17/12/2007_ Kirghizistan, quốc gia được xem có nền dân chủ tiến bộ nhất tại trung Á, bị chỉ trích tổ chức bầu cử thiếu minh bạch.
Theo kết quả tạm thời của cuộc bầu cử Quốc hội hôm qua, đảng Ak-Jol của tổng thống Kourmabek Bakiev đã chiếm được toàn thể 90 ghế dân biểu. Vì chia rẽ, hầu hết các đảng đối lập không vượt qua được ngưỡng 5% phiếu bầu để có quyền hiện diện tại Quốc hội.
Theo kết quả tạm thời của cuộc bầu cử Quốc hội hôm qua, đảng Ak-Jol của tổng thống Kourmabek Bakiev đã chiếm được toàn thể 90 ghế dân biểu. Vì chia rẽ, hầu hết các đảng đối lập không vượt qua được ngưỡng 5% phiếu bầu để có quyền hiện diện tại Quốc hội.
Đảng đối lập mạnh nhất Ata-Meken tuy được 9% nhưng lại vướng phải chốt chận thứ hai là tại ba trong chín vùng, đảng này không gom đủ 13500 phiếu tối thiểu. Cơ may cho Ata-Meken vào được Quốc hội tùy thuộc vào Toà án Tối cao có công nhận rào cản 13500 phiếu là có hợp hiến hay không. Một lãnh đạo đảng Ata-Meken lên án chính quyền của tổng thống Bakiev gian lận bầu cử và đưa Kirghizistan về hướng độc tài. Cựu thủ tướng Almaz Atambaiev, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, nhận định : Nếu đối lập không có đại diện tại Quốc hội thì đối lập sẽ xuống đường.
Chuyên gia chính trị học Serguei Masaoulov nhận định : Nguy cơ một đảng thao túng nghị trường đe dọa ổn định chính trị và đưa đến phong trào phản kháng trong dân chúng.
Những lời than phiền của đối lập Kirghizistan được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) xác nhận : Bầu cử Quốc hội tại Kirghizistan không phù hợp với tiêu chuẩn dân chủ. 270 quan sát viên của OSCE tố cáo chính quyền Bichkek thiếu minh bạch trong việc kiểm phiếu, truyền thông nhà nước không thông tin khách quan. Tóm lại, chính quyền Kirghizistan đã bỏ lỡ một cơ hội củng cố tiến trình bầu cử tự do, tiếp nối bầu cử tổng thống năm 2005.
Dự phóng tình hình Trung Á năm 2008, giới chuyên gia quốc tế như nhóm nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, IFRI, nhận định trong số 5 nước trung Á, Kirghizistan là quốc gia tiến bộ nhất trong tiến trình dân chủ hóa.
Tại Ouzbekistan, sau cuộc nổi dậy ở Andịjan vào tháng 5 năm 2005, tổng thống Karimov tự giam mình trong vòng xoáy độc tài càng lúc càng dữ dội. Nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào đầu năm 2007 bị dời đến 23 tháng 12 năm nay. Còn tổng thống Tadjikistan Emomali Rakhmon thì tái đắc cử vào tháng 11 năm 2006 với tỷ lệ 80%, một cuộc bầu cử bị đối lập tẩy chay trước những thủ đoạn gian lận có hệ thống.
Tại Kazkhstan, luật pháp được sửa đổi theo chiều hướng giới hạn tự do thông tin và hoạt động chính trị đối lập. Để làm giảm bớt hình ảnh xấu của một chế độ độc đoán nhằm tranh chức chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu năm 2009, tổng thống Nazarbaiev hứa là sẽ để cho Quốc hội có nhiều quyền lực hơn. Nhưng sau đó, chính Quốc hội này do đảng cầm quyền kiểm soát đã thông qua đạo luật cho phép Nazarbaiev ứng cử bao nhiêu nhiệm kỳ cũng được.
Tại nước trung Á thứ tư là Turkménistan, cái chết của tổng thống mãn đời Niazov ngày 21 tháng 12 năm 2006 đã làm thay đổi chế độ độc tài số một trong khu vực. Tân tổng thống Berdymoukhamedov đắc cử hồi tháng 2 năm nay với tỷ lệ 89%. Tuy ông có tự do hóa lãnh vực kinh tế, xã hội và chấn chỉnh hệ thống y tế, giáo dục, từng bị nhà độc tài Niazov bỏ rơi, thì ngược lại, không có dấu hiệu thay đổi nào trong lãnh vực chính trị.
Cuối cùng, chỉ có Kirghizistan được xem là dân chủ nhất. Từ sau cách mạng hoa Tulipe tháng 3 năm 2005, Hiến pháp mới cho Quốc hội nhiều quyền hạn độc lập đối với hành pháp. Nhưng từ cuối năm ngoái, ông Bakaiev sửa đổi nhiều điều khoản nhằm tăng cường quyền lực tổng thống, thay vì củng cố tiến trình dân chủ hóa. Tháng tư năm nay, đối lập bắt đầu xuống đường và phải đối đầu với những phương pháp đàn áp thô bạo nhất. Dấu hiệu rạn nứt trở thành hố sâu ngăn cách giữa chính quyền và dân chúng. Xu hướng độc đoán này là nguồn bất ổn đe dọa Kỉghizistan trong tương lai.
Tú Anh
(Ảnh : fr.wikimedia.org: Tổng thống Kourmabek Bakiev)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét