03/03/2008_ Giáo hội công giáo Philippines giúp Tổng thống Arroyo cơ may cuối cùng để tránh bị dân chúng lật đổ.
Phong trào đối lập tại Philippines đòi Tổng thống Gloria Aroyo từ chức mỗi ngày mỗi mạnh thêm. Cuối tuần qua, hai cựu tổng thống, ông Joseph Estrada và đặc biệt là bà Corazon Aquino, người đánh bại nhà độc tài Ferdinan Marcos cách nay 22 năm về trước đã dẫn đầu một cuộc biểu tình huy động hơn 25 ngàn người tại Manila, với khẩu hiệu « Gloria phải làm sáng tỏ sự thật và phải từ chức ». Theo Reuters, nhiều linh mục đứng chung với sinh viên phất biểu ngữ « giã từ Tổng thống ».
Từ nhiều tháng nay, công luận Philippines tố cáo chồng của Tổng thống dính líu vào một vụ tham ô, liên quan tới một hợp đồng thương mại ký với một công ty Trung Quốc khoảng 330 triệu đôla. Sự kiện cựu tổng thống Corazon Aquino hiện diện bên cạnh cựu Tổng thống Estrada là một điều hy hữu. Vào năm 2001, bà Aquino đứng chung với phong trào xuống đường chống Tổng thống Estrada bị quy tội tham ô, cuối cùng đã làm cho ông ta phải nhường ghế Tổng thống lại cho Phó Tổng thống Arroyo. Vào năm 1986, một triệu người Philippines đã tràn ngập đường phố thủ đô Manila. Cuộc nổi dậy đã đuổi nhà độc tài Ferdinand Marcos ra khỏi nước, đưa bà Aquino lên làm vị Tổng thống dân cử đầu tiên.
Câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống Arroyo có thoát khỏi số phận của hai người tiền nhiệm là Marcos và Estrada hay không ? Theo giới phân tích tại Manila, bà Arroyo đã tránh được ba âm mưu đảo chính và ba lần bị đe dọa truất phế trước nghị viện, vận may của bà chưa hẳn đã hết. Quân đội và cảnh sát vẫn còn trung thành. Quan trọng hơn cả là Giáo hội Công giáo Philippines, biểu tượng cho tinh thần đạo đức của quốc gia có đông đảo tín đồ Thiên Chúa giáo nhất tại Á châu, chưa bỏ rơi bà Arroyo. Vào lúc phong trào dân chúng chống tệ nạn tham nhũng trong thượng tầng chính phủ chờ đợi Giáo hội kêu gọi bà Arroyo từ chức thì Hội động Giám mục chỉ lên án « tệ nạn tham ô trầm kha » trong chính phủ.
Thái độ của Giáo hội được xem như là một ân huệ đối với Tổng thống Arroyo vì Giáo hội luôn đóng một vai trò then chốt trong việc lật đổ các nhà lãnh đạo bê bối trong quá khứ. Sinh thời, Hồng y Jaime Sin, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Philippines đã nhiều lần lên tiếng phê phán chế độ độc tài của Ferdinand Marcos trong thập niên 80 và cũng chính Ngài đã ủng hộ phong trào chống Tổng thống Estrada năm 2001. Tuy Hội đồng Giám mục Philippines hiện nay không yểm trợ cho phong trào đòi Tổng thống từ chức, nhưng điều này không có nghĩa là Giáo hội hậu thuẫn chính quyền tham ô. Chuyên gia Ramon Casiple, Giám đốc Viện Cải cách Kinh tế Chính trị ở Manila giải thích : « Giáo hội Công giáo chỉ tạm cho bà Arroyo có thêm thời gian để suy nghĩ. Thái độ của Giáo hội chỉ làm cho công luận tạm thời lắng dịu. Giờ đây, bà Arroyo phải nhanh chóng thay đổi ». Một nhà phân tích khác thân cận với bộ Quốc phòng là ông Rommel Balaoi nói rằng : « Tổng thống phải chứng tỏ mình là một người đáng tin cậy, phải tỏ ra minh bạch trong việc quản lý đất nước. Nếu không, bà có nguy cơ bị quân đội bỏ rơi ».
Vẫn theo các nhà phân tích Philippines, sự thủy chung của các tướng lãnh đối với Tổng thống Arroyo có thể mất đi bất cứ lúc nào. Sở dĩ hiện nay chưa sĩ quan nào lên tiếng chống bà, vì họ tuân lịnh thượng cấp. Nhưng điều này có thể thay đổi trong một đêm. Cuối cùng, Giáo sư Ben Lim, đại học Manila nghĩ rằng, tuy phong trào đấu tranh có khả năng lật đổ bà Arroyo, nhưng chưa có gì bảo đảm là sẽ có một người thay thế xứng đáng hơn.
Tú Anh
(Ảnh : Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét