Vụ giết hại bà Benazir Bhutto, cựu thủ tướng, lãnh đạo phe đối lập, đã đẩy Pakistan rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất trong 60 năm qua, kể từ khi nước này độc lập.
Ngay từ khi hồi hương để vận động tranh cử quốc hội, bà Bhutto đã xác định là bà phải đương đầu với các mối đe doạ tính mạng. Với những lời tuyên bố mạnh mẽ chống khủng bố, bà Bhutto trở thành mục tiêu của Al Qaida và các nhóm Taliban hoạt động trên lãnh thổ Pakistan. Nhưng, một số nhà phân tích không loại trừ khả năng các đối thủ chính trị của bà, trong đó có những thành viên đảng của tổng thống Pervez Musharraf cũng dính líu, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đến vụ sát hại này, bởi vì trong quân đội, trong cơ quan tình báo, đều có những người không ưa gì bà Bhutto.
Ngay sau khi xẩy ra vụ sát hại, nhiều vụ bạo động đã xẩy ra, làm hàng chục người thiệt mạng. Theo giới quan sát, viễn ảnh chính trị tại Pakistan trở nên bấp bênh và khó xác định, sau cái chết của bà Bhutto.
Trước hết về cuộc tổng tuyển cử, dự kiến tổ chức vào ngày 8 tháng giêng năm tới. Hôm qua, quyền thủ tướng Pakistan cho biết là chính phủ không có kế hoạch thay đổi thời điểm cuộc bỏ phiếu. Hoa Kỳ cũng kêu gọi Pakistan nên duy trì lịch trình này. Thế nhưng, cựu thủ tướng, ông Nawaz Sharif, một gương mặt có tên tuổi thuộc phe đối lập, đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử. Theo ông, chính quyền của tổng thống Musharraf đưa đất nước đến chỗ tự huỷ hoại nếu vẫn muốn tổ chức bầu cử quốc hội vào ngày đã định. Trước vụ sát hại bà Bhutto, có ba chính đảng lớn tại Pakistan. Đó là đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto và hai tổ chức khác, cùng mang tên là Liên đoàn hồi giáo Pakistan, một đảng do cựu thủ tướng Nawaz Sharif lãnh đạo, còn đảng kia ủng hộ tổng thống Musharraf. Không đảng nào hy vọng được có được đa số tại quốc hội. Vậy, người lên thay bà Bhutto có đủ tầm cỡ để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri như trước hay không ? Điều chắc chắn là tương quan lực lượng trên sân khấu chính trị tại Pakistan sẽ bị tác động mạnh sau khi bà Bhutto bị giết hại.
Một vấn đề khác được đặt ra là tương lai đảng Nhân dân Pakistan. Được thành lập bởi ông Zulfika Ali Bhutto, cha của bà Bhutto, đảng này đặt dưới sự lãnh đạo của những chính khách có tên tuổi trong đình Bhutto. Giờ đây, nếu vắng bóng các nhân vật này, thì đảng Nhân dân Pakistan có nguy cơ bị phân chia thành các phe phái khác nhau, thậm chí có thể chống đối lại nhau.
Tương lai chính trị của Pakistan còn phụ thuộc vào phản ứng của tổng thống Musharraf. Trong thời gian qua, trước làn sóng phản đối của dân chúng và sức ép quốc tế, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, ông Musharraf đã buộc phải từ bỏ chức vụ tổng tư lệnh quân đội, chấp nhập tổ chức bầu cử mà ông biết chắc rằng sẽ phải liên minh, chia sẻ quyền lực với phe đối lập. Giờ đây, ông đã gạt bỏ được một đối thủ chính trị đáng gờm, nhưng đồng thời, ông sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nêu ra khả năng là ông Musharraf, viện lý do tình hình xáo trộn, khó kiểm soát, lại ban bố tình trạng khẩn cấp, hủy bỏ hoặc hoãn cuộc bầu cử quốc hội, cho mở các chiến dịch thanh trừng, đàn áp đối lập.
Cái chết của bà Bhutto cũng tác động đến cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ tiến hành. Là người được chính quyền Mỹ ủng hộ mạnh mẽ, bà Bhutto đã thường xuyên nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chống các phần tử khủng bố, thậm chí, bà còn nói sẵn sàng tạo thuận lợi cho quân đội Mỹ truy quét khủng bố trên lãnh thổ Pakistan. Chính Wahsington đã gây áp lực buộc ông Musharraf đồng ý cho bà Bhutto hôì hương. Hoa Kỳ hy vọng là liên minh Bhutto-Musharraf sẽ tạo thuận lợi hơn cho cuộc chiến chống khủng bố.
Theo bà Gohel, giám đốc điều hành quỹ châu Á-Thái bình dương, một tổ chức tư vấn về an ninh và tình báo, có trụ sở tại Luân đôn, được Reuters trích dẫn, nếu cuộc bầu cử không diễn ra thì sẽ có một khoảng trống về chính trị, trong đó, các tổ chức hồi giáo cực đoan sẽ hoành hành. Điều lo ngại hơn cả là Pakistan được coi là hang ổ của Al Qaida và Taliban và Pakistan lại là một quốc gia có vũ khí nguyên tử cùng với tên lửa tầm xa đủ khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đây là mối đe dọa không chỉ trong khu vực mà đối với toàn thế giới.
Đức Tâm
(Ảnh : AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét