Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

TÂY TẠNG : Giới trẻ không tán đồng đường lối « trung dung »

18/03/2008_ Từ lâu, đức Đạt Lai Lạt Ma đã từ bỏ yêu sách đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này và đã chọn một đường lối đấu tranh gọi là « con đường trung dung », tức là chỉ đòi cho Tây Tạng được hưởng một quyền tự trị rộng rãi. Nói chung, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền trên vùng lãnh thổ này, nên Ngài đặt mục tiêu là giành quyền tự trị, để ít ra bảo vệ được Tây Tạng khỏi nguy cơ diệt chủng văn hóa. Hôm chủ nhật vừa qua, tuy lên án « chế độ khủng bố » của Trung Quốc, nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma không hề nhắc đến chuyện cắt đứt đối thoại với Bắc Kinh và cũng không kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội.

Thế nhưng, đường lối đấu tranh ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma không được sự tán đồng của giới trẻ Tây Tạng. Thật ra, bất đồng giữa lớp trẻ Tây Tạng với thế hệ lớn tuổi trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong không phải là chuyện gì mới mẻ, nhưng bất đồng này càng trở nên sâu sắc sau những vụ đàn áp biểu tình đẫm máu tại Tây Tạng trong những ngày qua. Tại Dharamsala, Ấn Độ, hôm qua, Đại hội Thanh niên Tây Tạng đã lên tiếng chỉ trích lập trường ôn hòa của đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ kêu gọi tiếp tục biểu tình cho đến khi nào Tây Tạng được độc lập và đối với họ Trung Quốc không xứng đáng tổ chức Thế Vận Hội. Chủ tịch của Đại hội Thanh niên Tây Tạng, Tswegang Rigzin cho rằng : « Rất nhiều người Tây Tạng mong muốn độc lập và họ rất thất vọng, nhất là lớp trẻ. Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn là lãnh tụ của chúng tôi, nhưng mỗi người dân Tây Tạng có quyền làm thay đổi tình hình ». Theo anh Rigzin, sau sáu năm đối thoại với Bắc Kinh, hai bên vẫn còn những bất đồng căn bản. Anh tuyên bố : « Khi đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 qua đời, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập ».

Bản thân đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn nhận : « Nói chung người Tây Tạng tuân thủ nguyên tắc bất bạo động của tôi, nhưng đúng là do không kềm chế được cảm xúc, một số người đã sử dụng đến bạo lực ». Hôm nay, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng nhắc lại rằng Ngài không kiểm soát được bạo động ở Tây Tạng và tuyên bố Ngài sẽ từ chức nếu tình hình trở nên trầm trọng hơn. Tuyên bố này phần nào phản ánh sự bất lực của đức Đạt Lai Lạt Ma vì ngày càng khó mà thuyết phục người dân Tây Tạng, nhất là giới trẻ, về tính đúng đắn của đường lối trung dung mà Ngài chủ trương. Nhất là sau những vụ đàn áp vừa qua, không ai biết là đối thoại giữa các đặc sứ của đức Đạt Lai Lạt Ma và đại diện của Trung Quốc có sẽ tiếp tục hay không. Ngay cả trong nội bộ chính phủ Tây Tạng lưu vong nay cũng bị chia rẽ trên vấn đề này và bản thân Thủ tướng của chính phủ này cho biết là họ có thể xét lại đường lối trung dung mà đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trương.

Tóm lại, sau gần 50 năm đất nước của họ sống dưới ách thống trị của Trung Quốc, giới trẻ Tây Tạng lưu vong, mà đa số sinh trưởng ở nước ngoài thấy rằng đấu tranh ôn hòa chẳng đi đến đâu và muốn tự mình nắm lấy vận mệnh đất nước trong tay với quyết tâm giành độc lập. Những thành viên của tổ chức Đại hội Thanh niên Tây Tạng thậm chí không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đạt mục tiêu đó.
Thanh Phương
(Ảnh - AFP : Đức Đạt Lai Lạt Ma tại cuộc họp báo ngày 13/03/2008, ở Dharamsala - Ấn Độ)

Không có nhận xét nào: