Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2008

Một phần Tennessee trong mỗi chúng ta.

07/03/2008_ Tạp chí Paris Văn nghệ do Bảo Thạch biên soạn, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Tennessee Williams qua đời.

Ở Pháp, có một bài ca rất thịnh hành, vinh danh nhà văn Tennessee Williams như sau : « Ai trong chúng ta chẳng mang một phần Tennessee / Cái ham muốn sống cho đêm không tàn, cho ngày không tắt / Cái tham vọng ngông cuồng thay đời đổi kiếp / Cái giấc mơ trong ta với những dòng chữ của Tennessee ».

Tennessee Williams đã mất cách nay 25 năm, ngày 25 tháng 2 năm 1983 trong Elysee Hotel tại New York. Một người già, đã có thời giàu có và nổi tiếng khắp thế giới, chết một mình trong hoàn cảnh khả nghi. Vì tai nạn hay tự vẫn ? Hay chăng vì đã kiệt lực ? Vào buổi tối hôm trước, theo lời kể của nhân viên khách sạn, ông đã uống như bình thường, nghĩa là 3 hay 4 chai rượu vang. Cuộc giảo nghiệm cho biết nạn nhân đã chết ngạt. Có lẽ vì bất cẩn, ông đã uống nhầm cái nút ống thuốc tây. Hoặc vì quá say, ông không dùng ngón tay mà lại lấy răng để mở ống thuốc cho nên mới nuốt phải cái nút.

Cái chết của Tennessee Williams bạc bẽo không kém hồi kết các bi kịch mà ông đã sáng tác. Một con người tài hoa bậc nhất sân khấu Mỹ, được cả thế giới nao nức đón chờ từng tác phẩm, được Hollywood trọng vọng chuyển lên màn bạc các vở kịch và truyện ngắn để đời như « Streetcar Named Desire » - « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng », « Suddenly, Last Summer » - « Đột ngột vào mùa hè năm ngoái », « Sweet Bird of Youth » - « Đôi cánh tuổi trẻ », « The Night of the Iguana » - « Đêm kỳ nhông » hay « Roman Spring of Mrs. Stone » - « Chuyến thăm Roma vào mùa xuân của bà Stone ».

Trong số các nhà văn và kịch tác gia của nước Mỹ, cho đến nay, Tennessee Williams chiếm giữ kỷ lục về con số tác phẩm được chuyển thể sang điện ảnh. Có một thời, các nhà đạo diễn xuất sắc nhất như Elia Kazan, John Huston, Joseph Mankiewicz, Joseph Losey, đã tranh giành nhau quyền được dàn dựng các kịch bản của Tennessee Williams. Các diễn viên tầm cỡ nhất như Marlon Grando, Vivien Leigh, Elisabeth Taylor, Anna Magnani, Warren Beatty, Geraldine Page, Paul Newman mới được vinh hạnh chọn lọc thủ vai nhân vật của ông. Tác phẩm của ông được dịch sang hầu hết các ngoại ngữ. Năm 1976, ông được mời làm Chủ tịch Giám khảo Liên hoan điện ảnh Cannes tại Pháp. Con người ấy, một khi đã thất sủng vào cuối đời, sống sót trong sự lãng quên, bởi vì nước Mỹ sùng bái bao nhiêu các anh hùng công thành danh toại thì cũng hững hờ bấy nhiêu với các nhà văn không còn đủ sức hái ra tiền như ngày trước.

Năm 1945, Tennessee Williams, vào tuổi 34, đột phá vào sân khấu kịch nghệ Mỹ với vở kịch « The Glass Menagerie », tiếng Pháp là « La Ménagerie de verre », tạm dịch « Bộ con giống bằng thủy tinh ». Ngay lập tức, Brooks Atkinson, nhà phê bình của nhật báo New York Times, khẳng định rằng vở kịch này đánh dấu cột mốc, khiến cho sân khấu Mỹ, kể từ nay, không còn như trước nữa. Giới yêu nghệ thuật bắt đầu so sánh Tennessee Williams với nhà soạn kịch Nga, Anton Tchekhov. Hai năm sau, Tennessee Williams tái xuất với tác phẩm « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng ». Vở kịch này cho đến nay vẫn được xem là một kiệt tác của thế kỷ 20. Ngay sau khi ra mắt khán giả, « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng » là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử sân khấu Mỹ chiếm được cả ba giải thưởng lớn, giải của giới phê bình New York, giải Pulitzer và giải Donaldson.

Quan trọng hơn cả, từ đó trở đi, cho dù Tennessee Williams sẽ sáng tác hơn chục tác phẩm khác, nhưng thế giới của ông đã định hình và ít thay đổi với những nhân vật độc đáo mà riêng ngòi bút của ông mới lột tả được hết vòng hệ lụy. Đó là những con người bồng bột, đam mê nhưng luôn luôn cô đơn, khắc khoải. Họ khao khát tìm kiếm một sự đồng giao đồng cảm trong một thế giới nhiều rủi ro, đầy bạo lực. Khi đối mặt với sự ngộ nhận, khi sa ngã, định mệnh hay là mặc cảm tội lỗi, xui khiến họ tiếp tục chạy trốn. Họ tiếp tục đánh lừa chính mình, cho dù phải nhắm mắt đưa chân vào ảo giác, vào các căn bệnh tâm thần. Tuy nhiên, hoàn cảnh có oan nghiệp đến đâu, họ vẫn được hưởng những giây phút xuất thần, huy hoàng, những khoảnh khắc thăng hoa ngắn ngủi, trước khi chết, trước khi già hay trước khi tìm nơi ẩn trú trong một nhà thương điên. Cái đẹp quằn quại và tàn nhẫn toát ra từ « Chuyến xe điện mang tên Dục vọng » đã được nhà đạo diễn Elia Kazan định nghĩa như sau : « Cứu cánh của bi kịch này nhằm phát động một sự hóa giải, khi các nhân vật trên sân khấu thành công gây được trong lòng khán giả sự cảm thông và nỗi kinh hoàng ».

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày Tennessee Williams qua đời, RFI đã phỏng vấn nhà thơ Thường Quán, qua điện thoại viễn liên Paris – Sydney.

RFI: 25 năm sau, khi nhìn lại sự nghiệp của Tennessee Williams cũng như là đánh giá lại các tác phẩm của ông, trong các nước nói tiếng Anh, người ta có vinh danh ông hay không ? Có coi ông là người đã để lại những dấu ấn rất đậm nét hay không ? Bởi vì tại các nước như Pháp, Tây Ban Nha, các vở kịch của ông vẫn được dàn dựng như « La Ménagerie de verre » hay « The Streetcar Named Desire » ?

Nhà thơ Thường Quán : Đối với những nước nói tiếng Anh, như tại Mỹ, Anh quốc, khi nhìn về giai đoạn đó, thì Tennessee Williams vẫn là một tên tuổi lớn, như một thần tượng, tuy có hơi khác, tức là nó nhuốm mầu đau khổ và bệnh hoạn hơn người khác. Ông vẫn là một biểu tượng. Anh đã nhắc đến những tác phẩm vẫn được dàn dựng tại Pháp, Tây Ban Nha. Ở bên này cũng vậy. Chẳng hạn như ở Úc, vài năm, người ta lại làm lại một vở kịch của Tennessee Williams, những vở kịch cổ điển hay như « Chuyến tầu mang tên Dục vọng ». Còn ảnh hưởng của Tennessee Williams, nó vốn có sẵn đó rồi. Có thể thấy là bây giờ, cứ nhắc tới không khí kịch cổ điển, mạnh về mặt đời thường và tình cảm, thì bên Nga có Tchekhov, còn miền nam nước Mỹ, người ta luôn luôn nhắc tới Tennessee Williams. Thậm chí, bây giờ, các ban nhạc Rock, các nghệ sĩ trong những ban nhạc này họ lại rất thích Tennessee Williams.

RFI : Đây là điều rất đáng chú ý. Ở Pháp, hơn một thập niên trước, có một bài ca rất nổi tiếng để vinh danh ông, tựa là « Nous avons tous quelque chose de Tennessee » - « Mỗi người trong chúng ta đều có một phần nào đó của Tennessee ».

Nhà thơ Thường Quán : Những người nghệ sĩ mới lớn lên, họ sống mạnh mẽ, họ lại có cái đồng cảm với Tennessee Williams. Ban nhạc Manic Street Preachers cũng vậy, có nguyên cả một bài nhạc của họ nhắc tới cuộc đời của Williams, cái đau đớn, cái tình cảm Tennessee Williams. Hay Elton John, một danh ca nổi tiếng của nước Anh, trong dòng nhạc Rock, thì vào năm 1995, ông ta có một album « Made in England » trong đó, có một bài nhạc tựa là « Lies » - « Những lời nói dối » với các lời như thế này : « I could be great like Tennessee Williams / If I could only hear something that sounds like the truth » - « Tôi có thể lớn lao như Tennessee Williams / Nếu mà tôi có thể nghe ra những âm thanh như là sự thực ». Trong cái nhìn của Elton John, Tennessee Williams là biểu tượng cho người đau khổ lắng nghe cái tiếng nói của thời đại. Cho nên, nếu những nghệ sĩ khác mà cũng nghe được như Tennessee Williams thì cũng sẽ lớn lao như Tennessee Williams.

RFI : Anh đã nói đến cuộc đời của Tennessee Williams đầy đau khổ. Có đúng là Tennessee Williams có tuổi ấu thơ, tuổi trẻ rất đặc biệt, sống ở miền nam nước Mỹ, trong một gia đình, có thể nói là hơi bệnh hoạn ?

Nhà thơ Thường Quán : Cái số phận của Tennessee Williams khi sinh ra thì hơi đau yếu. Ông sinh ở vùng Mississippi, trong một gia đình truyền thống, tức là bình thường thôi, nhưng một vài người trong gia đình lại có số phận hẩm hiu. Bản thân Tennessee Williams, lúc còn nhỏ, bị liệt chân, không đi được. Ông bố nhìn thấy cảnh đó thì chán lắm, ông xỉ vả, như là một kiểu tra tấn cậu bé Williams. Khi lớn lên, đi lại được rất ít, Tennessee Williams ngồi suy nghĩ về cuộc đời, nhìn thấy những cảnh tượng đau lòng của chính mình, của gia đình. Chắc là ông suy tư rất nhiều về con người, về số phận. Cô em là Rose Williams cũng bị bất bình thường về tâm thần. Thậm chí, về sau, gia đình quyết định là phải cho mổ não để chữa bệnh tâm thần của cô ấy – gọi là Lobotomie. Cuộc giải phẫu thất bại, Rose trở thành phế nhân, sống trong bệnh viện tâm thần cho đến cuối đời.

RFI : Và như vậy, Rose đã trở thành cái nguồn cảm hứng chính để cho Williams sau này viết vở kịch nổi tiếng « La Ménagerie de verre ».

Nhà thơ Thường Quán : Nhân vật chính trong vở kịch là Rose đấy và ngay cả Tennessee Williams cũng nằm trong nhân vật đó luôn. Thậm chí trong « Chuyến tầu mang tên Dục vọng » cũng vậy. Nhân vật Blanche DuBois có hình ảnh của Rose và có cả hình ảnh Tennessee Williams trong đó nữa. Ông mang cả mình và em gái vào trong các nhân vật. Nhân vật Blanche DuBois vào cuối vở kịch đã đi vào bệnh viện tâm thần.

RFI : Bây giờ cùng với anh đề cập đến chủ đề quan trọng nhất : Đó là những nhân vật của Tennessee Williams. Trên sân khấu Hoa Kỳ lúc bấy giờ, thì đó là những nhân vật rất mới mẻ, đầy dục vọng, mang rất nhiều ức chế. Tại châu Âu hay các nước khác trên thế giới, ngay lập tức những nhân vật này đã lôi cuốn tất cả những thế hệ, từ đó tới nay. Bởi vì nó có một cái gì dường như là hoài niệm, đầy đau khổ, nhưng đồng thời cũng rất là thật, rất là mới.

Nhà thơ Thường Quán : Đúng vậy. Sân khấu của Tennessee Williams lạ lắm. Ngay cả lúc dựng lên thành phim, như « Chuyến tầu mang tên Dục vọng », tác phẩm chiếm ngay được cảm tình của ngưòi xem, khách mộ điệu. Các nhân vật thực ra hơi cực đoan, nhưng không hiểu vì sao người ta lại đồng cảm được với họ. Có lẽ, trước đó, kịch nghệ đã tránh né những chuyện này. Tennessee Williams cho những nhân vật của mình đi sát cuộc đời. Chẳng hạn như Blanche DuBois không phải là một nhân vật hào hùng; bà ta là một người yếu mềm, nói dối, có quá khứ đau thương. Có thể nhiều người cho đó là người sống giả vờ, không sát với thực tế, thế nhưng Blanche DuBois lại có ngay lập tức sự đồng cảm của mọi người. Nhân vật phản diện, đối cực của Blanche DuBois là cậu em rể, Stanley Kowalski lại là một ngưòi rất thiết thực, sống thô ráp, gân guốc, mạnh bạo, thể hiện cả dục tính nữa, đúng ra là một nhân vật rất hấp dẫn đối với sân khấu. Thế nhưng, mọi việc không hẳn trắng đen như vậy. Giữa Blanche DuBois và Stanley Kowalski như hai mặt của cuộc sống và đó là một cuộc đối chọi. Vở kịch trở thành một đấu trường căng thẳng, cái mức độ đe dọa và căng thẳng đó áp đặt lên trên hai nhân vật này giống như hai mặt của cuộc sống. Người xem được dịp đối chiếu ngay với chính cái tâm trạng bất an của mình, có cả Stanley Kowalski trong họ, có cả Blanche DuBois trong họ. Có lẽ vì vậy, Tennessee Williams đã thành công. Tức là ông không đứng hẳn về bên nào, nhưng cho thấy là một kiếp người, khi sống tinh tế và nhậy cảm quá, thì sẽ rơi vào tình trạng như Blanche DuBois. Nhưng con người ta khi quá thô ráp, mạnh bạo quá, thì sẽ trở thành Stanley Kowalski.

RFI : Có người cho rằng bề dầy của nhân vật của Tennessee Williams phát xuất từ cái có thể gọi là phân tâm học, ông dùng phân tâm học để đối chiếu các nhân vật.

Nhà thơ Thường Quán : Quả thực, tâm lý trong Tennessee Williams lạ lắm. Có thể ông là người đồng tính, là người đau khổ, trải qua tuổi thơ bất an, không có hạnh phúc. Thế cho nên, ông dường như nhìn thấy được những cái mặt sâu khuất của con người, của tâm lý con người. Ông nhìn thấy cuộc đời như bên phía Phật giáo : Sinh ra là đã đau khổ rồi. Thế thì con người càng bước sâu vào cuộc đời, thì phải nhìn thấy cái chân lý Sinh-Lão-Bệnh. Cái nỗi khổ của cuộc đời là như vậy. Phải sống qua cái nỗi khổ, phải trải nghiệm cuộc đời, phải đi qua tất cả những chuyện đó. Thế cho nên, ông nhìn vào mặt tâm lý cuộc sống, nhân vật Blanche DuBois mang trong mình cả nỗi khổ của con người khi được sinh ra. Blanche DuBois nói một câu luôn được nhắc đi nhắc lại : « Tôi luôn sống vào lòng tử tế của kẻ lạ »

RFI : Đâu đó trong tác phẩm của Tennessee Williams có câu : Cái mấu chốt trong các tác phẩm của tôi, đó là lòng trìu mến, lòng bao dung đối với nỗi đau khổ của con người.

Nhà thơ Thường Quán : Có lẽ thông điệp của Tennessee Williams là con người sinh ra đã đau khổ quá rồi. Có lẽ giải pháp là con người phải hiểu nhau, thông cảm nhau, nên tử tế với nhau một chút. Điều đó giúp cho cuộc đời đỡ khổ. Nếu Tennessee Williams có để lại thông điệp, thì có lẽ đây là thông điệp quan trọng của ông.
(Ảnh : wikipedia.org)

Không có nhận xét nào: