Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2007

Miến điện: Chuyến công du không kết quả của đặc sứ LHQ

08/11/2007_ Đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari hôm nay kết thúc chuyến đi Miến Điện bắt đầu từ thứ bảy tuần trước. Mục tiêu của chuyến đi lần này là thúc giục tập đoàn quân sự tiến hành dân chủ hóa thật sự. Thế nhưng kết quả không được như mong muốn, vì giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện vẫn không thay đổi lập trường.

Ngay từ đầu, chuyến đi của ông Gambari đã bị xáo trộn do quyết định vào tuần trước của chính quyền quân sự trục xuất đại diện cao cấp nhất của Liên hiệp quốc tại Miến Điện. Ông Charles Petrie, điều phối viên của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, đã không được triển hạn công tác vì vào tháng 10 ông đã công khai chỉ trích tình trạng nghèo khó và nỗi thống khổ của người dân Miến Điện. Sự kiện đó cho thấy là tập đoàn quân phiệt Miến Điện không muốn ai xen vào chuyện của họ và thái độ này cũng được thể hiện phần nào đối với ông Gambari.

Trong cuộc gặp gỡ với thủ tướng Thein Sein hôm qua, đặc sứ Liên hiệp quốc đã nhấn mạnh rằng trở lại như tình hình trước cuộc khủng hoảng không phải là một giải pháp lâu bền. Ông Gambari đề nghị Miến Điện thi hành những giai đoạn cụ thể để đáp ứng sự chờ đợi của quốc tế. Các giai đoạn này bao gồm việc mở đối thoại ngay lập tức với phe đối lập và thiết lập một uỷ ban chống nghèo đói. Thế nhưng tập đoàn quân sự Miến Điện đã bác bỏ đề nghị của Liên hiệp quốc tổ chức cuộc họp tay ba giữa ông Gambari, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và một nhân vật trung gian do các tướng lãnh chỉ định. Chính quyền quân sự Miến Điện lên án mọi hành động can thiệp của Liên hiệp quốc hay của ngoại quốc vào vấn đề mà họ xem là chuyện nội bộ. Tuy không nêu đích danh Hoa Kỳ, nhưng Bộ trưởng Thông tin Kyaw Hsan, hôm qua, tuyên bố với ông Gambari rằng, Miến Điện là một nước nhỏ và ''nếu một cường quốc truy bức chúng tôi bằng cách đưa vấn đề Miến Điện ra trước Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác là chống lại việc này''. Đặc sứ Liên hiệp quốc đã thúc giục chính quyền quân sự Miến Điện bãi bỏ những hạn chế đối với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, nhưng tập đoàn quân phiệt vẫn nhắc lại lập trường rằng bà Aung San Suu Kyi phải ngưng ủng hộ chính sách cấm vận của phương Tây, nếu bà thật sự muốn đóng góp cho hòa giải dân tộc.

Như vậy là chính quyền quân sự Rangun về căn bản vẫn không thay đổi lập trường, mà chỉ chấp nhận những nhân nhượng rất nhỏ, chẳng hạn như cho phép bà Aung San Suu Kyi trong những ngày tới được gặp các đảng viên Liên đoàn quốc gia vì dân chủ thuộc phe đôí lập, điều mà bà vẫn bị cấm kể từ năm 2004 đến nay. Mục tiêu của đặc sứ Gambari là thuyết phục các tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện chấp nhận cải tổ dân chủ thật sự, nhưng tập đoàn quân phiệt vẫn nhất quyết đi theo cái gọi là '' lộ trình dân chủ'' do họ đề ra, một tiến trình không có sự tham gia của bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn quốc gia vì dân chủ. Đảng này đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng lại không được lên cầm quyền. Tuy vậy, hôm nay, Liên hiệp quốc cố tỏ vẻ lạc quan khi ra thông cáo cho rằng đặc sứ Gambari đã đạt một số tiến bộ vì hiện giờ đang có một tiến trình dẫn đến đối thoại giữa chính quyền quân sự với lãnh đạo đối lập. Thời gian sẽ trả lời thái độ lạc quan của Liên hiệp quốc có cơ sở hay không.
Thanh Phương
(Ảnh : www.tdg.ch: lãnh đạo phe đối lập bà Aung San Suu Kyi và đặc phái viên Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari)

Không có nhận xét nào: