Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

Triển hạn giúp tầu chiến Mỹ: Nhật bản thất bại

01/11/2007_ Chính phủ Nhật bản thất bại trong việc triển hạn công tác tiếp liệu các tàu chiến của liên quân cho Afghanistan.

Công tác tiếp liệu của Nhật bản cho tàu chiến của liên quân tại Ấn Độ Dương buộc phải tạm thời kết thúc hôm nay. Điều này xảy ra sau khi chính phủ của thủ tướng Fukuda không thành công thuyết phục phe đối lập chiếm đa số tại Thượng viện thông qua dự luật cho phép triển hạn công việc mà hải quân Nhật bản đã đảm nhận từ 6 năm qua.

Bước thất thế này đánh dấu một mặt tính mong manh của chính phủ mới do thủ tướng Yasuo Fukuda đứng đầu, mặt khác, đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi của những tham vọng mà Tokyo muốn giành được trên trường quốc tế.

Trước khi xét về những hệ quả vưà nêu, cần nhắc lại là gần đây, vào tháng 9, vị tiền nhiệm của ông Yasuo Fukuda, ông Shinzo Abe đã đột ngột xin từ chức. Một trong những lý do ông Abe đã viện dẫn là ông ra đi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển hạn dự luật kể trên, vì dự án này được đánh giá là tiêu biêủ cho nhiệm vụ mới của cường quốc Nhật bản sẵn sàng gánh vác trong lĩnh vực an ninh cho kỷ nguyên hậu 11 tháng 9.

Số là, trong chiến tranh toàn cầu chống khủng bố do Hoa kỳ lãnh đạo để tận diệt Taliban và truy bắt trùm Oussama Ben Laden tại Afghanistan, Nhật bản đã nhận lãnh phần của mình.

Đó là phái các con tàu thuộc lực lượng tự vệ Nhật bản tiếp liệu cho hải quân tham gia chiến dịch Afghanistan. Nhờ vậy mà 6 năm qua, Tokyo đã cung cấp 70 triệu thùng dầu cho các tàu chiến của liên quân, trong số đó có Hoa kỳ, Anh quốc, Pakistan và nhiều nước khác.

Thế nhưng, kể từ khi phe đối lập chiếm đa số trong thượng viện Nhật bản, việc làm kể trên gặp rắc rối. Lãnh tụ phe đối lập thuộc đảng Dân chủ, ông Ichiro Ozawa, chống đối việc này. Mặc dù đã có nhiều cuộc họp được tổ chức giữa chính phủ và phe đối lập để điều đình tìm thoả hiệp.

Nhưng hoài công vô ích. Ngày hôm nay, khi đạo luật cho phép Nhật bản tham gia chiến dịch Afghanistan tại Ấn Độ Dương hết hiệu lực, Tokyo buộc phải rút hải quân của mình về nước, trong khi chờ đợi hạ hồi phân giải.

Một trong những hệ quả đầu tiên về mặt đối nội, đó là thủ tướng Yasuo Fukuda thất thế rõ ràng. Có thể là trong tương lai, ông buộc phải đồng ý tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, để giải quyết bế tắc : Đảng Tự do Dân chủ của ông kiểm soát Hạ viện, nhưng Thượng viện lại thuộc về đảng đối lập.

Ngay cả trong kịch bản tổng tuyển cử trước thời hạn, chưa chắc là đảng của thủ tướng Fukuda có hy vọng chiếm đa số. Đây cũng là cạm bẫy mà phe đối lập đã giăng. Lãnh tụ phe này, ông Ozawa muốn chiếm chính quyền, qua việc thúc đẩy giải tán quốc hội để tổ chức bầu cử lại. Ông Ozawa đánh cuộc đảng của ông tất yếu sẽ thắng.

Nhưng về mặt đối ngoại, việc kết thúc cộng tác tiếp liệu tại Ấn Độ Dương gây ra nhiều căng thẳng trong quan hệ với Washington và đặc biệt là làm hoen ố hình ảnh một cường quốc Nhật bản mới đang yêu câù chia sẻ trách nhiệm gìn giữ trật tự ổn định trên trường quốc tế. Xin nhắc thêm là trong thời gian qua, Nhật bản đã vượt lên trên những ràng buộc cuả quá khứ. Tokyo đã phái lực lượng vũ trang tham gia các chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc tại Cambốt, Mozămbic hay Đông Timor.

Giờ đây, việc rút về nước các con tàu đang làm công tác hậu cần cho Liên quân, chắc hẳn sẽ làm lung lay uy tín của Nhật bản cũng như lòng tin của các đối tác cuả Tokyo.

Có lẽ thế kẹt của thủ tướng Yasua Fukuda phát xuất từ việc cử tri Nhật bản không còn ủng hộ nhiệt tình sứ mạng này.

Một cuộc thăm dò của nhật baó Asahi Shinbun gần đây cho thấy 48% người Nhật chống lại dự án triển hạn cho đạo luật tiếp liệu cho liên quân tại Ấn Độ Dương, chỉ còn 28% đồng ý với nhiệm vụ kể trên.

Nhiều nhà phân tích cho rằng thảm cảnh nước Irak chìm trong nội chiến đã tác động vào tâm lý người Nhật. Ngày nay, người Nhật không còn thiết tha như trước với viễn ảnh tham gia các chiến dịch trên quốc tế.

Thiếu hậu thuẫn trong dân chúng, Tokyo đang phải tạm thời rà soát lại chính sách chiếm ngôi vị cường quốc qua việc phô trương lực lượng quân sự hùng hậu triển khai ở nước ngoài.
Bảo Thạch
(Ảnh:
www.pacom.mil: Tầu chiến Hoa kỳ và Nhật bản, ngày 18 tháng 11 năm 2002)

Không có nhận xét nào: