17/03/2008_ Chỉ còn năm tháng nữa là đến Thế Vận Hội Olympique Bắc Kinh và đa số các vận động viên, giới phụ trách thể thao quốc tế đều tỏ thái độ không muốn tẩy chay sự kiện này. Mặc dù vừa xẩy ra việc chính quyền Trung Quốc thẳng tay đàn áp những cuộc biểu tình của người Tây Tạng, nhưng giới thể thao cho rằng Thế Vận Hội là phương tiện thu hút sự chú ý của công đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.
Theo ông, Alejandro Blanco, Chủ tịch Ủy ban Olympique Tây Ban Nha, được AFP trích dẫn, thì điều chắc chắn là nhờ có Thế Vận Hội, hồ sơ nhân quyền tại Trung Quốc sẽ có một bước tiến lớn. Còn chủ tịch Liên đoàn Judo Pháp Jean Luc Rougé, ngày hôm qua, cũng nhận định rằng Thế Vận Hội thật là nguy hiểm đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hơn là mối lợi mà họ nghĩ rằng có thể thu được qua việc tuyên truyền. Nếu không có Thế Vận Hội thì có lẽ thế giới sẽ không có cùng tiếng nói mạnh mẽ như vậy về các sự kiện vừa xẩy ra tại Tây Tạng.
Cho đến nay, mới chỉ có một vài vận động viên đơn lẻ tỏ ra băn khoăn về việc tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, sau những vụ đổ máu tại Tây Tạng. Vận động viên bộ môn đua ngựa, Lugder Beerhbaum, người Đức, tự hỏi có nên tham dự trong những điều kiện như vậy hay không. Trong khi đó, ông Thomas Bach, phó chủ tịch Uỷ ban Olympique Quốc tế, CIO, đồng thời là chủ tịch Uỷ ban Olypique quốc gia Đức bầy tỏ sự thông cảm với những trăn trở của các vận động viên vì đó là danh dự của họ. Nhưng theo ông, nếu xem xét kỹ tình hình thì các vận động viên sẽ thấy là việc tham dự vẫn tốt hơn là đứng ngoài Thế Vận Hội. Do vậy, giới thể thao hướng nhìn vào Ủy ban Olympique Quốc tế. Năm 2001, quyết định của CIO để cho thành phố Bắc Kinh đăng cai Olympique 2008 đã bị chỉ trích gay gắt. Giờ đây, trước việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người biểu tình Tây Tạng, CIO lại tỏ ra tiết kiệm lời nói. Hôm thứ sáu tuần trưóc, tại Porto Rico, trước các câu hỏi dồn dập của giới báo chí, Chủ tịch Uỷ ban Olympique Quốc tế Jaques Rogge chỉ nói rằng CIO rất coi trọng các vấn đề nhân quyền và giá trị nhân bản, nhưng không phải là một tổ chức tranh đấu như Amnesty International hay GreenPeace. CIO chỉ quan tâm làm sao tổ chức Thế Vận Hội một cách tốt nhất. Hôm qua, phát ngôn viên của tổ chức này bổ xung là CIO chia sẻ quyết tâm của mọi người là cần phải đạt được một giải pháp hoà bình cho các căng thẳng tại Tây Tạng.
Chính phủ nhiều nước phương tây, một mặt kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt các hành động đàn áp, thậm chí một số nước còn đòi mở điều tra về những gì đã xẩy ra tại Tây Tạng, mặt khác, họ vẫn cho rằng không nên tẩy chay Thế Vận Hội Băc Kinh. Ngay Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngày hôm qua, đã cho rằng cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm tinh thần nhắc nhở Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ với tư cách nước chủ nhà, tổ chức Thế Vận Hội nhưng đồng thời Ngài cũng chống lại việc tẩy chay.
Kể từ khi Thế Vận Hội được thành lập năm 1896 đến nay, đã có bẩy lần sự kiện thể thao lớn nhất nhì hành tinh này bị một số một số quốc gia tẩy chay vì lý do chính trị. Thế nhưng, không một nước nào tẩy chay Thế Vận Hội Berlin, được khai mạc một cách trọng thể ngày mồng một tháng tám năm 1936 bởi Adolf Hitler.
Đức Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét