Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2008

TÂY TẠNG : Trung Quốc có nguy cơ bị lên án trên hành trình rước đuốc Olympique

23/03/2008_ Ngày mai, ngọn đuốc Thế Vận sẽ đưọc thắp sáng tại Olympie Hy Lạp, khởi đầu cho hành trình nhiều ngàn cây số trước khi đến Bắc Kinh vào ngày mồng 8 tháng 8. Tuy nhiên, các chặng đường rước đuốc Thế Vận mà Bắc Kinh muốn tô điểm như hành trình hữu nghị và hoà bình, có thể biến thành cơ hội tập hợp các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vì đợt đàn áp đẫm máu hai tuần qua tại Tây Tạng. Ngay từ bây giờ, chính quyền Hy Lạp đã đặt Olympie, chiếc nôi của Thế Vận Hội dưới sự canh phòng cẩn mật. Nhà nước nghiêm cấm người tham dự đón rước đuốc mang theo biểu ngữ và các đồ vật có thể sử dụng để ném xa như chai lọ, đồ hộp và ô dù. Các sân bay của Hy Lạp cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chặn bắt những đoàn biểu tình. Thế nhưng, ngày 10 tháng 3 vừa qua, một nhóm người Tây Tạng đã tập họp gần địa điểm thắp đuốc tại Olympie để phản đối Trung Quốc, trước khi bị giải tán.

Vỏ quít dầy, móng tay nhọn. Trong chuyến rước đuốc băng qua 137 000 cây số xuyên 5 lục địa, điều gần như chắc chắn là người biểu tình ủng hộ Tây Tạng sẽ mai phục, đặc biệt tại các thành phố lớn như Luân Đôn, Paris, san Francisco, Caberra, Nagano và Séoul, nhằm lên án bộ mặt thật của Bắc Kinh đằng sau các khẩu hiệu như xã hội hài hoà và ổn định phát triển. Tại Trung Quốc, trong 115 thành phố dự trù được đón rước đuốc Thế Vận, các cơ quan an ninh mật vụ đã được đặt trong tình trạng báo động. Đặc biệt là trong thời điểm ngày 19 đến 21 tháng 6, khi đuốc Thế Vận được đưa sang Tây Tạng, nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ đau đầu cảnh giác để phòng ngừa mọi bất trắc. Từ nhiều ngày qua, không một ngày trôi qua mà không diễn ra biểu tình tại nhiều quốc gia, để đòi Trung Quốc thay đổi chính sách đối với Tây Tạng. Làn sóng ủng hộ Tây Tạng bó buộc công luận và các chính quyền lấy lập trường. Tại châu Âu, Anh quốc và Đức đứng đầu trong việc công khai hậu thuẫn cho đức Đạt Lai Lạt Ma. Thủ tướng Anh Gordon Brown và Thái tử Charles đã cho biết sẽ tiếp xúc trực tiếp với đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 5. Còn tại Pháp, chính phủ đang bị gây áp lực để đức Dạt Lai Lạt Ma đưọc tiếp đón long trọng tại Paris vào tháng 8 sắp tới.

Nếu không đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma, gương mặt của Trung Quốc sẽ thêm xấu xí, khác một trời một vực với hình ảnh cởi mở và hiện đại mà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào muốn để lại hậu thế khi chiếm lấy cơ hội tổ chức Thế Vận. Đó là về mặt chính trị, còn trên phương diện kinh tế, các hố sâu giữa Bắc Kinh cam kết tôn trọng nhân quyền và sự thật về việc đàn áp biểu tình với chiến xa và súng đạn tại Tây Tạng, còn khiến cho nhiều tập đoàn doanh nghiệp bảo trợ cho Thế Vận Hội cũng có thể bỏ cuộc. Hiện nay Mc Donalds, Coca Cola, Adidas cùng nhiều nhãn hiệu khác, tuy đã đầu tư hàng triệu đôla vào mùa Thế Vận tại Bắc Kinh, đang nóng nẩy chờ đợi gió sẽ thổi chiều nào. Trong trường hợp làn sóng phản đối Trung Quốc lan rộng và có thể kéo theo việc người tiêu thụ tẩy chay tất cả những bảng hiệu quảng cáo cho Thế Vận Bắc Kinh, các tập đoàn này sẽ đành chọn con đường thoái lui. Bấy nhiêu rủi ro cho thấy biến động tại Tây Tạng là điềm gở, báo hiệu cho việc Bắc Kinh đã bắt đầu đánh mất uy tín trong dịp Thế Vận năm nay.
Bảo Thạch
(Ảnh : www.greecetaxi.gr)

Không có nhận xét nào: