Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

Tiến trình hòa giải Nam Bắc Triều tiên: Lạc quan thận trọng

16/11/2007_ Tiến trình hoà giải Nam Bắc Triều tiên được thủ tướng hai nước thúc đẩy nhưng giớI phân tích vẫn tỏ ý thận trọng về khả năng thực hiện các quyết định này

Kết thúc ba ngày hội nghị giữa hai thủ tướng, lần đầu tiên từ 15 năm nay, hai nước Hàn quốc và Bắc Triều tiên đã tung ra một loạt tín hiệu lạc quan về tiến trình hoà giải giữa hai bên.

Dấu hiệu mang ý nghĩa biểu tượng cao nhất là quyết định đưa tuyến đường sắt liên Triều đi vào hoạt động ngay từ ngày 11 tháng 12 tới đây. Lẽ dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu, chỉ có hàng hoá là được sử dụng tuyến xe lửa này, thế nhưng sự kiện này rất đáng chú ý vì con đường huyết mạch Nam Bắc đó sẽ được nối lại sau 50 năm bị cắt đứt.

Không chỉ nối liền lãnh thổ, lãnh đạo chính phủ Nam Bắc Triều Tiên còn mở rộng và đẩy mạnh chương trình gọi là đoàn tụ các gia đình bị chiến tranh ly tán. Một cách cụ thể thì một trung tâm đoàn tụ được xây dựng tại khu du lịch ở núi Kim Cương trên lãnh thổ miền Bắc sẽ khai trương vào ngày mồng 7 tháng 12 tới đây. Đây là địa điểm để các gia đình bị chia cách từ nửa thế kỷ có thể hội ngộ với nhau. Đối với những người đã quá già yếu hay bệnh tật, không còn khả năng di chuyển, thì kể từ đầu năm tới, họ sẽ có thể tiếp xúc với nhau qua phương tiện video.

Phải nói là việc giúp thành viên các gia đình ly tán gặp lại nhau là một vấn đề rất cấp bách vì hiện nay còn gần 100 ngàn ngườI ở miền Nam chưa lần nào được tiếp xúc với người thân ở miền Bắc từ sau cuộc chiến tranh 1950 - 1953 đến nay. Giữa Hàn quốc với Bắc Triều tiên thì hoàn toàn không có liên lạc thư từ hay điện thoại. Nhiều người trong số này thì tuổi đời lại rất cao nên có nguy cơ họ chết đi mà không thấy lại được người thân.

Đó là chưa kể đến một hồ sơ mà cho đến nay Bắc Triều tiên vẫn phủ nhận : đó là trường hợp của gần 1000 người miền Nam bị mất tích sau khi chiến tranh kết thúc. Trong số này có 500 quân nhân miền Nam bị miền Bắc bắt làm tù binh nhưng không thấy về nhà, hay khoảng 500 thường dân, chủ yếu là ngư phủ tình nghi bị Bắc Triều tiên bắt cóc.

Nhân hội nghị cấp thủ tướng lần này, hai bên đã đồng ý xin trích ''sẽ thảo luận về vấn đề những người mất tích trong chiến tranh và sau chiến tranh''.

Muốn hòa giải thì phải tránh xung đột. Nguyên lý thường tình này cũng được hai phía Nam Bắc Triều Tiên áp dụng đối với vùng biển Hoàng Hải nằm giữa hai nước, vẫn còn bị hai bên tranh chấp chủ quyền. Tại nơi này, nhiều trận hải chiến đẫm máu đã nổ ra giữa hải quân hai bên vào năm 1999 và năm 2002. Để ngăn ngừa xung đột tái diễn, hai nước đã đồng ý cùng nhau khai thác vùng biển có tranh chấp bằng cách thành lập một vùng đánh cá chung ngay từ đầu năm tới.

Nhìn chung, hai chính phủ Hàn quốc và Bắc Triều tiên đã cố gắng thúc đẩy những hồ sơ mang tính biểu tượng. Giới quan sát ghi nhận đây là một chuyển biến tích cực nhưng không che giấu thái độ thận trọng vì không phải quyết định nào trên giấy tờ đều được thực hiện trong thực tế. Các nhà phân tích nêu bật sự kiện Bắc Triều tiên cho đến nay nổi tiếng là hay tìm cách bắt bí đối phương. Vai trò của quân đội Bắc Triều tiên rất quan trọng trong việc bật đèn xanh cho các biện pháp cải thiện quan hệ Nam Bắc. Cho đến giờ họ chưa cho ý kiến, nhưng trong quá khứ thì họ đã nhiều lần gây trở ngại.

Mặt khác, vấn đề phe đối lập Hàn quốc có khả năng thắng cử nhân cuộc bầu cử tổng thống tháng 12 tới đây có thể làm thay đổi tình thế. Lý do là đảng bảo thủ trong phe đối lập rất cứng rắn với Bắc Triều tiên, do đó họ có thể không tán thành những gì chính quyền Seoul cam kết với Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh đó, thì quan hệ Nam Bắc có thể xấu hẳn đi với những hệ quả khó lường.

Trọng Nghĩa
(Ảnh Reuters : Thủ tướng Bắc Triều tiên Kim Yong-il - bên trái - và thủ tướng Hàn quốc Han Duck-soo trong cuộc gặp ngày 14/11/2007 tại một khách sạn ở Seoul)

Không có nhận xét nào: