Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2008

TÂY TẠNG : Trung Quốc kiên quyết duy trì sự thống trị.

19/03/2008_ Vì quyền lợi chiến lược và kinh tế, Trung Quốc kiên quyết dùng võ lực để duy trì sự thống trị Tây Tạng, bất chấp công luận quốc tế.

Trong lúc làn sóng phản đối Trung Quốc đàn áp dã man người Tây Tạng dâng lên khắp nơi trên thế giới, Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tây Tạng đã tuyên bố : « Trung Quốc đang ở giữa một cuộc đấu tranh sống còn chống lại bè lũ Đạt Lai Lạt Ma ». Lời tuyên bố này một lần nữa cho thấy lập trường cứng rắn của Bắc Kinh, sẵn sàng dùng bạo lực để xác lập quyền thống trị trên lãnh thổ Tây Tạng, cho dù hình ảnh có bị sứt mẻ trên trường quốc tế. Theo các nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc kiên quyết nắm chặt Tây Tạng, trước tiên hết đó là vì khu vực này mang một giá trị chiến lược quan trọng hàng đầu về mặt quân sự và kinh tế đối với Bắc Kinh.

Nhìn tấm bản đồ châu Á, người ta thấy ngay là vùng cao nguyên Tây Tạng nằm giữa ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Vị trí trung tâm này mang lại ưu thế rõ rệt cho quốc gia nào chiếm giữ được lãnh thổ đó. Theo ông Andrew Fischer, chuyên gia về Tây Tạng tại Viện Nghiên cứu Phát triển ở Luân Đôn, trên bình diện an ninh quốc gia, chiếm lĩnh hẳn vùng cao mang lại nhiều lợi thế hơn là có một sân sau mà mình không kiểm soát được. Còn theo bà Anne Marie Blondeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tư liệu về khu vực Tây Tạng ở Paris, hiện nay, Tây Tạng được Trung Quốc sử dụng làm địa bàn khống chế toàn bộ khu vực Nam Á. Theo các nhà phân tích, khi xây dựng tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc với thủ phủ Lhassa, một trong những ẩn ý của Bắc Kinh là tăng cường khả năng chuyển quân nhanh chóng lên Tây Tạng trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Ấn Độ hay Nga như hồi thập niên 60 chẳng hạn.

Riêng đối với bà Claude Levenson, chuyên gia về Trung Quốc, tác giả nhiều công trình biên khảo về Tây Tạng, bên cạnh yếu tố chiến lược quân sự, cũng có thể kể đến vấn đề áp lực dân số, Tây Tạng vốn ít người đã bị Trung Quốc chọn làm vùng đất di dân cho các khu vực khác đang bị nạn nhân mãn. Trả lời RFI, bà Levenson phân tích : « Sở dĩ Trung quốc nắm chặt Tây Tạng như thế, đơn thuần đó chỉ là vì lý do chiến lược. Ai nắm được Tây Tạng, ở độ cao 3500 mét bên trên lục điạ Á châu, là nắm giữ một vùng cao chiến lưọc. Trung quốc nhờ đó có thể chế ngự Ấn Độ và tất cả các quốc gia ở vùng Hy Mã Lạp Sơn. Tóm lạ,i đối với Trung Quốc, đây là vấn đề lợi ích chiến lưọc và quân sự của họ. Ngoài ra, còn những quyền lợi về không gian, mặt bằng sinh sống. Tây Tạng là một nước rộng lớn, hơn 2 triệu cây số vuông, nhưng hầu như là trống vắng theo tiêu chuẩn quốc tế, vì chỉ có khoảng 6 triệu cư dân. Điều này thích hợp cho việc di dân Trung Quốc. Dĩ nhiên là họ phải sống trong điều kiện rất khó khăn. Sinh hoạt ở đây không dễ. Nói cách khác, định cư, sinh sống, chống chọi với khí hậu khắc nghiệt ở đây không phải là dễ dàng ».

Tầm quan trọng của Tây Tạng đối với Trung Quốc còn gia tăng hơn nữa trong giai đoạn hiện nay khi vấn đề khan hiếm nguồn nước uống được đặt ra. Tây Tạng là nơi bắt nguồn của rất nhiều con sông lớn ở châu Á, trong đó có cả dòng Mêkong. Theo một giáo sư tại Trung tâm Tây Tạng học thuộc trường đại học Tứ Xuyên, thì Tây Tạng chính là nguồn cung cấp nước cho Trung Quốc, nếu chẳng may có điều gì xẩy ra cho vùng lãnh thổ này, toàn bộ Trung Quốc sẽ phải chịu tác hại trực tiếp.

Tất cả những lý do kể trên giải thích vì sao chỉ một năm sau khi giành được chính quyền tại Trung Quốc, cố lãnh đạo Mao Trạch Đông đã xua ngay quân lên xâm chiếm Tây Tạng vào tháng 10 năm 1950 và từ đó đến nay, sẵn sàng dùng võ lực dìm các phong trào nổi dậy của người Tây Tạng trong biển máu. Căn cứ vào các diễn biến trong những ngày gần đây, khi quân đội Trung Quốc thẳng tay nổ súng vào người Tây Tạng, giới quan sát đang lo ngại trước khả năng kịch bản đàn áp đẫm máu vào những năm 1959 và 1989 tái diễn. Nỗi lo ngại lại càng lớn khi theo các chuyên gia, chính quyền Bắc Kinh không muốn Tây Tạng trở thành tiền lệ, khích động ý hướng đòi độc lập hay tự quyết của các vùng nhậy cảm khác thuộc Trung Quốc như Nội Mông, Tân Cương, thậm chí Đài loan. Chính vì các lý do đó mà theo ông Joseph Cheng, một chuyên gia phân tích chính trị tại Hồng Kông, dù sẽ bị lúng túng trước phong trào phản đối bùng lên tại Tây Tạng, Trung Quốc sẽ không bao giờ buông vùng đất này.
Trọng Nghĩa

Không có nhận xét nào: