Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

TÂY TẠNG: Biểu tình của tu sĩ phật giáo lan rộng

13/03/2008_ Năm tháng trước ngày khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã bất ngờ phải đau đầu với hồ sơ Tây Tạng. Trong khi vẫn tiếp tục bị đả kích từ bên ngoài vì chính sách chiếm đóng Tây Tạng, Bắc Kinh còn phải đối phó với những cuộc biểu tình của các tu sĩ Tây Tạng ngay trong nước. Theo ghi nhận của phong trào quốc tế đấu tranh cho Tây Tạng, International Campaign for Tibet, từ thứ hai đầu tuần, cả ngàn tu sĩ Tây Tạng đã liên tục thách thức chính quyền Trung Quốc ở nhiều nơi, bất chấp đàn áp và bắt bớ.

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày dân Tây Tạng nổi dậy chống ách xâm lược của Trung Quốc, vào hôm thứ hai, khoảng 500 vị sư tại tu viện Drepung đã tuần hành ở Lhassa, thủ phủ Tây Tạng. Cuộc biểu tình này đã bị chính quyền Trung Quốc đánh giá là ''bất hợp pháp'' và ''đe dọa ổn định xã hội''. Cùng ngày, 400 vị sư khác ở tu viện Lutsang, thuộc tỉnh Thanh Hải, cũng đồng thanh lên tiếng yêu cầu chính quyền cho Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi hương. Lãnh tụ tinh thấn của người Tây Tạng đã phải lưu vong từ năm 1959 sau khi cuộc nổi dậy bị Trung Quốc đè bẹp. Khoảng một trăm nhà sư khác ở Myera, tỉnh Cam Túc cũng hoà nhịp biểu tình phản đối. Đến ngày hôm qua, thứ tư, lại có 600 vị sư ở tu viện Sera xuống đường đòi chính quyền trả tự do cho một chục người đã bị bắt hồi đầu tháng vì đã trương cờ Tây Tạng và hô khẩu hiệu đòi độc lập cho nước này. Hai ngàn công an Trung Quốc đã được huy động, dùng lựu đạn cay để giải tán cuộc biểu tình.

Theo giới quan sát, phong trào đấu tranh của các tu sĩ kể trên mang quy mô rầm rộ nhất từ năm 1989 đến nay. Vào thời ấy, để trấn áp biểu tình, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phải ban hành thiết quân luật. Bà Mary Beth Markey, Phó Chủ tịch Phong trào Quốc tế Đấu tranh cho Tây Tạng - International Campaign for Tibet, cho rằng các cuộc biểu tình lần này có thể dự báo cho một cuộc đọ sức mới giữa người Tây Tạng và chính quyền Trung Quốc. Các nhà phân tích đã gắn liền phong trào phản kháng của giới tu sĩ Tây Tạng lần này với mối quan tâm trở lại của công luận quốc tế về số phận của Tây Tạng. Sự kiện gần đây nhất là hành động của nữ danh ca nhạc pop Bjork, người Iceland ngay tại Thượng Hải. Nhân một buổi trình diễn hôm mồng một tháng ba, giữa bài hát Declare Independance, tạm dịch là Hãy tuyên bố độc lập, viết về quần đảo Greenland và Feroe thuộc Đan Mạch, ca sĩ Bjork đã nhiều lần hô vang từ ''Tây Tạng''.

Phải nói là khi xin được tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền và tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Thế nhưng trong thực tế Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp đối lập. Tại Tây Tạng, chính sách trấn áp còn dữ dội thêm với việc chính quyền tung người vào các ngôi chùa, buộc các tu sĩ phải chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong bối cảnh đó, người Tây Tạng đã tìm cách tranh thủ cơ hội Bắc Kinh trở thành trọng tâm chú ý của thế giới với Thế Vận Hội. Mục tiêu là để đánh động công luận quốc tế về sự áp bức mà họ đang phải gánh chịu.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Ngày 10/03/2008, tại Dharamsala - Ấn Độ, các sư sãi Tây Tạng sống lưu vong kỷ niệm 49 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma buộc phải rời bỏ quê hương)

Không có nhận xét nào: