09/03/2008_ Khi bỏ phiếu vào hôm nay, dĩ nhiên là cử tri Pháp chú ý trước tiên đến kết quả việc làm của các Thị trưởng và Hội đồng Thành phố hoặc thị xã nơi họ cư ngụ, để quyết định tiếp tục tín nhiệm hay không ê kíp lãnh đạo địa phương họ trong thời gian qua. Thế nhưng, các cuộc bầu cử lần này ở Pháp, diễn ra gần một năm sau khi ông Nicolas Sarkozy đắc cử Tổng thống, đã được giới phân tích xem là bài trắc nghiệm trên « hiện trường » về uy tín của Tổng thống Pháp cũng như đa số cánh hữu trong đảng UMP đang cầm quyền.
Sở dĩ các cuộc bầu cử địa phương biến thành bài trắc nghiệm về mức độ tín nhiệm thực thụ của người dân đối với ông Sarkozy, đó là vì từ đầu năm đến nay, hầu như tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy uy tín của Tổng thống Pháp bị sụt giảm nặng nề, tác động đến đảng UMP của ông. Trong bối cảnh đó, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cũng dự báo là đảng Xã hội thuộc cánh tả có khả năng chiến thắng tại nhiều địa phương do cánh hữu quản lý trong 6 năm qua. Sau thất bại nhân cuộc bầu cử lần trước, bị mất 47 thành phố có hơn 20 ngàn dân vào tay cánh hữu, đảng Xã hội hy vọng lần này sẽ giành lại được 30 đơn vị, trong số này có những thành phố lớn mang tính chất biểu tượng như Marseille và Toulouse ở miền nam, hay Strasbourg ở miền đông. Cũng theo các cuộc thăm dò, cánh tả sẽ tiếp tục trụ lại ở Paris và Lyon. Nhìn chung, trong 10 thành phố lớn nhất ở Pháp, cánh hữu chỉ còn giữ lại được Bordeaux và Nice mà thôi.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do viện BVA thực hiện và được tuần báo l'Express công bố hôm thứ sáu, 50 % người được hỏi cho rằng nếu đảng UMP bị mất « nhiều thành phố lớn », thì điều đó phải được xem là « thất bại cá nhân » Tổng thống Sarkozy.
Xin nhắc lại là từ đầu năm đến nay, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Pháp đã bớt tín nhiệm rõ rệt đối với vị Tổng thống được họ bầu lên vào năm ngoái. Ông Sarkozy đã bị chỉ trích vì thiếu sót trong việc nâng cao sức mua của người dân, trong khi ông sử dụng hồ sơ này làm chủ đề tranh cử chính. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Pháp công khai phô bày đời sống riêng tư, thái độ thích xa hoa cũng góp phần làm tăng nỗi bất bình.
Tuy nhiên, các chi tiết nói trên mới chỉ là dự báo, thông qua các cuộc thăm dò dư luận. Phải chờ kết quả các cuộc bầu cử lần này mới thấy rõ được mức độ tin tưởng của dân Pháp đối với ông Sarkozy và chính quyền. Nếu kết quả giống như các cuộc thăm dò, điều đó có nghĩa là sự bất bình của người dân đã quá mạnh, khiến họ sẵn sàng sử dụng lá phiếu trong một cuộc bầu cử cấp địa phương để bày tỏ phản ứng. Đó sẽ là tín hiệu cảnh cáo đối với chính quyền trong bối cảnh Tổng thống Sarkozy đã xác định rằng ông sẽ tiếp tục đường lối đã vạch ra, mà thành quả chỉ có thể được đánh giá đúng đắn vào năm 2012, khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : Gamma)
(Ảnh : Gamma)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét