Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

Giới tướng lãnh Miến điện: Thấm đòn trừng phạt của Hoa kỳ ?

11/11/2007_ Phải chăng các đòn nhắm vào các tướng lãnh chóp bu của Miến Điện đã bắt đầu thấm ?

Đó là câu hỏi rất chính đáng đặt ra ngày hôm nay, khi các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ ban hành vào ngày 19 tháng 10 vừa qua đánh vào hầu bao của chế độ, đã làm cho một số nhà tài phiệt của Miến Điện chao đảo. Bằng chứng là vào đầu tuần qua, ông Tay Za, một trong những nhân vật bị liệt kê vào sổ đen của Hoa Kỳ đã phải kêu oan.

Số là Tay Za cùng với vợ và đứa con trai của ông nằm trong danh sách những nhân vật và doanh nghiệp bị Hoa Kỳ trừng phạt. Ngay sau đó, hãng hàng không Air Bagan mà ông là chủ nhân đã buộc phải ngừng các chuyến bay ra nước ngoài nối liền Miến Điện với Singapore và với Thái Lan.

Theo Reuters, các ngân hàng Singapore đã quyết định từ nay không giao dịch với công ty Air Bagan nữa.

Tay Za vào tuổi 42, đứng đầu một tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Miến Điện mang tên là Htoo Trading Company. Tập đoàn này còn kiểm soát một số công ty đã đăng ký tại Singapore như Htoo Wood Products, PAVO Trading và hãng hàng không Air Bagan. Nhà tài phiệt Tay Za được xem là thuộc nhóm doanh nhân thân cận của lãnh đạo số 1 Miến Điện Than Shwe. Tay Za thường làm ăn buôn bán với vợ con các vị tướng, cho nên tập đoàn Htoo Trading của ông phát triển ngoạn mục. Vừa xuất khẩu gỗ, sản xuất dầu dừa, vưà kinh doanh địa ốc và có mặt trong các hợp đồng mua bán vũ khí, Htoo Trading là một trong hai tập đoàn giành được hợp đồng béo bở là xây dựng thủ đô mới của chế độ tại Naypidaw, trong mấy năm qua.

Với bấy nhiêu cơ ngơi, chắc chắn là các công ty của Tay Za thuộc vào hệ thống kinh tài cho chế độ quân phiệt. Từ nay, việc buôn bán với nước ngoài của họ sẽ gặp khó khăn. Ngay cả các trương mục của họ đặt tại các ngân hàng một nước khu vực như Singapore không chóng thì chầy sẽ bị phong toả.

Khi ban hành vào tháng 10 vừa qua, các biện pháp trừng phạt đối với 12 cá nhân và đơn vị kinh doanh của Miến Điện, Hoa kỳ đã nhắm vào các đối tượng cụ thể đang đứng đầu chế độ. Ngoài ra, có một danh sách thứ nhì các cá nhân bị cấm không đưọc đặt chân vào Hoa Kỳ. Tài sản của họ đặt tại các ngân hàng Mỹ bị phong toả. Danh sách thứ nhì này bao gồm 11 vị lãnh đạo Miến Điện. Cùng với các biện pháp nhắm vào các lãnh đạo trước đây vào năm 1997, tổng cộng có 25 tướng lĩnh quân đội nằm trong sổ đen của Hoa Kỳ.

Bên cạnh các đòn của Hoa kỳ, Liên hiệp Châu Âu đã siết thêm cấm vận, cấm nhập khẩu gỗ và đá quý. Các biện pháp trừng phạt này nhắm vào túi tiền các lãnh đạo và cá nhân họ, được mệnh danh là đòn trừng phạt khôn ngoan, vì đại đa số nguời dân không bị tác động.

Trong thời gian gần đây, vào năm 2005, những biện pháp tài chính nhắm vào Bắc Triều Tiên, trong vụ phong toả 24 triệu đô la trong ngân hàng Banco Delta Asia tại Macao, đã buộc Bình Nhưỡng phải nối lại vòng đàm phán 6 bên. Thao tác của Hoa kỳ, ngoài ra, đã khiến cho Ngân hàng Banco Delta Asia bị dồn vào tình trạng nguy kịch, đứng bên bờ phá sản.

Ngày nay, cho dù các chính phủ châu Á không cấm giao dịch với Miến Điện, nhưng chắc chắn là các ngân hàng trong khu vực, dưới sức ép của Washington, cũng phải suy đi tính lại trước khi làm ăn như xưa.
Bảo Thạch

(Ảnh AP: Chủ tịch hãng hàng không Miến điện Air Bagan, Tay Za - bên trái - nói chuyện với Tư lệnh Rangun, tướng Hla Htay Win - bên phải - và bộ trưởng giao thông Miến điện, tướng Thein Swe - ở giữa - trong lễ mừng chuyến bay quốc tế đầu tiên của Air Bagan, tại sân bay quốc tế Rangun, ngày 15 tháng 5 năm 2007)

Không có nhận xét nào: