Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2008

QUAN HỆ IRAN - IRAK : Lật sang trang mới

02/03/2008_ Tổng thống Iran bắt đầu chuyến công du mang tính lịch sử tại Irak. Chính quyền Teheran hứa cung cấp một tỷ đô la tín dụng để tái thiết nước này.
Lần đầu tiên, Tổng thống Iran viếng thăm Irak, 20 năm sau một cuộc chiến khốc liệt đã khiến cho một triệu người thiệt mạng.

Thông tín viên Shiavez Ghazi tường trình từ Teheran : « Chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng thống Iran Ahmadinejad diễn ra 20 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Iran-Irak khiến một triệu ngừoi bị chết, đồng thời chuyến đi này cũng diễn ra năm năm sau khi kẻ thù không đội trời chung của Iran là Sadam Hussein bị lật đổ. Tại Bagdad Tổng thống Ahmadinejad sẽ gặp gỡ các đồng minh của mình. Thực ra thì cả các lãnh đạo thuộc hệ phái Shia ở trong Quốc hội và chính phủ Irak cũng như Tổng thống người Kurdistan Talabani đều là những đồng minh của Iran từ khi Sadam Hussein còn nắm quyền. Chuyến viếng thăm đầu tiên của một tổng thống Iran đến Irak kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 chứng tỏ sự ủng hộ của Iran đối với chính phủ của thủ tướng Irak Nouri al-Maliki. Trái với việc Hoa Kỳ vẫn tố cáo Teheran ủng hộ các nhóm khủng bố ở Irak, các nhà lãnh đạo Iran luôn khẳng định họ ủng hộ chính quyền Bagdad. Tổng thống Amadinnejad tuyên bố chuyến viếng thăm của ông không nhằm chống ai, ở đây ông muốn ám chỉ Hoa Kỳ với 160 ngàn lính vẫn đang có mặt tại Irak. Tuy nhiên Teheran vẫn lên án Hoa Kỳ chiếm đóng Irak và khẳng định đó chính là nguyên nhân của tình hình mất an ninh tại Irak. Cuối cùng thì chuyến viếng thăm của tổng thống Ahmadinejad cho thấy Iran đang xích lại gần với các Ả rập mặc dù trong khu vực vẫn còn có những lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của một nước Iran theo hệ phái Shia ».

Đối với Tổng thống Iran, chuyến công du của ông tại Irak mang nhiều ý nghĩa. Đầu tiên hết, đó là lật sang một trang sử khác trong quan hệ Iran-Irak, để chứng tỏ với công luận thế giới vai trò tích cực của Teheran trong nỗ lực ổn định khu vực nói chung và tái thiết Irak nói riêng. Các nguồn tin thân cận với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tiết lộ rằng Quốc trưởng Iran sẽ cung cấp một tỷ US$ tín dụng cho Irak. Bằng hành động kể trên, Iran muốn củng bố quan hệ kinh tế song phương, vốn đã phát triển ngoạn mục kể từ 2003 cho tới nay. Trao đổi mậu dịch giữa đôi bên ngày nay đạt 10 tỷ US$. Các doanh nhân Iran hiện diện khắp nơi tại Irak. Đường biên giới chung trải dài trên hơn một ngàn cây số không còn là chiến tuyến như cách nay 20 năm, mà đã trở thành nơi buôn bán giao dịch ngày một nhộn nhịp, để Iran cung cấp cho Irak điện lực, năng lượng, khí đốt, nhu yếu phẩm và nhiều hàng hoá khác. Cần nhắc lại rằng Iran, với lãnh thổ to lớn gấp ba lần Irak và dân số cũng đông gấp ba, hiện nay là cường quốc kinh tế thứ nhì tại Trung Đông.

Trong lịch sử, Iran đã nổi lên, đạt tầm vóc đế chế Trung Á. Kể từ thế kỷ 19 trở đi, Iran được xem là quốc gia trụ cột cho toàn khu vực này. Thế nhưng, Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã gây rất nhiều lo ngại cho các quốc gia láng giềng và Ả rập, bởi lẽ Iran nắm giữ vai trò thủ lĩnh hệ phái Shia và có khả năng huy động đông đảo các cộng đồng theo hệ phái này trong các quốc gia khác như Irak. Nghịch lý to lớn của cuộc chiến trah Irak do Hoa Kỳ tiến hành, đó là dẫn đến việc thành phần theo hệ phái Shia thân Iran đang nắm giữ quyền lực trong chính phủ Irak. Trong khi đó, nhiều quốc gia Tây phương cũng như Ả rập rất e dè trước sự lớn mạnh của Iran. Họ sợ rằng cán cân lực lượng trong khu vực sẽ bị đảo lộn. Tình trạng này thúc đẩy Iran xuất hiện trước công luận thế giới như người xây đắp cho sự ổn định, chứ không gây ảnh hưởng tiêu cực cho các láng giềng. Ngoài ra, chuyến công du của Tổng thống Ahmadinejad ngày hôm nay tại Irak còn muốn chứng minh rằng nước này đã thoát ra khỏi thế cô lập mà Hoa Kỳ và Anh quốc, bằng vành đai quân sự tại Afghanistan và Irak đã muốn thiết lập chung quanh Iran.

Tuy nhiên, thế cờ còn bất phân thắng bại giữa Iran và Hoa Kỳ. Vòng đàm phán về Irak giữa hai nước đã diễn ra ba lần nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Còn tại Liên Hiệp Quốc, Washington vẫn không ngớt gây áp lực để Hội đồng Bảo an trừng phạt thêm Teheran vì những nghi vấn về chương trình hạt nhân Iran. Tuy vậy, cuối năm 2006, tại Hoa Kỳ, bản báo cáo Baker – Hamilton đã mở ra triển vọng đối thoại giữa Washington và Teheran. Nói một cách khác là công nhận vai trò cường quốc của Iran trong khu vực Trung Đông. Thế nhưng, từ đây cho tới khi Tổng thống George Bush mãn nhiệm, kịch bản này khó mà thực hiện nổi. Hệ quả là Irak vẫn bị giằng co giữa hai thế lực, một bên là Washington và bên kia là Teheran.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Tổng thống Iran được tổng thống Irak đón tiếp tại Bagdad ngày 2 tháng 3 năm 2008)

Không có nhận xét nào: