Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

Việt nam : Cơn sốt địa ốc có nguy cơ làm tăng lạm phát và thu hút đầu tư phi sản xuất

19/11/07_ Trọng Nghĩa phỏng vấn giáo sư kinh tế Trần Nam Bình, trường Đại học New South Wales (Úc) về cơn sốt địa ốc hiện nay tại Việt nam và hậu quả đối với nền kinh tế quốc gia.

Trong vài tuần lễ vừa qua, cơn sốt địa ốc lại bùng lên tại Việt nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Hàng trăm người chầu chực, chen chúc, tranh giành đặt mua những căn hộ cao cấp. Vấn đề là những căn hộ này mới chỉ có trên sơ đồ và giá bán cao ngất ngưởng, hàng ngàn đô la một mét vuông.

Theo một chuyên gia địa ốc ngoại quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, chi ra 1500 hay 2000 US $ / m2 không còn là điều hiếm hoi và giá có thể lên tới 4500 US $. Một chuyên gia khác, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, còn không loại trừ khả năng giá tại một số khu vực được ưa chuộng ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đạt mức 10 000 € / m2 ( khoảng 13-14.000 US $ theo tỷ giá hiện nay ), tức là cao hơn cả giá trung bình ở Paris, vốn đã thuộc loại đắt trên thế giới.

Đây là một nghịch lý tại một đất nước đang chỉ mới hy vọng đạt được vào năm 2008 mức thu nhập bình quân theo đầu nguời xấp xỉ 1000 US $.

Thông thường thì bất cứ cái gì thái quá đều có hại.

Trong bài phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ RFI ngày 19 thàng 11 năm 2007, sau khi phân tích các nguyên nhân dẫn đến cơn sốt địa ốc hiện nay tại Việt nam, giáo sư kinh tế Trần Nam Bình tại trường Đại Học New South Wales (Úc) đã nêu bật một số tác hại của hiện tượng giá cả nhà đất leo thang :
  • ''Những người nhiều vốn có cơ hội để đầu tư vào thị trường bất động sản nhiều hơn, tạo thêm sự chênh lệch về phân phối thu nhập và tài sản của người Việt nam. Sự chênh lệch này vốn dĩ đã đáng kể tại Việt Nam''.

  • ''Về mặt xã hội, giá nhà gia tăng sẽ gây khó khăn cho công nhân viên hay người dân có thu nhập trung bình trong việc mua được một căn nhà, một căn hộ theo ý muốn".

  • ''Về phương diện kinh tế vĩ mô, một nước phải biết dồn nguồn lực vào những lãnh vực đầu tư khác nhau, để cho vốn luân lưu vào những hoạt động sản xuất. Nếu để cho nguồn tiết kiệm của người dân dồn quá nhiều vào bất động sản, thì những số tiền dành cho các nguồn sản xuất khác có nguy cơ kém đi. Đây là một tác hại về mặt vĩ mô đối với một quốc gia đang cần công nghiệp hóa như Việt Nam".

  • ''Khi giá nhà tăng vọt, người dân có cảm tưởng là họ giầu hơn rất nhiều, mặc dù đó có thể chỉ là ảo tưởng. Hệ quả là mức cung gia tăng, gây áp lực trên giá cả sinh hoạt, tạo nên lạm phát. Tại Việt nam hiện nay, với vấn đề lạm phát là một điều hiện đã đáng quan tâm, cơn sốt địa ốc sẽ có chiều hướng đẩy giá sinh hoạt đi lên''.

(Ảnh: www.tienphongonline.com.vn: Cảnh chen lấn, xô đẩy để tranh nhau mua căn hộ cao cấp)

Không có nhận xét nào: