Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

REALPOLITIK: Paris đón tiếp lãnh đạo Libye

10/12/2007_ Hôm nay, đại tá Mouammar Kadhafi đến thăm nước Pháp trong năm ngày. Nhưng ít khi chuyến viếng thăm của một lãnh đạo nước ngoài bị công luận và giới chính trị tại Pháp công kích dữ dội như vậy. Các đảng phái từ cánh trung đến cánh tả, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, thành phần trí thức, tất cả đều lên án tổng thống Pháp trải thảm đỏ đón tiếp « một tên khủng bố » vào đúng ngày Quốc tế Nhân quyền.

Năm nữ y tá người Bulgarie, thoát án tử hình của Libye trong đường tơ kẽ tóc, tuy mang ơn nước Pháp, cũng hoãn chuyến đi sang Pháp tuần này. Một nữ y tá cho biết : « Chúng tôi không để cho kẻ sát nhân chạm mặt nạn nhân ». Người thứ hai tỏ ra cay đắng hơn : « Trong chính trị không có chỗ đứng cho đạo lý ».

Trước vụ bắt chẹt Tây Âu qua vụ vu khống năm nữ y tá Bulgarie và một bác sĩ Palestine cố ý làm truyền nhiễm bệnh Sida cho hơn 400 trẻ em Libye, chính quyền của Kadhafi đã bị tố cáo đứng đằng sau hàng loạt vụ khủng bố. Điển hình là vụ đặt chất nổ một hộp đêm ở Đức năm 1986, vụ phá hoại hai chiếc máy bay dân sự, một của Mỹ năm 1998, một của Pháp năm 1989.

Thế nhưng, điện Elysée không che dấu lý do « lợi ích thương mại » và nhấn mạnh đến « chiến lược chính trị » của chuyến công du của đại tá Kadhafi. Khuyến khích Tripoli hội nhập trở lại cộng đồng quốc tế và tham gia vào đề án xây dựng Liên hiệp Địa Trung Hải, một sáng kiến của tổng thống Sarkozy.

Tuần trước tại hội nghị Âu-Phi ở thủ đô Bồ Đào Nha, nhà độc tài Libye biện minh rằng « khủng bố là vũ khí đấu tranh của kẻ yếu ». Còn tổng thống Pháp nói rằng ông không có vai trò « phê phán tính khí của Kadhafi » và ông rất « vui » đón tiếp lãnh đạo Libye.

Nhưng tại Pháp, không phải ai cũng chia sẻ quan điểm này. Ngay trong nội các, ngoại trưởng Bernard Kouchner, trong mục diễn đàn của báo công giáo La Croix, nhận định : « Không thể bỏ quên nạn nhân dù có nhân danh chủ nghĩa thực dụng ». Ngoại trưởng Pháp kêu gọi mạng lưới nhân viên ngoại giao Pháp, các sứ quán Pháp trên toàn cầu lắng nghe và làm việc với những thành viên đấu tranh cho nhân quyền, dù cho chính sách thực dụng đôi khi gây cản trở hoạt động hậu thuẫn này.

Giới phân tích ghi nhận là nỗ lực của tổng thống Pháp chiêu dụ lãnh đạo Libye không chắc là mang lại kết quả mong muốn. Những hợp đồng được nhắc đến gồm có một lò điện hạt nhân, một số phi cơ dân sự Airbus và chiến đấu cơ Rafale. Cách nay 34 năm, khi mà lần đầu tiên Kadhafi đến thăm nước Pháp sau cuộc đảo chính, ông ta mua của Pháp 100 chiến đấu cơ Mirage. Có thể trong chuyến thăm viếng lần này, ông ta sẽ mua thêm một số máy bay quân sự khác, trị giá tổng cộng các hợp đồng độ 3 tỷ euros. Phải chăng vì lời hứa ký những hợp đồng bạc tỷ này mà tổng thống Pháp đón tiếp trọng thể Kadhafi và còn mời ông ta đến quốc hội ? Nếu chỉ vì trả giá cho ông ta sau vụ thả các nữ y tá Bulgarie, thì cho ông ta đến Pháp là đủ rồi.

Hôm qua, Libye đã bán 12 vùng khai thác khí đốt. Không một tập đoàn năng lượng nào của Pháp và Mỹ ký được hợp đồng với Lybie. Chính quyền Tripoli còn dành những khu tốt nhất bán cho Nga, Algérie, Hà lan và một công ty vô danh của Ba lan.
Ngay như quan điểm chừng mực nhất của giới phân tích như tác giả bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix cũng phải nêu lên điều mà tờ báo gọi là « hành động thiếu kiên nhẫn của Pháp », muốn đi nhanh hơn các đồng minh Tây phương, chứng tỏ thiện chí với Libye.
Tú Anh
(Ảnh : www.radiofrance.fr)

Không có nhận xét nào: