Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: Tìm thỏa thuận cho hậu Kyoto

31/03/2008_ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu bắt đầu đi vào những biện pháp cụ thể chống hiệu ứng nhà kính.

Từ hôm nay cho đến thứ sáu tại Bangkok, đại diện của 190 quốc gia dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc phải đạt được một thỏa thuận mới, chậm lắm là vào năm tới, để ngăn chận thay đổi khí hậu trên địa cầu. Như hội nghị Bali cách nay 4 tháng, mục đích sau cùng vẫn là tìm đồng thuận trên một văn kiện thay thế nghị định thư Kyoto hết hiệu lực năm 2012.

Tuy nhiên giới phân tích hy vọng không khí hội nghị tại thủ đô Thái Lan sẽ không căng thẳng như cuộc thảo luận 4 tháng trước ở Bali.
Thứ nhất là tình trạng địa cầu rất nghiêm trọng. Những kết quả khảo sát mới nhất cho thấy băng đá ở hai cực địa cầu tan từng mảng lớn. Trên đại lục Á châu, tuyết ngàn năm ở dải núi Hymalaiya mỏng đi dần. Trong tuần lễ này, các nhà thương thuyết phải đi sâu vào những vấn đề cụ thể chuẩn bị cho một kế hoạch toàn diện mang nhiều cao vọng hơn nghị định thư Kyoto chỉ chú trọng vào lời hứa thiện chí. Bốn hồ sơ chủ yếu là làm giảm khí thải gây kiệu ứng nhà kính, các phát minh mới không gây ô nhiểm, giúp đỡ các nước nghèo bị tác hại vì thay đổi khí hậu và cuối cùng là những chưương trình tài trợ mới. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên các nước giàu đồng ý hợp tác với các nước nghèo trong nỗ lực chung đối phó với nguy cơ tự hủy.

Do nội dung tập trung vào kỹ thuật và thảo luận sâu rộng cho nên hội nghị Bangkok sẽ ít tạo ra những tranh cãi bất đồng. Trong chiều hướng này, châu Âu và các nước đang phát triển đồng ý với nhau là các nước công nghiệp hóa phải chấp nhận một cách bắt buộc tỷ lệ giảm khí thải gây ô nhiễm từ 25 đến 40% từ nay đến năm 2020 so với tỷ lệ 1990. Cách nay 4 tháng, vì để bảo vệ quyền lợi của mình, phái đoàn Hoa Kỳ tại hội nghị Bali đã gây sức ép để không đưa chỉ tiêu này vào lộ đồ Bali. Nhưng theo giới quan sát, chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ có thái độ xây dựng hơn. Trước hết là tổng thống George Bush sắp hết nhiệm kỳ, cũng muốn để lại tiếng thơm và một di sản mang tính xây dựng cho những thế hệ mai sau. Ba ứng cử viên tổng thống cũng đã cam kết họ sẽ tích cực trong việc bảo vệ môi trường hơn Tổng thống đương nhiệm. Dù sau đi nữa, ở hội nghị Bali, tất cả các quốc gia tham dự, kể cả Hoa Kỳ là một cường quốc kỹ nghệ không phê chuẩn nghị định thư Kyoto, vẫn thấy cần phải có vòng đàm phán mới mà hội nghị Bangkok khai mạc hôm nay minh chứng cho tiến triển tư duy được đánh giá là tích cực này.

Ông Yvo de Boer, trách nhiệm hồ sơ khí hậu Liên Hiệp Quốc nhận định là sẽ không có nhiều bất đồng diễn ra tại Bangkok. Đây là một cuộc họp bàn chuyện cụ thể. Cũng chia sẻ tinh thần lạc quan này, John Hay, một chuyên gia môi trường của Liên Hiệp Quốc cho biết, trong tuần này, các nhà thương thuyết phải hội ý với nhau trên một kế hoạch rõ rệt : Phải làm gì, khi nào làm và tại sao ? Thời gian không còn nhiều vì các nước phải gấp rút cho biết rõ lập trường trước khi mở ra vòng đàm phán cuối cùng mà ngày kết thúc là hội nghị Copenhaguen vào tháng 12 năm tới. Hai sự kiện cho thấy cộng đồng quốc tế không còn lơ là trước hiệu ứng nhà kính : Thứ sáu vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chính thức nắm lấy hồ sơ này và nhấn mạnh rằng người nghèo là nạn nhân bị thiệt thòi nhất. Hôm sau, thứ bảy, 26 thành phố lớn khởi đi từ Sydney tham gia chiến dịch « một giờ cho địa cầu », tắt đèn một giờ đồng hồ tiết kiệm năng lượng.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : một con đê chắn sóng biển bị hư hại, ở xã Hải Thịnh – tỉnh Nam Định)

Không có nhận xét nào: