11/03/2008_ Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, giá một tấn gạo xuất khẩu đã vượt mức 500 $ ở thị trường Bangkok, tức là tăng thêm hơn 100 $ chỉ trong vòng một tháng. Ở Việt Nam, giá gạo cũng đã tăng hơn 50% trong vòng một năm, lên đến 460 $ một tấn. Giá gạo tăng cao như vậy dĩ nhiên là có lợi cho hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan và Việt Nam. Chẳng hạn chỉ trong hai tháng đầu năm nay, thu nhập từ xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 150 triệu, tăng 78% so với cách đây một năm.
Nhưng trong khi đó, giá gạo leo thang càng gây thêm khó khăn cho nhiều quốc gia khác, vốn đã không bảo đảm được tự túc lương thực, nhất là những nước rất nghèo như Bangladesh. Tại nước này, tình hình ngày càng bi đát với giá gạo tăng gấp đôi trong vòng một năm và với 144 triệu miệng ăn, trong đó 40% sống với thu nhập chưa tới 1 $ một ngày. Cuộc khủng hoảng lương thực tại Bangladesh càng thêm trầm trọng do thiên tai đã tàn phá mùa màng vào năm ngoái. Theo một giới chức cơ quan lương thực của chính phủ, sau khi đã nhập 2,2 triệu tấn gạo trong năm 2007, năm nay, Bangladesh phải nhập thêm 3 triệu tấn. Philippines cũng gặp tình trạng tương tự. Để nuôi 90 triệu dân, năm nay Philippines phải nhập khoảng hai triệu tấn gạo, chủ yếu là từ Việt Nam. Nhưng theo phát ngôn viên của cơ quan lương thực quốc gia, khối lượng nói trên chưa để bù vào khoản thiếu hụt giữa sản lượng gạo của Philippines với nhu cầu tiêu thụ của nước này trong năm 2008. Còn Indonesia, sau khi đã nhập 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2007, năm nay vẫn phải nhập thêm vì sản lượng gạo của Indonesia, tuy đã tăng thêm trong năm ngoái, nhưng vẫn chưa bảo đảm được tự túc lương thực. Theo những số liệu mới nhất, vào năm nay, số các hộ gia đình cần trợ cấp của chính phủ để mua gạo đã tăng lên hơn 19 triệu, so với gần 16 triệu cách đây một năm. Nhằm bảo vệ người tiêu thụ trong nước, chính phủ Ấn Độ từ tháng 10 năm ngoái đã cấm xuất khẩu gạo, ngoài loại gạo basmati nổi tiếng. Chỉ riêng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhờ thị trường được bảo hộ chặt chẽ và nhờ sản xuất lúa gạo được trợ giá rất nhiều, cho nên những nước này hiện vẫn bảo đảm được tự túc lương thực.
Kinh tế gia cao cấp của tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, ông Jonathan Pincus, đã từng nói: « Tất cả các chính phủ ở châu Á đều biết rằng ổn định chính trị có quan hệ rất chặt chẻ với ổn định giá gạo. Cho nên chính phủ nào cũng cố gắng duy trì sự ổn định giá cả, nhất là giá các nhu yếu phẩm ». Ngay cả những quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam, giá gạo tăng cao trong bối cảnh lạm phát leo thang, càng khiến dân nghèo thêm khốn đốn. Theo giải thích của ông Jonathan Pincus, do thị trường gạo ở Việt Nam đã được tự do hóa, giá gạo nội địa cũng tăng theo giá gạo thế giới và mối nguy hiểm nằm ở chỗ, khác với Indonesia hay Malaysia, Việt Nam không có kho dự trữ để hạn chế tác động tăng giá.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét