24/12/2007_Phải chăng nền quân chủ Nepal sắp tới hồi kết thúc ? Câu hỏi này được đặt ra ba tháng trước đây. Sau khi đảng Quốc Đại Nepal tuyên bố ủng hộ việc thành lập chế độ cộng hoà, có nhiều dấu hiệu cho thấy tiến trình thành lập một nước cộng hoà Nepal đang diễn ra thuận lợi.
Hôm qua, lực lượng cộng sản Nepal đã chấp thuận tham chính trở lại, chấm dứt tình trạng bất ổn định chính trị bắt đầu từ tháng 9 tại một đất nuớc nhỏ bé vùng Hy Mã Lạp Sơn chỉ có 23 triệu dân.
Năm 2006, phe cộng sản Nepal đã đồng ý ngưng bắn và tham gia chính trường. Đòi hỏi lớn nhất của những nguời theo chủ nghĩa Mao là chấm dứt chế độ quân chủ Nepal. Tháng 9 vừa qua, vì không đạt được yêu sách, phe này đã tuyên bố rút khỏi chính phủ lâm thời. Hậu quả là cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến dự trù tổ chức vào tháng 11 đã bị dời lại vô hạn định.
Sau nhiều cuộc thương thuyết, hôm qua, các chính đảng Nepal và phe cộng sản đã đạt được một thỏa thuận gồm 23 điểm, theo đó, chính phủ chấp thuận tuyên bố bãi bỏ chế độ quân chủ lập hiến hiện nay và thành lập nền cộng hoà. Một cuộc bầu cử quốc hội lập hiến sẽ được tổ chức vào khoảng giữa tháng tư năm tới, tức là sau khi bắt đầu năm mới theo lịch Nepal. Bộ trưỏng Tài chính Ram Sharan Mahat nói với báo chí là chính Quốc hội lập hiến tương lai sẽ ra tuyên bố thành lập một liên bang dân chủ cộng hoà Nepal.
Ông xác định, nếu vua Gyanendra có hành vi nào ngăn chặn cuộc bầu cử thì khi ấy Quốc hội lâm thời với 2/3 phiếu thuận có thể tuyên bố thành lập chế độ cộng hoà ngay trước khi có bầu cử.
Như vậy, con đường thay đổi thể chế của Nepal đã được vạch ra rất rõ ràng.
Nepal đã từ bỏ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1990 sau cuộc nổi dậy của dân chúng. Sau đó, vương quốc này đã chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến và chế độ này càng ngày càng suy yếu. Quốc vương Gyanendra lên ngôi năm 2001 chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi xảy ra vụ thảm sát hoàng tộc Nepal mà cho tới nay chưa ai hiểu được tường tận nguyên nhân. Tân vuơng Gyanendra xem mình như hậu thân của thần Vichnou Ấn Độ giáo, theo như truyền thuyết. Ông đánh mất dần lòng dân và sự ủng hộ của chính phủ, muốn nắm trọn quyền hành, tái lập chế độ quân chủ chuyên chế. Trong bối cảnh đó, phe cộng sản Nepal từ vị thế du kích quân của cuộc ''chiến tranh nhân dân'' đã xây dựng được thế lực chính trị ngày càng mạnh thêm. Không thể chấm dứt cuộc chiến kéo dài từ năm 1996 làm cho gần chục ngàn nguời thiệt mạng, chính quyền Katmandu đã phải chấp nhận thương thuyết với phe cộng sản nổi dậy. Năm 2006, các thỏa thuận cho nguời cộng sản tham gia chính trường Nepal đã ra đời. Từng buớc, Nepal đang thay đổi, từ chấm dứt nội chiến tới mở rộng sân khấu chính trị nội bộ. Giờ đây, với thỏa thuận gồm 23 điểm đạt được hôm qua, Nepal bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến, cơ sở để thay đổi toàn diện và triệt để thể chế hiện hành.
Từ nay đến tháng 4 năm 2008, thời điểm dự trù tổ chức bầu Quốc hội lập hiến, có thể sẽ có những biến động chính trị tại vương quốc nhỏ bé này, nhưng con đường đi tới dân chủ của Nepal đang ngày càng mở rộng và thông thoáng hơn.
Ánh Nguyệt
(Ảnh : www.rfi.fr: Vua Nepal Gyanendra)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét