Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2007

Miến điện: Lực cản hợp tác ASEAN-châu Âu

22/11/2007_ Liên hiệp châu Âu và ASEAN muốn tăng cường hợp tác kinh tế nhưng vẫn bất đồng trên vấn đề Miến Điện.

Tại cuộc họp thượng định ở Singapore đánh dấu 30 năm thiết lập bang giao, 10 nước thành viên ASEAN và 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu hôm nay đã ra một bản tuyên bố chung kêu gọi đẩy mạnh hợp tác kinh tế và kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện trả tự do cho các tù chính trị và nhanh chóng chuyển tiếp sang dân chủ.

Mới nghe qua, ai cũng nghĩ rằng Liên hiệp châu Âu và ASEAN nhất trí rất cao trên cả hai vấn đề này, thế nhưng cho tới nay, giữa hai khối vẫn còn bất đồng về phương cách gây tác động lên Miến Điện, nơi mà mà chính quyền quân sự vào tháng chín vừa qua đã đàn áp dã man phong trào biểu tình đòi dân chủ, do các tăng sĩ lãnh đạo. Thứ hai vừa qua, các ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu đã ban hành những biện pháp trừng phạt mới đối với chế độ quân sự Miến Điện, bao gồm lệnh cấm vận gỗ, đá quý và kim loại của Miến Điện. Theo lời bà Benita Ferrero Waldner, ủy viên đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, thì trên vấn đề Miến Điện, khối này ủng hộ chính sách cây gậy và củ cà rốt, tức là ủng hộ những nỗ lực của đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari, nhưng đồng thời tăng cường những biện pháp trừng phạt.

Nhưng về phía ASEAN vẫn không muốn thi hành các biện pháp trừng phạt Miến Điện. Trong cuộc họp báo chung ngày hôm nay, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại lập trường của ASEAN, theo đó, những biện pháp trừng phạt không phải là phương cách hiệu quả để gây áp lực buộc các tướng lãnh cầm quyền chấp nhận cải tổ dân chủ. Ông Lý Hiển Long nói rằng, tại những nơi khác trên thế giới biện pháp trừng phạt đã không mang lại hiệu quả và trong trường hợp đối với Miến Điện, biện pháp trừng phạt thậm chí sẽ phản tác dụng. Tuy vậy, đối với thủ tướng Singapore, cho dù bất đồng như thế nào trên vấn đề Miến Điện, Liên hiệp châu Âu và ASEAN không nên ngừng hợp tác trong những lĩnh vực khác, vì làm như vậy, cả hai bên đều bị thiệt.

Vào tháng trước, nghĩ sĩ châu Âu Glyn Ford của Anh quốc đã tuyên bố rằng, do chính quyền quân sự Miến Điện đàn áp đối lập, cho nên Liên hiệp châu Âu không thể ký kết bất cứ một hiệp định tự do mậu dịch nào bao gồm cả Miến Điện. Nhưng rõ ràng là cả Liên hiệp châu Âu và ASEAN đều không muốn việc tăng cường quan hệ kinh tế bị cản trở bởi vấn đề Miến Điện. ASEAN hiện là đối tác thương mại đứng hàng thứ năm của Liên hiệp châu Âu, còn Liên hiệp châu Âu là đối tác thương mại đứng hàng thứ hai của ASEAN. Trao đổi mậu dịch giữa hai khối trong năm 2005 là 137 tỷ đôla.

Trong bản tuyên bố chung hôm nay, hai bên đồng ý sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm ký kết một hiệp định tự do mậu dịch. Vùng tự do mậu dịch này sẽ bao gồm 37 quốc gia Âu Á và gần một tỷ dân. Có điều, bản tuyên bố không đề ra một lịch trình nào. Các cuộc đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch Liên hiệp châu Âu-ASEAN đã khởi đầu từ tháng Năm nhưng cho tới nay tiến triển rất chậm. Tuyên bố với báo chí bên lề hội nghị thượng đỉnh hôm nay, ông Peter Mandelson, đại diện thương mại của Liên hiệp châu Âu đã tỏ vẻ sốt ruột trước tiến độ quá chậm này. Thái độ sốt ruột của ông cũng dễ hiểu trong bối cảnh mà hôm qua ASEAN vừa đúc kết bản hiệp định tự do mậu dịch với Nhật và theo dự kiến sẽ một hiệp định tự do mậu dịch với Ấn Độ vào năm tới.
Thanh Phương
(Ảnh: www.eu2007.de)

Không có nhận xét nào: