Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2008

IRAK : Quân đội Mỹ có dấu hiệu mệt mỏi sau 5 năm chiến tranh

14/03/2008_ Sau năm năm triển khai binh sĩ tại Irak, quân đội Hoa Kỳ, lực lượng quân sự số một thế giới, có nhiều dấu hiệu tỏ ra mệt mỏi, tác động đến khả năng tác chiến. Trên đây là nhận định của giới quan sát, dựa theo cuộc thăm dò dư luận trên quy mô chưa từng thấy, đối với 3400 sĩ quan tại ngũ và đã về hưu. Cuộc thăm dò do tạp chí Foreign Policy và Center for a New American Security thực hiện. Theo kết quả cuộc thăm dò vừa được công bố đầu tháng ba vừa qua, có tới 60% số sĩ quan được hỏi cho rằng quân đội Mỹ hiện nay yếu kém hơn so với cách đây 5 năm. Điều đáng chú ý hơn cả là 88% nhận định rằng chiến tranh Irak đã thúc đẩy quân đội Hoa Kỳ tới những giới hạn nguy hiểm, từ ngữ trong nguyên văn. Theo 80% số sĩ quan được hỏi ý kiến, thật là phi lý nếu nghĩ rằng quân đội Mỹ có thể tiếp tục tiến hành thêm một cuộc chiến tranh nữa, sau nhiều năm được huy động, căng trải trên chiến trường Afghanistan và Irak.

Theo AFP, ý thức được thực trạng mệt mỏi này, trong thời gian qua, các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Mỹ đã đề xuất việc giảm stress cho binh sĩ. Cụ thể là giảm bớt thời gian phục vụ trên chiến trường Irak xuống còn 12 tháng, thay vì 15 tháng như hiện nay. Biện pháp này càng trở nên cấp bách khi mà Hoa Kỳ đã quyết định đưa thêm hàng ngàn quân sang Afghanistan nhằm đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng. Hiện nay, có tất cả 32 ngàn binh sĩ Mỹ hiện diện tại Afghanistan. Vào cuối tháng hai vừa qua, trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ, Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, tướng George Casey đã cảnh báo, xin trích, « Hậu quả tích tụ của 6 năm chiến tranh (kể từ khi có chiến tranh Afghanistan) đã làm cho lực lượng bộ binh bị mất cân đối và hạn chế khả năng chuẩn bị các nhiệm vụ khác ». Hết lời dẫn. Do vậy, tướng Casey hy vọng là vào mùa hè năm nay, số binh sĩ Mỹ tại Irak sẽ giảm từ 157 ngàn xuống còn 140 ngàn. Trong khi đó, tướng Raymond Odierno, phó Tham mưu trưởng lực lượng bộ binh, đề xuất kéo dài thời gian phục hồi sức khoẻ cho binh sĩ giữa hai đợt điều quân, tức là cứ một năm phục vụ chiến trường thì có hai năm đóng quân tại Hoa Kỳ.

Năm năm sau khi phát động chiến tranh, chính quyền Mỹ vẫn chưa bình định được Irak. Tính cho đến ngay hôm qua, 13/03/2008, theo thống kê của AP, 3987 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại nước này.

Về mặt kinh tế, cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan là một gánh nặng đối với Hoa Kỳ. Văn phòng phụ trách ngân sách của Quốc hội Mỹ, CBO, ước tính là chi phi liên quan đến các cuộc chiến tranh, từ nay đến năm 2017 sẽ giao động trong khoản từ 1200 đến 1700 tỷ $. Thế nhưng, theo giải thưởng Nobel kinh tế, Joseph Stiglitz, chỉ tính riêng Irak, sau 5 năm Hoa Kỳ phát động chiến tranh, trong năm 2008 này, mỗi tháng Hoa Kỳ tốn kém khoảng 12,5 tỷ $, trong khi đó, vào năm 2003, chi phí này là 4,4 tỷ. Nếu tính gộp với chiến tranh Afghanistan, chi phí thông thường mỗi tháng lên tới 16 tỷ, tương đương với ngân sách hàng năm của Liên Hiệp Quốc. Do vậy, theo kinh tế gia Stiglitz, cuộc chiến Irak sẽ làm cho Hoa Kỳ tốn kém ít nhất là 3000 tỷ $, vượt xa số tiền đổ vào 12 năm chiến tranh Việt Nam trước đây.

Trong bối cảnh đó, một dấu hiệu khác cho thấy sự bất đồng giữa giới quân sự và chính trị trong việc tiến hành chiến tranh. Đó là việc đô đốc William Fallon, chỉ huy trưởng cả hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan, đã từ chức ngày 11/03/2008, mà theo giới phân tích, chỉ vì ông đã bất đồng với lập trường hiếu chiến của chính quyền Bush trong hồ sơ Iran.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận đăng trên nhật báo USA Today ngày hôm qua, thì có tới 60% nguời dân Mỹ cho rằng chiến tranh Irak là một sai lầm.
Đức Tâm
(Ảnh : www.armees.com)

Không có nhận xét nào: