Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

Miến điện: Chính quyền quân sự chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp

04/12/2007_ Ủy ban quốc gia soạn thảo hiến pháp Miến Điện đã nhóm họp phiên đầu tiên ngày hôm qua. Giới tướng lãnh cầm quyền cho biết đây là bước thứ ba trong lộ trình bẩy giai đoạn, nhằm thực hiện cải cách chính trị và dân chủ tại nước này. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, mục tiêu tối hậu của lộ trình này chỉ là xây dựng một bản Hiến pháp thừa nhận vai trò của giới tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện.

Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5 năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi lớn, thu được 392 ghế trong tổng số 485 ghế tại quốc hội. Về nhì là Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ, với 23 ghế, trong khi đó, đảng Thống nhất Quốc gia do quân đội hậu thuẫn chỉ có được 10 dân biểu. Do vậy, chính quyền quân sự đã trở mặt, không cho triệu tập quốc hội mới và áp đặt một định chế mang tên Đại hội Quốc dân để soạn thảo Hiến pháp. Đồng thời, giới tướng lãnh trực tiếp chỉ định 800 đại biểu trong số hơn 1000 ngưòi tham dự Đại hội.

Ba năm sau, vào năm 1993, Đại hội Quốc dân mới nhóm họp nhưng đã phải tạm ngưng hoạt động vào năm 1996 sau khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tẩy chay và tố cáo sự thao túng của chính quyền.

Đến tháng 8 năm 2003, tướng Khin Nyunt, lúc đó là thủ tướng, đã thông báo một kế hoạch, được gọi là « lộ trình » tiến tới dân chủ bao gồm bẩy giai đoạn:
  • Triệu tập Đại hội Quốc dân

  • Vạch ra các nguyên tắc cơ bản cho bản Hiến pháp và thiết lập một nền dân chủ có kỷ luật, sau khi Đại hội Quốc dân kết thúc

  • Soạn thảo Hiến pháp

  • Trưng cầu dân ý bản dự thảo Hiến pháp

  • Tổ chức bầu cử nghị viện

  • Chỉ định các lãnh đạo quốc gia

  • Thành lập một quốc gia hiện đại, phát triển, dân chủ

Giai đoạn một trong lộ trình đã được thực hiện vào tháng 5 năm 2004. Theo phe đôí lập, tại đại hội, các đại biểu được yêu cầu mặc quốc phục và gần như giành toàn bộ thời gian để nghe diễn văn của các vị tướng lãnh cầm quyền. Hầu như không có một cuộc thảo luận thực chất, nghiêm túc nào. Ông Hkun Htun Oo, lãnh đạo Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ, là một trong số rất ít người dám nêu ra những ý kiến khác với giới tướng lãnh. Tháng 9 năm 2005, ông bị bắt với tội danh « nói xấu chế độ » và bị kết án 98 năm tù.

Tháng 9 vừa qua, Đại hội Quốc dân Miến Điện kết thúc giai đoạn hai trong lộ trình và đề ra các đường hướng chính cho bản Hiến pháp với một số điểm như : Tổng thống phải là có ít nhất 10 năm phục vụ quân đội. Miến Điện sẽ theo chế độ lưỡng viện. Thượng viện được bầu gián tiếp, còn hạ viện, về lý thuyết, do dân bầu ra. Tuy nhiên, 25% nghị sĩ tại môĩ viện sẽ là các sĩ quân quân đội, không cần thông qua bầu cử. Các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh là việc soạn thảo Hiến pháp không dựa trên các nguyên tắc dân chủ cơ bản mà chỉ nhằm mục đích ngăn chặn không cho lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi, tham chính. Ví dụ, Hiến pháp sẽ quy định là nghị sĩ hay thành viên chính phủ không được có người thân như vợ, chồng, con, mang quốc tịch nước ngoài. Đây là trường hợp bà Aung San Suu Kyi, vì hiện nay hai ngưòi con của bà mang quốc tịch Anh.

Nếu như hai giai đoạn đầu của lộ trình đã mất tới 14 năm, kể từ năm 1993, thì khó có thể dự đoán được là giai đoạn ba, thời gian soạn thảo Hiến pháp, sẽ kéo dài bao lâu. Ngay cả khi sớm được hoàn tất thì đây cũng không phải là một văn bản được làm ra và thông qua một cách dân chủ. Việc tổ chức trung cầu dân ý, tổng tuyển cử, chỉ định lãnh đạo chỉ là các bước tiếp theo mang tính hình thức thuần tuý. Tính chất phi dân chủ trong việc soạn thảo bản Hiến pháp thể hiện rõ qua việc giới tướng lãnh không chấp nhận để bà Aung San Suu Kye tham gia công việc này.

Theo nhà báo Bertil Lintner, được Asia Times trích dẫn, thì ngoại trừ ASEAN, Trung Quốc và có thể Ấn Độ, cộng đồng quốc tế khó có thể chấp nhận ý đồ của giới tướng lãnh Miến Điện. Bà Shari Villarosa, đại diện Hoa Kỳ tại Miến Điện đã cảnh báo rằng bản Hiến pháp mới sẽ không tạo được lòng tin của cộng đồng quốc tế nếu như giới tướng lãnh cầm quyền không để cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và các chính đảng khác tham gia các giai đoạn của cái gọi là lộ trình dân chủ.
Đức Tâm
(Ảnh: Reuters: Cuộc biểu tình của các nhà sư ở Rangun, ngày 25/09/2007)

Không có nhận xét nào: