26/03/2008_ Phải chăng phe thân cận với cựu Thủ tướng Thaksin đang tìm cách xoá dần vết tích của thời chế độ quân sự cầm quyền trong hai năm 2006 và 2007 ? Được gợi lên từ lúc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) thân Thaksin chiến thắng nhân cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2007, khả năng nói trên ngày càng rõ nét từ khi đảng này lên cầm quyền tại Bangkok và thực hiện một loạt những chủ trương nhằm khôi phục vai trò của vị Thủ tướng đã bị lật đổ.
Hôm nay, đảng Quyền lực Nhân dân đã chính thức thừa nhận việc họ đang chuẩn bị sửa đổi đáng kể bản Hiến pháp do tập đoàn quân sự chỉ đạo soạn thảo trước đây và đã được dân chúng thông qua nhân một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2007. Đối với đảng đang cầm quyền tại Thái Lan, bản Hiến pháp đó phi dân chủ, do một nhóm chuyên gia được tập đoàn quân sự chỉ định soạn ra, vì thế không thể được công nhận là chính đáng. Một trong những điều khoản căn bản của bản Hiến pháp mà đảng Quyền lực Nhân dân muốn xóa bỏ là điều 237 quy định việc giải tán các đảng chính trị và cấm không cho giới lãnh đạo các đảng này hoạt động. Ngoài ra, đảng Quyền lực Nhân dân cũng chủ trương tước bỏ một trong những quyền hạn của Ủy ban Bầu cử, theo đó, định chế này có quyền yêu cầu giải tán các đảng chính trị vị phạm luật bầu cử.
Theo các nhà phân tích, nếu các điều khoản nói trên bị xỏa bỏ, thì sẽ rất có lợi cho cựu thủ tướng Thaksin cũng như đảng Quyền lực Nhân dân và các đồng minh. Hiện nay, ông Thaksin và 110 lãnh đạo cao cấp của đảng Thái Rak Thai của ông trước đây đang bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Về phần mình, đảng Quyền lực Nhân dân đang có nguy cơ bị giải tán nếu Tòa án Tối cao xét rằng họ đã phạm tội mua chuộc cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua. Hai đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền là Chart Thai và Matchimathipataya cũng bị mối đe dọa tương tự sau khi một số thành viên bị tố cáo gian lận bầu cử. Lẽ dĩ nhiên là đảng cầm quyền ở Thái Lan cũng dự trù sửa đổi nhiều điều khoản Hiến pháp khác, nhưng các khoản kể trên mang tính chất thiết yếu.
Trong trường hợp Hiến pháp Thái Lan được sửa đổi theo hướng nói trên, các nguy cơ nhắm vào đảng Quyền lực Nhân dân sẽ biến mất và người đứng đầu đảng này trong thực tế là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ được khôi phục hoàn toàn. Đối với đảng Quyền lực Nhân dân, công việc điều chỉnh Hiến pháp đang trở thành một ưu tiên nóng bỏng. Trái với tuyên bố của Thủ tướng Samak Sundaravej trước đây là ông sẽ chỉ tìm cách tu chính Hiến pháp sau hai năm cầm quyền, trưởng ban sửa đổi Hiến pháp của đảng Quyền lực Nhân dân hôm nay xác định là công việc sẽ được xúc tiến nhanh chóng. Họ sẽ phải làm việc khẩn trương để có thể đệ trình dự thảo tại Quốc hội nội trong hai tháng tới đây. Cũng trong ngày hôm nay, đảng Dân chủ trong phe đối lập Thái Lan, một lần nữa, đã lên tiếng tố cáo chính quyền mưu cầu lợi ích bè phái khi sửa đổi Hiến pháp. Họ cũng kêu gọi dân chúng phản đối trong trật tự quyết định nói trên của chính quyền. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả tiếng nói của phe đối lập Thái Lan đến đâu trong khi mà một cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy là gần 60 % người được hỏi ủng hộ việc tu chính Hiến pháp.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, khi ra khỏi sân bay ngày 28/02/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét