15/03/2008_ Dù cố gắng bưng bít, sự kiện lực lượng an ninh Trung Quốc, dùng bạo lực tấn công người Tây Tạng biểu tình tại thủ phủ Lhassa vào hôm qua đã được loan truyền khắp trên thế giới thông qua mạng Internet, khiến hình ảnh của Trung Quốc hoen ố thêm đúng vào lúc nước này đang cố gắng tô điểm lại bộ mặt để chào đón Thế Vận Hội Bắc Kinh. Trước hết, hình ảnh lực lượng an ninh hùng hậu được chiến xa yểm trợ đi tuần tra trên các đường phố Lhassa, một ngày sau khi chính quyền nổ súng bắn đạn thật vào đám đông biểu tình đã không khỏi gợi lại chiến dịch đàn áp đẫm máu mà Trung Quốc đã tiến hành tại nơi này cách nay gần năm chục năm. Vào năm 1959, cũng với mục tiêu ngăn chặn phong trào biểu tình tố cáo Trung Quốc vị phạm nhân quyền tại Tây Tạng, Bắc Kinh đã tung quân đội đàn áp dã man những người phản đối. Chiến dịch kéo dài hơn ba ngày, sát hại gần 87 ngàn người Tây Tạng chỉ riêng tại miền trung lãnh thổ này.
Từ đầu tuần đến nay, các vụ đàn áp, kèm theo chiến dịch truy bắt những người biểu tình, đã nêu bật hình ảnh của một chế độ chuyên chế, sẵn sàng thẳng tay đàn áp các tiếng nói bất đồng, bất chấp những lời cam kết tôn trọng nhân quyền khi đăng cai Thế Vận Hội Bắc Kinh. Ngoài ra, hành động thô bạo lại diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích về việc tăng cường đàn áp giới ly khai chính trị. Ví dụ điển hình là phiên toà xét xử nhà ly khai trẻ tuổi Hồ Giai. Nhân vật này bị buộc tội khích động phản nghịch chỉ vì đã dám tố cáo Bắc Kinh không tôn trọng những cam kết cải thiện nhân quyền khi xin tổ chức Thế Vận Hội. Cho đến nay, Hoa Kỳ cũng như Nghị Viện châu Âu và Ủy ban châu Âu đã lên tiếng can thiệp cho nhà ly khai Hồ Giai nhưng chưa được Trung Quốc đáp ứng. Sau cùng, sự kiện người Tây Tạng, đứng đầu là các vị sư, vẫn bất chấp đàn áp để nổi lên phản đối chính sách của Trung Quốc đối với họ, cũng nêu bật lòng phẫn uất của người Tây Tạng. Mới đây, bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố : « Tình hình ở Lhassa vẫn ổn định nhờ các nỗ lực của chính quyền địa phương và nhờ công cuộc quản lý dân chủ các đền chuà ». Nhận định kể trên đã bị thực tế phản bác. Theo một đại diện Đức Đạt Lai Lạt Ma tại nước ngoài, các cuộc biểu tình mới đây cũng là phản ứng trước chủ trương của Bắc Kinh tăng cường đàn áp người dân Tây Tạng. Hình ảnh một đất nước hài hoà mà Trung Quốc muốn phô trương trước thế giới nhân Thế Vận Hội Bắc kinh như vậy đã bị vấn đề Tây Tạng tác hại.
Theo các nhà quan sát, đối với Trung Quốc, hồ sơ Tây Tạng đang biến thành một bài toán nan giải. Đối với những người Tây Tạng, bị Trung Quốc chèn ép trong hàng chục năm qua, trong sự thờ ơ tương đối của cộng đồng quốc tế, lúc này là thời điểm duy nhất mà họ có thể tranh thủ để đánh động dư luận. Theo bà Valérie Niquet, chuyên gia về châu Á tại Học Viện Quan hệ Quốc tế, IFRI, ở Paris, các nhà sư Tây Tạng đủ nhậy cảm với tình hình quốc tế để hiểu rằng lúc này là một thời cơ hết sức thuận tiện. Chính vì vậy mà tình hình căng thẳng tại Tây Tạng có khả năng tiếp diễn trong những ngày sắp tới đây. Do việc quốc tế đang chú mục vào Bắc Kinh để theo dõi việc tổ chức Thế Vận Hội, Trung Quốc khó có thể che mắt thế giới để yên tâm lập lại một chiến dịch đàn áp trên quy mô rộng như trước đây. Tây Tạng như vậy đang trở thành một vần đề gai góc đối với Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : Reuters : Quân đội Trung Quốc bao vây thủ phủ Lhassa ngày 15/03/2008. Du khách ngoại quốc bị cấm tới đây cũng như các nơi khác trên lãnh thổ Tây Tạng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét