25/03/2008_ Sự kiện Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng nổ ra từ hơn một tuần, nhưng mãi đến nay mới thấy giới lãnh đạo cao cấp tại Pháp lên tiếng. Người khai pháo là Tổng thống Nicolas Sarkozy hôm 24/03/2008, tiếp theo sau là Ngoại trưởng Bernard Kouchner cũng như Quốc Vụ khanh Rama Yade vào hôm sau. Theo giới phân tích, Paris không thể giữ yên lặng vào lúc dư luận càng lúc càng công phẫn vì hành động của Trung Quốc và trong bối cảnh nhiều đồng minh châu Âu của Pháp đã công khai tỏ thái độ. Theo một bản thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp, hôm 24/03/2008, ông Sarkozy đã gởi thông điệp đến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, kêu gọi các bên tự kềm chế và chấm dứt bạo động tại Tây Tạng bằng đối thoại. Theo Phủ Tổng thống Pháp, Paris sẵn sàng đứng ra tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đối thoại giữa Bắc Kinh và đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngay sau khi Tổng thống Pháp lên tiếng, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner sáng 25/03/2008 đã tiếp lời, cho rằng vụ đàn áp ở Tây Tạng là điều ''không thể chịu đựng được'', từ ngữ trong nguyên văn. Cùng lúc, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, Quốc Vụ Khanh đặc trách nhân quyền Rama Yade cũng lên tiếng cho biết sẵn sàng gặp gỡ đức Đạt Lai Lạt Ma nếu Ngài ghé thăm nước Pháp.
Theo giới quan sát, các tuyên bố kể trên về vấn đề Tây Tạng được đưa ra trong bối cảnh công luận tại Pháp ngày càng tỏ ý bất nhẫn trước hành động đàn áp người Tây Tạng của Trung Quốc và đòi hỏi chính quyền Pháp phải tỏ thái độ dứt khoát. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do viện CSA công bố ngày 24/03/2008, thì 53 % dân chúng mong muốn Tổng thống Pháp tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh để khẳng định thái độ bất đồng tình về các diễn biến tại Tây Tạng. Trong tuần lễ qua, nhiều chính khách đối lập trong đảng Xanh và đảng Xã hội cũng thúc giục nhà nước Pháp minh thị lập trường. Ngoài ra, cũng theo các nhà quan sát, với việc giới lãnh đạo cao nhất tại Pháp lên tiếng trên hồ sơ Tây Tạng, Paris đã hoà chung tiếng nói với hai đồng minh nặng ký ở Liên Hiệp châu Âu là Anh và Đức, vốn đã biểu thị thái độ phản đối vụ Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng. Ngay từ những ngày đầu tiên, Thủ tướng Anh quốc Gordon Brown và Thái tử Charles đã loan báo sẵn sàng đón tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma, khi ngài ghé Anh quốc vào tháng 5 tới đây. Tuyên bố này trực tiếp nhắm vào Trung Quốc vì lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng đang bị Bắc Kinh quy tội khích động phong trào biểu tình tại chỗ. Về phần nước Đức thì Berlin đã quyết định tạm ngưng các cuộc thảo luận với Bắc Kinh về hồ sơ phát triển Trung Quốc.
Cho dù vậy, quan điểm chung của Paris trên hồ sơ Tây Tạng còn rất thận trọng. Ngoại trưởng Pháp sáng 25/03/2008 vẫn loại trừ việc ông Sarkozy tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, trong lúc Quốc Vụ khanh đặc trách nhân quyền thì hoàn toàn kín tiếng về khả năng Tổng thống Sarkozy tiếp xúc với đức Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai. Trước mắt, các phản ứng của Paris trên vấn đề Tây Tạng, đặc biệt là thông điệp của Tổng thống Pháp gởi đến Chủ tịch Trung Quốc, đã được dư luận báo chí tiếp đón thuận lợi, cho dù nhiều người tiếc rằng lập trường của Pháp chưa đủ mạnh mẽ. Thế nhưng, nếu diễn biến tại Tây Tạng xấu đi thêm trong tương lai, thì vấn đề phản ứng mạnh mẽ hơn sẽ đặt ra trở lại với Paris, nhất là khi Pháp sẽ trở thành Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp châu Âu kể từ tháng 07/2008.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Ngoại trưởng Bernard Koucher trả lời trước Quốc hội về Tây Tạng, ngày 25/03/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét