Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2008

RFI đình công


RFI và hệ thống đài truyền hình công tại Pháp
tổ chức đình công để đòi chính phủ phải bảo đàm
nguồn tài chính cho hoạt động của các cơ quan truyền thông công.

Do vậy, chương trình tiếng Việt không được phát sóng.

Xin cáo lỗi cùng quý vị thính giả.

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2008






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BARAK OBAMA: Nhiều cộng đồng tại Pháp liều lĩnh đặt niềm tin

08/06/2008_ Barack Obama, tác giả tập sách « Hy vọng táo bạo » đã thành công. Ông nắm chắc trong tay việc được đề cử làm ứng cử viên chính thức đảng Dân chủ cho cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Chung vui với ông Obama, người da đen đầu tiên nắm được triển vọng lên làm lãnh đạo siêu cường số một, nhiều cộng đồng trên thế giới cũng liều lĩnh đặt cược.

Tại Pháp, hôm qua, người ta đã nâng ly rượu champagne mừng Obama tại quảng trường La Bastille, giữa trung tâm Paris. Một biểu ngữ trắng tại đây viết rằng : « Barack Obama, Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, tất cả các lãnh thổ hải ngoại cùng chung hàng ngũ với Obama ». Một tổ chức gọi tắt là CRAN, tập hợp các hiệp hội cuả người da đen tại Pháp, đã chào mừng thắng lợi cuả ông Obama như trên. Họ là đại diện của nhiều cộng đồng người Pháp da đen ở hải ngoại, gồm có các lãnh thổ như Guyane ở Nam Mỹ, Guadeloupe và Martinique ở vùng biển Caraibes, đảo Réunion ở gần châu Phi, hay quần đảo Polynésie tại Thái Bình Dương và Nouvelle Calédonie ở Châu Đại Dương. Các lãnh thổ này thuộc Pháp được mang tên hải ngoại. Không chỉ riêng người da đen, mà cả các cộng đồng da màu khác tại Pháp cũng mơ tưởng đến ngày được thấy đại diện cuả mình thăng tiến ở các bục cao nhất cuả quyền lực. Riêng số người nhập cư từ Bắc Phi vào Pháp, trong nhiều thập niên qua, cùng với gia đình cuả họ hiện nay, lên đến 5 hoặc 6 triệu người. Với họ, người da đen từ châu Phi, cũng như người châu Á đã sinh con đẻ cái tại Pháp, đông đảo đến mức người ta ước tính ít nhất cũng có 1/10 dân cư là người da màu. Nhưng tại Quốc hội Pháp, không thấy có vị dân biểu nào đại diện cho các cộng đồng này.

Mặt khác, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc vận động tranh cử đã dựa vào ví dụ điển hình là Hoa Kỳ để cam kết đề xuất chính sách ưu đãi các cộng đồng thiểu số, Affirmative Action, mà tại Pháp được mệnh danh là Discrimination Positive. Thế nhưng, cho đến nay, lời hứa này chưa thấy được thực hiện. Tuy nhiên, một bước cải thiện được biểu lộ rõ rệt. Đó là ông Nicolas Sarkozy bổ nhiệm 3 gương mặt thuộc các cộng đồng vào nội các cuả mình. Đó là bộ trưởng Tư pháp, bà Rachida Dati, quốc vụ khanh đặc trách Nhân quyền, bà Rama Yade, và quốc vụ khanh đặc trách hồ sơ Dân cư Thành phố, bà Fadela Amara. Không chỉ có yếu tố chủng tộc đã khiến cho người Pháp cảm thấy gần gũi với Barack Obama. Tại Pháp, ủy ban ủng hộ Barack Obama quy tụ 2000 nhân vật, từ tả sang hữu, với các gương mặt tiêu biểu như Đô trưởng Paris, ông Bertrand Delanoé, hay ông Axel Poniatowski, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Pháp.

Nếu người da màu ở Pháp xem ứng viên Obama như tấm gương thành đạt cho chính họ, thì đối với đông đảo người Pháp, Thượng Nghị sĩ tiểu bang Illinois cuả Hoa Kỳ là người đã kế thừa di sản chính trị John Kennedy và Martin Luther King. Điều này có nghĩa họ đã khoác cho ông Obama hào quang của một anh hùng mang chiều kích lịch sử. Nhật báo bảo thủ Le Figaro, vào thứ 5 vưà qua đã viết : Với Obama, nước Mỹ đã làm cho một ý niệm được tái sinh. Đó là ý niệm một xã hội hào phóng, nơi mà sự bình đẳng trong cơ hội thăng tiến không phải là một lời hưá trống rỗng. François Dupaire, tác giả cuốn tiểu sử tiếng Pháp cuả ông Obama, mang tên « Nước Mỹ cuả Barack Obama » thì nhìn thấy ở trong chính khách này hình tượng đáng tôn thờ cuả toàn cầu hoá, một con người đã vươn lên tầm cỡ thế giới.
Bảo Thạch
(Ảnh : RFI)

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2008






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

MIẾN ĐIỆN: Sau thiên tai là thảm họa nhân đạo

06/06/2008_ Hơn 130 000 người chết hay mất tích theo con số chính thức của chính quyền, 2,4 triệu người sống sót cần được cứu trợ khẩn cấp, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong đó có một triệu người chưa được giúp đõ gì cả.

Các tổn thất do trận bão Nargis gây ra tại Miến Điện quả là ghê gớm. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, người dân nước này có nguy cơ phải gánh chịu một thảm họa nhân đạo còn khủng khiếp hơn nữa nếu chính quyền không khẩn trương đề ra những biện pháp kịp thời. Nguyên do chính dẫn đến thảm họa là sự kiện khu vực bị bão Nargis tàn phá nặng nề nhất lại là vùng châu thổ sông Irrawaddy, vựa thóc của cả nước Miến Điện. Vùng này hàng năm làm ra khoảng hai phần ba sản lựợng gạo của toàn quốc. Theo các chuyên gia của cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc, FAO, nếu công việc trồng lúa không được tiến hành trở lại trong tháng 6 này, sản lượng gạo sẽ bị giảm sụt một cách nguy hiểm. Thế nhưng hơn một tháng sau cơn bão Nargis, một phần tư đồng ruộng vùng châu thổ Irrawaddy vẫn còn bị úng nước mặn do bão đem vào, đồng thời vẫn còn đầy rẫy xác người và thú vật chết trương phình trên mặt nước. Muốn trồng trọt trở lại cần phải tẩy sạch khu vực trước đã. Mặt khác, cũng theo các chuyên gia nông nghiệp, cần phải sửa sang lại các hệ thống thuỷ lợi như kênh rạch, bờ bao, trạm bơm nước bị thiên tai phá hủy, cũng như phải thay thế hơn một nửa số trâu bò dùng để kéo cày đã bị chết trong cơn bão hoặc bị chết đói sau đó vì không có người chăm sóc.

Ngoài vấn đề lúa gạo, theo một số chuyên gia về kinh tế Miến Điện, trận bão Nargis vửa qua còn tác hại đến nhiều lãnh vực sản xuất thực phẩm khác, đặc biệt là ngành thủy hải sản, chủ yếu đạt cơ sở tại vùng châu thổ Irrawaddy. Theo một viên chức tại bộ Nông nghiệp Miến Điện, hơn một nửa ngành đánh cá nước này bị bão Nargis xoá sổ, với hơn 20.000 ngư dân bị chết và 6.000 bị mất tích. Đoàn tàu đánh cá của Miến Điện khoảng 26 000 chiếc nhỏ và 2000 chiếc cỡ trung bình hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, hàng ngàn ao cá của nông dân đã trở nên vô dụng vì bị ngập nước mặn, trong lúc rất nhiều trại nuôi tôm gần Rangoun hay ở vùng châu thổ Irrawaddy cũng bị hủy hoại. Tất cả những nhân tố kể trên gộp lại đã làm gia tăng nguy cơ Miến Điện bị khan hiếm lương thực trầm trọng, thậm chí bị lâm vào nạn đói, với hệ quả tất nhiên là toàn bộ kinh tế rơi vào khủng hoảng. Mối đe dọa kể trên lại càng nghiêm trọng trong bối cảnh tập đoàn quân sự Miến Điện vào lúc này, vì những lý do chính trị, vẫn gây trở ngại cho việc đổ hàng cứu trợ vào giúp đỡ các nạn nhân, mà đa số là những cánh tay cần thiết để khôi phục lãnh vực sản xuất lương thực.

Tệ hại hơn nữa, trong tuần qua, chế độ quân sự Miền Điện còn chủ trương cưỡng bức nông dân tỵ nạn trở về nguyên quán để tiếp tục công việc nuôi trồng. Nhiều viên chức Liên Hiệp Quốc đã cảnh cáo rằng việc cưỡng bức hàng ngàn người trở về những nơi còn bị tàn phá có nguy cơ tạo ra một đợt chết chóc thứ hai vì bệnh dịch hay thiếu đói. Tóm lại, sau khi phải gánh chịu một trận bão kinh hoàng, hàng triệu ngườI Miến Điện có nguy cơ bị một thảm hoạ nhân đạo với những hậu quả lâu dài.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AP/UNICEF)

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

HÀN QUỐC: Tổng thống Lee Myung bak bị kẹt giữa hai làn đạn vi dự án nhập khẩu thịt bò Mỹ

04/06/2008_ Thời điểm hôm qua là ngày u ám đối với Tổng thống Hàn Quốc. Hôm qua, kỷ niệm 100 ngày ông lên nắm quyền, đáng lẽ ra phải được đánh dấu bằng một điểm son, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Sau nhiều tuần lễ biểu tình và xẩy ra bạo động ở Hàn Quốc vì dự án tái nhập khẩu thịt bò Mỹ, điểm tín nhiệm của ông Lee Myung bak đã tụt giảm ở mức độ báo động. Hãng AP, trích dẫn một cuộc thăm dò của nhật báo Joong Ang Ilbo cho biết, tân Tổng thống Hàn Quốc sau hơn 3 tháng lãnh đạo, chỉ còn gặt hái được sự ủng hộ của thiểu số ít ỏi của người dân : chưa đầy 20%, chẳng những vậy, cũng vào ngày hôm qua, chính phủ Hàn Quốc buộc phải nhượng bộ trước làn sóng phản đối của đông đảo dân chúng và tuyên bố tạm rút lại kế hoạch nhập khẩu thịt bò Mỹ. Cụ thể là chính phủ muốn đàm phán thêm với Hoa Kỳ, và đề nghị chỉ chấp nhận nhập khẩu thịt bò non ở tuổi chưa đầy 30 tháng.

Điểm tín nhiệm của Tổng thống đã bị xói mòn vì cuộc khủng hoảng này. Nguyên nhân bắt nguồn từ thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, về một Hiệp định Mậu dịch Tự do, mà Lee Myung bak đã giành được trong Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ George Bush vào tháng 4 vừa qua. Hiệp định Mậu dịch Tự do này, theo ông Lee Myung bak sẽ là một đòn bẩy để nâng tốc độ phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc lên một tầm cao mới. Với tỷ lệ hơn 70% của nền kinh tế này phụ thuộc vào mậu dịch với nước ngoài, Tổng thống Lee Myung bak đã đánh giá Hiệp định kể trên với Hoa Kỳ là vận hội để thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư và tạo thêm 300 ngàn công việc làm mới. Đổi lại, Hàn Quốc giải tỏa lệnh cấm vận thịt bò Mỹ, đã được ban hành kể từ 2003, để ngăn ngừa bệnh bò dại. Thế nhưng, Tổng thống Lee Myung bak đã tính toán sai lầm, kể từ cuối tháng 4, cho đến giữa tuần qua, phe đối lập đã lợi dụng việc này để thuyết phục đông đảo dư luận Hàn Quốc là chính phủ đã đặt quyền lợi của đồng minh Hoa Kỳ lên trên sự an toàn thực phẩm của nguời dân. Các cuộc xuống đường, có lúc lên đến 20 ngàn người tại thủ đô Séoul, cũng liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương khác nữa của Hàn Quốc đã phá vỡ dự án này của Tổng thống.

Nhưng bên cạnh sự bất mãn của đông đảo người Hàn Quốc không muốn tiêu thụ thịt bò Mỹ vì lo sợ bệnh bò dại, Tổng thống Lee Myung bak còn phải đối phó với những cuộc thanh toán chính trị trong nội bộ đảng Quốc Đại cầm quyền. Hiện nay, đảng này chỉ còn nắm đa số xít xao tại Quốc hội, với 153 ghế dân biểu trên tổng số 299. Sự suy yếu của ông Lee Myung bak cũng là dịp may cho các địch thủ của ông trong cùng tổ chức. Bà Park Geun Hye, người đã thất bại trong việc đọ sức với ông Lee Myung bak để giành được quyền làm ứng viên chính thức trong cuộc bầu cữ Tổng thống vừa qua. Bà này hiện nay đe dọa cùng với khoảng 60 dân biểu khác sẽ bỏ hàng ngũ đảng. Dẫu sao, bà Park Geun hye, con gái của nhà độc tài Park Chung hee, từ nay sẽ không nương tay đối với một vị Tổng thống đã tiêu tan uy tín.

Thất thế ở trong nước, Tổng thống Lee Myung bak tiến thoái lưỡng nan trong việc ứng xử với đồng minh trụ cột của Hàn Quốc là Hoa Kỳ. Đối với Washington, việc trì hoãn lệnh nhập khẩu thịt bò Mỹ là một sự thất hứa. Lee Myung bak đang lún sâu vào vòng xoáy, chưa thể dự phóng hết những tác hại trong thời gian sắp tới. Thế nhưng, với điểm tín nhiệm ở dưới mức 20%, các nhà phân tích cũng khó mường tượng Tổng thống có thể xoay sở cách nào để lãnh đạo quốc gia.
Bảo Thạch
(Ảnh : english.hani.co.kr : Gần 20 người phản đối cảnh sát đàn áp người biểu tình, 03/06/2008)

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC: Liên Hiệp Quốc triệu tập Hội nghị khẩn cấp tại Roma

03/06/2008_ Theo giới chuyên gian, giá thực phẩm leo thang là ngọn sóng thần đe dọa các nước nghèo.

Tình trạng khan hiếm lương thực và bạo động xảy ra tại nhiều quốc gia Á Phi trong những tháng qua buộc Liên Hiệp Quốc phải triệu tập hội nghị khẩn cấp khai mạc hôm nay tại Roma để tìm một giải pháp khả thi. Theo các chuyên gia và nhân viên thiện nguyện hoạt động tại hiện trường thì bức tranh toàn cảnh hiện nay khá đen tối nếu không có biện pháp khẩn cấp. Dù rằng giá thực phẩm leo thang không chừa một nước nào nhưng nước nghèo sẽ bị tác động trước tiên và nghiêm trọng hơn. Biểu tình bạo động chống giá bánh mì đắt đỏ tại Ai cập, thiếu ăn tại Sri-Lanka, bạo loạn cướp cửa hàng ở Mauritanie, Cameroun, Côte d’Ivoire, Burkina Faso, Sénégal hoặc gần đây ở Pakistan, cha mẹ giết con vì không đủ tiền nuôi dưỡng. Ủy viên châu Âu đặc trách phát triển và hoạt động nhân đạo Louis Michel không ngần ngại gọi đây là « ngọn sóng thần » đối với các quốc gia kém phát triễn, đặt biệt là châu Phi.Trong lúc Ngân hàng Thế giới thẩm định khoảng 30 quốc gia Phi châu và Á châu đứng trước nguy cơ bất ổn định xã hội và chính trị.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia lược kể một loạt lý do như sau. Trước hết, nhu cầutiêu thụ thực phẩm càng ngày càng nhiều từ những quốc gia đang phát triển như Ấn độ và Trung quốc và Brazil mà tổng cộng không dưới 2 tỷ rưỡi nhân khẩu. Hoặc những nước như Việt nam giữ gạo lại thay vì xuất khẩu. Kế tiếp là khí hậu thay đổi gây hạn hán trầm trọng hơn hoặc lũ lụt thường xuyên hơn làm giàm mức thu hoạch kể cả ở những cường quốc sản xuất lương thực như nước Úc.Trong khi đó thì trong khói Liên hiệp châu Âu mưa thuận gió hoà nhưng lại thi hành một chính sách nông nghiệp chung bảo hộ sản xuất, giảm kho tích trữ. Lý do cuối cùng, cũng như dầu hỏa, nông phẩm là nạn nhân của nạn đầu cơ. Đó là chưa kể nhu cầu sử dụng nhiên liệu thực vật thay xăng đã đẩy giá ngô bắp đậu nành tăng vọt trong lúc diện tích canh tác lúa gạo bị thu hẹp lại.

Đối với Cơ quan Lương Nông Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, FAO, giá thực phẩm đă nhảy vọt đến 45% trong 9 tháng qua và nguy cơ khan hiếm có thể kéo dài đến 10 năm. Vấn đề đặt ra là sau khi đã định được căn bịnh thì phải đưa ra thuốc trị. Ngân hàng Thế giới để nghị phải cùng một lúc giải quyết nhu cầu khẩn cấp và giúp cho các nước nông nghiệp phát triển canh tác trong dài hạn và phải tiến hành trên quy mô địa cầu như đối phó với khủng hoảng tài chính. Nếu không, bên cạnh con số 850 triệu người bị nạn đói đe dọa hiện nay, tình trạng giá cả leo thang sẽ đẩy thêm 100 triệu người vào tình trạng túng quẫn. Cho đến nay hầu hết các nước lớn như Hoa kỳ, Anh, Pháp lên tiếng ủng hộ. Tổng thống Hoa kỳ đã cho tháo khoán khẩn cấp 200 triệu đô la . Nhóm G8 do Nhật làm chủ tịch luân phiên sẽ ưu tiên thảo luận vấn đề này nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo vào tháng 7 tới. Hôm nay, trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới phải gia tăng năng xuất trong 20 năm tới, cụ thể là phải tăng lượng nông phẩm thêm 50% vào năm 2030.
Tú Anh
(Ảnh : AP : Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị FAO về khủng hoảng lương thưc, Roma, Ý, 03/06/2008)

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THÁI LAN: Thủ tướng Samak thất thế trong cuộc đọ sức với phe đối lập

01/06/2008_ Hôm qua, sau 10 tiếng đồng hồ căng thẳng trong nội tình Thái Lan, Thủ tướng Samak Sundaravej buộc phải thay đổi sách lược và rút lại lời đe dọa đàn áp biểu tình bằng vũ lực. Hôm nay, nhiều quan sát viên đánh giá, qua quyết định này, ông Samak cho thấy nhược điểm của ông trong việc cầm cân nẩy mực. Theo họ, việc ông lùi bước xẩy sau hàng loạt sự cố bất lợi cho ông tuần qua càng thể hiện thế lực của Thủ tướng suy yếu, chưa đầy 5 tháng sau khi lên cầm quyền. Đổi lại, phe đối lập đã thắng một bước cuối tuần qua, khi liên tiếp nhận được tin một bộ trưởng từ chức và nhiều dân biểu cùng thượng nghị sĩ rút tên khỏi kiến nghị đòi cải sửa Hiến pháp.

Diễn tiến sự việc như sau : Hôm kia, thứ sáu, 30/05, bộ trưởng thuộc văn phòng Thủ tướng, ông Jakrapob Penkair xin từ chức sau khi ngành tư pháp tuyên bố sẽ truy tố nhân vật này vì tội khi quân. Nghi phạm Jakrapob Penkair không phải là một bộ trưởng bình thường. Vốn là phát ngôn viên của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, ông Jakrapob Penkair được xem là cây gậy chỉ đường của đương kim nội các Thái, do Thủ tướng Samak đứng đầu. Còn đối với phe đôí lập, Kakratpob Penkair được nhận định là mắt xích yếu nhất trong chính phủ, cho nên họ đã chọn nhân vật này làm đối tượng để tấn công. Ý đồ này, từ thứ sáu, đã tỏ ra có hiệu quả. Cũng ngày thứ sáu vừa qua, chính phủ Thái Lan phải hứng chịu thêm một đòn mới. Dự án cải sửa Hiến pháp bị tạm gác sang một bên. Hàng chục vị dân biểu và thượng nghị sĩ rút tên khỏi kiến nghị Tu chỉnh Hiến pháp. Việc này khiến cho bản kiến nghị hiện nay không hội đủ con số 126 chữ ký trong Quốc hội lưỡng viện để có thể cho phép dự án của Thủ tướng tiếp tục triển khai.

Liên tiếp sa lầy, Thủ tướng Samak còn phải đối phó với nhiều nguồn tin về nguy cơ một cuộc đảo chính mới. Trong khi đó, phe đối lập mà thành phần triệt để nhất được tập hợp trong tổ chức Liên minh Nhân dân vì Dân chủ ngày đêm xuống đường tại trung tâm thủ đô Bangkok. Tình hình căng thẳng, hôm qua càng sôi bỏng hơn sau khi Thủ tướng lên tiếng vào buổi sáng cho biết sẽ dùng vũ lực giải tán biểu tình. Điều này đã đẩy cơn sốt lên đến tột đỉnh. Thế nhưng, sau 10 tiếng đọ sức, vào 8 giờ tối, bộ trưởng Nội vụ đã xuống nước dịu giọng và bảo đảm chính phủ sẽ không đàn áp.

Sự thay đổi lập trường của nội các, hôm nay, được các nhà phân tích đánh giá là bằng chứng Thủ tướng Samak thiếu vắng hậu thuẫn. Ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư đại học Chulalongkorn của Bangkok tuyên bố : « Thủ tướng Samak đã tỏ ra bất lực. Ông ta đã quá giận dữ. Ông ta đã lấy một quyết định trong sự hấp tấp và các đảng trong liên minh cầm quyền đã không ủng hộ ông ta ». Điều rõ ràng nhất đối với mọi nhà quan sát hiện diện tại Bangkok, đó là cả quân đội lẫn lực lượng cảnh sát không ủng hộ giải tán biểu tình bằng bạo lực. Ông Taweesak Suthakavatin, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển Hành chính, một đại học của Bangkok, đã kết luận : « Uy tín của Thủ tướng đã tiêu tan ».

Câu hỏi là liệu nội các do ông Samak đứng đầu sẽ còn đủ trọng lượng để trụ lại lâu dài hay không ? Vào ngày 28/05 vừa qua, theo báo The Straits Times, một cuộc thăm dò dư giới lãnh đạo doanh nghiệp tại Thái Lan đã cho thấy, 55% cho rằng chính phủ sẽ khó mà tồn tại trong vòng một năm. Trong khi đó, 20% nghĩ rằng nội cách Thái Lan khó mà đứng vững sau 6 tháng cầm quyền.
Bảo Thạch
(Ảnh : rspas.anu.edu.au)