Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2008

TÂY TẠNG : Phương Tây phản ứng thận trọng

20/03/2008_ Kể từ khi nổ ra những vụ đàn áp biểu tình đẫm máu ở Tây Tạng, phản ứng của các nước phương Tây nói chung rất chừng mực, trong khi các cuộc biểu tình lên án Trung Quốc gia tăng khắp nơi trên thế giới. Đa số các chính phủ chỉ lên tiếng kêu gọi chính quyền Trung Quốc và người Tây Tạng nên kềm chế. Không một chính phủ nào ủng hộ việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm thứ hai vừa qua kêu gọi chính quyền Bắc Kinh tránh để tiếp diễn xung đột và bạo lực.

Tuy nhiên, cho tới nay Liên Hiệp Quốc chưa đưa vấn đề Tây Tạng ra bàn thảo, do ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc trong tổ chức này. Trong số các lãnh đạo hiếm hoi dám lên tiếng mạnh mẽ, có Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Hans-Gert Poettering. Ông Poettering đề nghị những lãnh đạo chính trị dự trù tham dự Thế Vận Hội nên nghĩ đến việc tẩy chay. Theo chiều hướng đó, tổ chức Phóng viên Hhông Biên giới vào đầu tuần này đã kêu gọi các vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội. Hôm thứ ba vừa qua, ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner tuyên bố là các giới chức Pháp có thể xem xét khả năng tẩy chay lễ khai mạc. Nhưng hôm qua, ông lại thay đổi ý kiến. Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh RMC và đài truyền hình BFM-TV, ông Kouchner cho rằng đề nghị nói trên không thực tế và Paris sẽ không ủng hộ. Tuy vậy, ông Kouchner thông báo là vấn đề này sẽ được đem ra bàn thảo trong một họp giữa các ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu vào tuần tới ở Slovenia. Nhưng không chắc là Liên hiệp châu Âu sẽ có một quyết định dứt khoát.

Phản ứng chừng mực của quốc tế thật ra không có gì là khó hiểu, bởi lẽ Trung Quốc là một thị trường quá lớn. Các nước phương Tây, kể cả Hoa Kỳ, không muốn vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế, cho nên sẽ không có chuyện trừng phạt thương mại Trung Quốc, giống như phương Tây đã làm với Miến Điện khi chính quyền quân sự nước này đàn áp các cuộc biểu tình do các tu sĩ Phật giáo khởi xướng. Cuộc đàn áp biểu tình ở Tây Tạng lại diễn ra trong bối cảnh là kinh tế của Mỹ đang bước vào suy thoái, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc và do đôla mất giá, khiến kinh tế các nước công nghiệp khác sụt giảm theo. Với một lượng dự trữ ngoại tệ được ước tính lên đến 1.500 tỷ đôla, Trung Quốc càng đóng vai trò quan trọng. Nếu Bắc Kinh ngưng mua trái phiếu của Mỹ, đồng đôla có thể sẽ sụt giá hơn nữa. Nhưng bản thân kinh tế Trung Quốc cũng phụ thuộc vào các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu để xuất khẩu hàng hóa. Cho nên, một số chuyên gia về Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đừng ngại tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Dẫu sao, nếu các vụ đàn áp đẫm máu ở Tây Tạng tiếp diễn thì phản ứng của quốc tế chắc là sẽ mạnh mẽ hơn. Thêm vào đó, bối cảnh vận động tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ trong năm nay có thể sẽ thúc đẩy Washington có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh và điều này sẽ ảnh hưởng đến thái độ của những nước phương Tây khác.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Áp phích lên án việc tổ chức JO-2008 tại Bắc kinh, được dán ở Dharamsala- Ấn độ, ngày 9/3/2008)

Không có nhận xét nào: