Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2008

ĐÀI LOAN : Tình hình Tây Tạng tác động đến bầu cử tổng thống.

21/03/2008_ 24 giờ trước khi phòng phiếu mở cửa vào sáng thứ bảy, hai ứng cử viên tranh ghế tổng thống Đài loan đều đưa ra những lời tuyên bố trấn an cử tri, liên quan đến quan hệ với Hoa lục.

Trước hết là ứng cử viên đảng Dân Tiến Tạ Trường Đình, người tự xem là bức tường thành bảo vệ chủ quyền của hải đảo, đối đầu với tham vọng thống nhất lãnh thổ của Bắc kinh, dường như thay đổi thái độ. Mới hôm qua, ông còn lên án Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng và gọi đó là dấu hiệu báo trước số phận của người dân Đài Loan khi bị Hoa lục chiếm đóng. Sáng nay, ứng cử viên Tạ Đình Trường cam kết với cử tri là ông sẽ nối lại đối thoại cấp cao với Trung Quốc. Ông giải thích : « Từ trước đên nay, đảng Dân Tiến là mục tiêu của những lời chỉ trích là thiếu tinh thần cởi mở. Tôi hứa sẽ ưu tiên cho một giải pháp thỏa hiệp ». Hết lời dẫn.
Đối thoại chính trị giữa Đài Loan và Trung Quốc đã bị gián đoạn từ năm 2000, tức là từ khi đảng Dân Tiến chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm đó, kết thúc 51 năm cầm quyền liên tục của Quốc Dân đảng. Hai nhiệm kỳ sau đó của Tổng thống Trần thủy Biển được biểu hiện qua thái độ ngờ vực đối với chế độ cộng sản Hoa lục và hàng năm tổ chức lể duyệt binh phô trương khả năng phòng thủ quyết tử chống Trung Quốc xâm lăng.

Về phần ứng cử viên Mã Anh Cửu của Quốc Dân đảng, thái độ của ông cũng đáng được chú ý. Nhân vật này có tiếng là hòa hoãn với Bắc Kinh. Khi vụ đàn áp ở Tây Tạng diễn ra, ông đã có phản ứng gây ngạc nhiên là công kích Trung Quốc với lời lẽ mạnh bạo chưa từng thấy, có lẽ còn hơn hẳn đối thủ đảng Dân Tiến. Ông phê phán giới lãnh đạo Bắc Kinh có hành động « thô bạo và ngu xuẩn ». Thế rồi sáng nay, ông lại tỏ ra dịu giọng, xin trích : « Nếu đắc cử tôi sẽ chọn một chính sách ôn hoà để cải thiện quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan ».

Sau những lời tuyên bố trên đây của hai ứng cử viên tổng thống, lập tức chỉ số thị trường chứng khoán Đài Loan tăng 2,32%.

Những lời tuyên bố hoà dịu đối với TQ của ông Tạ Trường Đình và Mã Anh Cửu dường như nhằm mục tiêu chiến thuật trấn an giới doanh nghiệp đã đầu tư hơn 100 tỷ $ vào Trung Quốc và cũng để chiều ý Washington, đồng minh số một của Đài Bắc, vì lý do dễ hiểu. Hoa Kỳ không muốn bị bó buộc, phải can dự vào một cuộc chiến với Trung Quốc để bảo vệ hải đảo.

Cuối cùng, theo giới phân tích, thái độ của Trung Quốc tại Tây Tạng chắc chắn đã tác động đến cuộc bầu cử Đài Loan. Tác động thứ nhất là chỉ trong vòng một tuần lễ, uy tín của ông Tạ Đình Trường đang từ 20 điểm thua ông Mã Anh Cửu, đã vượt lên hơn đối thủ. Điều này cho thấy người dân Đài Loan tin tưởng vào khả năng đảng Dân Tiến đương đầu với Bắc kinh hơn là tin cậy vào lập trường thân Trung Quốc của Quốc Dân đảng, khi thấy từng đoàn chiến xa và quân xa kéo lên Tây Tạng. Bên cạnh vấn đề chủ quyền, người dân Đài Loan còn nhu cầu quan yếu khác là kinh tế. Giáo sư Andrew Dương, thuộc đại học Tưởng Giới Thạch phân tích : « Dù sao đi nữa, Tây Tạng là Tây Tạng còn Đài Loan là Đài Loan. Trung Quốc đe dọa Đài Loan đã mấy chục năm nay chứ đâu phải mới đây. Phần đông dân chúng chờ đợi một Tổng thống mới giúp quan hệ kinh tế với Hoa lục được phát triển mạnh hơn ».

Tóm lại, trong một cuộc bầu cử dân chủ, ứng cử viên phải tranh thủ từng lá phiếu của cử tri. Thái độ của hai ứng cử viên cho thấy họ quan tâm đến mọi ưu tư chính đáng của người dân Đài Loan. Một mặt không muốn bị chế độ cộng sản Trung Quốc thống trị, mặt khác là phải có một chính sách khôn ngoan để không cho Bắc Kinh một cái cớ nào, dù nhỏ, đe dọa an ninh của mình.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : Ông Tạ Đình Trường – bên trái- và ông Mã Anh Cửu)

Không có nhận xét nào: