08/03/2008_ Kể từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957 cho tới nay, tức là cả nửa thế kỷ, người dân nước này vẫn sống dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc, một liên minh mà thành phần chủ yếu là đảng UMNO. Nhưng liên minh cầm quyền này có nguy cơ bị suy yếu sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm nay.
Thủ tướng Badawi đã giải tán Quốc hội ngày 13 tháng 2 để tổ chức bầu Quốc hội mới vào lúc mà uy tín của ông bị sụt giảm nghiêm trọng, do căng thẳng sắc tộc gia tăng và dân chúng bất bình vì giá cả leo thang. Chính những yếu tố này sẽ tác động đến kết quả bầu cử hôm nay, như tường trình của thông tín viên Solène Honorine từ Kuala Lumpur : « Trong suốt 50 năm Malaysia độc lập, không có cuộc bầu cử Quốc hội nào thật sự gây hồi hộp vì Mặt trận Dân tộc, liên minh cầm quyền, lúc nào cũng thắng cử. Nhưng cuộc bầu cử năm nay chứa đựng vài ẩn số. Năm ngoái, một loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra, một việc hiếm thấy ở Malaysia, phản ánh nổi bất mãn của một bộ phận dân chúng, đặc biệt là những người gốc Hoa và gốc Ấn Độ. Họ không muốn giữ nguyên trạng mối quan hệ giữa các sắc tộc ở Malaysia. Thêm vào đó, giá các nhu yếu phẩm leo thang càng khiến dân Malaysia thêm bất bình. Liên minh cầm quyền chắc chắn sẽ được bầu lại, nhưng chưa ai biết chiến thắng này sẽ có tầm mức đến đâu và nhất là chưa biết phe đối lập sẽ giành được bao nhiêu ghế. Với thể thức bầu cử hiện hành, tuy chỉ giành được 2/3 số phiếu, Mặt trận Dân tộc đã nắm đến 90 % số ghế trong cuộc bầu cử năm 2004. Nhưng do nỗi bất mãn của một bộ phận dân chúng cũng như nhờ phe đối lập đã dàn xếp với nhau để tránh phân tán phiếu, rất có thể diện mạo của Quốc hội mới sẽ thay đổi ».
Ngoài những yếu tố như đã nói ở trên, phe đối lập còn đã tăng thêm sức mạnh nhờ vào uy tín của cựu thủ tướng Anwar Ibrahim. Vì dám chống lại Thủ tướng Mahathir Mohamad, cho nên ông Anwar đã bị cách chức tháng chín năm 1998 và sau đó bị kết án tù vì tội tham nhũng và quan hệ tình dục trái tự nhiên. Ông được trả tự do vào tháng chín năm 2004. Tuy bị cấm ra tranh cử cho đến tháng tư, ông Anwar đã đứng ra lãnh đạo chiến dịch vận động cho đảng đối lập Kedilan, do vợ của ông làm chủ tịch. Những tờ báo thân chính phủ hôm qua đã tập trung đả kích cựu phó thủ tướng Anwar, chứng tỏ thấy liên minh cầm quyền đang cảm thấy bị đe doạ bởi đảng Kedilan, với nguy cơ là cử tri gốc Ấn và gốc Hoa sẽ dồn phiếu cho phe đối lập. Trong một quốc gia mà báo chí phần lớn vẫn do chính quyền kiểm soát, các đảng đối lập nay sử dụng ngày càng nhiều Internet để vận động tranh cử, nhờ vậy mà đã tác động đến những thành phần cử tri trẻ, có học thức ở thành thị. Các cuộc mít tinh vừa qua của đảng Kedilan và các đảng đối lập khác đã thu hút rất nhiều người đủ mọi sắc tộc. Phe đối lập Malaysia hy vọng sẽ thu được 75 ghế, tức là lần đầu tiên sẽ ngăn không cho Mặt trận dân tộc nắm đa số 2/3 ở Quốc hội và như vậy liên minh cầm quyền sẽ không có thể tùy tiện sữa đổi Hiến pháp nữa. Chưa biết là phe đối lập có thể đạt được mục tiêu này hay không, nhưng chắc chắn là thế lực của liên minh cầm quyền tại Malaysia sẽ không còn nguyên vẹn sau cuộc bầu cử hôm nay.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Cử tri đi bỏ phiếu tại Kepala Batas, 08/03/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét