồng thuận trên một văn kiện thay thế nghị định thư Kyoto hết hiệu lực năm 2012.

Tuy nhiên giới phân tích hy vọng không khí hội nghị tại thủ đô Thái Lan sẽ không căng thẳng như cuộc thảo luận 4 tháng trước ở Bali.
Thứ nhất là tình trạng địa cầu rất nghiêm trọng. Những kết quả khảo sát mới nhất cho thấy băng đá ở hai cực địa cầu tan từng mảng lớn. Trên đại lục Á châu, tuyết ngàn năm ở dải núi Hymalaiya mỏng đi dần. Trong tuần lễ này, các nhà thương thuyết phải đi sâu vào những vấn đề cụ thể chuẩn bị cho một kế hoạch toàn diện mang nhiều cao vọng hơn nghị định thư Kyoto chỉ chú trọng vào lời hứa thiện chí. Bốn hồ sơ chủ yếu là làm giảm khí thải gây kiệu ứng nhà kính, các phát minh mới không gây ô nhiểm, giúp đỡ các nước nghèo bị tác hại vì thay đổi khí hậu và cuối cùng là những chưương trình tài trợ mới. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên các nước giàu đồng ý hợp tác với các nước nghèo trong nỗ lực chung đối phó với nguy cơ tự hủy.

Do nội dung tập trung vào kỹ thuật và thảo luận sâu rộng cho nên hội nghị Bangkok sẽ ít tạo ra những tranh cãi bất đồng. Trong chiều hướng này, châu Âu và các nước đang phát triển đồng ý với nhau là các nước công nghiệp hóa phải chấp nhận một cách bắt buộc tỷ lệ giảm khí thải gây ô nhiễm từ 25 đến 40% từ nay đến năm 2020 so với tỷ lệ 1990. Cách nay 4 tháng, vì để bảo vệ quyền lợi của mình, phái đoàn Hoa Kỳ tại hội nghị Bali đã gây sức ép để không đưa chỉ tiêu này vào lộ đồ Bali. Nhưng theo giới quan sát, chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ có thái độ xây dựng hơn. Trước hết là tổng thống George Bush sắp hết nhiệm kỳ, cũng muốn để lại tiếng thơm và một di sản mang tính xây dựng cho những thế hệ mai sau. Ba ứng cử viên tổng thống cũng đã cam kết họ sẽ tích cực trong việc bảo vệ môi trường hơn Tổng thống đương nhiệm. Dù sau đi nữa, ở hội nghị Bali, tất cả các quốc gia tham dự, kể cả Hoa Kỳ là một cường quốc kỹ nghệ không phê chuẩn nghị định thư Kyoto, vẫn thấy cần phải có vòng đàm phán mới mà hội nghị Bangkok khai mạc hôm nay minh chứng cho tiến triển tư duy được đánh giá là tích cực này.

Ông Yvo de Boer, trách nhiệm hồ sơ khí hậu Liên Hiệp Quốc nhận định là sẽ không có nhiều bất đồng diễn ra tại Bangkok. Đây là một cuộc họp bàn chuyện cụ thể. Cũng chia sẻ tinh thần lạc quan này, John Hay, một chuyên gia môi trường của Liên Hiệp Quốc cho biết, trong tuần này, các nhà thương thuyết phải hội ý với nhau trên một kế hoạch rõ rệt : Phải làm gì, khi nào làm và tại sao ? Thời gian không còn nhiều vì các nước phải gấp rút cho biết rõ lập trường trước khi mở ra vòng đàm phán cuối cùng mà ngày kết thúc là hội nghị Copenhaguen vào tháng 12 năm tới. Hai sự kiện cho thấy cộng đồng quốc tế không còn lơ là trước hiệu ứng nhà kính : Thứ sáu vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chính thức nắm lấy hồ sơ này và nhấn mạnh rằng người nghèo là nạn nhân bị thiệt thòi nhất. Hôm sau, thứ bảy, 26 thành phố lớn khởi đi từ Sydney tham gia chiến dịch « một giờ cho địa cầu », tắt đèn một giờ đồng hồ tiết kiệm năng lượng.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : một con đê chắn sóng biển bị hư hại, ở xã Hải Thịnh – tỉnh Nam Định)

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

G.BUSH : Sang châu Âu vận động hỗ trợ cho NATO tại Afghanistan

30/03/2008_ Nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ viếng thăm Ukraina, Roumani, Croaxia, trước khi tiếp xúc với Tổng thống Nga Poutine tại Sotchi, bên bờ Hắc Hải.

Ông Georges Bush bắt dầu một chuyến công du mang ý nghĩa vận động cho khối NATO, mà Hội nghị Thưọng đỉnh dự trù sẽ diễn ra tại Bucarest, thủ đô Roumani vào tuần này, từ 2 đến 4 tháng 4. Trước đó, vào ngày mai và ngày kia, Tổng thống Mỹ sẽ viếng thăm Ukraina. Sau Roumani, ông sẽ sang Croaxia và vào cuối tuần, ông Bush sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Poutine tại Sotchi, bên bờ Hắc Hải.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt chuyến viếng thăm châu Âu, Ukraina và Nga của ông Bush là mục tiêu tạo lập cho khối NATO một tầm nhìn mới, một định hướng rõ rệt, vào thời điểm mà liên minh quân sự này đang phải đối phó với cuộc phản công của Taliban tại Afghanistan, cũng như những bất đồng trong nội bộ liên quan đến việc kết nạp 2 nước Liên Xô cũ là Gruzia và Ukraina .

Quả vậy, Afghanistan và khả năng mở rộng NATO kết nạp Gruzia và Ukraina sẽ chiếm ưu tiên nhân cuộc họp Thưọng đỉnh của 26 nước thành viên NATO tại Bucarest. 5 năm sau cuộc can thiệp của lực lượng đa quốc gia, Afghanistan vẫn ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Chẳng những vậy, mặc dù, lực lượng hỗ trợ an ninh, gọi tắt là ISAF do NATO lãnh đạo đã triển khai 47 ngàn quân, đến từ 39 quốc gia, nhưng mấy năm gần đây, Taliban đã ngày càng chủ động phản công. Có chuyên gia cho rằng phiến quân Taliban kiểm soát đến 2 phần 3 lãnh thổ Afghanistan, cho dù các du kích này không thể giành được những chiến thắng quyết định. Nhưng về phần mình, lực lượng đa quốc gia cũng tỏ ra bị động. Ở tại chỗ, các vị chỉ huy tác chiến cho rằng : « lực bất tòng tâm ». NATO thiếu nhân lực và phương tiện như máy bay và thiết giáp. Trong khi đó tại nhiều nước Tây phương như Pháp, Đức và Úc, công luận không mấy tin tưởng vào tính chính đáng của việc can thiệp vũ trang vào Afghanistan. Về phần mình, Hoa Kỳ, nước lãnh đạo NATO trong thực tế, bị chỉ trích gay gắt đã bàng quan đối với Afghanistan để tập trung sức người và của cho chiến trường Irak. Trước các bất đồng vừa kể, Tổng thống Mỹ ngày nay, sẽ phải chứng minh quyết tâm của Hoa Kỳ, qua việc chi viện thêm 3 ngàn lính sang Afghanistan. Washington mong mỏi các đồng minh, lấy đó làm gương và khuyến khích họ không chỉ phái thêm quân sang Afghanistan, nhưng thêm vào đó, gánh vác trách nhiệm chiến đấu chống Taliban, đặc biệt ở các khu vực miền Nam được xem là nguy hiểm nhất.

Các nhược điểm của NATO tại Afghanistan đã bộc lộ rõ nét đến mức tạo cơ hội cho Matxcơva lấy đó làm phương tiện đổi chác. Nhân Hội nghị giữa NATO và Liên bang Nga dự trù vào ngày 4 tháng 4 tại Bucarest, Matxcơva có thể chấp thuận cho Liên minh Quốc tế trung chuyển hậu cần qua không phận và lãnh thổ của Nga, sang đến tận Afghanistan. Đổi lại, theo các tin bán chính thức, NATO phải thỏa hiệp và đình hoãn việc kết nạp Gruzia và Ukraina làm thành viên.

Hồ sơ mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương cũng sẽ chiếm phần quan trọng trong chuyến công du của của Tổng Thống Mỹ. Một mặt, ông Georges Bush phải thuyết phục một số quốc gia như Pháp và Đức chấp nhận nguyên tắc mở rộng NATO đón nhận Gruzia và Ukhaina làm thành viên. Nhưng trong việc ứng xử với Liên bang Nga, ông Bush cũng phải tìm đồng thuận, tránh mọi sự đối đầu mang âm hưởng chiến tranh lạnh. Trong chiều hướng này, cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa ông Bush và Poutine tại Sotchi dự báo sẽ khó khăn trắc trở chứ không dễ dàng như chặng đường Tổng thống Mỹ thăm viếng Ukraina , Roumani và Croaxia.
Bảo Thạch
(Ảnh : www.time.com)

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BẮC TRIỀU TIÊN : Vụ bắn thử tên lửa có thể làm chậm tiến trình phi hạt nhân

29/03/2008_ Vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên ngày hôm qua ở vùng Hoàng Hải không chỉ gây thêm căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc mà còn khiến cho tiến trình phi hạt nhân hóa bị chậm trễ thêm.

Như ta đã biết, các cuộc đàm phán sáu bên giữa hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đã đạt đến một thỏa thuận ký tại Bắc Kinh ngày 13 tháng 2 năm 2007. Theo thỏa thuận này, Bắc Triều Tiên cam kết từ bỏ mọi hoạt động hạt nhân, đổi lấy viện trợ năng lượng của quốc tế. Chế độ Bình Nhưỡng sau đó đã tỏ thiện chí bằng cách cho ngừng hoạt động lò phản ứng chủ yếu ở cơ sở hạt nhân Yongbyon. Sau vòng đàm phán vào tháng 9 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã chấp nhận vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon trước ngày 31 tháng 12 năm 2007 và khai báo đầy đủ các chương trình hạt nhân trước khi giải thể hoàn toàn các chương trình này trong năm nay. Nhưng thời hạn nói trên đã qua mà Bình Nhưỡng vẫn chưa thực hiện đúng cam kết. Theo phía Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên đã không khai báo đầy đủ các chương trình làm giàu chất uranium và những hoạt động phổ biến hạt nhân. Từ đó cho đến nay, đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên gặp bế tắc. Cuộc gặp gỡ lần cuối cùng giữa hai phái đoàn thương thuyết tại Genève ngày 14 tháng 3 vẫn không đạt được kết quả nào. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã doạ sẽ làm chậm trễ tiến trình phi hạt nhân hóa và một lần nữa khẳng định là họ không hề làm giàu chất uranium và cũng không hề trợ giúp hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào. Cùng lúc đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc loan tin là Bình Nhưỡng vừa bắn thử nghiệm ba hoặc bốn tên lửa tầm ngắn ở vùng Hoàng Hải.

Vụ bắn thử nghiệm tên lửa nói trên cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên kể từ sau bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc. Khác với người tiền nhiệm, tân Tổng thống Lee Myung-bak chủ trương một chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. Đặc biệt, ông gắn liền viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên với những tiến bộ trong hồ sơ hạt nhân. Hôm thứ năm vừa qua, chính quyền Bắc Triều Tiên tỏ thái độ bất bình bằng cách trục xuất phần lớn các giới chức Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp Kaesong, nằm ở biên giới hai miền và cho tới nay vẫn được xem là biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều. Hôm qua, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc cho rằng những vụ bắt thử tên lửa là nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận bình thường của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng theo một nhà phân tích Hàn Quốc được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Ông không loại trừ khả năng xảy ra các trận đụng độ giữa hải quân của hai miền trên vùng Hoàng Hải sau khi Bộ chỉ huy Hải quân Bắc Triều Tiên hôm qua lên tiếng cảnh báo về điều mà họ gọi là « những hành động gây hấn quân sự » của Hàn Quốc ở vùng biển này.

Vào tháng trước, ông Keith Luse, một quan chức cao cấp ở Thượng viện Mỹ đã đến Bắc Triều Tiên để tìm hiểu vì sao Bình Nhưỡng chần chừ, không chịu khai báo đầy đủ các chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí. Trong bản báo cáo với Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ hôm qua, ông Keith Luse đưa ra kết luận rằng có thể là những thành phần cứng rắn trong giới quân sự đầy thế lực ở Bắc Triều Tiên đang làm đủ mọi cách để cản trở việc thực thỏa thuận về hạt nhân ký kết giữa sáu nước. Tóm lại, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là một tiến trình bấp bênh, vì nó tùy thuộc nhiều vào nội tình chế độ Bình Nhưỡng.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Một đơn vị tên lửa của quân đội Bắc Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

ÚC: Tân Thủ tướng chuyển trọng tâm chiến lược từ Nhật Bản sang Trung Quốc

28/03/2008_ Nhân chuyến công du ngoại quốc quan trọng đầu tiên từ ngày ông nhậm chức, thủ tướng Úc Kevin Rudd trước hết đã đến Washington và họp phiên thượng đỉnh hôm nay với Tổng thống Mỹ George Bush. Bản thân sự kiện này không có gì đáng ngạc nhiên, vì đối với Úc, Hoa Kỳ vẫn là đồng minh hàng đầu, mà chính sách đối ngoại của Canberra phải lưu tâm.

Thế nhưng, nhân vòng công du lần này, theo giới quan sát, tân Thủ tướng Úc đã tung ra một tín hiệu rõ nét cho thấy là chính sách châu Á của Canberra đã thay đổi. Sau chuyến công du Hoa Kỳ, Thủ tướng Kevin Rudd sẽ ghé châu Âu trước khi đi thăm Bắc Kinh. Chính việc chọn Trung Quốc làm chặng ngừng nhân chuyến công du quan trọng đầu tiên của mình đã thể hiện thay đổi chủ yếu trong đướng lối đối ngoại của thủ tướng Úc hiện nay. Đó là đặt trọng tâm vào Trung Quốc thay vì vào Nhật Bản như trước đây.

Theo chuyên gia phân tích Malcolm Cook, Chủ nhiệm chương trình châu Á Thái Bình Dương tại Viện Nghiên Cứu Lowy ở Sydney, đây là một thay đổi chiều hướng quan trọng, vì trong thời gian hơn một chục năm vừa qua, Tokyo là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Canberra tại châu Á. Trên trường quốc tế, Nhật Bản được coi là ưu tiên thứ hai trong chính sách đối ngoại của Úc, chỉ sau Hoa Kỳ mà thôi. Đối với ông Damien Kingsbury, thuộc trường đại học Daekin, khi chọn Bắc Kinh thay vì Tokyo làm đối tác quan trọng hàng đầu của mình tại châu Á, Thủ tướng Úc đã mặc nhiên thừa nhận uy lực càng lúc càng tăng của Trung Quốc trong vùng. Mặt khác Bắc Kinh đã vươn lên thành một bạn hàng thiết yếu của Canberra trong địa hạt kinh tế, thương mại. Khi loan báo lịch trình chuyến công du lần này chẳng hạn, thủ tướng Úc đã đặc biệt ghi nhận sự kiện Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại số một của Canberra, là khách hàng tiêu thụ một khối lượng lớn các nguyên liệu, vật liệu khai thác tại Úc.

Theo các nhà quan sát, sự chuyển hướng trong chính sách châu Á của Úc đã kéo theo một hệ quả đáng chú ý trên bình diện an ninh. Vào thời cựu Thủ tướng Úc Howard, Washington đã nỗ lực thúc đẩy sự hình thành của một liên minh bao gồm bốn nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, từng được báo giới mệnh danh là « vòng cung dân chủ ». Mục tiêu không nói ra của liên minh này là làm đối trọng với đà vươn lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, với chiếu hướng mới tại Canberra hiện nay, có thể nói là khả năng hình thành vòng cung gọi là dân chủ đã trở thành xa vời. Nhìn chung, trong việc thực hiện chính sách châu Á mới của mình, Thủ tướng Úc cũng cần phải trấn an đồng minh truyền thống số một của mình là Hoa Kỳ, nhất là khi Canberra đã quyết định triệt thoái lực lượng chiến đấu của mình ra khỏi Irak. Đó là điều mà ông Kevin Rudd sẽ phải cố gắng hoàn thành nhân chuyến công du Hoa Kỳ khởi sự vào hôm nay.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Thủ tướng Úc Kevin Rudd)

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

CA-TBD : Tăng trưởng kinh tế giảm trong 2008

27/03/2008_ Do cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị giảm xuống còn khoảng 7,7% trong năm 2008, những nước phụ thuộc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên đây là nhận định của Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, ESCAP.

Trong bản báo cáo thường niên được công bố ngày hôm nay tại Bangkok, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đi vào thời kỳ « rất bấp bênh ». Trong kịch bản xấu nhất xẩy ra, tức là suy thoái kinh tế Mỹ đi kèm với việc đồng đô la xuống giá liên tục, thì tác động sẽ rất nghiêm trọng. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những nước xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang thị trưòng Hoa Kỳ như Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Do giá dầu lửa và lương thực tăng mạnh, tăng trưởng của vùng châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay sẽ bị suy giảm, sau khi đạt mức kỷ lục, 8,2% vào năm ngoái. Kinh tế các nước giầu và phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Úc, New Zeland cũng bị tác động, tăng trưởng sẽ giảm từ 2%, năm 2007 xuống còn khoảng 1,6% trong năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Shigeru Mochida, Phó Thư ký Điều hành ESCAP, Trung Quốc và Ấn độ, hai đầu tầu lôi kéo tăng trưỏng trong khu vực, vẫn có thể phát triển mạnh, qua đó tạo cơ hội cho những nền kinh tế khác vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong năm nay, tăng trưởng của Ấn độ có thể lên tới 9%, trong khi đó, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng chi ngân sách nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưỏng.

Vẫn theo chuyên gia Mochida, do kinh tế có những yếu tố cơ bản lành mạnh, vững chắc, các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể phục hồi nhanh chóng. Và để duy trì những cơ sở này thì cần phải chú ý đến vấn đề chống lạm phát, giảm bớt thâm thủng ngân sách và giữ lãi suất thấp.

Trong bối cảnh nền kinh tế giới bị biến động, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm nay, tăng trưỏng trong quý một 2008 chỉ đạt 7,4%, thấp hơn so với cùng thời kỳ này năm ngoái (7,8%). Đầu năm nay, chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưỏng từ 8,5 đến 9% cho 2008. Thế nhưng, do phải đối phó với giá nguyên nhiên liệu tăng cao, đồng đô la mất giá, mùa màng bị thiên tai và đặc biệt là lạm phát, theo AFP, một quan chức trong chính phủ xin dấu tên nói là Thủ tưóng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng cho rằng cần phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng và khống chế chống lạm.

Trong tháng hai, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 16%. Ông Ajay Chhibber, Trưỏng Văn phòng Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định là lạm phát xẩy ra ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng để chống lạm phát. Theo chuyên gia này, năm nay, tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức hai con số và cao hơn năm ngoái. Tỷ lệ này cao đến đâu thì tùy thuộc vào việc thực hiện chương trình chống lạm phát và tình trạng giá cả trên thế giới. Tuy nhiên, tăng trưỏng của Việt Nam trong năm nay không thể đạt khoảng 9% như mục tiêu đề ra và sẽ dưới cả mức 8,5% của năm ngoái.
Đức Tâm

Nhà báo Lưu Tường Quang : Niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Úc châu

Trong cộng đồng người Việt tại Úc, ông Lưu Tường Quang là một trong những nhân vật đã mang lại sự hãnh diện cho đồng bào mình. Từ năm 1975 cho đến ngày nghỉ hưu, cách nay một năm, sống trên nước Úc, ông Lưu Tường Quang đã giữ những công tác và chức vụ quan trọng trong chính phủ Canberra qua bốn đời thủ tướng, từ Malcolm Fraser, năm 1976, rồi Bob Hawke, Paul Keating đến rồi John Howard 2006, tổng cộng 30 năm. Là chủ tịch đầu tiên của Liên Hội, đổi tên thành Cộng đồng người Việt tự do liên bang Úc châu năm 1977, ông Lưu Tường Quang cũng là người Việt Nam đầu tiên hành nghề luật sư tại Úc. Trên làn sóng RFI Việt ngữ, quý thính giả đã nhiều lần nghe nhà báo Lưu Tường Quang phân tích và nhận định tình hình khu vực với tư cách Giám đốc đài phát thanh đa văn hóa SBS Úc châu.

Ánh Nguyệt biên soạn tạp chí

(Phát thanh ngày 19 tháng 3 năm 2008)






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH


Giáo sư Đinh Xuân Anh Tuấn và câu chuyện cứu giúp thuyền nhân Việt nam

Năm 1982, những thuyền nhân Việt Nam lênh đênh trên biển Đông được chiếc tàu Pháp Đảo Ánh sáng cứu vớt hẳn không quên người y sĩ Việt Nam duy nhất trên tầu. Thời gian trôi qua, người thanh niên vừa tốt nghiệp y khoa năm đó đã trở thành giáo sư đại học y khoa, bác sĩ chuyên khoa hô hấp giầu kinh nghiệm, tích cực mang kiến thức về giúp đỡ trong nước. Đó là bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, giáo sư đại học y khoa Cochin Paris.

Ánh Nguyệt hỏi bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn về chuyện giúp đỡ thuyền nhân trên tầu Đảo Ánh sáng.

(Tạp chí phát thanh ngày 12 tháng 3 năm 2008)







TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH


Thứ Tư, 26 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THÁI LAN : Đảng cầm quyền chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp

26/03/2008_ Phải chăng phe thân cận với cựu Thủ tướng Thaksin đang tìm cách xoá dần vết tích của thời chế độ quân sự cầm quyền trong hai năm 2006 và 2007 ? Được gợi lên từ lúc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) thân Thaksin chiến thắng nhân cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2007, khả năng nói trên ngày càng rõ nét từ khi đảng này lên cầm quyền tại Bangkok và thực hiện một loạt những chủ trương nhằm khôi phục vai trò của vị Thủ tướng đã bị lật đổ.

Hôm nay, đảng Quyền lực Nhân dân đã chính thức thừa nhận việc họ đang chuẩn bị sửa đổi đáng kể bản Hiến pháp do tập đoàn quân sự chỉ đạo soạn thảo trước đây và đã được dân chúng thông qua nhân một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2007. Đối với đảng đang cầm quyền tại Thái Lan, bản Hiến pháp đó phi dân chủ, do một nhóm chuyên gia được tập đoàn quân sự chỉ định soạn ra, vì thế không thể được công nhận là chính đáng. Một trong những điều khoản căn bản của bản Hiến pháp mà đảng Quyền lực Nhân dân muốn xóa bỏ là điều 237 quy định việc giải tán các đảng chính trị và cấm không cho giới lãnh đạo các đảng này hoạt động. Ngoài ra, đảng Quyền lực Nhân dân cũng chủ trương tước bỏ một trong những quyền hạn của Ủy ban Bầu cử, theo đó, định chế này có quyền yêu cầu giải tán các đảng chính trị vị phạm luật bầu cử.

Theo các nhà phân tích, nếu các điều khoản nói trên bị xỏa bỏ, thì sẽ rất có lợi cho cựu thủ tướng Thaksin cũng như đảng Quyền lực Nhân dân và các đồng minh. Hiện nay, ông Thaksin và 110 lãnh đạo cao cấp của đảng Thái Rak Thai của ông trước đây đang bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Về phần mình, đảng Quyền lực Nhân dân đang có nguy cơ bị giải tán nếu Tòa án Tối cao xét rằng họ đã phạm tội mua chuộc cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua. Hai đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền là Chart Thai và Matchimathipataya cũng bị mối đe dọa tương tự sau khi một số thành viên bị tố cáo gian lận bầu cử. Lẽ dĩ nhiên là đảng cầm quyền ở Thái Lan cũng dự trù sửa đổi nhiều điều khoản Hiến pháp khác, nhưng các khoản kể trên mang tính chất thiết yếu.

Trong trường hợp Hiến pháp Thái Lan được sửa đổi theo hướng nói trên, các nguy cơ nhắm vào đảng Quyền lực Nhân dân sẽ biến mất và người đứng đầu đảng này trong thực tế là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ được khôi phục hoàn toàn. Đối với đảng Quyền lực Nhân dân, công việc điều chỉnh Hiến pháp đang trở thành một ưu tiên nóng bỏng. Trái với tuyên bố của Thủ tướng Samak Sundaravej trước đây là ông sẽ chỉ tìm cách tu chính Hiến pháp sau hai năm cầm quyền, trưởng ban sửa đổi Hiến pháp của đảng Quyền lực Nhân dân hôm nay xác định là công việc sẽ được xúc tiến nhanh chóng. Họ sẽ phải làm việc khẩn trương để có thể đệ trình dự thảo tại Quốc hội nội trong hai tháng tới đây. Cũng trong ngày hôm nay, đảng Dân chủ trong phe đối lập Thái Lan, một lần nữa, đã lên tiếng tố cáo chính quyền mưu cầu lợi ích bè phái khi sửa đổi Hiến pháp. Họ cũng kêu gọi dân chúng phản đối trong trật tự quyết định nói trên của chính quyền. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả tiếng nói của phe đối lập Thái Lan đến đâu trong khi mà một cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy là gần 60 % người được hỏi ủng hộ việc tu chính Hiến pháp.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, khi ra khỏi sân bay ngày 28/02/2008)

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TÂY TẠNG : Paris kêu gọi Bắc Kinh mở đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

25/03/2008_ Sự kiện Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng nổ ra từ hơn một tuần, nhưng mãi đến nay mới thấy giới lãnh đạo cao cấp tại Pháp lên tiếng. Người khai pháo là Tổng thống Nicolas Sarkozy hôm 24/03/2008, tiếp theo sau là Ngoại trưởng Bernard Kouchner cũng như Quốc Vụ khanh Rama Yade vào hôm sau. Theo giới phân tích, Paris không thể giữ yên lặng vào lúc dư luận càng lúc càng công phẫn vì hành động của Trung Quốc và trong bối cảnh nhiều đồng minh châu Âu của Pháp đã công khai tỏ thái độ. Theo một bản thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp, hôm 24/03/2008, ông Sarkozy đã gởi thông điệp đến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, kêu gọi các bên tự kềm chế và chấm dứt bạo động tại Tây Tạng bằng đối thoại. Theo Phủ Tổng thống Pháp, Paris sẵn sàng đứng ra tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đối thoại giữa Bắc Kinh và đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngay sau khi Tổng thống Pháp lên tiếng, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner sáng 25/03/2008 đã tiếp lời, cho rằng vụ đàn áp ở Tây Tạng là điều ''không thể chịu đựng được'', từ ngữ trong nguyên văn. Cùng lúc, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, Quốc Vụ Khanh đặc trách nhân quyền Rama Yade cũng lên tiếng cho biết sẵn sàng gặp gỡ đức Đạt Lai Lạt Ma nếu Ngài ghé thăm nước Pháp.

Theo giới quan sát, các tuyên bố kể trên về vấn đề Tây Tạng được đưa ra trong bối cảnh công luận tại Pháp ngày càng tỏ ý bất nhẫn trước hành động đàn áp người Tây Tạng của Trung Quốc và đòi hỏi chính quyền Pháp phải tỏ thái độ dứt khoát. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do viện CSA công bố ngày 24/03/2008, thì 53 % dân chúng mong muốn Tổng thống Pháp tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh để khẳng định thái độ bất đồng tình về các diễn biến tại Tây Tạng. Trong tuần lễ qua, nhiều chính khách đối lập trong đảng Xanh và đảng Xã hội cũng thúc giục nhà nước Pháp minh thị lập trường. Ngoài ra, cũng theo các nhà quan sát, với việc giới lãnh đạo cao nhất tại Pháp lên tiếng trên hồ sơ Tây Tạng, Paris đã hoà chung tiếng nói với hai đồng minh nặng ký ở Liên Hiệp châu Âu là Anh và Đức, vốn đã biểu thị thái độ phản đối vụ Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng. Ngay từ những ngày đầu tiên, Thủ tướng Anh quốc Gordon Brown và Thái tử Charles đã loan báo sẵn sàng đón tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma, khi ngài ghé Anh quốc vào tháng 5 tới đây. Tuyên bố này trực tiếp nhắm vào Trung Quốc vì lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng đang bị Bắc Kinh quy tội khích động phong trào biểu tình tại chỗ. Về phần nước Đức thì Berlin đã quyết định tạm ngưng các cuộc thảo luận với Bắc Kinh về hồ sơ phát triển Trung Quốc.

Cho dù vậy, quan điểm chung của Paris trên hồ sơ Tây Tạng còn rất thận trọng. Ngoại trưởng Pháp sáng 25/03/2008 vẫn loại trừ việc ông Sarkozy tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, trong lúc Quốc Vụ khanh đặc trách nhân quyền thì hoàn toàn kín tiếng về khả năng Tổng thống Sarkozy tiếp xúc với đức Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai. Trước mắt, các phản ứng của Paris trên vấn đề Tây Tạng, đặc biệt là thông điệp của Tổng thống Pháp gởi đến Chủ tịch Trung Quốc, đã được dư luận báo chí tiếp đón thuận lợi, cho dù nhiều người tiếc rằng lập trường của Pháp chưa đủ mạnh mẽ. Thế nhưng, nếu diễn biến tại Tây Tạng xấu đi thêm trong tương lai, thì vấn đề phản ứng mạnh mẽ hơn sẽ đặt ra trở lại với Paris, nhất là khi Pháp sẽ trở thành Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp châu Âu kể từ tháng 07/2008.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Ngoại trưởng Bernard Koucher trả lời trước Quốc hội về Tây Tạng, ngày 25/03/2008)





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

MIẾN ĐIỆN : Tập đoàn quân sự tiết lộ kế hoạch trụ lại chính quyền

24/03/2008_ Thứ sáu vừa qua, quân đội Miến Điện đã bắt đầu công bố một vài chi tiết về dự thảo Hiến pháp mới sẽ được trưng cầu dân ý vào tháng 5 tới. Báo New Light of Myanmar, cơ quan ngôn luận cuả tập đoàn quân phiệt đã tiếm quyền nhiều thập niên qua, cho biết là trong quốc hội tương lai, quân đội sẽ chiếm 25% số ghế dân biểu. Theo các nguồn tin của giới ly khai, đây là lần đầu tiên, chính quyền Miến Điện chính thức thông báo đôi điều về bản dự thảo Hiến pháp này. Trên nguyên tắc, văn kiện đó sẽ mở đường cho nền dân chủ được tái lập, nhưng trên thực tế, nhằm củng cố quyền lực của các tướng lãnh Miến Điện trong một thời gian dài.

Ngoài phần tiết lộ kể trên, nội dung bản dự thảo Hiến pháp vẫn còn được dấu kín như một bí mật quốc gia, nói chi đến chuyện tranh cãi mà đáng lẽ ra phải được tổ chức công khai trước ngày bỏ phiếu. Chẳng những vậy, thời điểm trưng cầu dân ý, ngày giờ cụ thể cũng không được tiết lộ. Chính quyền chỉ cho biết dự trù tổ chức vào tháng 5. Các thể thức cũng chưa được ấn định rõ ràng, như việc bản dự thảo cần được đa số tuyệt đối thông qua hay không ? Tỷ lệ cử tri tham gia tối thiểu cho việc này là bao nhiêu ? Bấy nhiêu câu hỏi mấu chốt để trang bị cho bản Hiến pháp tương lai của Miến Điện, tính chính đáng cần thiết cũng không được thông báo.

Chính quyền Miện Điện, sau 15 năm tiến hành điều mà họ mệnh danh là cải tổ và sau khi đưa ra năm 2003 một lộ trình dân chủ, đã đột ngột loan báo vào tháng 2 vừa qua quyết định trưng cầu dân ý về một bản dự thảo Hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử năm 2010. Ai muốn tìm hiểu nội dung các kế hoạch vừa kể, phải tìm về văn bản đúc kết cuả một đại hội toàn quốc, công bố tháng 9 năm ngoái.

Theo các hướng chỉ đạo được đề ra vào lúc đó, vị Quốc Trưởng tương lai của Miến Điện cũng phải là một nhân vật có quá trình phục vụ 10 năm trong quân đội. Cạnh đó, các bộ chủ chốt của chính phủ sẽ được đặt dưới quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, mà không cầu được Quốc hội thông qua. Tóm lại, tập đoàn quân phiệt vẫn sẽ nắm trọn vẹn quyền lực. Phải nói thêm là bà Aung San Suu Kyi và các nhân vật đối lập bị gạt ra ngoài luật chơi này. Đây là nguyên nhân khiến cho cộng đồng quốc tế trong thời gian qua đã cố gắng thuyết phục chính quyền Miến Điện chấp nhận hội nhập bà Aung San Suu Kyi và phe đối lập vào công cuộc cải tổ. Cho đến nay, tất cả các nỗ lực trong chiều hướng hòa giải đều đã thất bại. Bế tắc này dồn cử tri và phe đối lập vào chân tường, hoặc tẩy chay trưng cầu dân ý hoặc bỏ phiếu chống. Nhưng trong mọi trường hợp, quân đội cũng ăn cả, phe đối lập ngả về không.
Bảo Thạch
(Ảnh : viss.files.wordpress.com : Tướng Thein Sein, quyền Thủ tướng, Chủ tịch Đại hội Quốc dân, tháng 7 năm 2007)

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TÂY TẠNG : Trung Quốc có nguy cơ bị lên án trên hành trình rước đuốc Olympique

23/03/2008_ Ngày mai, ngọn đuốc Thế Vận sẽ đưọc thắp sáng tại Olympie Hy Lạp, khởi đầu cho hành trình nhiều ngàn cây số trước khi đến Bắc Kinh vào ngày mồng 8 tháng 8. Tuy nhiên, các chặng đường rước đuốc Thế Vận mà Bắc Kinh muốn tô điểm như hành trình hữu nghị và hoà bình, có thể biến thành cơ hội tập hợp các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vì đợt đàn áp đẫm máu hai tuần qua tại Tây Tạng. Ngay từ bây giờ, chính quyền Hy Lạp đã đặt Olympie, chiếc nôi của Thế Vận Hội dưới sự canh phòng cẩn mật. Nhà nước nghiêm cấm người tham dự đón rước đuốc mang theo biểu ngữ và các đồ vật có thể sử dụng để ném xa như chai lọ, đồ hộp và ô dù. Các sân bay của Hy Lạp cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chặn bắt những đoàn biểu tình. Thế nhưng, ngày 10 tháng 3 vừa qua, một nhóm người Tây Tạng đã tập họp gần địa điểm thắp đuốc tại Olympie để phản đối Trung Quốc, trước khi bị giải tán.

Vỏ quít dầy, móng tay nhọn. Trong chuyến rước đuốc băng qua 137 000 cây số xuyên 5 lục địa, điều gần như chắc chắn là người biểu tình ủng hộ Tây Tạng sẽ mai phục, đặc biệt tại các thành phố lớn như Luân Đôn, Paris, san Francisco, Caberra, Nagano và Séoul, nhằm lên án bộ mặt thật của Bắc Kinh đằng sau các khẩu hiệu như xã hội hài hoà và ổn định phát triển. Tại Trung Quốc, trong 115 thành phố dự trù được đón rước đuốc Thế Vận, các cơ quan an ninh mật vụ đã được đặt trong tình trạng báo động. Đặc biệt là trong thời điểm ngày 19 đến 21 tháng 6, khi đuốc Thế Vận được đưa sang Tây Tạng, nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ đau đầu cảnh giác để phòng ngừa mọi bất trắc. Từ nhiều ngày qua, không một ngày trôi qua mà không diễn ra biểu tình tại nhiều quốc gia, để đòi Trung Quốc thay đổi chính sách đối với Tây Tạng. Làn sóng ủng hộ Tây Tạng bó buộc công luận và các chính quyền lấy lập trường. Tại châu Âu, Anh quốc và Đức đứng đầu trong việc công khai hậu thuẫn cho đức Đạt Lai Lạt Ma. Thủ tướng Anh Gordon Brown và Thái tử Charles đã cho biết sẽ tiếp xúc trực tiếp với đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 5. Còn tại Pháp, chính phủ đang bị gây áp lực để đức Dạt Lai Lạt Ma đưọc tiếp đón long trọng tại Paris vào tháng 8 sắp tới.

Nếu không đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma, gương mặt của Trung Quốc sẽ thêm xấu xí, khác một trời một vực với hình ảnh cởi mở và hiện đại mà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào muốn để lại hậu thế khi chiếm lấy cơ hội tổ chức Thế Vận. Đó là về mặt chính trị, còn trên phương diện kinh tế, các hố sâu giữa Bắc Kinh cam kết tôn trọng nhân quyền và sự thật về việc đàn áp biểu tình với chiến xa và súng đạn tại Tây Tạng, còn khiến cho nhiều tập đoàn doanh nghiệp bảo trợ cho Thế Vận Hội cũng có thể bỏ cuộc. Hiện nay Mc Donalds, Coca Cola, Adidas cùng nhiều nhãn hiệu khác, tuy đã đầu tư hàng triệu đôla vào mùa Thế Vận tại Bắc Kinh, đang nóng nẩy chờ đợi gió sẽ thổi chiều nào. Trong trường hợp làn sóng phản đối Trung Quốc lan rộng và có thể kéo theo việc người tiêu thụ tẩy chay tất cả những bảng hiệu quảng cáo cho Thế Vận Bắc Kinh, các tập đoàn này sẽ đành chọn con đường thoái lui. Bấy nhiêu rủi ro cho thấy biến động tại Tây Tạng là điềm gở, báo hiệu cho việc Bắc Kinh đã bắt đầu đánh mất uy tín trong dịp Thế Vận năm nay.
Bảo Thạch
(Ảnh : www.greecetaxi.gr)





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

PHỤC SINH 2008 : Trọng tâm là quan hệ Vatican – Trung Quốc

22/03/2008_ Những ngày lễ Phục Sinh năm nay diễn ra trong bối cảnh đối thoại giữa Vatican và Trung Quốc dường như đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Sau một cuộc họp về tình hình Trung Quốc ngày 13 tháng ba vừa qua, Tòa Thánh đã ra thông cáo nhấn mạnh quyết tâm đối thoại xây dựng và tôn trọng với chính quyền Bắc Kinh. Theo các nguồn tin báo chí, một phái đoàn của Trung Quốc hôm thứ ba vừa qua cũng đã đến Vatican, bốn tháng sau chuyến đi của một phái đoàn Tòa Thánh ở Bắc Kinh.

Trung Quốc và Vatican đã cắt đứt bang giao với nhau, sau khi Tòa Thánh công nhận Đài Loan vào năm 1951. Sau đó, Bắc Kinh thành lập Giáo hội chính thức, tự bổ nhiệm linh mục và giám mục, nhưng hàng triệu giáo dân Trung Quốc vẫn trung thành với Đức Giáo hoàng, tạo thành một giáo hội thầm lặng, thường xuyên bị truy bức. Đối với Bắc Kinh, việc tái lập quan hệ với Vatican sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, còn Đức Giáo hoàng Bênêdictô 16 cũng đã xem việc bình thường hoá bang giao với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu, vì Ngài rất muốn kéo hàng triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc trở về dưới uy quyền của Đức Giáo hoàng và xa hơn là mở rộng quyền tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Theo chiều hướng đó, năm nay, Đức Giáo hoàng Bênêdictô 16 đã giao cho đức Hồng y giám mục Hồng Kông Trần Nhật Quân viết bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh Giá hôm qua, bởi vì đức cha Trần Nhật Quân nổi tiếng là một nhân vật bộc trực và vẫn mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Trong phần giới thiệu, giám mục Hồng Kông nhấn mạnh rằng việc Ngài được chọn để viết bài suy niệm cho thấy là Đức Giáo hoàng muốn Ngài đem tiếng nói của anh chị em tín hữu châu Á đến hí trường Colosseo, nơi cử hành buổi đi đàng Thánh Giá, nghi thức nhắc lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bài suy niệm của Đức giám mục Trần Nhật Quân chủ yếu là nhằm nói đến những giáo dân bị bách hại trong thế kỷ 21 này, trong đó dĩ nhiên bao gồm giáo dân tại Trung Quốc.

Tuy vậy, có lẽ vì không làm muốn phức tạp thêm cuộc đối thoại vốn đã khó khăn rồi, cho tới nay, Đức Giáo hoàng Bênêdictô 16 vẫn tỏ ra thận trọng trên vấn đề Tây Tạng. Sau mấy ngày im lặng, trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư vừa qua, Đức Giáo hoàng mới lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo động tại Tây Tạng, vì theo Ngài, bạo lực không thể giải quyết được các vấn đề mà chỉ làm trầm trọng hơn. Đức Giáo hoàng kêu gọi Trung Quốc nên chấp nhận đối thoại và tỏ ra khoan dung. Nhưng hôm thứ năm vừa qua, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao, Bắc Kinh đã bác bỏ lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng. Theo phát ngôn viên này, không thể khoan dung với những kẻ tội phạm mà phải trừng trị theo luật pháp. Theo nhận định của nhật báo Ý Le Republica số ra ngày hôm qua, phản ứng cộc lốc của Bắc Kinh cho thấy những giới hạn của cuộc đối thoại giữa giới lãnh đạo Trung Quốc với Tòa Thánh. Cuộc đối thoại này đang có nguy cơ trở nên phức tạp hơn do tình hình ở Tây Tạng.
Thanh Phương
(Ảnh : www.lefigaro.fr)

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀI LOAN : Tình hình Tây Tạng tác động đến bầu cử tổng thống.

21/03/2008_ 24 giờ trước khi phòng phiếu mở cửa vào sáng thứ bảy, hai ứng cử viên tranh ghế tổng thống Đài loan đều đưa ra những lời tuyên bố trấn an cử tri, liên quan đến quan hệ với Hoa lục.

Trước hết là ứng cử viên đảng Dân Tiến Tạ Trường Đình, người tự xem là bức tường thành bảo vệ chủ quyền của hải đảo, đối đầu với tham vọng thống nhất lãnh thổ của Bắc kinh, dường như thay đổi thái độ. Mới hôm qua, ông còn lên án Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng và gọi đó là dấu hiệu báo trước số phận của người dân Đài Loan khi bị Hoa lục chiếm đóng. Sáng nay, ứng cử viên Tạ Đình Trường cam kết với cử tri là ông sẽ nối lại đối thoại cấp cao với Trung Quốc. Ông giải thích : « Từ trước đên nay, đảng Dân Tiến là mục tiêu của những lời chỉ trích là thiếu tinh thần cởi mở. Tôi hứa sẽ ưu tiên cho một giải pháp thỏa hiệp ». Hết lời dẫn.
Đối thoại chính trị giữa Đài Loan và Trung Quốc đã bị gián đoạn từ năm 2000, tức là từ khi đảng Dân Tiến chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm đó, kết thúc 51 năm cầm quyền liên tục của Quốc Dân đảng. Hai nhiệm kỳ sau đó của Tổng thống Trần thủy Biển được biểu hiện qua thái độ ngờ vực đối với chế độ cộng sản Hoa lục và hàng năm tổ chức lể duyệt binh phô trương khả năng phòng thủ quyết tử chống Trung Quốc xâm lăng.

Về phần ứng cử viên Mã Anh Cửu của Quốc Dân đảng, thái độ của ông cũng đáng được chú ý. Nhân vật này có tiếng là hòa hoãn với Bắc Kinh. Khi vụ đàn áp ở Tây Tạng diễn ra, ông đã có phản ứng gây ngạc nhiên là công kích Trung Quốc với lời lẽ mạnh bạo chưa từng thấy, có lẽ còn hơn hẳn đối thủ đảng Dân Tiến. Ông phê phán giới lãnh đạo Bắc Kinh có hành động « thô bạo và ngu xuẩn ». Thế rồi sáng nay, ông lại tỏ ra dịu giọng, xin trích : « Nếu đắc cử tôi sẽ chọn một chính sách ôn hoà để cải thiện quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan ».

Sau những lời tuyên bố trên đây của hai ứng cử viên tổng thống, lập tức chỉ số thị trường chứng khoán Đài Loan tăng 2,32%.

Những lời tuyên bố hoà dịu đối với TQ của ông Tạ Trường Đình và Mã Anh Cửu dường như nhằm mục tiêu chiến thuật trấn an giới doanh nghiệp đã đầu tư hơn 100 tỷ $ vào Trung Quốc và cũng để chiều ý Washington, đồng minh số một của Đài Bắc, vì lý do dễ hiểu. Hoa Kỳ không muốn bị bó buộc, phải can dự vào một cuộc chiến với Trung Quốc để bảo vệ hải đảo.

Cuối cùng, theo giới phân tích, thái độ của Trung Quốc tại Tây Tạng chắc chắn đã tác động đến cuộc bầu cử Đài Loan. Tác động thứ nhất là chỉ trong vòng một tuần lễ, uy tín của ông Tạ Đình Trường đang từ 20 điểm thua ông Mã Anh Cửu, đã vượt lên hơn đối thủ. Điều này cho thấy người dân Đài Loan tin tưởng vào khả năng đảng Dân Tiến đương đầu với Bắc kinh hơn là tin cậy vào lập trường thân Trung Quốc của Quốc Dân đảng, khi thấy từng đoàn chiến xa và quân xa kéo lên Tây Tạng. Bên cạnh vấn đề chủ quyền, người dân Đài Loan còn nhu cầu quan yếu khác là kinh tế. Giáo sư Andrew Dương, thuộc đại học Tưởng Giới Thạch phân tích : « Dù sao đi nữa, Tây Tạng là Tây Tạng còn Đài Loan là Đài Loan. Trung Quốc đe dọa Đài Loan đã mấy chục năm nay chứ đâu phải mới đây. Phần đông dân chúng chờ đợi một Tổng thống mới giúp quan hệ kinh tế với Hoa lục được phát triển mạnh hơn ».

Tóm lại, trong một cuộc bầu cử dân chủ, ứng cử viên phải tranh thủ từng lá phiếu của cử tri. Thái độ của hai ứng cử viên cho thấy họ quan tâm đến mọi ưu tư chính đáng của người dân Đài Loan. Một mặt không muốn bị chế độ cộng sản Trung Quốc thống trị, mặt khác là phải có một chính sách khôn ngoan để không cho Bắc Kinh một cái cớ nào, dù nhỏ, đe dọa an ninh của mình.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : Ông Tạ Đình Trường – bên trái- và ông Mã Anh Cửu)

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TÂY TẠNG : Phương Tây phản ứng thận trọng

20/03/2008_ Kể từ khi nổ ra những vụ đàn áp biểu tình đẫm máu ở Tây Tạng, phản ứng của các nước phương Tây nói chung rất chừng mực, trong khi các cuộc biểu tình lên án Trung Quốc gia tăng khắp nơi trên thế giới. Đa số các chính phủ chỉ lên tiếng kêu gọi chính quyền Trung Quốc và người Tây Tạng nên kềm chế. Không một chính phủ nào ủng hộ việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm thứ hai vừa qua kêu gọi chính quyền Bắc Kinh tránh để tiếp diễn xung đột và bạo lực.

Tuy nhiên, cho tới nay Liên Hiệp Quốc chưa đưa vấn đề Tây Tạng ra bàn thảo, do ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc trong tổ chức này. Trong số các lãnh đạo hiếm hoi dám lên tiếng mạnh mẽ, có Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Hans-Gert Poettering. Ông Poettering đề nghị những lãnh đạo chính trị dự trù tham dự Thế Vận Hội nên nghĩ đến việc tẩy chay. Theo chiều hướng đó, tổ chức Phóng viên Hhông Biên giới vào đầu tuần này đã kêu gọi các vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội. Hôm thứ ba vừa qua, ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner tuyên bố là các giới chức Pháp có thể xem xét khả năng tẩy chay lễ khai mạc. Nhưng hôm qua, ông lại thay đổi ý kiến. Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh RMC và đài truyền hình BFM-TV, ông Kouchner cho rằng đề nghị nói trên không thực tế và Paris sẽ không ủng hộ. Tuy vậy, ông Kouchner thông báo là vấn đề này sẽ được đem ra bàn thảo trong một họp giữa các ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu vào tuần tới ở Slovenia. Nhưng không chắc là Liên hiệp châu Âu sẽ có một quyết định dứt khoát.

Phản ứng chừng mực của quốc tế thật ra không có gì là khó hiểu, bởi lẽ Trung Quốc là một thị trường quá lớn. Các nước phương Tây, kể cả Hoa Kỳ, không muốn vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế, cho nên sẽ không có chuyện trừng phạt thương mại Trung Quốc, giống như phương Tây đã làm với Miến Điện khi chính quyền quân sự nước này đàn áp các cuộc biểu tình do các tu sĩ Phật giáo khởi xướng. Cuộc đàn áp biểu tình ở Tây Tạng lại diễn ra trong bối cảnh là kinh tế của Mỹ đang bước vào suy thoái, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc và do đôla mất giá, khiến kinh tế các nước công nghiệp khác sụt giảm theo. Với một lượng dự trữ ngoại tệ được ước tính lên đến 1.500 tỷ đôla, Trung Quốc càng đóng vai trò quan trọng. Nếu Bắc Kinh ngưng mua trái phiếu của Mỹ, đồng đôla có thể sẽ sụt giá hơn nữa. Nhưng bản thân kinh tế Trung Quốc cũng phụ thuộc vào các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu để xuất khẩu hàng hóa. Cho nên, một số chuyên gia về Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đừng ngại tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Dẫu sao, nếu các vụ đàn áp đẫm máu ở Tây Tạng tiếp diễn thì phản ứng của quốc tế chắc là sẽ mạnh mẽ hơn. Thêm vào đó, bối cảnh vận động tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ trong năm nay có thể sẽ thúc đẩy Washington có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh và điều này sẽ ảnh hưởng đến thái độ của những nước phương Tây khác.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Áp phích lên án việc tổ chức JO-2008 tại Bắc kinh, được dán ở Dharamsala- Ấn độ, ngày 9/3/2008)

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TÂY TẠNG : Trung Quốc kiên quyết duy trì sự thống trị.

19/03/2008_ Vì quyền lợi chiến lược và kinh tế, Trung Quốc kiên quyết dùng võ lực để duy trì sự thống trị Tây Tạng, bất chấp công luận quốc tế.

Trong lúc làn sóng phản đối Trung Quốc đàn áp dã man người Tây Tạng dâng lên khắp nơi trên thế giới, Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tây Tạng đã tuyên bố : « Trung Quốc đang ở giữa một cuộc đấu tranh sống còn chống lại bè lũ Đạt Lai Lạt Ma ». Lời tuyên bố này một lần nữa cho thấy lập trường cứng rắn của Bắc Kinh, sẵn sàng dùng bạo lực để xác lập quyền thống trị trên lãnh thổ Tây Tạng, cho dù hình ảnh có bị sứt mẻ trên trường quốc tế. Theo các nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc kiên quyết nắm chặt Tây Tạng, trước tiên hết đó là vì khu vực này mang một giá trị chiến lược quan trọng hàng đầu về mặt quân sự và kinh tế đối với Bắc Kinh.

Nhìn tấm bản đồ châu Á, người ta thấy ngay là vùng cao nguyên Tây Tạng nằm giữa ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Vị trí trung tâm này mang lại ưu thế rõ rệt cho quốc gia nào chiếm giữ được lãnh thổ đó. Theo ông Andrew Fischer, chuyên gia về Tây Tạng tại Viện Nghiên cứu Phát triển ở Luân Đôn, trên bình diện an ninh quốc gia, chiếm lĩnh hẳn vùng cao mang lại nhiều lợi thế hơn là có một sân sau mà mình không kiểm soát được. Còn theo bà Anne Marie Blondeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tư liệu về khu vực Tây Tạng ở Paris, hiện nay, Tây Tạng được Trung Quốc sử dụng làm địa bàn khống chế toàn bộ khu vực Nam Á. Theo các nhà phân tích, khi xây dựng tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc với thủ phủ Lhassa, một trong những ẩn ý của Bắc Kinh là tăng cường khả năng chuyển quân nhanh chóng lên Tây Tạng trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Ấn Độ hay Nga như hồi thập niên 60 chẳng hạn.

Riêng đối với bà Claude Levenson, chuyên gia về Trung Quốc, tác giả nhiều công trình biên khảo về Tây Tạng, bên cạnh yếu tố chiến lược quân sự, cũng có thể kể đến vấn đề áp lực dân số, Tây Tạng vốn ít người đã bị Trung Quốc chọn làm vùng đất di dân cho các khu vực khác đang bị nạn nhân mãn. Trả lời RFI, bà Levenson phân tích : « Sở dĩ Trung quốc nắm chặt Tây Tạng như thế, đơn thuần đó chỉ là vì lý do chiến lược. Ai nắm được Tây Tạng, ở độ cao 3500 mét bên trên lục điạ Á châu, là nắm giữ một vùng cao chiến lưọc. Trung quốc nhờ đó có thể chế ngự Ấn Độ và tất cả các quốc gia ở vùng Hy Mã Lạp Sơn. Tóm lạ,i đối với Trung Quốc, đây là vấn đề lợi ích chiến lưọc và quân sự của họ. Ngoài ra, còn những quyền lợi về không gian, mặt bằng sinh sống. Tây Tạng là một nước rộng lớn, hơn 2 triệu cây số vuông, nhưng hầu như là trống vắng theo tiêu chuẩn quốc tế, vì chỉ có khoảng 6 triệu cư dân. Điều này thích hợp cho việc di dân Trung Quốc. Dĩ nhiên là họ phải sống trong điều kiện rất khó khăn. Sinh hoạt ở đây không dễ. Nói cách khác, định cư, sinh sống, chống chọi với khí hậu khắc nghiệt ở đây không phải là dễ dàng ».

Tầm quan trọng của Tây Tạng đối với Trung Quốc còn gia tăng hơn nữa trong giai đoạn hiện nay khi vấn đề khan hiếm nguồn nước uống được đặt ra. Tây Tạng là nơi bắt nguồn của rất nhiều con sông lớn ở châu Á, trong đó có cả dòng Mêkong. Theo một giáo sư tại Trung tâm Tây Tạng học thuộc trường đại học Tứ Xuyên, thì Tây Tạng chính là nguồn cung cấp nước cho Trung Quốc, nếu chẳng may có điều gì xẩy ra cho vùng lãnh thổ này, toàn bộ Trung Quốc sẽ phải chịu tác hại trực tiếp.

Tất cả những lý do kể trên giải thích vì sao chỉ một năm sau khi giành được chính quyền tại Trung Quốc, cố lãnh đạo Mao Trạch Đông đã xua ngay quân lên xâm chiếm Tây Tạng vào tháng 10 năm 1950 và từ đó đến nay, sẵn sàng dùng võ lực dìm các phong trào nổi dậy của người Tây Tạng trong biển máu. Căn cứ vào các diễn biến trong những ngày gần đây, khi quân đội Trung Quốc thẳng tay nổ súng vào người Tây Tạng, giới quan sát đang lo ngại trước khả năng kịch bản đàn áp đẫm máu vào những năm 1959 và 1989 tái diễn. Nỗi lo ngại lại càng lớn khi theo các chuyên gia, chính quyền Bắc Kinh không muốn Tây Tạng trở thành tiền lệ, khích động ý hướng đòi độc lập hay tự quyết của các vùng nhậy cảm khác thuộc Trung Quốc như Nội Mông, Tân Cương, thậm chí Đài loan. Chính vì các lý do đó mà theo ông Joseph Cheng, một chuyên gia phân tích chính trị tại Hồng Kông, dù sẽ bị lúng túng trước phong trào phản đối bùng lên tại Tây Tạng, Trung Quốc sẽ không bao giờ buông vùng đất này.
Trọng Nghĩa

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TÂY TẠNG : Giới trẻ không tán đồng đường lối « trung dung »

18/03/2008_ Từ lâu, đức Đạt Lai Lạt Ma đã từ bỏ yêu sách đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này và đã chọn một đường lối đấu tranh gọi là « con đường trung dung », tức là chỉ đòi cho Tây Tạng được hưởng một quyền tự trị rộng rãi. Nói chung, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền trên vùng lãnh thổ này, nên Ngài đặt mục tiêu là giành quyền tự trị, để ít ra bảo vệ được Tây Tạng khỏi nguy cơ diệt chủng văn hóa. Hôm chủ nhật vừa qua, tuy lên án « chế độ khủng bố » của Trung Quốc, nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma không hề nhắc đến chuyện cắt đứt đối thoại với Bắc Kinh và cũng không kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội.

Thế nhưng, đường lối đấu tranh ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma không được sự tán đồng của giới trẻ Tây Tạng. Thật ra, bất đồng giữa lớp trẻ Tây Tạng với thế hệ lớn tuổi trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong không phải là chuyện gì mới mẻ, nhưng bất đồng này càng trở nên sâu sắc sau những vụ đàn áp biểu tình đẫm máu tại Tây Tạng trong những ngày qua. Tại Dharamsala, Ấn Độ, hôm qua, Đại hội Thanh niên Tây Tạng đã lên tiếng chỉ trích lập trường ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ kêu gọi tiếp tục biểu tình cho đến khi nào Tây Tạng được độc lập và đối với họ Trung Quốc không xứng đáng tổ chức Thế Vận Hội. Chủ tịch của Đại hội Thanh niên Tây Tạng, Tswegang Rigzin cho rằng : « Rất nhiều người Tây Tạng mong muốn độc lập và họ rất thất vọng, nhất là lớp trẻ. Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn là lãnh tụ của chúng tôi, nhưng mỗi người dân Tây Tạng có quyền làm thay đổi tình hình ». Theo anh Rigzin, sau sáu năm đối thoại với Bắc Kinh, hai bên vẫn còn những bất đồng căn bản. Anh tuyên bố : « Khi đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 qua đời, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập ».

Bản thân đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn nhận : « Nói chung người Tây Tạng tuân thủ nguyên tắc bất bạo động của tôi, nhưng đúng là do không kềm chế được cảm xúc, một số người đã sử dụng đến bạo lực ». Hôm nay, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng nhắc lại rằng Ngài không kiểm soát được bạo động ở Tây Tạng và tuyên bố Ngài sẽ từ chức nếu tình hình trở nên trầm trọng hơn. Tuyên bố này phần nào phản ánh sự bất lực của đức Đạt Lai Lạt Ma vì ngày càng khó mà thuyết phục người dân Tây Tạng, nhất là giới trẻ, về tính đúng đắn của đường lối trung dung mà Ngài chủ trương. Nhất là sau những vụ đàn áp vừa qua, không ai biết là đối thoại giữa các đặc sứ của đức Đạt Lai Lạt Ma và đại diện của Trung Quốc có sẽ tiếp tục hay không. Ngay cả trong nội bộ chính phủ Tây Tạng lưu vong nay cũng bị chia rẽ trên vấn đề này và bản thân Thủ tướng của chính phủ này cho biết là họ có thể xét lại đường lối trung dung mà đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trương.

Tóm lại, sau gần 50 năm đất nước của họ sống dưới ách thống trị của Trung Quốc, giới trẻ Tây Tạng lưu vong, mà đa số sinh trưởng ở nước ngoài thấy rằng đấu tranh ôn hòa chẳng đi đến đâu và muốn tự mình nắm lấy vận mệnh đất nước trong tay với quyết tâm giành độc lập. Những thành viên của tổ chức Đại hội Thanh niên Tây Tạng thậm chí không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đạt mục tiêu đó.
Thanh Phương
(Ảnh - AFP : Đức Đạt Lai Lạt Ma tại cuộc họp báo ngày 13/03/2008, ở Dharamsala - Ấn Độ)

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

JO BẮC KINH : Tham dự để buộc Trung Quốc cải thiện về nhân quyền

17/03/2008_ Chỉ còn năm tháng nữa là đến Thế Vận Hội Olympique Bắc Kinh và đa số các vận động viên, giới phụ trách thể thao quốc tế đều tỏ thái độ không muốn tẩy chay sự kiện này. Mặc dù vừa xẩy ra việc chính quyền Trung Quốc thẳng tay đàn áp những cuộc biểu tình của người Tây Tạng, nhưng giới thể thao cho rằng Thế Vận Hội là phương tiện thu hút sự chú ý của công đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.

Theo ông, Alejandro Blanco, Chủ tịch Ủy ban Olympique Tây Ban Nha, được AFP trích dẫn, thì điều chắc chắn là nhờ có Thế Vận Hội, hồ sơ nhân quyền tại Trung Quốc sẽ có một bước tiến lớn. Còn chủ tịch Liên đoàn Judo Pháp Jean Luc Rougé, ngày hôm qua, cũng nhận định rằng Thế Vận Hội thật là nguy hiểm đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hơn là mối lợi mà họ nghĩ rằng có thể thu được qua việc tuyên truyền. Nếu không có Thế Vận Hội thì có lẽ thế giới sẽ không có cùng tiếng nói mạnh mẽ như vậy về các sự kiện vừa xẩy ra tại Tây Tạng.

Cho đến nay, mới chỉ có một vài vận động viên đơn lẻ tỏ ra băn khoăn về việc tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, sau những vụ đổ máu tại Tây Tạng. Vận động viên bộ môn đua ngựa, Lugder Beerhbaum, người Đức, tự hỏi có nên tham dự trong những điều kiện như vậy hay không. Trong khi đó, ông Thomas Bach, phó chủ tịch Uỷ ban Olympique Quốc tế, CIO, đồng thời là chủ tịch Uỷ ban Olypique quốc gia Đức bầy tỏ sự thông cảm với những trăn trở của các vận động viên vì đó là danh dự của họ. Nhưng theo ông, nếu xem xét kỹ tình hình thì các vận động viên sẽ thấy là việc tham dự vẫn tốt hơn là đứng ngoài Thế Vận Hội. Do vậy, giới thể thao hướng nhìn vào Ủy ban Olympique Quốc tế. Năm 2001, quyết định của CIO để cho thành phố Bắc Kinh đăng cai Olympique 2008 đã bị chỉ trích gay gắt. Giờ đây, trước việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người biểu tình Tây Tạng, CIO lại tỏ ra tiết kiệm lời nói. Hôm thứ sáu tuần trưóc, tại Porto Rico, trước các câu hỏi dồn dập của giới báo chí, Chủ tịch Uỷ ban Olympique Quốc tế Jaques Rogge chỉ nói rằng CIO rất coi trọng các vấn đề nhân quyền và giá trị nhân bản, nhưng không phải là một tổ chức tranh đấu như Amnesty International hay GreenPeace. CIO chỉ quan tâm làm sao tổ chức Thế Vận Hội một cách tốt nhất. Hôm qua, phát ngôn viên của tổ chức này bổ xung là CIO chia sẻ quyết tâm của mọi người là cần phải đạt được một giải pháp hoà bình cho các căng thẳng tại Tây Tạng.

Chính phủ nhiều nước phương tây, một mặt kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt các hành động đàn áp, thậm chí một số nước còn đòi mở điều tra về những gì đã xẩy ra tại Tây Tạng, mặt khác, họ vẫn cho rằng không nên tẩy chay Thế Vận Hội Băc Kinh. Ngay Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngày hôm qua, đã cho rằng cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm tinh thần nhắc nhở Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ với tư cách nước chủ nhà, tổ chức Thế Vận Hội nhưng đồng thời Ngài cũng chống lại việc tẩy chay.

Kể từ khi Thế Vận Hội được thành lập năm 1896 đến nay, đã có bẩy lần sự kiện thể thao lớn nhất nhì hành tinh này bị một số một số quốc gia tẩy chay vì lý do chính trị. Thế nhưng, không một nước nào tẩy chay Thế Vận Hội Berlin, được khai mạc một cách trọng thể ngày mồng một tháng tám năm 1936 bởi Adolf Hitler.
Đức Tâm

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

PHÁP : Cánh hữu cố gắng hạn đà chế thắng lợi của cánh tả

16/03/2008_ Hôm nay cử tri Pháp lại đi bỏ phiếu trong vòng hai bầu cử các hội đồng thành phố, thị xã và vòng hai bầu cử các hội đồng tỉnh, nhưng mọi con mắt hiện đang đổ dồn về các thành phố lớn, nơi mà đảng Xã hội có khả năng đánh bại cánh hữu, như Strasbourg, Toulouse và Marseille. Đặc biệt, tại Marseille, chiến thắng của đảng Xã hội đối với đảng UMP sẽ có tác động rất lớn về mặt biểu tượng. Tại Paris, đô trưởng thuộc đảng Xã hội Bertrand Delanoe gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ. Còn tại Lyon, thị trưởng Gérald Colomb, cũng thuộc đảng Xã hội, đã tái đắc cử ngày từ vòng đầu.

Vấn đề là trong vòng đầu ngày chủ nhật vừa qua, tỷ lệ đi bầu rất là thấp, với một phần ba cử tri, tức là 33,54% đã không thi hành nghĩa vụ công dân, mức kỷ lục đối với một cuộc bầu cử hội đồng địa phương tại Pháp, tính từ năm 1959. Do chưa giành được một chiến thắng áp đảo như dự báo trước đó, cho nên cánh tả đã kêu gọi cử tri của phe này tham gia bỏ phiếu đông đảo để trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa chính phủ cánh hữu. Trong những ngày qua, đảng Xã hội và các đảng cánh tả khác tiếp tục khai thác nỗi bất mãn của dân Pháp do sức mua của họ bị sụt giảm. Bên cánh hữu cũng đã cố gắng huy động cử tri của mình để hạn chế đà thắng lợi của cánh tả. Thành ra, kết quả vòng hai là tùy thuộc vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày hôm nay.

Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tuyên bố rằng cho dù kết quả bầu cử hôm nay là như thế nào đi nữa, ông sẽ không thay đổi đường lối lãnh đạo. Thế nhưng nếu cánh hữu bị thua quá nặng trong cuộc bầu cử địa phương lần này, vị thế của tổng thống Pháp sẽ bị suy yếu thêm, trong lúc mà uy tín của ông đã bị sụt giảm mạnh, chỉ 10 tháng sau khi lên nắm quyền. Thấy trước là cánh hữu sẽ thất bại, thứ ba vừa qua, tổng thống Sarkozy đã bảo đảm là ông sẽ tính đến kết quả bầu cử hội đồng thành phố, thị xã, nhưng không nói rõ là ông sẽ làm gì. Theo nguồn tin từ giới thân cận của tổng thống Sarkozy, ngay từ đầu tuần sau, ông sẽ cải tổ nội các của thủ tướng François Fillon, nhưng sẽ không có thay đổi lớn trong thành phần chính phủ. Về phần các chính đảng, kết quả bầu cử hôm nay cũng sẽ có những tác động quan trọng. Trong nội bộ đảng cánh hữu UMP, căng thẳng đã gia tăng, trước khả năng đảng này bị thất bại nặng nề. Tổng thư ký đảng UMP, ông Patrick Devejian bị coi là kẻ chịu trách nhiệm chính của thất bại này và rất có thể sẽ bị mất chiếc ghế lãnh đạo. Còn bên đảng Xã hội, thắng lợi trong kỳ bầu cử lần này sẽ đẩy nhanh hơn nữa cuộc chạy đua vào chức lãnh đạo đảng, thay thế ông François Hollande và xa hơn là giành vị trí ứng cử viên tổng thống cho kỳ bầu cử năm 2012. Tái đắc cử chức trưởng Paris lần này, ông Bertrand Delanoe sẽ củng cố thêm vị thế và có thể ngăn chận đà tiến của bà Ségolène Royal, vốn vẫn không từ bỏ tham vọng ra tranh cử tổng thống.
Thanh Phương
(Ảnh : Journal Chrétien)

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TRUNG QUỐC : Thẳng tay đàn áp biểu tình ở Tây Tạng

15/03/2008_ Dù cố gắng bưng bít, sự kiện lực lượng an ninh Trung Quốc, dùng bạo lực tấn công người Tây Tạng biểu tình tại thủ phủ Lhassa vào hôm qua đã được loan truyền khắp trên thế giới thông qua mạng Internet, khiến hình ảnh của Trung Quốc hoen ố thêm đúng vào lúc nước này đang cố gắng tô điểm lại bộ mặt để chào đón Thế Vận Hội Bắc Kinh. Trước hết, hình ảnh lực lượng an ninh hùng hậu được chiến xa yểm trợ đi tuần tra trên các đường phố Lhassa, một ngày sau khi chính quyền nổ súng bắn đạn thật vào đám đông biểu tình đã không khỏi gợi lại chiến dịch đàn áp đẫm máu mà Trung Quốc đã tiến hành tại nơi này cách nay gần năm chục năm. Vào năm 1959, cũng với mục tiêu ngăn chặn phong trào biểu tình tố cáo Trung Quốc vị phạm nhân quyền tại Tây Tạng, Bắc Kinh đã tung quân đội đàn áp dã man những người phản đối. Chiến dịch kéo dài hơn ba ngày, sát hại gần 87 ngàn người Tây Tạng chỉ riêng tại miền trung lãnh thổ này.

Từ đầu tuần đến nay, các vụ đàn áp, kèm theo chiến dịch truy bắt những người biểu tình, đã nêu bật hình ảnh của một chế độ chuyên chế, sẵn sàng thẳng tay đàn áp các tiếng nói bất đồng, bất chấp những lời cam kết tôn trọng nhân quyền khi đăng cai Thế Vận Hội Bắc Kinh. Ngoài ra, hành động thô bạo lại diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích về việc tăng cường đàn áp giới ly khai chính trị. Ví dụ điển hình là phiên toà xét xử nhà ly khai trẻ tuổi Hồ Giai. Nhân vật này bị buộc tội khích động phản nghịch chỉ vì đã dám tố cáo Bắc Kinh không tôn trọng những cam kết cải thiện nhân quyền khi xin tổ chức Thế Vận Hội. Cho đến nay, Hoa Kỳ cũng như Nghị Viện châu Âu và Ủy ban châu Âu đã lên tiếng can thiệp cho nhà ly khai Hồ Giai nhưng chưa được Trung Quốc đáp ứng. Sau cùng, sự kiện người Tây Tạng, đứng đầu là các vị sư, vẫn bất chấp đàn áp để nổi lên phản đối chính sách của Trung Quốc đối với họ, cũng nêu bật lòng phẫn uất của người Tây Tạng. Mới đây, bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố : « Tình hình ở Lhassa vẫn ổn định nhờ các nỗ lực của chính quyền địa phương và nhờ công cuộc quản lý dân chủ các đền chuà ». Nhận định kể trên đã bị thực tế phản bác. Theo một đại diện Đức Đạt Lai Lạt Ma tại nước ngoài, các cuộc biểu tình mới đây cũng là phản ứng trước chủ trương của Bắc Kinh tăng cường đàn áp người dân Tây Tạng. Hình ảnh một đất nước hài hoà mà Trung Quốc muốn phô trương trước thế giới nhân Thế Vận Hội Bắc kinh như vậy đã bị vấn đề Tây Tạng tác hại.

Theo các nhà quan sát, đối với Trung Quốc, hồ sơ Tây Tạng đang biến thành một bài toán nan giải. Đối với những người Tây Tạng, bị Trung Quốc chèn ép trong hàng chục năm qua, trong sự thờ ơ tương đối của cộng đồng quốc tế, lúc này là thời điểm duy nhất mà họ có thể tranh thủ để đánh động dư luận. Theo bà Valérie Niquet, chuyên gia về châu Á tại Học Viện Quan hệ Quốc tế, IFRI, ở Paris, các nhà sư Tây Tạng đủ nhậy cảm với tình hình quốc tế để hiểu rằng lúc này là một thời cơ hết sức thuận tiện. Chính vì vậy mà tình hình căng thẳng tại Tây Tạng có khả năng tiếp diễn trong những ngày sắp tới đây. Do việc quốc tế đang chú mục vào Bắc Kinh để theo dõi việc tổ chức Thế Vận Hội, Trung Quốc khó có thể che mắt thế giới để yên tâm lập lại một chiến dịch đàn áp trên quy mô rộng như trước đây. Tây Tạng như vậy đang trở thành một vần đề gai góc đối với Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : Reuters : Quân đội Trung Quốc bao vây thủ phủ Lhassa ngày 15/03/2008. Du khách ngoại quốc bị cấm tới đây cũng như các nơi khác trên lãnh thổ Tây Tạng)

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

IRAK : Quân đội Mỹ có dấu hiệu mệt mỏi sau 5 năm chiến tranh

14/03/2008_ Sau năm năm triển khai binh sĩ tại Irak, quân đội Hoa Kỳ, lực lượng quân sự số một thế giới, có nhiều dấu hiệu tỏ ra mệt mỏi, tác động đến khả năng tác chiến. Trên đây là nhận định của giới quan sát, dựa theo cuộc thăm dò dư luận trên quy mô chưa từng thấy, đối với 3400 sĩ quan tại ngũ và đã về hưu. Cuộc thăm dò do tạp chí Foreign Policy và Center for a New American Security thực hiện. Theo kết quả cuộc thăm dò vừa được công bố đầu tháng ba vừa qua, có tới 60% số sĩ quan được hỏi cho rằng quân đội Mỹ hiện nay yếu kém hơn so với cách đây 5 năm. Điều đáng chú ý hơn cả là 88% nhận định rằng chiến tranh Irak đã thúc đẩy quân đội Hoa Kỳ tới những giới hạn nguy hiểm, từ ngữ trong nguyên văn. Theo 80% số sĩ quan được hỏi ý kiến, thật là phi lý nếu nghĩ rằng quân đội Mỹ có thể tiếp tục tiến hành thêm một cuộc chiến tranh nữa, sau nhiều năm được huy động, căng trải trên chiến trường Afghanistan và Irak.

Theo AFP, ý thức được thực trạng mệt mỏi này, trong thời gian qua, các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Mỹ đã đề xuất việc giảm stress cho binh sĩ. Cụ thể là giảm bớt thời gian phục vụ trên chiến trường Irak xuống còn 12 tháng, thay vì 15 tháng như hiện nay. Biện pháp này càng trở nên cấp bách khi mà Hoa Kỳ đã quyết định đưa thêm hàng ngàn quân sang Afghanistan nhằm đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng. Hiện nay, có tất cả 32 ngàn binh sĩ Mỹ hiện diện tại Afghanistan. Vào cuối tháng hai vừa qua, trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ, Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, tướng George Casey đã cảnh báo, xin trích, « Hậu quả tích tụ của 6 năm chiến tranh (kể từ khi có chiến tranh Afghanistan) đã làm cho lực lượng bộ binh bị mất cân đối và hạn chế khả năng chuẩn bị các nhiệm vụ khác ». Hết lời dẫn. Do vậy, tướng Casey hy vọng là vào mùa hè năm nay, số binh sĩ Mỹ tại Irak sẽ giảm từ 157 ngàn xuống còn 140 ngàn. Trong khi đó, tướng Raymond Odierno, phó Tham mưu trưởng lực lượng bộ binh, đề xuất kéo dài thời gian phục hồi sức khoẻ cho binh sĩ giữa hai đợt điều quân, tức là cứ một năm phục vụ chiến trường thì có hai năm đóng quân tại Hoa Kỳ.

Năm năm sau khi phát động chiến tranh, chính quyền Mỹ vẫn chưa bình định được Irak. Tính cho đến ngay hôm qua, 13/03/2008, theo thống kê của AP, 3987 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại nước này.

Về mặt kinh tế, cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan là một gánh nặng đối với Hoa Kỳ. Văn phòng phụ trách ngân sách của Quốc hội Mỹ, CBO, ước tính là chi phi liên quan đến các cuộc chiến tranh, từ nay đến năm 2017 sẽ giao động trong khoản từ 1200 đến 1700 tỷ $. Thế nhưng, theo giải thưởng Nobel kinh tế, Joseph Stiglitz, chỉ tính riêng Irak, sau 5 năm Hoa Kỳ phát động chiến tranh, trong năm 2008 này, mỗi tháng Hoa Kỳ tốn kém khoảng 12,5 tỷ $, trong khi đó, vào năm 2003, chi phí này là 4,4 tỷ. Nếu tính gộp với chiến tranh Afghanistan, chi phí thông thường mỗi tháng lên tới 16 tỷ, tương đương với ngân sách hàng năm của Liên Hiệp Quốc. Do vậy, theo kinh tế gia Stiglitz, cuộc chiến Irak sẽ làm cho Hoa Kỳ tốn kém ít nhất là 3000 tỷ $, vượt xa số tiền đổ vào 12 năm chiến tranh Việt Nam trước đây.

Trong bối cảnh đó, một dấu hiệu khác cho thấy sự bất đồng giữa giới quân sự và chính trị trong việc tiến hành chiến tranh. Đó là việc đô đốc William Fallon, chỉ huy trưởng cả hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan, đã từ chức ngày 11/03/2008, mà theo giới phân tích, chỉ vì ông đã bất đồng với lập trường hiếu chiến của chính quyền Bush trong hồ sơ Iran.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận đăng trên nhật báo USA Today ngày hôm qua, thì có tới 60% nguời dân Mỹ cho rằng chiến tranh Irak là một sai lầm.
Đức Tâm
(Ảnh : www.armees.com)

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

TÂY TẠNG: Biểu tình của tu sĩ phật giáo lan rộng

13/03/2008_ Năm tháng trước ngày khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã bất ngờ phải đau đầu với hồ sơ Tây Tạng. Trong khi vẫn tiếp tục bị đả kích từ bên ngoài vì chính sách chiếm đóng Tây Tạng, Bắc Kinh còn phải đối phó với những cuộc biểu tình của các tu sĩ Tây Tạng ngay trong nước. Theo ghi nhận của phong trào quốc tế đấu tranh cho Tây Tạng, International Campaign for Tibet, từ thứ hai đầu tuần, cả ngàn tu sĩ Tây Tạng đã liên tục thách thức chính quyền Trung Quốc ở nhiều nơi, bất chấp đàn áp và bắt bớ.

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày dân Tây Tạng nổi dậy chống ách xâm lược của Trung Quốc, vào hôm thứ hai, khoảng 500 vị sư tại tu viện Drepung đã tuần hành ở Lhassa, thủ phủ Tây Tạng. Cuộc biểu tình này đã bị chính quyền Trung Quốc đánh giá là ''bất hợp pháp'' và ''đe dọa ổn định xã hội''. Cùng ngày, 400 vị sư khác ở tu viện Lutsang, thuộc tỉnh Thanh Hải, cũng đồng thanh lên tiếng yêu cầu chính quyền cho Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi hương. Lãnh tụ tinh thấn của người Tây Tạng đã phải lưu vong từ năm 1959 sau khi cuộc nổi dậy bị Trung Quốc đè bẹp. Khoảng một trăm nhà sư khác ở Myera, tỉnh Cam Túc cũng hoà nhịp biểu tình phản đối. Đến ngày hôm qua, thứ tư, lại có 600 vị sư ở tu viện Sera xuống đường đòi chính quyền trả tự do cho một chục người đã bị bắt hồi đầu tháng vì đã trương cờ Tây Tạng và hô khẩu hiệu đòi độc lập cho nước này. Hai ngàn công an Trung Quốc đã được huy động, dùng lựu đạn cay để giải tán cuộc biểu tình.

Theo giới quan sát, phong trào đấu tranh của các tu sĩ kể trên mang quy mô rầm rộ nhất từ năm 1989 đến nay. Vào thời ấy, để trấn áp biểu tình, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phải ban hành thiết quân luật. Bà Mary Beth Markey, Phó Chủ tịch Phong trào Quốc tế Đấu tranh cho Tây Tạng - International Campaign for Tibet, cho rằng các cuộc biểu tình lần này có thể dự báo cho một cuộc đọ sức mới giữa người Tây Tạng và chính quyền Trung Quốc. Các nhà phân tích đã gắn liền phong trào phản kháng của giới tu sĩ Tây Tạng lần này với mối quan tâm trở lại của công luận quốc tế về số phận của Tây Tạng. Sự kiện gần đây nhất là hành động của nữ danh ca nhạc pop Bjork, người Iceland ngay tại Thượng Hải. Nhân một buổi trình diễn hôm mồng một tháng ba, giữa bài hát Declare Independance, tạm dịch là Hãy tuyên bố độc lập, viết về quần đảo Greenland và Feroe thuộc Đan Mạch, ca sĩ Bjork đã nhiều lần hô vang từ ''Tây Tạng''.

Phải nói là khi xin được tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền và tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Thế nhưng trong thực tế Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp đối lập. Tại Tây Tạng, chính sách trấn áp còn dữ dội thêm với việc chính quyền tung người vào các ngôi chùa, buộc các tu sĩ phải chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong bối cảnh đó, người Tây Tạng đã tìm cách tranh thủ cơ hội Bắc Kinh trở thành trọng tâm chú ý của thế giới với Thế Vận Hội. Mục tiêu là để đánh động công luận quốc tế về sự áp bức mà họ đang phải gánh chịu.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Ngày 10/03/2008, tại Dharamsala - Ấn Độ, các sư sãi Tây Tạng sống lưu vong kỷ niệm 49 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma buộc phải rời bỏ quê hương)

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

VIỆT NAM : IMF cảnh báo kinh tế quá nóng

12/03/2008_ Trong những ngày qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo về tình trạng tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế Việt Nam. Trong bức thư gởi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt Nam ngày 3 tháng 3, Vụ trưởng Vụ châu Á Thái Bình Dương của Quỹ này, ông David Burton, đã ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng nóng của nền kinh tế Việt Nam, mà biểu hiện là lạm phát và nhập siêu cao.

Tiếp đến, trong bài viết đề ngày 7 tháng 3 đăng trên trang web của tổ chức này, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Shogo Ishii, đã lưu ý rằng mặc dù kinh tế Việt Nam gần đây nhận được rất nhiều sự ca ngợi, nhưng đã có dấu hiệu ngày càng rõ hơn về nền kinh tế đang tăng trưởng nóng, đe doạ đến tăng trưởng kinh tế bền vững về trung hạn. Theo ông, mối lo ngại chính xuất phát từ sự mất cân đối ngày càng tăng trong nước cũng như về đối ngoại. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đã lên đến khoảng 50% trong năm ngoái và chính điều này đã góp phần làm cho lạm phát gia tăng, vượt mức 14% trong tháng giêng vừa qua. Cũng theo ông Shogo Ishii, giá bất động sản ở các thành phố lớn đang tăng mạnh.


Ngoài ra, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, nhưng do nhu cầu tiêu thụ rất mạnh, cho nên nhập khẩu cũng tăng nhanh, làm trầm trọng hơn thâm hụt cán cân thương mại. Trong bối cảnh những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang tăng trưởng chậm lại, kinh tế Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức. Ông Shogo Ishii khuyến nghị Việt Nam là nên thi hành một số chính sách, như kềm chế tăng trưởng tín dụng, áp dụng một tỷ giá linh hoạt hơn và kềm chế chi tiêu của khu vực công. Về khu vực công của Việt Nam, Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhấn mạnh rằng do nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn, cần phải chú trọng đến việc nâng cao tính hiệu quả đầu tư của khu vực công và giảm các dự án không hiệu quả.

Đến ngày 10 tháng 3 năm 2008, Đại diện Thường trú Cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Benedict Bingham đã công bố một thông cáo báo chí, một lần nữa bày tỏ mối quan ngại của tổ chức này về tình trạng tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế Việt Nam. Trong bản thông cáo này, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị là Việt Nam nên điều chỉnh chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất có kiểm soát, đồng thời nên áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn để kiểm soát lạm phát có hiệu quả và giảm sự mất cân bằng trên thị trường ngoại hối. Hiện giờ, Ngân hàng Nhà nước, tức là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam, ấn định tỷ giá cho mỗi ngày. Các ngân hàng chỉ được phép buôn bán ngoại tệ trong một biên độ rất hẹp, biên độ này gần đây đã được Ngân hàng Nhà nước nới ra chút ít. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng Việt Nam cần thi hành một chính sách linh hoạt hơn khi ấn định hối suất mỗi ngày, thay vì chỉ mở rộng biên độ giao dịch.

Bản thông cáo nói trên được công bố sau các cuộc thảo luận vào tuần trước giữa đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc với các giới chức cao cấp của chính phủ Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát không ngừng gia tăng và trong tháng hai đã lên đến mức 15,7%. Những lời cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã được đưa ra kịp thời, vấn đề là chính phủ Hà Nội có đủ khả năng và quyết tâm để thực hiện những khuyến nghị do tổ chức này đưa ra hay không.
Thanh Phương
(Ảnh : www.dismalworld.com)

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2008

Một phần Tennessee trong mỗi chúng ta.

07/03/2008_ Tạp chí Paris Văn nghệ do Bảo Thạch biên soạn, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Tennessee Williams qua đời.

Ở Pháp, có một bài ca rất thịnh hành, vinh danh nhà văn Tennessee Williams như sau : « Ai trong chúng ta chẳng mang một phần Tennessee / Cái ham muốn sống cho đêm không tàn, cho ngày không tắt / Cái tham vọng ngông cuồng thay đời đổi kiếp / Cái giấc mơ trong ta với những dòng chữ của Tennessee ».

Tennessee Williams đã mất cách nay 25 năm, ngày 25 tháng 2 năm 1983 trong Elysee Hotel tại New York. Một người già, đã có thời giàu có và nổi tiếng khắp thế giới, chết một mình trong hoàn cảnh khả nghi. Vì tai nạn hay tự vẫn ? Hay chăng vì đã kiệt lực ? Vào buổi tối hôm trước, theo lời kể của nhân viên khách sạn, ông đã uống như bình thường, nghĩa là 3 hay 4 chai rượu vang. Cuộc giảo nghiệm cho biết nạn nhân đã chết ngạt. Có lẽ vì bất cẩn, ông đã uống nhầm cái nút ống thuốc tây. Hoặc vì quá say, ông không dùng ngón tay mà lại lấy răng để mở ống thuốc cho nên mới nuốt phải cái nút.

Cái chết của Tennessee Williams bạc bẽo không kém hồi kết các bi kịch mà ông đã sáng tác. Một con người tài hoa bậc nhất sân khấu Mỹ, được cả thế giới nao nức đón chờ từng tác phẩm, được Hollywood trọng vọng chuyển lên màn bạc các vở kịch và truyện ngắn để đời như « Streetcar Named Desire » - « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng », « Suddenly, Last Summer » - « Đột ngột vào mùa hè năm ngoái », « Sweet Bird of Youth » - « Đôi cánh tuổi trẻ », « The Night of the Iguana » - « Đêm kỳ nhông » hay « Roman Spring of Mrs. Stone » - « Chuyến thăm Roma vào mùa xuân của bà Stone ».

Trong số các nhà văn và kịch tác gia của nước Mỹ, cho đến nay, Tennessee Williams chiếm giữ kỷ lục về con số tác phẩm được chuyển thể sang điện ảnh. Có một thời, các nhà đạo diễn xuất sắc nhất như Elia Kazan, John Huston, Joseph Mankiewicz, Joseph Losey, đã tranh giành nhau quyền được dàn dựng các kịch bản của Tennessee Williams. Các diễn viên tầm cỡ nhất như Marlon Grando, Vivien Leigh, Elisabeth Taylor, Anna Magnani, Warren Beatty, Geraldine Page, Paul Newman mới được vinh hạnh chọn lọc thủ vai nhân vật của ông. Tác phẩm của ông được dịch sang hầu hết các ngoại ngữ. Năm 1976, ông được mời làm Chủ tịch Giám khảo Liên hoan điện ảnh Cannes tại Pháp. Con người ấy, một khi đã thất sủng vào cuối đời, sống sót trong sự lãng quên, bởi vì nước Mỹ sùng bái bao nhiêu các anh hùng công thành danh toại thì cũng hững hờ bấy nhiêu với các nhà văn không còn đủ sức hái ra tiền như ngày trước.

Năm 1945, Tennessee Williams, vào tuổi 34, đột phá vào sân khấu kịch nghệ Mỹ với vở kịch « The Glass Menagerie », tiếng Pháp là « La Ménagerie de verre », tạm dịch « Bộ con giống bằng thủy tinh ». Ngay lập tức, Brooks Atkinson, nhà phê bình của nhật báo New York Times, khẳng định rằng vở kịch này đánh dấu cột mốc, khiến cho sân khấu Mỹ, kể từ nay, không còn như trước nữa. Giới yêu nghệ thuật bắt đầu so sánh Tennessee Williams với nhà soạn kịch Nga, Anton Tchekhov. Hai năm sau, Tennessee Williams tái xuất với tác phẩm « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng ». Vở kịch này cho đến nay vẫn được xem là một kiệt tác của thế kỷ 20. Ngay sau khi ra mắt khán giả, « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng » là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử sân khấu Mỹ chiếm được cả ba giải thưởng lớn, giải của giới phê bình New York, giải Pulitzer và giải Donaldson.

Quan trọng hơn cả, từ đó trở đi, cho dù Tennessee Williams sẽ sáng tác hơn chục tác phẩm khác, nhưng thế giới của ông đã định hình và ít thay đổi với những nhân vật độc đáo mà riêng ngòi bút của ông mới lột tả được hết vòng hệ lụy. Đó là những con người bồng bột, đam mê nhưng luôn luôn cô đơn, khắc khoải. Họ khao khát tìm kiếm một sự đồng giao đồng cảm trong một thế giới nhiều rủi ro, đầy bạo lực. Khi đối mặt với sự ngộ nhận, khi sa ngã, định mệnh hay là mặc cảm tội lỗi, xui khiến họ tiếp tục chạy trốn. Họ tiếp tục đánh lừa chính mình, cho dù phải nhắm mắt đưa chân vào ảo giác, vào các căn bệnh tâm thần. Tuy nhiên, hoàn cảnh có oan nghiệp đến đâu, họ vẫn được hưởng những giây phút xuất thần, huy hoàng, những khoảnh khắc thăng hoa ngắn ngủi, trước khi chết, trước khi già hay trước khi tìm nơi ẩn trú trong một nhà thương điên. Cái đẹp quằn quại và tàn nhẫn toát ra từ « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng » đã được nhà đạo diễn Elia Kazan định nghĩa như sau : « Cứu cánh của bi kịch này nhằm phát động một sự hóa giải, khi các nhân vật trên sân khấu thành công gây được trong lòng khán giả sự cảm thông và nỗi kinh hoàng ».

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày Tennessee Williams qua đời, RFI đã phỏng vấn nhà thơ Thường Quán, qua điện thoại viễn liên Paris – Sydney.

RFI: 25 năm sau, khi nhìn lại sự nghiệp của Tennessee Williams cũng như là đánh giá lại các tác phẩm của ông, trong các nước nói tiếng Anh, người ta có vinh danh ông hay không ? Có coi ông là người đã để lại những dấu ấn rất đậm nét hay không ? Bởi vì tại các nước như Pháp, Tây Ban Nha, các vở kịch của ông vẫn được dàn dựng như « La Ménagerie de verre » hay « The Streetcar Named Desire » ?

Nhà thơ Thường Quán : Đối với những nước nói tiếng Anh, như tại Mỹ, Anh quốc, khi nhìn về giai đoạn đó, thì Tennessee Williams vẫn là một tên tuổi lớn, như một thần tượng, tuy có hơi khác, tức là nó nhuốm mầu đau khổ và bệnh hoạn hơn người khác. Ông vẫn là một biểu tượng. Anh đã nhắc đến những tác phẩm vẫn được dàn dựng tại Pháp, Tây Ban Nha. Ở bên này cũng vậy. Chẳng hạn như ở Úc, vài năm, người ta lại làm lại một vở kịch của Tennessee Williams, những vở kịch cổ điển hay như « Chuyến tầu mang tên Dục vọng ». Còn ảnh hưởng của Tennessee Williams, nó vốn có sẵn đó rồi. Có thể thấy là bây giờ, cứ nhắc tới không khí kịch cổ điển, mạnh về mặt đời thường và tình cảm, thì bên Nga có Tchekhov, còn miền nam nước Mỹ, người ta luôn luôn nhắc tới Tennessee Williams. Thậm chí, bây giờ, các ban nhạc Rock, các nghệ sĩ trong những ban nhạc này họ lại rất thích Tennessee Williams.

RFI : Đây là điều rất đáng chú ý. Ở Pháp, hơn một thập niên trước, có một bài ca rất nổi tiếng để vinh danh ông, tựa là « Nous avons tous quelque chose de Tennessee » - « Mỗi người trong chúng ta đều có một phần nào đó của Tennessee ».

Nhà thơ Thường Quán : Những người nghệ sĩ mới lớn lên, họ sống mạnh mẽ, họ lại có cái đồng cảm với Tennessee Williams. Ban nhạc Manic Street Preachers cũng vậy, có nguyên cả một bài nhạc của họ nhắc tới cuộc đời của Williams, cái đau đớn, cái tình cảm Tennessee Williams. Hay Elton John, một danh ca nổi tiếng của nước Anh, trong dòng nhạc Rock, thì vào năm 1995, ông ta có một album « Made in England » trong đó, có một bài nhạc tựa là « Lies » - « Những lời nói dối » với các lời như thế này : « I could be great like Tennessee Williams / If I could only hear something that sounds like the truth » - « Tôi có thể lớn lao như Tennessee Williams / Nếu mà tôi có thể nghe ra những âm thanh như là sự thực ». Trong cái nhìn của Elton John, Tennessee Williams là biểu tượng cho người đau khổ lắng nghe cái tiếng nói của thời đại. Cho nên, nếu những nghệ sĩ khác mà cũng nghe được như Tennessee Williams thì cũng sẽ lớn lao như Tennessee Williams.

RFI : Anh đã nói đến cuộc đời của Tennessee Williams đầy đau khổ. Có đúng là Tennessee Williams có tuổi ấu thơ, tuổi trẻ rất đặc biệt, sống ở miền nam nước Mỹ, trong một gia đình, có thể nói là hơi bệnh hoạn ?

Nhà thơ Thường Quán : Cái số phận của Tennessee Williams khi sinh ra thì hơi đau yếu. Ông sinh ở vùng Mississippi, trong một gia đình truyền thống, tức là bình thường thôi, nhưng một vài người trong gia đình lại có số phận hẩm hiu. Bản thân Tennessee Williams, lúc còn nhỏ, bị liệt chân, không đi được. Ông bố nhìn thấy cảnh đó thì chán lắm, ông xỉ vả, như là một kiểu tra tấn cậu bé Williams. Khi lớn lên, đi lại được rất ít, Tennessee Williams ngồi suy nghĩ về cuộc đời, nhìn thấy những cảnh tượng đau lòng của chính mình, của gia đình. Chắc là ông suy tư rất nhiều về con người, về số phận. Cô em là Rose Williams cũng bị bất bình thường về tâm thần. Thậm chí, về sau, gia đình quyết định là phải cho mổ não để chữa bệnh tâm thần của cô ấy – gọi là Lobotomie. Cuộc giải phẫu thất bại, Rose trở thành phế nhân, sống trong bệnh viện tâm thần cho đến cuối đời.

RFI : Và như vậy, Rose đã trở thành cái nguồn cảm hứng chính để cho Williams sau này viết vở kịch nổi tiếng « La Ménagerie de verre ».

Nhà thơ Thường Quán : Nhân vật chính trong vở kịch là Rose đấy và ngay cả Tennessee Williams cũng nằm trong nhân vật đó luôn. Thậm chí trong « Chuyến tầu mang tên Dục vọng » cũng vậy. Nhân vật Blanche DuBois có hình ảnh của Rose và có cả hình ảnh Tennessee Williams trong đó nữa. Ông mang cả mình và em gái vào trong các nhân vật. Nhân vật Blanche DuBois vào cuối vở kịch đã đi vào bệnh viện tâm thần.

RFI : Bây giờ cùng với anh đề cập đến chủ đề quan trọng nhất : Đó là những nhân vật của Tennessee Williams. Trên sân khấu Hoa Kỳ lúc bấy giờ, thì đó là những nhân vật rất mới mẻ, đầy dục vọng, mang rất nhiều ức chế. Tại châu Âu hay các nước khác trên thế giới, ngay lập tức những nhân vật này đã lôi cuốn tất cả những thế hệ, từ đó tới nay. Bởi vì nó có một cái gì dường như là hoài niệm, đầy đau khổ, nhưng đồng thời cũng rất là thật, rất là mới.

Nhà thơ Thường Quán : Đúng vậy. Sân khấu của Tennessee Williams lạ lắm. Ngay cả lúc dựng lên thành phim, như « Chuyến tầu mang tên Dục vọng », tác phẩm chiếm ngay được cảm tình của ngưòi xem, khách mộ điệu. Các nhân vật thực ra hơi cực đoan, nhưng không hiểu vì sao người ta lại đồng cảm được với họ. Có lẽ, trước đó, kịch nghệ đã tránh né những chuyện này. Tennessee Williams cho những nhân vật của mình đi sát cuộc đời. Chẳng hạn như Blanche DuBois không phải là một nhân vật hào hùng; bà ta là một người yếu mềm, nói dối, có quá khứ đau thương. Có thể nhiều người cho đó là người sống giả vờ, không sát với thực tế, thế nhưng Blanche DuBois lại có ngay lập tức sự đồng cảm của mọi người. Nhân vật phản diện, đối cực của Blanche DuBois là cậu em rể, Stanley Kowalski lại là một ngưòi rất thiết thực, sống thô ráp, gân guốc, mạnh bạo, thể hiện cả dục tính nữa, đúng ra là một nhân vật rất hấp dẫn đối với sân khấu. Thế nhưng, mọi việc không hẳn trắng đen như vậy. Giữa Blanche DuBois và Stanley Kowalski như hai mặt của cuộc sống và đó là một cuộc đối chọi. Vở kịch trở thành một đấu trường căng thẳng, cái mức độ đe dọa và căng thẳng đó áp đặt lên trên hai nhân vật này giống như hai mặt của cuộc sống. Người xem được dịp đối chiếu ngay với chính cái tâm trạng bất an của mình, có cả Stanley Kowalski trong họ, có cả Blanche DuBois trong họ. Có lẽ vì vậy, Tennessee Williams đã thành công. Tức là ông không đứng hẳn về bên nào, nhưng cho thấy là một kiếp người, khi sống tinh tế và nhậy cảm quá, thì sẽ rơi vào tình trạng như Blanche DuBois. Nhưng con người ta khi quá thô ráp, mạnh bạo quá, thì sẽ trở thành Stanley Kowalski.

RFI : Có người cho rằng bề dầy của nhân vật của Tennessee Williams phát xuất từ cái có thể gọi là phân tâm học, ông dùng phân tâm học để đối chiếu các nhân vật.

Nhà thơ Thường Quán : Quả thực, tâm lý trong Tennessee Williams lạ lắm. Có thể ông là người đồng tính, là người đau khổ, trải qua tuổi thơ bất an, không có hạnh phúc. Thế cho nên, ông dường như nhìn thấy được những cái mặt sâu khuất của con người, của tâm lý con người. Ông nhìn thấy cuộc đời như bên phía Phật giáo : Sinh ra là đã đau khổ rồi. Thế thì con người càng bước sâu vào cuộc đời, thì phải nhìn thấy cái chân lý Sinh-Lão-Bệnh. Cái nỗi khổ của cuộc đời là như vậy. Phải sống qua cái nỗi khổ, phải trải nghiệm cuộc đời, phải đi qua tất cả những chuyện đó. Thế cho nên, ông nhìn vào mặt tâm lý cuộc sống, nhân vật Blanche DuBois mang trong mình cả nỗi khổ của con người khi được sinh ra. Blanche DuBois nói một câu luôn được nhắc đi nhắc lại : « Tôi luôn sống vào lòng tử tế của kẻ lạ »

RFI : Đâu đó trong tác phẩm của Tennessee Williams có câu : Cái mấu chốt trong các tác phẩm của tôi, đó là lòng trìu mến, lòng bao dung đối với nỗi đau khổ của con người.

Nhà thơ Thường Quán : Có lẽ thông điệp của Tennessee Williams là con người sinh ra đã đau khổ quá rồi. Có lẽ giải pháp là con người phải hiểu nhau, thông cảm nhau, nên tử tế với nhau một chút. Điều đó giúp cho cuộc đời đỡ khổ. Nếu Tennessee Williams có để lại thông điệp, thì có lẽ đây là thông điệp quan trọng của ông.
(Ảnh : wikipedia.org)