29/03/2008_ Vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên ngày hôm qua ở vùng Hoàng Hải không chỉ gây thêm căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc mà còn khiến cho tiến trình phi hạt nhân hóa bị chậm trễ thêm.
Như ta đã biết, các cuộc đàm phán sáu bên giữa hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đã đạt đến một thỏa thuận ký tại Bắc Kinh ngày 13 tháng 2 năm 2007. Theo thỏa thuận này, Bắc Triều Tiên cam kết từ bỏ mọi hoạt động hạt nhân, đổi lấy viện trợ năng lượng của quốc tế. Chế độ Bình Nhưỡng sau đó đã tỏ thiện chí bằng cách cho ngừng hoạt động lò phản ứng chủ yếu ở cơ sở hạt nhân Yongbyon. Sau vòng đàm phán vào tháng 9 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã chấp nhận vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon trước ngày 31 tháng 12 năm 2007 và khai báo đầy đủ các chương trình hạt nhân trước khi giải thể hoàn toàn các chương trình này trong năm nay. Nhưng thời hạn nói trên đã qua mà Bình Nhưỡng vẫn chưa thực hiện đúng cam kết. Theo phía Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên đã không khai báo đầy đủ các chương trình làm giàu chất uranium và những hoạt động phổ biến hạt nhân. Từ đó cho đến nay, đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên gặp bế tắc. Cuộc gặp gỡ lần cuối cùng giữa hai phái đoàn thương thuyết tại Genève ngày 14 tháng 3 vẫn không đạt được kết quả nào. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã doạ sẽ làm chậm trễ tiến trình phi hạt nhân hóa và một lần nữa khẳng định là họ không hề làm giàu chất uranium và cũng không hề trợ giúp hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào. Cùng lúc đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc loan tin là Bình Nhưỡng vừa bắn thử nghiệm ba hoặc bốn tên lửa tầm ngắn ở vùng Hoàng Hải.
Vụ bắn thử nghiệm tên lửa nói trên cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên kể từ sau bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc. Khác với người tiền nhiệm, tân Tổng thống Lee Myung-bak chủ trương một chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. Đặc biệt, ông gắn liền viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên với những tiến bộ trong hồ sơ hạt nhân. Hôm thứ năm vừa qua, chính quyền Bắc Triều Tiên tỏ thái độ bất bình bằng cách trục xuất phần lớn các giới chức Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp Kaesong, nằm ở biên giới hai miền và cho tới nay vẫn được xem là biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều. Hôm qua, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc cho rằng những vụ bắt thử tên lửa là nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận bình thường của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng theo một nhà phân tích Hàn Quốc được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Ông không loại trừ khả năng xảy ra các trận đụng độ giữa hải quân của hai miền trên vùng Hoàng Hải sau khi Bộ chỉ huy Hải quân Bắc Triều Tiên hôm qua lên tiếng cảnh báo về điều mà họ gọi là « những hành động gây hấn quân sự » của Hàn Quốc ở vùng biển này.
Vào tháng trước, ông Keith Luse, một quan chức cao cấp ở Thượng viện Mỹ đã đến Bắc Triều Tiên để tìm hiểu vì sao Bình Nhưỡng chần chừ, không chịu khai báo đầy đủ các chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí. Trong bản báo cáo với Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ hôm qua, ông Keith Luse đưa ra kết luận rằng có thể là những thành phần cứng rắn trong giới quân sự đầy thế lực ở Bắc Triều Tiên đang làm đủ mọi cách để cản trở việc thực thỏa thuận về hạt nhân ký kết giữa sáu nước. Tóm lại, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là một tiến trình bấp bênh, vì nó tùy thuộc nhiều vào nội tình chế độ Bình Nhưỡng.
Thanh Phương
(Ảnh : AFP : Một đơn vị tên lửa của quân đội Bắc Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét