Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019


Cựu chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh qua đời


Cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh đến Lăng Hồ Chí Minh nhân lễ Quốc Khánh 02/09/2015.(HOANG DINH NAM/AFP)

Thông Tấn Xã Việt Nam hôm qua, 22/04/2019, loan báo, nguyên chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Quốc Phòng, đại tướng Lê Đức Anh, người từng tham gia 4 cuộc chiến tranh của Việt Nam, đã qua đời ngày 22/04/2019 tại Hà Nội, ở tuổi 99, sau một thời gian dài đau ốm do tuổi cao.
Ông Lê Đức Anh sinh năm 1920, gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam từ những năm 1930. Ông đã từng tham gia các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và chỉ huy các cuộc chiến lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ (1978-1986) và chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược (1986-1989).
Sự nghiệp chính trị của ông Lê Đức Anh chủ yếu đi lên qua con đường binh nghiệp. Theo tiểu sử được báo chí Việt Nam đăng tải, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, từ một trung đội trưởng, ông nhanh chóng trở thành chỉ huy trung đoàn, tư lệnh quân khu, chủ yếu tại các mặt trận phía nam và tây nam.
Tướng Lê Đức Anh nổi bật nhất kể từ năm 1981 khi ông giữ chức thứ trưởng Quốc Phòng (1981-1986) kiêm tư lệnh lực lượng Việt Nam tại Cam Bốt. Chiến dịch tấn công lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ thành công, ông Lê Đức Anh được phong quân hàm đại tướng, tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, rồi bộ trưởng Quốc Phòng từ năm 1987. Dù có đóng góp nhiều trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc, nhưng tướng Lê Đức Anh cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi về vai trò chỉ huy trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma, Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1988.
Năm 1992 -1997, ông được Quốc Hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước. Sau năm 1997, ông Lê Đức Anh lui về làm cố vấn ban chấp hành Trung ương đảng cho đến khi ban này giải thể năm 2001.
Là một vị tướng công thần của chế độ, tướng Lê Đức Anh sau khi về hưu vẫn được dư luận xã hội tại Việt Nam đồn đoán là người vẫn giữ nhiều quyền uy trong chính trường Việt Nam, thỉnh thoảng vẫn đưa ra những ý kiến can thiệp vào chính trường Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ hôm nay viết: "Sau khi nghỉ hưu (từ tháng 4-2001), đại tướng Lê Đức Anh vẫn quan tâm đến thời cuộc và tình hình đất nước, ông trăn trở nhiều về bộ máy công quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước, trong đó có quân đội, với nhân dân ».
Hiện Hà Nội vẫn chưa có thông báo chi tiết về hình thức tổ chức lễ tang cho tướng Lê Đức Anh.
(RFI)

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019


Cộng Hòa Séc - cánh cửa vào châu Âu cho Trung Quốc


Tổng thống CH Séc Milos Zeman ủng hộ mạnh mẽ việc xích lại gần Trung Quốc. Ảnh chụp tại Nghị Viện Séc, tháng 01/2018.(© REUTERS/David W Cerny)

Trong tuần qua, nhân dịp thượng đỉnh 16+1 giữa 16 nước Đông-Trung Âu và Trung Quốc diễn ra tại Dubrovnik, Croatia, báo chí phương Tây đề cập nhiều đến chiến lược của Trung Quốc trong việc tranh thủ các nước Đông-Trung Âu để gây ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại lục địa già.
Bài xã luận của báo La Croix ngày 11/04 gọi 16 nước Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc, Rumani, Bulgari, Estonia, Slovakia, Croatia … là “những người bạn của Trung Quốc ở châu Âu”, những “luật sư bảo vệ Trung quốc ở châu Âu”. Trong số 16 nước Đông-Trung Âu nói trên, nổi bật nhất là Cộng Hòa Séc, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Còn trên trang mạng về châu Á, ngày 03/04/2019, Tom Eishenchteter đặt câu hỏi “Liệu Cộng Hòa Séc có phải cánh cửa vào châu Âu cho Trung Quốc?”. RFI lược dịch bài viết của Eishenchteter.
Từ khi nào CH Séc sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc?
Trong quá khứ, CH Séc không phải lúc nào cũng là nước ủng hộ quan hệ đồng minh với Trung Quốc. Cho tới đầu những năm 2000, Praha vẫn là một trong những chính quyền phản đối mạnh mẽ nhất việc xích lại gần Bắc Kinh. Trong những năm 1990, chính sách đối ngoại của tổng thống Vaclav Havel vẫn dựa trên hai trụ cột: quay trở lại phương Tây (phương Đông dù gần hay xa đều không quan trọng) và bảo vệ các nguyên tắc nhân văn và nhân quyền. Việc Praha ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma và mời gọi các nhà bất đồng chính kiến với chính quyền Bắc Kinh khiến quan hệ Trung - Séc xấu đi rất nhiều.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào đầu những năm 2000. Tân tổng thống khi đó là ông Vaclav Klaus đã tìm cách sưởi ấm quan hệ với “gã khổng lồ châu Á”, một khuynh hướng được các chính quyền sau đó không ngừng đẩy mạnh, nhất là chính phủ của thủ tướng Petr Necas (2010-2013). Necas đề cao cơ hội phát triển kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho Séc nếu hai nước xích lại gần nhau.
Tổng thống đương nhiệm Milos Zeman có vai trò gì trong việc cải thiện quan hệ Séc - Trung?
Thời điểm ông Milos Zeman được bầu làm tổng thống năm 2003 trùng với thời điểm Tập Cận Bình công bố chính thức dự án “Những con đường tơ lụa mới”. Năm 2015, CH Séc gia nhập dự án khổng lồ của Trung Quốc, và trở thành thành viên nhóm 16+1 nối Trung Quốc với khu vực Đông-Trung Âu. Thông qua đại diện là tổng thống Zeman, CH Séc trở thành một trong những nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất việc xích lại gần nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm 2015, Zeman là nguyên thủ quốc gia duy nhất ở châu Âu sang tham dự lễ duyệt binh do Bắc Kinh tổ chức để kỷ niệm Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Đổi lại, Tập Cận Bình cũng có chuyến công du CH Séc hồi năm 2016. Những lời hứa hẹn đầu tư của Trung Quốc và thái độ im lặng của CH Séc về nhân quyền được phối hợp rất chặt chẽ tạo nên “tuần trăng mật” cho Bắc Kinh và Praha.
Nhưng tổng thống Zeman chỉ là “một cái cây trong cả khu rừng”. Một phần lớn chính khách Séc ủng hộ chính quyền hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh, hoặc im lặng trước vấn đề này. Nhiều chuyên gia cho rằng trọng tâm chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc diễn ra trong hậu trường, dựa vào một nhóm nhân vật quyền thế, quanh tổng thống Zeman và tập đoàn năng lượng CEFC của Trung Quốc. Chiến lược gây ảnh hưởng trong bóng tối của các “ông lớn” này tỏ ra rất có hiệu quả, khiến nhiều người có cảm tưởng chính sách đối ngoại của Praha được đưa ra căn cứ vào những lời hứa đầu tư, những hợp đồng có lợi được thương thảo trong hậu trường để làm giàu cho những người nắm giữ nhiều tài sản nhất CH Séc. Tính minh bạch không được đảm bảo, mọi chuyện không được bàn bạc công khai.
Kết quả trao đổi kinh tế Trung - Séc có được như Praha mong chờ hay không?
Sau một vài năm xích lại gần Bắc Kinh, nhà cầm quyền Séc có cảm giác thất vọng. Bắc Kinh đã đưa ra những lời hứa hẹn đầu tư, còn Praha vẫn đang chờ đợi lời hứa của Bắc Kinh được thực hiện. Năm 2018, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Séc, chiếm 7,4% thị trường nước này, so với tỉ lệ 6,5% hồi năm 2010. Thương mại song phương cho dù tăng nhưng không ổn định và cán cân thương mại của Séc bị thâm hụt, thậm chí cao tới mức kỷ lục - 20 tỉ euro.
Hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Séc cũng tăng trong vòng mười năm qua, nhưng đầu tư trực tiếp chủ yếu tập trung vào các thương vụ sáp nhập công ty, không liên quan hoạt động sản xuất và mục tiêu đề ra trong dự án “Những con đường tơ lụa mới”, mà cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho Séc. 10 tỉ đô la tiền đầu tư mà Tập Cận Bình đã hứa phần lớn đều chưa thấy đâu, cho dù tập đoàn năng lương CEFC của Trung Quốc đã thâu tóm được rất nhiều doanh nghiệp của Séc.
Năm 2015, CEFC đặt trụ sở chi nhánh châu Âu tại Praha. Chủ tịch CEFC trở thành cố vấn của tổng thống Zeman. Sau đó là hàng loạt thương vụ CEFC mua các câu lạc bộ bóng đá, khách sạn hạng sang, nhà máy bia, tập đoàn truyền thông, công ty lữ hành, tập đoàn tài chính, thậm chí là cả hãng hàng không quốc gia của Séc. Thói “háu ăn” của CEFC dường như không giới hạn và cũng không vấp phải sự kháng cự nào.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đường sắt, công nghệ cao, công nghiệp hạt nhân, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp. Trong lĩnh vực nào các nhà đưa ra quyết sách của Séc cũng cảm thấy bị sỉ nhục vì Trung Quốc đặt ra những điều kiện bất lợi cho Praha giống như Trung Quốc đang hành xử với các nước châu Phi mắc nợ Bắc Kinh.
Vậy thì tại sao Praha lại phải hướng tới Trung Quốc, trong khi các định chế của châu Âu, chẳng hạn ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu, có thể đầu tư vào các dự án hạ tầng mà Séc đang cần, với những điều kiện rất tốt?
Đối với chính quyền Praha, việc xích lại gần Bắc Kinh là cách để giảm phụ thuộc về chính trị, thương mại và tài chính đối với phương Tây, và nhằm tạo tiếng vang trên trường quốc tế về sự tự chủ chiến lược và ngoại giao. Chiến lược này hoàn toàn hợp lý đối với một nước quy mô trung bình như CH Séc nay dường như bất lợi cho Praha. Thất vọng vì Trung Quốc, Séc cũng cảm thấy bị sỉ nhục và thất thế trước thái độ “lên lớp” của các đồng minh phương Tây. Các nước này nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc hơn so với các quốc gia Đông-Trung Âu nhưng lại luôn tìm mọi dịp để chỉ trích Praha vì Séc đã xích lại gần Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc tìm cách biến các quốc gia Đông-Trung Âu thành cửa hậu để tiến vào thị trường phương Tây, nhất là vào Đức. Bắc Kinh khôn khéo đề cao tính năng động và độc lập, trong khi các nước thành viên Liên Âu thường vấp phải thái độ cứng rắn của Ủy Ban Châu Âu. Theo lập luận này, sự đầu tư của Trung Quốc vào Séc mang tính cơ hội, chứ không phải sự hòa hợp ngọt ngào, sự gắn kết như báo chí thường nói tới.
Có phải công luận Séc không phản kháng trước việc chính quyền của tổng thống Zeman sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc?
Ngoài hệ thống quyền lực, chiến lược gây ảnh hưởng của Bắc Kinh khó được chấp nhận tại Séc. Trong giới chính trị, những tiếng nói phản đối việc chính quyền có đường lối ủng hộ Trung Quốc không phải lúc nào cũng bị đè bẹp. Một số nhà chính trị phản đối việc Trung Quốc tuyên truyền gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu, như Bắc Kinh từng làm đối với ASEAN nhằm chống các nghị quyết của khối này đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Nhiều người khác thì cho rằng thái độ của Trung Quốc là nhằm phục vụ những mưu đồ khác. Dù sao thì sự xích lại gần với Trung Quốc cũng gây tranh cãi, nhất là từ khi đảng ANO của thủ tướng Andreij Babis, tỉ phú và cũng là người giàu thứ hai ở Séc, nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Còn trong dân chúng, chỉ có 25% người Séc có cái nhìn tích cực đối với Trung Quốc, tỉ lệ trung bình ở Liên Hiệp Châu Âu là 30%. Số thanh niên Séc học tiếng Hoa giảm, trong khi đó ngày càng có nhiều người học tiếng Hàn và Nhật. Giới truyền thông chỉ trích Trung Quốc nhiều, bất chấp những phát biểu ủng hộ Bắc Kinh của chính quyền Séc. Trung Quốc là nước đông du khách thứ tư thế giới đến Séc, nhưng sự hiện diện đông đảo của du khách Trung Quốc, hơn 600.000 khách trong năm 2018, cũng không bù đắp được sự vắng bóng của cộng đồng 7.000 Hoa kiều ở Séc. Đó là chưa kể thói bài ngoại, nhất là nhắm vào cộng đồng người nước ngoài thiểu số ở Séc, đã ăn sâu bám rễ vào một phần dân chúng, trừ trường hợp đặc biệt của cộng đồng người Việt tại Séc.
Chính quyền Séc đã thay đổi thái độ với Trung Quốc?
Chính sách của Trung Quốc đã bộc lộ nhiều hạn chế và cho thấy sự bấp bênh của liên minh Trung - Séc, chủ yếu do hàng loạt nhượng bộ của tổng thống Séc.
Mặc dù vậy, tổng thống Zeman vẫn tỏ ra trung thành với con đường thân Trung Quốc mà ông đã lựa chọn. Hồi tháng 11/2018, Zeman lại công du Trung Quốc. Nhưng chuyến thăm nhằm tạo thêm đà phát triển cho hai nước lại vấp phải những tuyên bố của tân ngoại trưởng Séc Tomas Petricek về nhân quyền. Cũng vào thời điểm đó, nhóm dân biểu mang tên “Những người bạn của Tây Tạng” được thành lập tại Nghị Viện Séc, theo sáng kiến của một chính đảng thường chỉ trích Trung Quốc và cũng là đảng lớn thứ ba ở Séc kể từ năm 2017.
Rồi sau đó là vụ Hoa Vi. Cơ quan phản gián của Séc ban đầu cảnh báo những nguy từ gián điệp Trung Quốc tăng. Sau đó, cơ quan an ninh mạng nước này công bố báo cáo nhắm vào việc đề phòng sản phẩm và công nghệ của tập đoàn Hoa Vi. Rồi tới lượt thủ tướng Babis công khai chỉ trích tập đoàn viễn thông Trung Quốc cho dù trước đó, Hoa Vi đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn PPF của Séc để hợp tác phát triển mạng di động 5G. Vụ việc cho thấy Praha nhìn chung đã thay đổi thái độ với Bắc Kinh. Trung Quốc hiện bị Séc coi là mối đe dọa hơn là một đối tác đáng được lựa chọn.
(RFI)

Biển Đông: Philippines sẽ nhờ Mỹ can thiệp quân sự, nếu Bắc Kinh gây hấn


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao Philippines, Manila, ngày 01/03/2019 REUTERS/Eloisa Lopez

Hôm nay, 16/04/2019, ngoại trưởng Philippines cảnh báo : Nếu Trung Quốc có hành động gây hấn ở Biển Đông, Manila sẽ nhờ Mỹ can thiệp.
Theo báo Philippines Inquirer, trong một cuộc trả lời CNN Philippines, khi được hỏi Manila sẽ có phản ứng gì với Trung Quốc, ngoài việc gửi đi các công hàm phản đối ngoại giao như thường lệ, ngoại trưởng Teodoro Locsin trả lời Philippines có thể nhờ đến sự hỗ trợ « của đồng minh quân sự duy nhất », « nếu có một hành động gây hấn rõ ràng ».
Trong chuyến công du Philippines hồi tháng trước, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh Philippines trong khuôn khổ Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Washington-Manila, ký kết năm 1951. Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Mỹ, lãnh đạo ngoại giao Philippines khẳng định rất tin tưởng vào Hoa Kỳ, vào sự hỗ trợ của nước Mỹ.
Thái độ của ngoại trưởng Philippines với Trung Quốc dường như có chiều hướng cứng rắn hơn. Hôm qua, trong một thông điệp Twitter, ngoại trưởng Teodoro Locsin còn nhấn mạnh đây « không phải là thời điểm tốt » để làm căng thẳng hơn nữa các bất đồng về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, bởi quan hệ Philippines–Trung Quốc vốn đang căng thẳng. Manila đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật dùng dân quân biển, giả dạng tàu cá, với sự hỗ trợ của Hải Quân và lực lượng tuần duyên, xâm chiếm dần dần các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Về các nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc, ngoại trưởng Philippines hôm nay cho biết ông không nhớ đã gửi bao nhiêu công hàm hay thông điệp phản đối đến Bắc Kinh, mà theo ông, chắc chắn « 10 lần là một con số quá thấp ».
Công hàm mới nhất mà Manila gửi đến Bắc Kinh là để phản đối việc Trung Quốc khai thác loài trai khổng lồ tại vùng biển Scarborough. Hành động này bị Manila xem là vừa xâm phạm chủ quyền của Philippines, vừa vi phạm các công ước quốc tế về môi trường. Ngoại trưởng Philippines đồng thời cho biết đang chuẩn bị một vụ kiện chống lại Trung Quốc trong hồ sơ này.
(RFI)

Tổng thống Macron : Nhà Thờ Đức Bà Paris sẽ được xây dựng lại


Khói và lửa bốc lên từ Nhà Thờ Đức Bà Paris, Pháp, tối ngày 15/04/2019 (REUTERS/Benoit Tessier)

Hỏa hoạn, có lẽ do tai nạn, thiêu đốt một phần Nhà Thờ Đức Bà Paris, đã được khống chế vào sáng sớm thứ Ba 16/04/2019. Cấu trúc của báu vật biểu tượng văn hóa và tôn giáo của nhân loại không bị tổn hại. Trái lại, ngọn tháp chỉ thiên cao 93 mét, phần lớn mái ngói, kèo cột bằng gỗ từ thế kỷ 12 và toàn bộ hệ thống kính tròn trang trí bị cháy rụi. Người dân Pháp và du khách xúc động mạnh. Tổng thống Macron cam kết « nhà thờ sẽ được xây dựng lại ». Cộng đồng quốc tế tỏ tình đoàn kết.
Nhà Thờ Đức Bà Paris vẫn đứng vững. Sau một đêm tận lực, 400 lính cứu hỏa bảo vệ thành công cấu trúc bằng đá của ngôi thánh đường hơn 850 tuổi. Có mặt tại hiện trường, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giấu xúc động, cam kết với toàn dân là « báu vật quốc gia sẽ được tái xây dựng » vì đó « là lịch sử, là văn học, là niềm tưởng tượng, là nơi người Pháp trải qua những sự kiện lớn ».
Điều tra
Theo trung tá Gabriel Plus, phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Paris, ngọn lửa đã hoàn toàn bị khống chế, hầu hết được dập tắt. Thiệt hại vật chất rất nặng nề : toàn bộ mái nhà thờ bị hỏng, kèo cột bị cháy rụi, một phần vòm bán nguyệt sụp đổ, tháp mũi tên cùng với những ô kính tròn trăm năm tuổi biến thành than.
Ngọn lửa dường như xuất phát từ một giàn giáo trên nóc thánh đường vào khoảng gần 19h hôm qua 15/04, và đã nhanh chóng lan ra, đốt cháy mái nhà thờ tọa lạc giữa thủ đô Paris, được xây dựng trong suốt gần 200 năm, từ thế kỷ XII. Do đang trong giai đoạn tái thiết, hệ thống giàn giáo phủ vây chung quanh Nhà Thờ Đức Bà Paris đã cản trở hoạt động của lính cứu hỏa, khiến cho việc chữa cháy rất khó khăn.
Tư pháp Paris đã cho mở cuộc điều tra về tội « sơ ý gây tổn hại ». Các nhà điều tra nghi ngờ ngọn lửa xuất phát từ công trường chỉnh trang nhà thờ và có thể là do bất cẩn.
Vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà đã làm cho tổng thống Pháp Macron phải hủy thông điệp quan trọng gửi đến toàn dân được dự trù vào tối thứ Hai 15/04/2019, đáp ứng các đòi hỏi về an sinh xã hội của phong trào Áo Vàng.
Một câu hỏi then chốt được đặt ra ở đây là tại sao « không sử dụng máy bay chữa cháy » ? Ngay tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nóng lòng thúc giục lực lượng cứu hỏa Paris. Tổng Nha Phòng Vệ Dân Sự cho biết là không thể sử dụng « bom nước » vì sẽ làm sập toàn bộ nhà thờ.
Một ưu tiên khác vô cùng quan trọng là bằng mọi cách phải cứu các báo vật nghệ thuật vô giá bên trong nhà thờ. Tin vui là chiếc áo của thánh Louis và mũ gai trên đầu Chúa Jesus lúc bị hành hình còn nguyên vẹn.
Hàng loạt sáng kiến quyên góp tái thiết
Ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, tối hôm qua, 15/04/2019, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ tổ chức một cuộc quyên góp toàn quốc để hỗ trợ việc tái thiết, dự kiến sẽ lâu dài và gian nan. Hàng loạt đóng góp và sáng kiến trùng tu ngay lập tức được đưa ra.
Thị trưởng thủ đô Paris Anne Hidalgo cho AFP biết trước mắt thành phố sẽ giải ngân 50 triệu euro, giúp cho việc trùng tu tháp nhà thờ bị hủy hoại. Chính quyền vùng Ile-de-France giải ngân 10 triệu. Thị trưởng Paris tuyên bố sẽ đề nghị với tổng thống tổ chức một hội nghị quốc tế của các nhà tài trợ, ngay trong những tuần tới.
Tối hôm qua, gia đình của nhà công nghiệp Pháp Pinault, lãnh đạo tập đoàn Kering, đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực thời trang xa xỉ (chủ nhân thương hiệu Yves Saint Laurent), thông báo đóng góp 100 triệu euro cho việc tái thiết thông qua công ty Artemis. Sáng nay, gia đình ông Bernard Arnault, giàu nhất nước Pháp, chủ tập đoàn LVHM đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thời trang (chủ nhân thương hiệu Louis Vuitton), tuyên bố đóng góp 200 triệu euro. Tập đoàn L'Oréal cũng góp 200 triệu euro.
Quỹ Di Sản (Fondation du patrimoine), một tổ chức tư nhân, có sứ mạng bảo tồn các di sản Pháp, ngay ngày hôm nay, 16/04, đã khởi sự một chiến dịch « quyên góp quốc gia » tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris. Tập đoàn dầu khí Toyota mở màn chiến dịch, với khoản tiền 100 triệu.
Tổng giám đốc của tổ chức UNESCO Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc, bà Audrey Azoulay, có mặt tại Paris nhấn mạnh đến các đánh giá thiệt hại cần được tiến hành nhanh chóng : « Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc về di sản của nhân loại. Công trình này nằm trong danh sách các di sản nhân loại của UNESCO. Tôi đến đây cũng để chuyển tải một thông điệp đoàn kết, hỗ trợ đối với những gì sắp phải làm. Sẽ có các đánh giá đầu tiên về mức độ thiệt hại, khâu này sẽ được tiến hành rất nhanh ».
(RFI)

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019


Việc áp dụng Luật An ninh mạng của Việt Nam gặp chậm trễ


Nếu dự luật an ninh mạng được thông qua, những nội dung "chống đối" trên mạng xã hội có thể bị xóa trong vòng một ngày.(Reuters)

Luật An ninh mạng của Việt Nam đã có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019, thế nhưng cho tới nay, các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa được ban hành. Lý do có thể là vì luật này tiếp tục bị chỉ trích là vi phạm quyền tự do ngôn luận trên Internet và gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực Internet.
Các văn bản, gồm hai nghị định và quyết định của thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, lẽ ra phải được bộ Công An trình chính phủ trước ngày 01/10/2018, thế nhưng tiến trình này đã gặp nhiều chậm trễ.
Ngày 22/03 vừa qua, khi làm việc với Tổ công tác của thủ tướng Việt Nam, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ Công An, đã giải thích sự chậm trễ này là do “gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì đây là lĩnh vực mới, đối tượng chịu điều chỉnh của các quy định gồm nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nên việc xin ý kiến phải thực hiện nhiều lần, nhiều địa chỉ”. Ông Lê Quý Vương thú nhận là "cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau" giữa Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng và Bộ Thông Tin - Truyền Thông, "nên cần có thời gian trao đổi kỹ", nhưng thứ trưởng Công An không nói cụ thể là bất đồng về những điểm gì.
Đó là những lý do chính thức. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 11/04, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt, Sài Gòn, đưa ra phỏng đoán về sự chậm trễ này:
“ Thứ nhất là sau khi ban hành Luật An ninh mạng, đã có rất nhiều phản ứng, quan điểm trái chiều về các điều luật quy định về sự thể hiện quan điểm của cá nhân, tổ chức, về các vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị của nhà nước Việt Nam, cũng như về trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Tôi cho rằng luật này cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, kinh doanh, cũng như đến sự hội nhập của Việt Nam.
Cho nên, khi luật an ninh mạng ra đời, các nghị định hướng dẫn thi hành luật này vẫn chưa thể thông qua được. Chưa có ai nói lý do cụ thể về việc tại sao chưa thông qua, nhưng theo tôi phỏng đoán, với những thông tin đang có, do có quá nhiều ý kiến trái chiều về nhiều vấn đề của luật này, cho nên họ chưa thể ban hành các nghị định hướng dẫn một cách cụ thể để thực hiện Luật An ninh mạng.”
Luật sư Hoàng Cao Sang nêu lên những quy định bị xem là trái với quyền tự do ngôn luận trên Internet của công dân:
“ Chẳng hạn như về vấn đề nói xấu các lãnh đạo, các anh hùng, các danh nhân. Tôi cho rằng việc nói xấu các thành phần đó được định nghĩa rất mơ hồ. Như thế nào là nói xấu? Anh có thể dùng cụm từ “nói xấu” để bắt người khác, khi người khác bày tỏ quan điểm về một nhân vật nào đấy. Chẳng như nói một ông bí thư hoặc một ông chủ tịch tỉnh có bồ nhí, rồi còn thăng cấp bồ nhí của mình một cách bất thường, thì có thể bị xem là nói xấu cán bộ, người tố cáo có thể bị bắt. Tôi cho rằng điều ấy là không ổn.
Trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, tôi thấy có rất nhiều người dân cho rằng luật này giống như là một bóng ma đè bẹp sự bày tỏ quan điểm của mình, đè bẹp việc chống tham nhũng, tiêu cực của người dân.”
Riêng giới doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực Internet, hiện đang sốt ruột chờ xem chi tiết của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng của Việt Nam, vì luật này sẽ không chỉ buộc các công ty như Google hay Facebook phải gỡ bỏ những nội dung chỉ trích chính phủ, mà còn phải lưu trữ các dữ liệu ở Việt Nam. Hơn nữa, các công ty này sẽ buộc phải lập văn phòng đại diện ở Việt Nam, điều mà các công ty nói trên không muốn làm, vì sợ nhân viên của họ ở bị áp lực chính trị, thậm chí bị bắt giữ.
Luật sư Hoàng Cao Sang nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp nếu Luật An ninh mạng được áp dụng:
“Đối với các doanh nghiệp không liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ mạng, họ không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Luật An ninh mạng chủ yếu là tác động trực tiếp đến những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng như Facebook, Google…., ảnh hưởng đến trách nhiệm của những công ty này.
Chẳng hạn điều 44 của Luật An ninh mạng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng là phải cảnh báo khả năng mất an ninh mạng trong việc sử dụng dịch vụ và cung cấp những hướng dẫn phòng ngừa, hoặc xây dựng phương án, giải pháp phản ứng nhanh với sự cố an ninh mạng, hoặc xử lý ngay điểm yếu, lỗ hổng, mã độc tấn công mạng. Họ rất khó áp dụng những phương án này.
Đặc biệt, điều 26 của Luật An ninh mạng có quy định các doanh nghiệp phải có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở Việt Nam. Tôi cho đó là một điều bất cập và không khả thi. Nhất là quy định về việc các doanh nghiệp này phải đặt hệ thống lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam lại càng bất khả thi. Trên thế giới có hơn 250 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quốc gia nào, vùng lãnh thổ nào cũng quy định như Việt Nam, thì làm sao mà các doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu như vậy?
Thực tế là hiện nay, chẳng hạn như Facebook, họ có khoảng 11 trung tâm lưu trữ dữ liệu, trong đó có đến 6 trung tâm là nằm ở Mỹ, 2 nằm ở Singapore, Hồng Kông, một số trung tâm khác nằm ở châu Âu, được sử dụng cho toàn bộ các quốc gia và hoạt động rất là tốt. Bây giờ yêu cầu họ đặt trung tâm dữ liệu ở từng quốc gia là điều bất khả thi.”
Tờ Washhington Post ngày 16/03 trích lời tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, người đã cố vấn cho chính phủ Việt Nam về an ninh mạng: “Thay vì xây dựng một hệ thống luật pháp vững chắc cần thiết cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua công nghệ, chính phủ chỉ quan tâm đến các vấn đề tin giả và bất cứ những gì có thể gây phương hại cho ổn định chính trị".
Theo tờ nhật báo Mỹ, đối tượng chính của luật an ninh mạng của Việt Nam là Google và Facebook. Tờ báo trích lời nữ ca sĩ Mai Khôi và cũng là một nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam, nhận định: " Luật an ninh là một mưu toan của chính phủ nhằm kiểm soát không gian duy nhất mà trong đó người dân có thể tự do phát biểu".
Luật sư Hoàng Cao Sang cũng có ý kiến tương tự:
“ Thực hiện Luật An ninh mạng sẽ rất là khó khăn, ví dụ như yêu cầu họ đặt trung tâm lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam là không thể được, mà nếu không đặt trung tâm dữ liệu, thì họ không được hoạt động ở Việt Nam, có nghĩa là người dân sẽ không sử dụng được các dịch vụ như Facebook, Google hoặc Yahoo. Những dịch vụ đó đang làm thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam: thay đổi về nhận thức, về thương mại và về quyền con người. Nếu chặn những cái đó, tôi không biết xã hội sẽ đi về đâu.”
Bên cạnh những ý kiến trái chiều của các nhà hoạt động và các doanh nghiệp, quốc tế cũng tiếp tục chỉ trích Luật An ninh mạng của Việt Nam. Trong bản kết luận, công bố ngày 28/03/2019, về Báo cáo quốc gia về tình hình nhân quyền của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ ba, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã xem Luật An ninh mạng của Việt Nam là một luật xâm phạm quyền tự do ngôn luận trên mạng, vì luật này cấm việc sử dụng Internet để phổ biến những thông tin chống hoặc chỉ trích nhà nước.
Trong bản thông cáo đưa ra ngày 04/03/2019, nhân cuộc đối thoại nhân quyền Liên Hiệp Châu Âu –Việt Nam, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch, cũng nhấn mạnh rằng Luật An ninh mạng của Việt Nam "đe dọa quyền về cuộc sống riêng tư và có thể tạo điều kiện cho việc đàn áp mạnh hơn nữa các hành vi bất đồng chính kiến hoặc vận động trên mạng”.
Cho dù chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, nhưng chính quyền Hà Nội đã bắt đầu mạnh tay với các tập đoàn Internet quốc tế. Chỉ vài ngày sau khi luật này có hiệu lực, mạng xã hội Facebook đã bị cáo buộc tội Vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Cụ thể, Facebook bị xem là “không đáp ứng tốt” việc bóc gỡ các trang có những hoạt động “kích động chống phá Nhà nước”, theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Facebook còn bị cáo buộc thêm hai tội là Cho phép quảng cáo bất hợp pháp và Trốn thuế. Đáp lại những cáo buộc đó, công ty Facebook ngày 09/01/2019 cho biết họ đã hạn chế nội dung bất hợp pháp và đang thảo luận với chính phủ Việt Nam.
(RFI)

Đầu tư Trung Quốc: Tâm điểm trong cuộc tranh cử tại Indonesia


Tổng thống mãn nhiệm Indonesia tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Jakarta, ngày 13/04/2019.(Antara Foto/Akbar Nugroho Gumay/ via REUTERS)

Sau Sri Lanka, Malaysia hay Maldives, giờ đến lượt Indonesia. Các dự án đầu tư của Trung Quốc bị các ứng cử viên đem ra « mổ xẻ » để công kích nhau, với lập luận rằng đầu tư Trung Quốc có nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế và chủ quyền quốc gia. Đây là cảm giác bất an thật sự trước các khoản đầu tư « hậu hĩnh » của Trung Quốc, hay đó chỉ là « một chiêu bài » để vận động tranh cử ?
Thứ Tư, 17/04/2019, Indonesia sẽ tổ chức tổng tuyển cử để bầu tổng thống và Quốc Hội. Jakarta cũng như các nước châu Á dân chủ khác đều cần đến nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng yếu kém.
Thế nhưng, tâm lý bài Trung Quốc cũng tăng theo số lượng dự án đầu tư của Bắc Kinh tại Indonesia. Người dân nước này lo sợ nguy cơ bị mất chủ quyền tại những cơ sở trọng yếu của nền kinh tế, cũng như rủi ro mắc nợ Trung Quốc quá cao, mà Sri Lanka là một ví dụ điển hình.
Ông Deasy Simandjuntak, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận xét với hãng tin Pháp AFP: « Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc là một vấn đề chủ chốt trong các cuộc bầu cử tại nhiều nước châu Á. Phe đối lập chỉ trích các chính phủ về những chính sách bị cho là ʺthân Trung Quốcʺ ».
Đây cũng chính là những luận điểm mà ông Prabowo Subianto, một cựu tướng lĩnh Indonesia, đối thủ của tổng thống Indonesia mãn nhiệm Joko Widodo đưa ra trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Bị ông Widodo dẫn trước 10 điểm trong các cuộc thăm dò, Prabowo Subianto đã sử dụng luận điệu « dân tộc chủ nghĩa », đòi xem xét lại các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhất là những công trình nằm trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.
Quả thật dưới thời tổng thống Widodo, hàng tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc đã ồ ạt đổ vào Indonesia. Là một đảo quốc rộng lớn được hình thành từ 17.000 đảo nhỏ, Indonesia cần nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường xá, sân bay, đường sắt… Theo số liệu chính thức, riêng trong năm 2018, Jakarta và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá tổng cộng 23 tỷ đô la.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt trong nhiều dự án lớn, trong đó có dự án xây khu công nghiệp trên đảo Celebes và một dự án đường tầu hỏa tốc hành nối Jakarta và Bandung, trị giá 6 tỷ đô la. Đây cũng chính là hai dự án bị phe đối lập khai thác triệt để, kích động nỗi sợ ở người dân về một làn sóng công nhân Trung Quốc ùa sang và tỷ lệ mắc nợ cao đáng lo ngại.
Mà nỗi sợ « người Hoa » này cũng không phải là một điều gì mới mẻ tại đất nước có 250 triệu dân và đại bộ phận là theo Hồi giáo. Người dân Indonsia từ lâu đã có hiềm khích với cộng đồng người Hoa trong nước, nhất là với những người giầu, vốn kiểm soát một phần quan trọng nền kinh tế Indonesia. Họ cũng từng là mục tiêu của các cuộc thanh trừng « chống Cộng sản » trong những năm 1960 và các cuộc thảm sát năm 1998, vào thời điểm chế độ Suharto sụp đổ.
Giờ đây, với những dòng vốn đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ vào Indonesia, thái độ « bài người Hoa » còn gia tăng mạnh mẽ. Bởi vì « vốn đầu tư Trung Quốc bị gán với cộng sản và bị cho là một mối đe dọa » như lưu ý của bà Trissia Wijaya, chuyên gia về kinh tế Đông Nam Á, tại đại học Murdoch của Úc.
Đây quả là một mảnh đất « mầu mỡ » cho phe đối lập khai thác. Trong cuộc đấu này, chưa biết ai thắng ai. Nhưng có một điều chắc chắn là khái niệm « Quốc gia trước đã » của ông Donald Trump đang trở nên thịnh hành.
Prabowo Subianto, 67 tuổi, mang tư tưởng bài Trung Quốc, chủ trương « chủ nghĩa dân tộc sáng suốt » thông qua một chính sách gọi là « Indonesia First ». Phải chăng đã đến lúc tổng thống Mỹ cần đăng ký bản quyền cho khái niệm « Nước Mỹ trước đã ! » ?
(RFI)

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019


Trung Quốc hứa không chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu


Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đứng giữa đồng nhiệm TQ Lý Khắc Cường (trái) và Hy Lạp Alexis Tsipras. Athens vừa gia nhập câu lạc bộ 17+1. Ảnh ngày 12/04/2019.(Reuters)

Dự thượng đỉnh Dubrovnik- Croatia, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 12/04/2019 cam kết tôn trọng các quy tắc thương mại của Liên Hiệp Châu Âu. Lời trấn an này được đưa ra trong bối cảnh Bruxelles không còn che giấu mối lo ngại trước ý đồ của Trung Quốc, liên kết chặt chẽ với khối nước Đông và Trung Âu để chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu.
Phát biểu nhân buổi khai mạc thượng đỉnh thường được gọi là 16+1, ông Lý Khắc Cường khẳng định rằng Trung Quốc sẽ “hợp tác và tôn trọng các tiêu chuẩn của châu Âu”.
Tuyên bố này được cho là nhằm trấn an nhiều thành viên quan trọng trong Liên Âu, đặc biệt là Pháp và Đức - đã lo ngại Bắc Kinh có thể chia rẽ khối này khi thúc đẩy một cơ chế hội nghị thượng đỉnh riêng biệt tập trung vào quan hệ với các quốc gia phía đông châu Âu.
Bên cạnh đó, Bruxelles cũng đặc biệt bất bình trước việc Bắc Kinh đóng cửa thị trường Trung Quốc trong lúc lại lợi dụng tối đa khả năng truy cập để dàng vào thị trường châu Âu.
Thủ tướng Trung Quốc còn cam kết “đối xử bình đẳng với tất cả các công ty hoạt động tại Trung Quốc và tăng nhập khẩu từ các nước (châu Âu)”.
Ngoài việc trấn an Liên Hiệp Châu Âu nói chung, ông Lý Khắc Cường vẫn thúc đẩy chiến lược thắt chặt quan hệ với các nước Đông Âu một thành tố quan trọng của Sáng Kiến ​​Một Vành Đai Một Con Đường mà Bắc Kinh muốn đẩy mạnh.
Tại Croatia, thủ tướng Trung Quốc đã hoan nghênh Athens gia nhập khối các nước châu Âu hợp tác riêng với Trung Quốc, cho rằng việc Hy Lạp gia nhập khối “sẽ tăng cường mối quan hệ của Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu”.
Với thành viên mới là Hy Lạp khối nước châu Âu hợp tác với Trung Quốc đã trở thành nhóm 17+1, chứ không còn là 16+1.
(RFI)

Ecuador bị tấn công tin học sau khi "bỏ rơi" nhà sáng lập WikiLeaks

Tổng thống Ecuador Lenín Moreno giải thích lý do rút quy chế tị nạn của Julian Assange trong một đoạn video phát ngày 11/04/2019.(@lenin/via REUTERS)

Ecuador, quốc gia cấp quy chế tị nạn cho Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, cho biết đã trở thành nạn nhân của nhiều vụ tấn công tin học, song không ảnh hưởng đến các website của chính phủ.
Theo thông tin trên mạng Twitter của bộ trưởng Nội Vụ Ecuador Maria Paula Romo, được AFP trích ngày 14/04/2019, « dù xảy ra nhiều vụ tin tặc trong những ngày gần đây, không một website nào của chính phủ » bị xâm nhập.
Vẫn theo bộ trưởng Nội Vụ Ecuador, cùng ngày ông Julian Assange bị đưa khỏi lãnh sự Ecuador ở Luân Đôn (11/04), một người được cho là thân cận với nhà sáng lập WikiLeaks cũng bị bắt vì bị cáo buộc tấn công tin học.
Từ Quito, thông tín viên RFI Eric Samson giải thích :
« Ola Bini bị bắt hôm thứ Năm 11/04 tại sân bay Quito khi chuẩn bị lên máy bay đến Nhật Bản. Nhân vật này mang quốc tịch Thụy Điển, 36 tuổi, được chính quyền Ecuador miêu tả là một « người thân cận » với nhà sáng lập WikiLeaks vì đã đến thăm Julian Assang 12 lần ở sứ quán Ecuador tại Luân Đôn.
Thứ Bẩy 13/04, Viện Kiểm Sát đã truy tố nhân vật này vì bị tình nghi tham gia tấn công vào hệ thống tin học. Bini đã bị tạm giam, toàn bộ tài khoản ngân hàng của ông bị khóa.
Trong buổi họp báo hôm 11/04, dù không nêu danh tính, bộ trưởng Nội Vụ Maria Paula Romo từng nhắc đến sự hiện diện của một nhà hoạt động của WikiLeaks và hai tin tặc người Nga, bị tình nghi tham gia vào kế hoạch « gây bất ổn » cho tổng thống Lenin Moreno.
Có lẽ Bini từng ra nước ngoài, và đến Venezuela với ông Ricardo Patino, cựu ngoại trưởng dưới thời cựu tổng thống Rafael Correa. Vị cựu tổng thống này từng cho rằng người kế nhiệm ông đã phản bội di sản chính trị của ông.
Dường như để trả đũa, nhiều vụ tấn công tin học đã được tiến hành nhắm vào Ecuador. Trong vòng nhiều giờ, bức hình chụp Assange đã hiện lên trên trang chủ của tòa thị chính La Mana chào mừng người truy cập. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Nội Vụ, các website chính phủ không bị ảnh hưởng ».

Ngày 14/04/2019, ông John Shipton, cha đẻ của nhà sáng lập WikiLeaks đã yêu cầu chính phủ Úc hồi hương con trai ông. Ông cho biết bị « sốc » vì tình trạng sức khỏe của Julian Assange khi bị bắt ở Luân Đôn.
(RFI)