Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Tây tạng: Đức Đạt Lai Lạt Ma gây sức ép đối với Bắc kinh

29/11/2007_ Đức Đạt Lai Lạt Ma đề xuất phương thức mới trong việc chọn người kế vị nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh công nhận quyền tự trị của Tây tạng về mặt văn hóa.

''Nếu chẳng may tôi qua đời trong lúc chúng tôi vẫn phải sống kiếp tỵ nạn, sự hoá thân của tôi lẽ dĩ nhiên sẽ diễn ra bên ngoài Tây Tạng''. Tuyên bố trên đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma với ba nhà báo bên lề một Hội ngghị Quốc tế Liên tôn giáo tổ chức tại Ấn Độ ngày 27/11/2007 đã lập tức bị Trung Quốc đả kích. Theo Bắc Kinh, đó là một hành động phản bội Phật giáo Tây Tạng.


Phản ứng gay gắt của chính quyền Trung Quốc cũng dễ hiểu vì lẽ vấn đề kế vị được lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng nêu lên đi ngược lại với kịch bản mà Bắc Kinh dự trù nhằm củng cố thêm quyền thống trị Tây Tạng. Để chuẩn bị cho việc này, Trung Quốc từng bắt giam một cậu bé Tây Tạng mới sáu tuổi vào năm 1995, sau khi cậu bé được Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận là một hoá thân của Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật số hai trong Giáo hội Phật giáo Tây Tạng. Thay vào đó, Bắc Kinh đã chỉ định một cậu bé khác hoàn toàn phục tùng Trung Quốc làm Ban Thiền Lạt Ma. Theo truyền thống Tây Tạng, vai trò của Ban Thiền Lạt Mạ rất lớn vì là người xác nhận Đạt Lai Lạt Ma tương lai. Mặt khác, Trung Quốc còn áp đặt quy định là việc xác nhận mọi hoá thân tái sinh của một phật sống Tây Tạng đều phải được chính quyền Trung Quốc cho phép trước.

Theo các nhà quan sát, khi đưa ra ý kiến là người kế vị ông có thể được chọn lựa ở ngoại quốc, hoặc là theo hình thức trưng cầu ý kiến của hàng trăm ngàn người Tây Tạng đang sống trong nước và lưu vong ở hải ngoại, hoặc là theo phương thức bầu cử như bầu Đức Giáo hoàng, với một hội đồng chức sắc họp lại ở nước ngoài, Đức Đạt Lai Lạt Ma như vậy đã gia tăng sức ép trên chính quyền Trung Quốc. Mục tiêu là để buộc Bắc Kinh phải chấp nhận yêu cầu của người Tây Tạng muốn đất nước mình được quyền tự trị, ít ra là trên lãnh vực văn hóa.

Theo các nhà phân tích, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang thừa hưởng một số lợi thế. Trước hết Ngài đã được nhiều chính phủ phương Tây ủng hộ. Tháng 10 vừa qua, Ngài đã được trải thảm đỏ nghênh tiếp tại Washington. Thủ tướng các nước Đức, Áo và Canada cũng đã tiếp xúc với Ngài, bất chấp những lời đe dọa trả đũa kinh tế của Bắc Kinh.

Ngoài ra, và đây là một điểm quan trọng, vào lúc này, Trung Quốc đang cố gắng cải thiện hình ảnh của mình trên trường quốc tế để chuẩn bị khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2008. Theo nhiều nhà phân tích, Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn tranh thủ dịp này để thuyết phục Bắc Kinh thương thuyết với Ngài về quy chế vùng Tây Tạng. Ngài không còn đòi hỏi độc lập, mà chỉ yêu cầu cho Tây Tạng một quyền tự trị rộng rãi để có thể bảo tồn ngôn ngữ, văn hoá và môi trường của mình. Thế nhưng, cho dù vậy, Trung Quốc vẫn bác bỏ đề nghị của lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng trong lúc vẫn tiến hành chủ trương bị tố cáo là ''diệt chủng văn hóa'' bằng cách ồ ạt đưa người Hán lên định cư ở Tây Tạng.

Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có đáp ứng đề nghị đàm phán của Đức Đạt Lai Lạt Ma hay không ?

Đối vớI bà Kate Saunders thuộc Hiệp hội Phong trào Đấu rranh cho Tây tạng tại Hoa Kỳ, thì Trung Quốc không hề muốn hình ảnh mình bị hoen ố trước lúc Thế vận hội mở ra. Do vậy có thể ''hy vọng'' là Bắc Kinh có một ''cử chỉ tích cực'' nào đó. Tuy nhiên, ông Uday Bhaskar, một chuyên gia chính trị học lão thành người Ấn Độ thì có suy nghĩ bi quan hơn. Theo ông, Trung Quốc sẽ không đàm phán trực tiếp với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cho dù Thế vận hội là một ''tủ kính quan trọng'', Bắc Kinh vẫn muốn khống chế toàn bộ tiến trình kế vị lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : tempsreel.nouvelobs.com)

Không có nhận xét nào: