Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

Điện hạt nhân: Giải pháp tối ưu cho Đông Nam Á ?

27/11/2007_ Điện hạt nhân không phải là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong vùng Đông Nam Á vì hàm chứa rất nhiều rủi ro. Mai Vân biên sọan với phần phỏng vấn giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng viện Hạt nhân Việt Nam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Singapore, các lãnh đạo ASEAN đã chính thức ủng hộ chủ trương phát huy năng lượng hạt nhân trong khu vực, bất chấp các dư luận lo ngại về tính chất an toàn của các nhà máy điện nguyên tử tương lai.


Trong bản tuyên bố về vấn đề môi trường ngày 20/11/2007, tổng thống và thủ tướng 10 quốc gia Đông Nam Á cam kết thành lập một cơ chế an toàn hạt nhân trong khu vực để ngăn chặn không cho chất plutonium có thể bị rơi vào tay kẻ xấu. Plutonium là nguyên liệu để sản xuất điện, nhưng có thể được dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử.

Tuy nhiên, khối ASEAN cũng xác nhận một thực tế là không phải thành viên nào cũng muốn lao vào con đường phát triển năng lượng nguyên tử. Bản tuyên bố nói rõ : Hiệp hội Đông Nam Á sẽ có những biện pháp cụ thể để phát huy năng lượng hạt nhân dân sự cho ''những nước quan tâm đến vấn đề này'', hàm ý là có những quốc gia ASEAN không muốn đi theo hướng phát triển năng lượng nguyên tử.

Nhìn chung thì ASEAN chú ý hơn đến việc phát huy các loại năng lượng tái tạo nhằm thay thế dầu hoả, khí đốt hoặc than vốn tác hại nghiêm trọng đến khí hậu và môi trường. Các loại năng lượng tái tạo được quan tâm bao gồm năng lượng mặt trời, sức gió, thủy triều, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học.

Phải nói là với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hiện nay, các nước Đông Nam Á rất cần đến năng lượng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Họ hiện chủ yếu sử dụng các loại năng lượng hoá thạch như dầu hỏa và khí đốt. Trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh trên thị trường quốc tế, lại có những dự báo bi quan về nguy cơ nguồn cung cấp dầu khí sẽ ngày càng ít đi và nhất là với những bằng chứng hiển nhiên về tác hại to lớn của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch đối với môi trường và khí hậu, cũng dễ hiểu là Đông Nam Á như mọi quốc gia khác trên thế giới đều tìm cách phát triển các loại năng lượng rẻ, sạch và không sợ cạn kiệt. Điện hạt nhân, do đó, đã được nhiều nước cho là giải pháp tốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Tại vùng Đông Nam Á, hướng phát triển hạt nhân đã được ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Indonexia xác định, với kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên tử từ đây năm 2020.

Theo thống kê tháng hai năm 2007 của Trung tâm Thông tin về Uranium UIC, thuộc Hiệp hội Uranium của Úc, Indonexia sẽ có tất cả bốn nhà máy điện hạt nhân và ba lò phản ứng thí nghiệm. Việt Nam dự trù hai nhà máy và hiện đang có một lò phản ứng thí nghiệm tại Đà Lạt. Thái Lan cũng dự trù xây thêm một lò phản ứng hạt nhân bên cạnh một lò khác đang vận hành.

Thế nhưng, nếu Việt Nam, Thái Lan, Indonexia đã quyết định lao vào con đường hạt nhân, thì một số nước Đông Nam Á khác có trình độ phát triển cao hơn thì lại không mặn mà với năng lượng hạt nhân, điển hình là Singapore, không hề có bất kỳ cơ sở hạt nhân nào, trong lúc Philippines thì đã quyết định đình chỉ chương trình điện hạt nhân cho dù đã có một nhà máy sẵn sàng hoạt động.

Dẫu sao thì việc toàn khối ASEAN công khai tuyên bố ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân đã bị giới bảo vệ môi trường cực lực chỉ trích. Bà Nur Hidayati, thuộc tổ chức bảo vệ sinh thái Green Peace cho rằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vùng Đông Nam Á là liều lĩnh vì khu vực này thường bị hai loại thiên tai : động đất và núi lửa. Nếu sự cố xẩy ra, cả vùng sẽ bị tai họa chứ không riêng gì quốc gia có nhà máy. Bà Hidayati còn đặt nghi vấn về trình độ công nghệ học của các nước Đông Nam Á trong lãnh vực hạt nhân, về năng lực xử lý các chất thải phóng xạ bắt nguồn từ quy trình làm điện nguyên tử. Để có thể xúc tiến chương trình điện hạt nhân, các quốc gia ASEAN sẽ phải lệ thuộc vào nước ngoài, cũng như phải nhập khẩu nguyên liệu. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của các nước Đông Nam Á muốn bảo đảm an toàn năng lượng kể như không thể đạt được. Giải pháp tốt, do đó, không phải là sử dụng năng lượng hạt nhân, mà là phát huy các loại năng lượng tái tạo khác như thủy điện, sức gió, mặt trời hay địa nhiệt. Ngay cả giới chuyên môn trong lãnh vực hạt nhân cũng có thái độ thận trọng.

Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà lạt, thì quả thực là hiện nay, nhu cầu về điện năng tại các nước ASEAN rất lớn, nhưng không phải là nước nào cũng chọn con đường hạt nhân. Trả lòi phòng vấn của Ban Việt ngữ RFI, ông giải thích :

«Các nước ASEAN nói chung đều có nhu cầu phát triển điện năng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi sự khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang rất rõ rệt. Nước nào cũng phải lo cả, nhưng mỗi nước lo một cách. Indonexia, Thái Lan và Việt Nam đã chú ý phát triển ngành hạt nhân từ lâu và cũng có những cơ sở nhất định. Đặc biệt Indonexia, từ thời Suharto, đã chú ý đến chuyện này và đã có những cơ sở hạt nhân rất lớn. Thái Lan chưa bằng nhưng cũng có một quá trình phát triển; Việt Nam đi sau một ít nhưng cũng có một quá trình và điều kiện nhất định.

Nhưng phải nói là so vơí những nước làm điện hạt nhân như Trung Quốc và Ấn Độ, mà trình độ kinh tế, dân trí cao hơn, hoặc ngang bằng với khối ASEAN, thì về nhân lực và nhất là nhân lực có trình độ công nghệ cao, thì cả 3 nước ASEAN kém hẳn.

Cho nên đấy là vấn đề khó nhất mà ba nước này phải đương đầu, chứ thật ra vốn và các thứ khác, thì nước ngoài sẵn sàng cung cấp. Thành ra, khi làm nhà máy điện hạt nhân thì liệu ba nước này có làm chủ được công nghệ nhà máy điện hạt nhân không, đấy chính là câu hỏi lớn nhất cần phải đặt ra.

Không phải chỉ có chuyện tôi có nhu cầu là tôi phải có, mà tôi phải xem xét lại tôi có nhu cầu nhưng đồng thời, tôi có sức để làm chủ được nó hay không. Còn nếu không thì nước ngoài ngưòi ta sẽ làm chủ. Và hậu quả của cái đấy nó như thế nào thì mọi ngưòi đều có thể thấy.

Cho nên đây là một cái lúng túng của Việt Nam mà tôi thấy rõ nhất. Từ bao nhiêu năm nay vẫn không giải quyết được việc làm sao có nhân lực trình độ cao, nhất là về công nghệ để am hiểu chuyện này. Đấy là tình trạng chung của ba nước mà tôi thấy. Có thể là Indonexia khá hơn cả, bởi vì họ có những thiết bị khá lớn từ nhiều năm. Trước đây tôi ở đấy thì tôi biết, gần đây thì không rõ, nhưng chắc là tình hình không cải thiện nhiều».

Về các nước không chọn con đường phát triển hạt nhân, giáo sư Phạm Duy Hiển đặc biệt nêu bật thí dụ của Philippines đã dám lùi bước để chuyển qua địa nhiệt, cho dù cơ sở nguyên tử đã sẵn sàng hoạt động.

«Philippines chẳng hạn là nưóc Đông Nam Á đầu tiên có nhà máy điện hạt nhân, xây đã gần xong, 90% rồi, nhiên liệu đã đưa về, nhưng họ không cho chạy. Bởi vì có rất nhiều vấn đề chính trị phức tạp ở đấy. Tôi đã đến thăm và tiếc vô cùng là họ đã làm xong nhưng không cho chạy. Philippines rất đặc biệt. Dân chúng phản đối và chính phủ cũng không đồng tình. Bây giờ, họ bỏ chương trình đấy, nhưng họ có điều kiện là có nguồn điạ nhiệt rất tốt, dạng năng lượng mà chúng tôi hay gọi là năng lượng tái tạo, tức là loại năng lượng cứ thế sinh ra, không mất đi đâu cả. Điạ nhiệt từ dưới lòng trái đất đi lên là cái nguồn lợi rất lớn của Philippines. Nước này có dự định trở thành một trong những nước sản xuất địa nhiệt lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới, mà họ yên trí là có thể làm được việc đấy».

Phát triển năng lượng hạt nhân như vậy hoàn toàn không phải là thượng sách. Nhưng làm sao để đáp ứng nhu cầu điện năng ? Về trường hợp của Việt nam, giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng một trong những giải pháp là phải giảm bớt hiện tượng lãng phí năng lượng, hợp lý hoá cơ cấu sản xuất :

«Việt Nam phải cần xem lại cơ cấu kinh tế của mình. Tại sao lại tiêu thụ nhiều năng lượng như vậy. Thứ hai là vấn đề lãng phí năng lượng. Vấn đề này ở Việt Nam rất rõ, nhưng ít thấy mọi người đề cập đến, mặc dù báo chí chúng tôi cũng có viết, một số người khác cũng có nói, nhưng ít ai quan tâm giảỉ quyết chuyện đó.

Tại sao có một nghịch lý, nhất là cái chuyện mà các nhà chuyên môn gọi là hệ số đàn hồi, tức là tăng trưởng điện năng của Việt Nam gấp đôi tăng trưởng GDP. Đó là một cái chuyện không bình thường, thế giới không có cái chuyện đấy. Trên thế giới, hai mức này thường xấp xỉ như nhau, tức là tốc độ tăng trưởng điện năng ngang với tốc độ tăng trưởng GDP, thậm chí còn thấp hơn. Việt Nam bây giờ là gấp đôi, thậm chí một số chính khách còn nói là còn có thể cao hơn nữa, tăng đến 20%.

Như vậy, rõ ràng chúng ta có những vấn đề về chính sách phải xem xét lại, chứ không phải vì mục tiêu chạy theo tăng trưởng điện năng và cứ thế là...

Nguyên nhân do đâu ? Vì không đủ số liệu thống kê, cho nên chúng tôi không thể biết được là từng loại hộ tiêu thụ như thế nào, nhưng có một vấn đề rất rõ là trong điều kiện hiện nay, ở rất nhiều nước, người ta sản xuất công nghệ rất cũ, tốn điện năng, thì người ta có xu hướng đưa về những nước dễ dãi về điện năng. Việt Nam đang cần đầu tư nước ngoài, cho nên nhập rất nhiều nhà máy sản xuất thép, rồi nhôm… Cái đấy chúng ta cũng cần, nhưng có điều là phải xem xét…

Việt Nam là một trong những nước về giá điện trong vùng vẫn còn thuộc loại rẻ. Do đó ngưòi ta không dại gì mà không đầu tư vào Việt Nam với nhũng cái công nghệ tốn rất nhiều năng lượng. Bây giờ ta phải bình tĩnh xem xét chuyện này».

Một giải pháp khác là phát huy các loại năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, cho dù trước mắt, giải pháp này còn tốn kém.

«Rõ ràng vùng Đông Nam Á có thuận lợi rất lớn về năng lượng mặt trời. Rất tiếc là cái này còn đắt quá và phụ thuộc vào công nghệ của các nưóc phát triển, cho nên phải đợi một thời gian. Thế nhưng, nếu không có chính sách phát triển loại năng lượng tái tạo như thế, thì chẳng bao giờ có cả.
Tôi thấy kinh nghiệm ở Viêt nam rất rõ. Trước đây không ai nói, bây giờ bắt đầu nói về chuyện này. Trước đây viện Goethe cũng có mời ông Scherrer, chủ tịch Hội đồng Năng lượng Tái tạo châu Âu sang, chúng tôi cũng có một buổi giao lưu, cũng có chộn rộn lên một lúc, nhưng rồi gần đây cũng không có gì rõ ràng trong chuyện này.

Vì sao ? Bởi vì đầu tư vào chuyện này tốn kém, mà chưa thấy trước cái lãi. Không có lợi nhuận, cho nên ngườì ta không theo. Và như vậy ta cần có một chính sách khuyến khích và đặc biệt có thể có chính sách khuyến khích dưới dạng là anh nào làm tổn hại đến môi trường là phải đóng thuế phạt. Điều này chưa hình thành, do đó, không khuyến khích được năng lượng tái tạo.

Thật ra vùng này là nơi mà năng lượng tái tạo là một tiềm năng rất lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Nhưng chưa có nước nào đi tiên phong để thương mại hoá, mà chủ yếu là phải chờ các nưóc lớn, công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Đức, Mỹ v.v...

Thật ra giải pháp cho vùng ASEAN này cũng là một vấn đề chung cho toàn thế giới. Nhưng theo tôi, nó không đến nỗi cực kỳ khó khăn. Cái quan trọng nhất vẫn là làm thế nào xem lại cơ cấu của nền kinh tế, sao cho tiêu thụ ít điện năng nhưng sản xuất ra nhiều. Như thế thì phải chịu đi vào công nghệ mới, đi vào những công nghệ tiêu tốn ít điện năng. Đây là cái mà các nhà hoạch định chính sách phải lo, chứ còn bây giờ tất cả trở thành một cái nơi để nguòi ta đưa công nghệ cũ, công nghệ rất tốn điện vào, thì có lẽ đấy là một chính sách không đúng».

Nhìn chung, có thể nói rằng, điện hạt nhân không phải là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong vùng Đông Nam Á. Không phải là ngẫu nhiên mà nước phát triển nhất trong ASEAN là Singapore là nước duy nhất không hề quan tâm đến điện hạt nhân mà ngược lại thì có cả một chiến lược biến mình thành trung tâm phát triển năng lượng mặt trời. Vào tháng 10 năm 2007, tập đoàn năng lượng tái tạo REC của Na Uy cho biết là sẽ đầu tư ba tỷ euros, tức là gần 4 tỷ rưỡi đô la, vào một nhà máy tại Singapore để chế tạo linh kiện sản xuất năng lượng mặt trời.
Mai Vân
(Ảnh: chinadigitaltimes.net)

Không có nhận xét nào: